Triết lý giáo dục bình đẳng, vì con người

09:04 SA @ Thứ Ba - 26 Tháng Hai, 2008

Với nguồn kinh phí hiện nay, nếu biết chắt chiu chi tiêu theo kiểu "con nhà nghèo" thì VN hoàn toàn có thể miễn học phí đối với các cấp học phổ cập và giảm dần tiến đến bỏ học phí ở các cấp THPT và ĐH để xây dựng một nền giáo dục bình đẳng, vì con người. Đồng thời, cần có sự điều chỉnh chương trình để hướng tới đào tạo những HS có năng lực đọc hiểu, khả năng tư duy toán học, khả năng hiểu biết và vận dụng kiến thức khoa học, và năng lực xử lý tình huống chứ không chỉ biết học thuộc lòng.

Triết lý giáo dục: bình đẳng, vì con người

Đổi mới giáo dục là một thành phần cực kỳ quan trọng trong toàn bộ công cuộc đổi mới của chúng ta, cho nên nếu nói đây là thời điểm thích hợp và cần thiết, thì thực ra nó đã là thích hợp và cấp thiết từ rất lâu rồi. Trong suốt tiến trình đổi mới, và đặc biệt trong mấy năm gần đây, thực tiễn phát triển đất nước ngày càng đòi hỏi nhiều chất lượng cao hơn của giáo dục, nên các vấn đề giáo dục ngày càng “nóng” hơn, và đã được xã hội quan tâm nhiều hơn.

Đã có nhiều tranh luận, nhiều ý kiến, phê phán có, đóng góp có, cả về những vấn đề lớn và chung về triết lý, về quan điểm, cả về những giải pháp và biện pháp cụ thể, nhưng hình như nói đã nhiều mà nghe thì chưa được bao nhiêu.

Cho nên nếu xem là thích hợp, thì tôi đồng ý có lẽ đây đã là thời điểm thích hợp để bình tĩnh ngồi lại để nghiền ngẫm và cân nhắc mọi ý kiến đóng góp, mọi đề xuất... để thực sự rút ra được những kết luận cần thiết cho những vấn đề của nền giáo dục của ta hiện nay, từ những vấn đề về quan điểm, mục tiêu của giáo dục cho đến những giải pháp, biện pháp giải quyết những bài toán trước mắt.

Những vấn đề chung về triết lý giáo dục, về quan điểm, mục tiêu của giáo dục, tuy theo một cách hiểu nào đó, có thể không liên quan trực tiếp đến những giải pháp cho những vấn đề trước mắt, nhưng nếu thiếu sự chỉ đạo của một triết lý chung có tính chất bao trùm như vậy thì việc đi tìm những giải pháp cho các vấn đề cụ thể sẽ dễ sa vào tính lẻ tẻ, chắp vá, thiếu nhất quán.

Cho nên, dầu có thể chưa sớm đạt được sự thống nhất hoàn toàn, tôi vần nghĩ rằng tiếp tục tranh luận để đi đến xác định được một nội dung đồng thuận về mục tiêu giáo dục là hết sức cần thiết. Riêng tôi, tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả Nguyên Ngọc khi anh phát biểu rằng cần phải thiết lập một nền giáo dục thích hợp với thời đại ngày nay (1), dựa trên một triết lý cơ bản về giáo dục, lấy mục tiêu là đào tạo nên những con người tự do, có năng lực tư duy độc lập, giàu khả năng và ý chí sáng tạo, dám và biết tự mình đi tìm lấy chân lý, và sống và làm việc theo chân lý mình đã chọn, chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy.

Sự thống nhất của xã hội sẽ là sự thống nhất của những con người tự do, đầy trách nhiệm với chính mình và với xã hội, đầy tự chủ và sáng tạo như vậy. Và, để tạo nên những con người tự do với các phẩm chất như thế, trách nhiệm của xã hội là phải kiến tạo một nền giáo dục thật sự bình đẳng và công bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự học tập của mọi công dân. Từ triết lý cơ bản đó mà tìm ra phương hướng giải quyết mọi vấn đề cụ thể khác, về tổ chức hệ thống giáo dục quốc dân, về qui định và hiện đại hoá các chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, về phân bổ ngân sách cho giáo dục, về quản lý và điều hành sự phát triển của nền giáo dục...

Hoàn toàn có thể miễn học phí trường công

Theo tôi nghĩ thì bằng vào các văn bản chính thức, nền giáo dục nước ta cũng không xa lạ gì lắm với các tiêu chí của một nền giáo dục theo chuẩn mực nói trên. Một số vấn đề tồn tại của nền giáo dục nước ta trong những năm qua có một phần là do ta chưa tôn trọng đầy đủ các qui định của các văn bản chính thức, và một phần là chưa cụ thể hoá được một cách thiết thực những yêu cầu có tính chất nguyên lý thành những đòi hỏi thực tiễn của công việc dạy học để thực hiện.

Thí dụ về hai vấn đề gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây là về chủ trương tăng học phí đối với các cấp học, và vấn đề cổ phần hoá các trường đại học và cao đẳng công lập.

Theo qui định của Hiến pháp, dưới chế độ ta, học tập là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi công dân, giáo dục phổ cập là cưỡng bách và là miễn phí, trình độ phổ cập được qui định theo từng giai đoạn, Hiến pháp 1946 qui định đó là “giáo dục sơ học”, Hiến pháp 1992 qui định là “bậc tiểu học”, đến Luật Giáo dục 2005 qui định “giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở là các cấp học phổ cập” (điều 11). Như vậy, lẽ ra không còn gì phải bàn cãi về việc không thu học phí đối với các cấp học từ trung học cơ sở trở xuống ở các trường công lập.

Còn đối với các cấp học từ trung học phổ thông trở lên thì tôi rất hoan nghênh ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài viết gần đây “Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo của nước nhà" (2): cần nghiên cứu kỹ một chế độ học phí theo hướng không tăng mà giảm dần, tiến tới bỏ học phí ở cấp phổ thông, rồi tiến đến bỏ học phí ở cấp đại học. Trong nhiều năm qua, tuy còn nghèo nhưng nhà nước ta đã cố gắng nhiều trong việc tăng liên tục ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo, chiếm đên 20% tổng chi ngân sách nhà nước và chiếm 9,2% GDP của cả nước, tức vào khoảng 67 ngàn tỷ đồng trong năm 2007, và dự kiến tăng lên hơn 72 ngàn tỷ đồng năm 2008.

Với nguồn ngân sách đó, nếu biết chắt chiu tính toán không để hoang phí, với cách chi tiêu tằn tiện quen thuộc của “con nhà nghèo” thì nếu được nghiên cứu kỹ, tôi nghĩ rằng ta hoàn toàn có thể thực hiện trong hệ thống công lập việc miễn phí đối với các cấp học phổ cập và “giảm dần tiến đến bỏ học phí ở các cấp phổ thông trung học và đại học”.

Về việc cổ phần hoá một số trường đại học và cao đẳng công lập cũng vậy, để đề ra một chủ trương như vậy ta phải căn cứ vào những điều mà Hiến pháp và pháp luật đã qui định và đang có hiệu lực.

Theo những qui định đó thì tính chất của nền giáo dục nước ta là nền giáo dục của một chế độ dân chủ cộng hoà rồi xã hội chủ nghĩa, nghĩa là một nền giáo dục vì công ích, có mục tiêu là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện... có nhân cách, phẩm chất và năng lực công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (3). Nhà nước có trách nhiệm tổ chức hệ thống các nhà trường (công lập) để thực hiện nhiệm vụ đó, đồng thời cũng qui định quyền của công dân được mở trường tư để cùng tham gia công việc giáo dục (Hiến pháp 1945 còn qui định rõ ở điều 15: “Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình nhà nước”).

Như vậy, nhà trường công lập là tổ chức giáo dục chủ chốt của nhà nước, do nhà nước lập ra để thực hiện nhiệm vụ giáo dục công ích của quốc gia, không thể chấp nhận việc cổ phần hoá, tức thương mại hoá, để các nhà đầu tư tư nhân có thể bằng việc góp cổ phần mà can thiệp vào việc thay đổi mục tiêu và nội dung hoạt động của nhà trường, như việc biến “giáo dục thành công việc kinh doanh và nhà trường thành doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận” như đã có một số người đề nghị. Nhà trường công lập có thể chấp nhận, thậm chí kêu gọi, sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức và cá nhân ủng hộ nhà trường, nhưng việc góp cổ phần để lập trường thì nên nhường hoàn toàn cho khối ngoài công lập!

Nhân đây tôi cũng muốn đề nghị thêm rằng nhà nước, mà cụ thể là Bộ GD-ĐT, cần sớm có các văn bản qui định vị trí, chức năng, và qui chế hoạt động cho các nhà trường ngoài công lập để các trường đó được hưởng các quyền lợi chính đáng, đồng thời có những nghĩa vụ đóng góp tích cực của mình vào sự nghiệp giáo dục chung.

Tinh giản chương trình để bớt “ngồi nhầm lớp”

Trên đây là một số vấn đề tồn tại do ta chưa quán triệt một số nguyên tắc đã có, và phần nào bị dao động trước những đòi hỏi cấp bách của thị trường; nhưng như đã nói ở trên, cũng có những tồn tại do ta chưa cụ thể hoá được một cách thiết thực những yêu cầu có tính chất nguyên lý thành những đòi hỏi thực tiễn của công việc dạy học để thực hiện.

Ta biết rằng mục tiêu của giáo dục được viết trong Hiến pháp hay trong Luật Giáo dục thì chỉ mới đề cập đến những nguyên lý chung, những yêu cầu cơ bản đối với sản phẩm của nền giáo dục, còn thể hiện những nguyên lý chung đó thành ra chương trình, nội dung dạy và học như thế nào thì còn là một khối công việc khổng lồ, đòi hỏi nhiều công sức và tâm huyết.

Nhận thức được điều đó, trong nhiều năm qua, ngành giáo dục nước ta đã tập hợp được một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học và giáo dục nghiên cứu soạn thảo xong một bộ chương trình giáo dục phổ thông và đang soạn các bộ sách giáo khoa, và các trường đại học và cao đẳng cũng đã và đang soạn các bộ chương trình khung và các sách giáo khoa cho các bộ môn trong chương trình học của mình.

Khối sản phẩm đó là kết quả của một công trình tập thể rất to lớn và công phu, tôi không có thẩm quyền và cũng không đủ khả năng để đưa ra các đánh giá thích đáng. Nhưng tôi có vài nhận xét nhỏ, và hy vọng từ vài nhận xét nhỏ đó có thể gợi lên một số vấn đề để suy nghĩ. Thí dụ đối với bộ chương trình và sách giáo khoa ở cấp học phổ thông, tính cập nhật và hiện đại hoá của nội dung các chương trình và sách giáo khoa đã được soan thảo là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, tính nặng nề, “quá tải” của nhiều chương trình dạy và học trong đó cũng là một yếu tố cần thừa nhận.

Có phải vì thế mà khắp nơi, học sinh và cả các thầy cô giáo vẫn không ngớt kêu ca về khối lượng học quá nặng, nhiều em học sinh vì không theo nổi, thi không đạt yêu cầu đến nỗi phải chịu cảnh “ngồi nhầm lớp”, để rồi để thực hiện lệnh “nói không với ngồi nhầm lớp” của ông Bộ trưởng, hàng trăm nghìn học sinh khắp cả nước phải chịu phạt xuống lớp, và đó đã là nguyên nhân chính khiến nhiều học sinh phải bỏ học trong vài ba tháng gần đây. Một nền giáo dục bình đẳng và vì dân liệu có thể dửng dưng nhìn hàng vạn học sinh phải bỏ học nửa chừng như vậy được không?

Rõ ràng ở đây có vấn đề quá tải của chương trình học mà ta cần tìm cách tinh giản để giải quyết. Nhưng khối kiến thức mà ta muốn cho học sinh học thì ngày càng lớn, vậy tinh giản bằng cách nào đây? Thế là, từ một vấn đề tưởng như nhỏ do chỗ “ngồi nhầm lớp” ta đã đi đến một chuyện không còn nhỏ là tìm các tiêu chí để tinh giản chương trình và nội dung học cho các bộ môn học ở nhà trường.

Vấn đề tinh giản cần được xem xét đối với từng bộ môn, và do có sự liên kết giữa các bộ môn nên cũng cần được xem xét trong sự liên kết tổng thể giữa nhiều bộ môn với nhau, tức là trong tổng thể của cả chương trình học. Và từ yêu cầu tinh giản trong tổng thể một chương trình học lại dẫn đến việc cần xác định rõ mục đích học đối với chương trình đó.

Tôi có đọc tài liệu về “Chương trình đánh giá học sinh quốc tế” (PISA - programme for international student assessement) của tổ chức các nước công nghiệp phát triển (OECD) đưa ra và thực hiện từ khoảng mười năm nay. Chương trình giáo dục trong trường phổ thông thường gồm rất nhiều bộ môn, nhưng các tiêu chí để đánh giá trong PISA thì, như trong kỳ thi 2006, được qui về 4 loại năng lực chủ yếu mà nhà trường phổ thông phải giáo dục cho học sinh là: năng lực đọc hiểu, khả năng tư duy toán học, khả năng hiểu biêt và vận dụng kiến thức khoa học, và năng lực xử lý tình huống (4).

Như vậy, chất lượng học tập của một học sinh không phải được đánh giá bằng việc thuộc được nhiều kiến thức hết môn này đến môn khác, mà được đánh giá bằng việc đạt được điểm cao về 4 tiêu chí có tính tổng hợp tạo nên các năng lực hiểu biết và vận dụng kiến thức kể trên. Giả sử trong vài năm tới, ta cũng muốn cho học sinh ta tham gia để được đánh giá theo PISA, thì chắc ta không thể tiếp tục dạy học sinh của ta theo cách nhồi nhét cho thật đầy bồ kiến thức mà phải cải cách chương trình để dạy học sinh ta có được, chẳng hạn, 4 loại năng lực có tính tổng hợp kể trên.

Tôi chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của các nước, nhưng tôi nghĩ rằng Trong vài ba năm qua với nhiệt tình đóng góp vào công cuộc chấn hưng giáo dục nước nhà, nhiều anh chị em khoa học, giáo dục trong nước cũng như đang làm việc ở nước ngoài đã và đang tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến quí báu, tâm huyết, nếu được tiếp thu và xem xét một cách trân trọng thì chắc cũng cho ta nhiều gợi ý quí giá cho công cuộc cải cách giáo dục của chúng ta.

Tôi rất có ấn tượng với cách làm và những thành quả đã đạt được của nền giáo dục Phần Lan, một đất nước không lớn ở Bắc Âu. Phần Lan có hoàn cảnh tương đối gần với ta, đã từng có những khó khăn bên trong, bên ngoài giống ta, vốn cũng xuất phát từ tình trạng một nước nông nghiệp, nhưng nhờ chú trọng phát triển một nền giáo dục bình đẳng và vì con người một cách độc đáo mà chỉ qua mấy thập niên cuối thế kỷ 20 đã nhanh chóng vươn lên đứng vào hàng đầu các nước công nghiệp phát triển. Riêng về giáo dục, qua ba kỳ thi vừa qua của PISA đã gần như liên tục đứng đầu một cách tuyệt đối trong số hàng chục nước dự thi trên khắp thế giới, trong đó có tất cả các nước công nghiệp phát triển (5).


1. Xem Nguyên Ngọc. Giáo dục ở nước ta hiện nay, đi ra bằng con đường nào? và Lại xôn xao chuyện triết lý giáo dục, trong tập “Những vấn đề giáo dục hiện nay. Quan điểm và giải pháp”, trang 261-281, NXB Tri thức, Hà nội, 2007

2. Bài đã đăng trong báo Tuổi trẻ, và được đăng lại trong tập “Những vấn đề giáo dục hiện nay. Quan điểm và giải pháp”, trang 11-21, NXB Tri thức, Hà Nội 2007.

3. Xem Luật Giáo dục 2005.

4. Xem websitehttp://www.pisa.oecd.org/document, đặc biệt về kỳ thi của PISA năm 2006.

5. Xin tham khảo tài liệu qua các website của PISA và Finland trên Internet; về tài liệu bằng tiếng Việt, có một bài giới thiệu rất hay và chứa nhiều thông tin của tác giả Nguyễn Thành Huy với đầu đề “PISA và Giáo dục Phần Lan”, tôi không rõ đã đăng ở đâu, nhưng tôi nghĩ rằng có thể tìm đọc được bằng cách liên hệ với tác giả qua địa chỉ email:[email protected].

Nguồn:Vietnam Net
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giáo dục: Cần một triết l‎ý

    10/09/2015Dương Trung QuốcCông cuộc Đổi mới bắt đầu bằng yêu cầu “đổi mới tư duy”. Lẽ ra, giáo dục phải là người dẫn đường thì dường như nó lẽo đẽo bị cuốn theo... Phải chăng, vì giáo dục chưa có một triết lý phù hợp với nhu cầu đổi mới và hội nhập hay vì nó đã xa rời cái triết l‎ý đã từng khởi động công cuộc Duy Tân cách đây một thế kỷ?
  • Cần thay đổi triết học giáo dục

    05/12/2006Nguyên NgọcTrong một bài viết ngắn gần đây trên Tia sáng, Giáo sư HoàngTụy có nói: "Để khắc phục khó khăn hiện nay, chỉ có một lối thoát duy nhất là hiện đại hóa giáo dục”. Tôi hoàn toàn đồng tình với phương hướng đó. Nhưng thế nào là hiện đại hóa giáo dục, thế nào là một nền giáo dục hiện đại?