Tổng quan triết học Hegel (Kỳ 2)

12:19 CH @ Thứ Hai - 02 Tháng Bảy, 2018

Kỳ trước:

.

3. Sử quan của Hegel

Đây là phần Hegel sử dụng luận lý biện chứng vào việc nghiên cứu lịch sử của tinh thần con người. Trong cuốn “Hiện tượng học về tinh thần”, Hegel đề cập đến 3 giai đoạn của quá trình tiến hóa như sau:

3.1. Con người là ý thức:

Con người là ý thức, hay nói đúng hơn, đây là giai đoạn con người có ý thức về ngoại vật. Trong quá trình biện chứng, ý thức ngoại vật cũng qua ba nhịp: cảm giác, tri giác, trí năng.

Khởi đầu, tâm trí ta là một ý thức thuần túy, trống rỗng, chưa có nội dung. Đến khi gặp sự vật, ý thức mới được đổ đầy bởi sự vật, ý thức gắn liền với sự vật trong thể sinh hoạt của nó. Nói cách khác ở giai đoạn này ý thức mới gặp sự vật này sự vật nọ nhưng chưa có sự phản tỉnh về các sự vật ấy. Đó là lúc ý thức bị “tha hóa”.

Đến giai đoạn hai, giai đoạn tri giác (tức hủy thể của ý thức cảm giác) “tâm trí ta không còn vướng mình trong những sự vật đặc thù, trái lại vươn tới sự vật trong bản chất phổ quát của nó. Nói khác đi, ý thức tri giác là ý thức về sự vật đã được xếp thành các khái niệm có thuộc tính chung, chủ yếu, bản chất. Ví dụ sông, núi, bàn, ghế… Như vậy chữ tri giác của Hegel rất khác với chữ tri giác của chúng ta dùng hiện nay và nó gần giống nghĩa với chữ khái niệm (tức tri thức đã phản tỉnh và đạt đến trình độ trừu tượng, phổ quát).

Giai đoạn thứ ba là giai đoạn trí năng. Đó là giai đoạn tâm trí ta nhận ra rằng sự vật mà lâu nay ta tưởng là những đối tượng xa lạ, độc lập ở ngoài ta thật ra chỉ là những hình ảnh của ta có về nó mà thôi. Bởi vì tính chất sâu xa của sự vật (mặt trong của sự vật hay bản tính tự thân của sự vật) chẳng có gì khác hơn là tổng số của những hiện tượng bên ngoài, tổng số những cảm giác ta có về nó. Thế là tâm thức đã hư vô hóa tất cả những sự vật trong thiên nhiên: không có những sự vật tự thân, tự tại ở ngoài ta.

Tóm lại, tâm thức trong lần xuất ngoại đầu tiên đã trở thành sự vật tha hóa. Nhưng tiếp đó tâm thức đã hủy tính chất đặc thù ở nơi sự vật, biến sự vật thành những đối tượng phổ quát. Cuối cùng, sau nhiều lần kinh nghiệm về sự vật, tâm thức nhận ra và quyết chắc rằng sự vật không có gì khác hơn là những nhận định của ta về sự vật mà thôi. Không có những sự vật tự thân, tự tại mà chỉ có những quan niệm của chúng ta về chúng.

3.2. Con người là ý thức về mình:

Trên đây chúng ta vừa chứng kiến một chiến thắng của tâm thức trong việc tiêu hủy hoàn toàn tính chất tự thân của vũ trụ, thiên nhiên. Vạn vật từ nay đã biến thành những quan niệm của tâm thức.

Tuy niên nếu tâm thức giải quyết cuộc giằng co giữa tâm và vật, giữa ta và vũ trụ một cách dễ dàng và ngoạn mục thì ngược lại tâm thức lại vấp phải một cuộc “tử chiến” vô cùng cam go giữa các tâm thức với nhau, cuộc tử chiến mà Hegel gọi là tử chiến giữa chủ và nô.

“Tôi chỉ là một tâm thức tự thức nếu tôi được một tâm thức tự thức khác nhìn nhận và tôi cũng nhìn nhận nó như thế”. “Nhìn nhận”, nguyên do rắc rối là ở chỗ đó.

Con người không muốn “có đấy” như những sự vật mà còn muốn được nhìn nhận, được xem là chủ nhân ở trong xã hội. Nhưng nếu giữa hai người, ai cũng muốn làm chủ thì nhất định phải xảy ra cuộc tử chiến. Kết quả là bên nào dám liều mạng sống để quyết đạt cho kỳ được quyền làm chủ thì sẽ trở thành chủ nhân, bên nào dám liều mạng sống để quyết đạt cho kỳ được quyền làm chủ thì sẽ trở thành chủ nhân, bên nào ham sống sợ chết thì can tâm làm nô lệ. Và cuộc tử chiến chấm dứt bằng sự truy nhân lẫn nhau; Chủ coi mình là chủ nhân của nô. Còn nô thì tự nhận mình là nô lệ của chủ. Từ đây nô hoàn toàn thuộc về chủ. Ý nghĩ và hành động của nó tức là ý nghĩ và hành động của chủ. Vậy là giữa hai tâm thức đã biến mất đi một và chỉ còn tâm thức của chủ mà thôi.

Hegel cũng có nói rằng nô vì phải cần lao cho chủ mà khám phá được rằng con người có khả năng biến đổi thiên nhiên và bắt thiên nhiên phục vụ cho mình. Nô nhờ lao động mà làm chủ thiên nhiên, đó chính là con đường phải giải thoát của nô lệ. Nhưng nó vẫn là nô vì sợ chết và đành quy phục chủ. Tuy nhiên Hegel trước sau vẫn đề cao ý thức của chủ và coi đó là tượng trưng cho sự tự chủ của tinh thần. Mãi sau này Marx mới lật ngược lại giá trị của nô, coi nô (giai cấp vô sản) mới là khả năng sáng tạo và sản xuất ra mọi tài nguyên trong xã hội. Nô mới đáng là chủ nhân của xã hội còn chủ (giai cấp tư sản) chỉ là hạng ăn bám.

Mặt khác Hegel cũng đã đề cập đến phái Khắc Kỷ và Hoài Nghi nhiều lần trong các tác phẩm của ông, nhất là trong cuốn Hiện tượng học và cuốn Logic học. Ông coi ý thức hoài nghi là hình thức toàn hảo của ý thức về mình, tức ý thức đã bỏ rơi vũ trụ để quay về với chính mình.

Ý thức khắc kỷ thì quyết tâm đi tìm cái tuyệt đối nhưng chỉ gặp trong vũ trụ toàn là những cái tương đối, bởi vậy đâm ra thất vọng rồi bỏ rơi vũ trụ và quay về với chính mình. Ý thức khắc kỷ từ nay không còn ngó ngàng gì đến thế giới bên ngoài nữa.

Song thái độ đó chỉ mới là thái độ phủ nhận vũ trụ. Bởi vì vũ trụ vẫn còn đấy; vũ trụ chỉ mới bị họ ngoảnh mặt làm ngơ thôi. Với thái độ của phái Hoài nghi thì vũ trụ mới thực tan biến thành mây khói. Ý thức của người hoài nghi không những phủ nhận vũ trụ mà còn chối bỏ hẳn vũ trụ nữa. Hegel bảo: “Trong Hoài nghi chủ nghĩa, ý thức nhận rõ tính chất vô yếu tính và lệ thuộc của Tha thể”. Họ coi Tha thể (tức vũ trụ) là vô yếu tính; như thế có nghĩa vũ trụ không là gì hết, hư vô… Đằng khác nếu tha thể không là gì hết thì nó sẽ phải hoàn toàn lệ thuộc vào ý thức.

Như vậy nhờ ý thức mà mọi khách thể được phát sinh và tồn tại. Cho nên ý thức tự quy rõ ràng là một hiện hữu duy nhất sau khi ý thức đó đã đẩy vũ trụ và thế hư vô.

3.3.Con người là lý trí:

Sau khi biết mình là ý thức, rồi biết mình là ý thức tự quy, bây giờ tâm thức lại biết mình là lý trí.

“Lý trí là ý thức tự quy biết chắc mình là tất cả thực tại”, là tất cả những gì có thực đang tồn tại.

Trước đây trong ý thức về ngoại vật và ý thức về tha nhân, tâm thức cũng đã biết mình là tất cả thực tại. Nhưng đó là cái biết chủ quan, nay tâm thức còn có thể chứng nghiệm một cách khách quan rằng mình có khả năng tác tạo nên tất cả thực tại nữa.

  • Trong các khoa học vô cơ

Chẳng hạn trong khoa vật lý, lý trí thiết lập được những định luật đang chi phối sự vận hành của thiên nhiên. Nắm vững những định luật vật lý này, con người có thể chế tạo nên các sự vật như ta từng thấy ở trong phòng thí nghiệm và trong kỹ nghệ. Thế mà những định luật chúng ta vừa nói đến cũng chỉ là con đẻ của lý trí thôi.

  • Trong các khoa học hữu cơ

Vật hữu cơ là vật có sự sống như thực vật và động vật. Lý trí thiết lập được hai định luật đã chi phối tất cả các vật thuộc loại này là luật thích ứng và luật cứu cánh.

Thích ứng ở đây là thích ứng với môi trường sống (khí hậu, đất, nước, thực phẩm…) Còn về luật cứu cánh thì có thể nói, tất cả hoạt động của sinh vật đều nhằm bảo toàn sự sống của nó và của loài nó. Biết được những định luật của các vật hữu cơ, con người có thể pha giống nhiều loại cây và súc vật cũng như có thể đem một giống vật ở xứ lạnh về nuôi ở xứ nóng bằng cách tạo cho nó một môi trường thích hợp. Cho nên khi đưa ra được các định luật về thích ứng và cứu cánh, con người có thể tự hào là đã thấu triệt được cái lẽ sống của các sinh vật. Hay nói cách khác, con người là tác giả của các định luật thì con người cũng là tác giả của các loài hữu cơ. Bởi vậy Hegel mới nói: “Tất cả vũ trụ vạn vật chỉ là hình ảnh của chúng ta”.

  • Trong các khoa học nhân văn

Đây là nơi con người nhận ra “mình là tất cả” không phải bằng quan sát như ở các khoa học vô cơ và hữu cơ mà bằng hành động. “Lý trí hành động là lý trí muốn tác tạo nên chính mình”. Tại sao vậy?

Như chúng ta biết, con người bản chất là một vật tự do nên nó tự do trong việc tác tạo nên chính mình. Mình ra sao là hoàn toàn do mình tạo nên. Chính trong sinh hoạt nhân vị ấy mà con người nhận ra sự chủ động của mình cùng khả năng sáng tạo của mình.

Vậy là sau khi biết mình đã tác tạo nên các vật vô cơ và chi phối được các vật hữu cơ, tâm thức lại biết được rằng chính mình có thể thực hiện bản lĩnh của mình: Mình là tất cả.

3.4. Con người là tinh thần:

Với tinh thần, con người lại bước thêm một bước nữa trên đường tự giác. Nhìn vào lịch sử nhân loại, ta thấy có 3 giai đoạn. Đó cũng là 3 nhịp biện chứng của Tinh Thần:

  • Thời kỳ thứ nhất: Tượng trưng bởi xã hội Hy Lạp và La Mã xưa. Đó là thời mà con người chỉ mới nhận biết mình là công dân của một xứ sở, một dân tộc chứ chưa ý thức mình là một chủ thể riêng biệt. Con người chưa có sinh hoạt nhân vị tự do và chỉ mới sinh hoạt như mọi người trong cộng đồng dân tộc.

Con người chưa sống như một chủ thể. Về đạo đức, mỗi thành viên phải tuân thủ nghiêm ngặt các phong tục tập quán của cộng động. Nhà nước là khuôn khổ của mọi sinh hoạt cá nhân. Hegel gọi giai đoạn này là giai đoạn tha hóa của bản ngã.

  • Thời kỳ thứ hai: Từ Trung cổ đến thế kỷ 18, tượng trưng bởi Ki tô giáo. Ở giai đoạn này con người thôi phát triển bản ngã theo đà của đoàn thể và đã biết nhận lãnh trách nhiệm về hành vi của mình, bắt đầu sinh hoạt như một chủ thể. Đó là căn nguyên gây nên sự khổ não nơi con người. Con người ray rứt trong ước vọng khám phá ra giá trị riêng của mình chứ không muốn sống rập khuôn theo cộng đồng. Cho nên đó là điều kiện làm phát sinh ra văn hóa.

Thế là con người từ chối bản ngã hiện có, bản ngã trực tiếp, bản ngã “như thiên hạ” để nhằm đến một bản ngã cao hơn.

  • Thời kỳ thứ ba: Tượng trưng bởi “thời đại ánh sáng” tức thế kỷ 18 với cuộc cách mạng Pháp, mở đầu cho một giai đoạn mới, giai đoạn của nhân đạo và tự do.

Theo Hegel, trong thời kỳ thứ hai, con người khao khát đạt đến cái toàn thiện nhưng không làm sao có thể thực hiện bởi lẽ con người còn đặt cái toàn thiện ấy ở nơi Thượng Đế. Nay con người mới giác ngộ ra rằng cái toàn thiện ấy chẳng qua cũng chỉ là hình ảnh của chính mình được tuyệt đối hóa mà thôi. Vậy là cái thế giới toàn thiện đã bị tha hóa trước kia, giờ đây đã được thu hồi về chủ thể. Hai thế giới đã hợp thành một và “Trời đã chuyển xuống đất”. Hay nói đúng hơn, Trời đã chuyển vào tâm thức con người.

3.5. Con người là tinh thần tuyệt đối

Cho đến đây, tâm thức con người đã vượt qua bốn chặng đường:

Ở chặng một, tâm thức tưởng mình là trống rỗng (thuần túy), đồng thời tưởng lầm rằng vạn vật trong thiên nhiên là những hiện hữu khách quan ở ngoài tâm thức.

Thế rồi Hegel vạch cho ta thấy rằng thiên nhiên thực ra chỉ là quan niệm của tâm thức (ở cuối chặng một), tha nhân là một cách tồn tại khác của tâm thức (ở chặng hai), khoa học là một sản phẩm khác của tâm thức (ở chặng ba) và lịch sử cũng chỉ là sinh hoạt của tâm thức mà thôi (ở chặng bốn).

Bây giờ còn một chút nữa là tâm thức đi hết vòng một trong việc thu hồi tất cả thực tại vào mình hay chứng minh rằng mình là tất cả thực tại. Chỗ còn lại ấy chính là tột đỉnh của tinh thần: Chân, Thiện, Mỹ (tức Thượng Đế trong tôn giáo vì Thượng Đế là một đấng toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ).

Hegel bảo con người vừa là một tự ngã (en-soi), vừa là một quy ngã (pour-soi). Là tự ngã khi con người chỉ là một hữu thể tự tại, một sinh vật im lìm. Là quy ngã khi con người là một chủ thể chủ động. Do đó con người chỉ hết tha hóa khi đạt được tình trạng tự ngã quy ngã (en-soi-pour-soi) nghĩa là thâu gồm tất cả thực tại vào trong mình. Như thế con người vừa là hữu hạn, vừa là vô hạn. Ông lại bảo, vì tâm thức con người vốn “rỗng” nên nó có thể thu tóm tất cả thực tại vào nó, kể cả Tuyệt Đối. Nói trắng ra, tâm thức con người cũng là Tuyệt Đối, là tất cả. Ở trong trời đất này chỉ có một hiện hữu duy nhất đó là Tinh Thần Tuyệt Đối. Tinh Thần ấy sau khi rời bỏ trạng thái uyên nguyên, trải qua hết vòng hành trình của số kiếp, giờ đây mới nhận ra mình là Tuyệt Đối, là tất cả Thực Tại.

Đẩy tâm thức đến chỗ thu hồi được tất cả thực tại tức là Hegel đã có thể xoa tay khoan khoái đứng nhìn “kiệt tác” của mình.

Thế nhưng người đọc thì không có được cái khoan khoái như tác giả: Có người bảo Hegel đã xây sử quan của ông bằng một tưởng. Có người bảo Hegel đã đẩy chủ trương Duy tâm đến chỗ tuyệt đối. Nhưng đặc biệt là Kierkegaard và Marx thì đã chỉ trích Hegel một cách nặng nề. Marx bảo “Hegel đã bắt lịch sử đi bằng đầu” nên bây giờ ông “phải lật lịch sử xuống để nó đi bằng chân”. Còn Kierkegaard trong ký sự 1837 thì chế diễu Hegel là “một con quạ đã đánh mất mồi ngon vì trổ tài hùng biện”. Thực vậy, Hegel vì ham lý sự hùng hồn mà quên mất cuộc đời thiết thực và quên rằng con người chỉ là một vật hữu hạn ở trần gian chứ không phải là một hữu thể tuyệt đối. Bởi lẽ đó Kierkegaard mới kêu gọi: “Hỡi các bạn: Hãy xa lánh hệ thống trừu tượng, tức là trước hết phải xa lánh Hegel”. Đúng thế, phải xa lánh Hegel; vì chúng ta không thể nào sống cuộc đời thiết thực bằng thứ triết lý viển vông, trừu tượng…

(Còn nữa)


Về tác giả:
Lê Tử Thành, sinh năm 1942 tại Đà Nẵng

.
  • Bút hiệu: Lê Hồng Đức, Trường Thành, Quan Điểm, Vạn Lý, Nguyễn Thị Ngọc Thắm
  • Đã cộng tác với các tạp chí: Bách Khoa, Tư Tưởng, Nghiên cứu Việt Nam, Văn Học, Thiện Mỹ, Trình Bày, Văn Mới...
  • Tốt nghiệp cao học triết học (thạc sĩ) tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn năm 1966.
  • Giảng dạy triết học phương Tây, Logic học, Phương pháp luận nghiên cứu Khoa học (ở bậc Đại học và sau Đại học)
  • Trước 1975: Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đại học Cần Thơ, Đại học Vạn hạnh, Đại học Tây Ninh.
  • Sau 1975: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Cần Thơ, Đại học Kinh tế, Đại học Luật, Đại học Kiến trúc, Đại học Mở Bán công, Đại học Văn Lang, Đại học Hùng Vương, Đại học Văn Hiến, Đại học Bình Dương, Đại học Yersin Đà Lạt
.
* Tác phẩm đã xuất bản:
  • Đại cương triết học cận đại (1973)
  • Đưa vào triết học (1973)
  • Tìm hiểu Logic học (1991)
  • Logic học và phương pháp luận nghiên cứu khoa học (1991)
  • Nhập môn Logic học (2004)
  • Người đàn bà huyền thoại (2013)
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tổng quan triết học Hegel (Kỳ 1)

    30/06/2018Lê Tử ThànhCó thể nói rằng, kể từ Hegel, triết học bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của con người sống trong lịch sử và tạo nên lịch sử.
  • Tư tưởng biện chứng của Hegel và sự kế thừa của triết học Marx

    21/02/2018Kiều Anh VũNghiên cứu lịch sử triết học trước Marx, chúng ta biết rằng triết học cổ điển Đức (từ cuối thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX) là một trong những nền triết học phát triển cao, ảnh hưởng lớn tới triết học hiện đại, đặc biệt là triết học Marx...
  • Tôi nghi ngờ ông Hegel

    07/11/2014Thảo Hảo (Phan Thị Vàng Anh)Tôi được người bạn tặng cho bộ Mỹ Học (2 tập) của Heghen. Tuy nhiên thỉnh thoảng tôi có mở ra rồi đóng lại ngay, vì thấy khó hiểu, đọc cả một trang mất một lúc, nhưng nếu ai nói tóm tắt lại thì không tóm tắt được, nhất là hiểu được Triết qua... bản dịch tiếng Việt. Triết khó vì cái gì?
  • Thử tìm hiểu triết học pháp quyền của Hegel (*)

    19/09/2013Mai SơnCác nguyên lý của triết học pháp quyền của Hegel là một trong vài tác phẩm kinh điển trong lịch sử của triết học chính trị, bàn luận về hầu hết mọi chủ đề liên quan đến đời sống thực hành của con người. Chính vì tính chất “thực hành” đó mà cuốn sách thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà phê bình, và cũng bị phê phán từ đủ mọi hướng...
  • Triết học cổ điển Đức từ Kant đến Hegel

    17/12/2009Trần Đức ThảoBiện chứng pháp duy tâm của Hegel là thành tích cao nhất của tư tưởng cận đại trước Marx. Triết học cổ điển Đức, chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp và Anh, kinh tế học Anh, đó là ba nguồn gốc chính của chủ nghĩa Marx.
  • Một vài suy nghĩ về vai trò triết học Hegel và “ý niệm tuyệt đối” của ông

    16/09/2008Vũ HùngTriết học Hêgen là một thứ "chủ nghĩa duy tâm thông minh", có những "hạt nhân hợp lý" và rất có giá trị, trở thành một trong những tiền đề trực tiếp của chủ nghĩa Mác, được các học giả và các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đánh giá rất cao...
  • Những tư tưởng cơ bản của Hegel về logic học với tính cách là logic biện chứng

    29/08/2006TS. Nguyễn Đình TườngĐiểm xuất phát triết học của Hegel là sự đồng nhất duy tâm giữa tư duy và tồn tại hay là ý niệm tuyệt đối. Nói một cách khác Hegel là nhà triết học duy tâm khách quan, nghĩa là đối với ông tư tưởng của chúng ta không phải là sự phản ánh thế giới hiện thực khách quan, trái lại những sự vật và hiện tượng trong thế giới là sự thể hiện của ý niệm tuyệt đối, mà ý niệm này tồn tại trước khi thế giới xuất hiện...
  • Về cặp phạm trù “cái phổ quát - cái đặc thù - cái đơn nhất” trong phép biện chứng của Hegel

    27/08/2006TS. Phạm Chiến KhuĐối với các nhà triết học cũng như những người quan tâm đến triết học, hầu như không có cặp phạm trù nào trong phép biện chứng của Hegellại dễ bị hiểu sai và xa lạ như cặp phạm trù "cái phổ quát - cái đặc thù - cái đơn nhất"...
  • Thông diễn học của Hegel

    24/04/2006Ts. Lê Tuấn Huy (dịch)Hermeneutics hiện thường được dịch là "chú giải học". Tuy nhiên, nhánh học thuật này, với ý nghĩa đương đại, đã không còn bó hẹp trong việc chú giải Kinh thánh hay văn bản như trước, mà là sự thông đạt lẫn nhau từ sự diễn dịch tư tưởng, lý luận...
  • xem toàn bộ