Từ bờ Hiền Lương tới bài ca thống nhất
Từ Hội nghị Geneva 1954 chia cắt đất nước cho tới năm 1960, khi những hy vọng cuối cùng của việc thống nhất hai miền tắt hẳn, đã có bao nhiêu bài hát ghi lại nỗi niềm khắc khoải nhớ thương của người dân hai nửa quê hương, cùng mơ ước một ngày mai sum họp. Một dòng ca khúc của tình Bắc - Nam và thời chia cắt đã ra đời như thế.
Nhắc đến âm nhạc cách mạng Việt Nam thời ấy, gần như không ai không biết đến Câu hò bên bờ Hiền Lươngcủa nhạc sĩ Hoàng Hiệp (thơ: Đằng Giao), được coi như ca khúc tiêu biểu của sự chia cắt và ngóng trông giữa hai miền.
Ca sĩ đầu tiên thể hiện ca khúc này – nghệ sĩ Văn Hanh- cho biết tựa đề chính xác của bài hát, như ông đọc trong bản gốc (viết tay) của nhạc sĩ, là Câu hò bên bờ Hiền Lương, chứ không phải “bên bến” như nhiều người vẫn nhầm. Theo ông, giữa hai bên cầu Hiền Lương thời ấy “chỉ có hai bờ đất nhỏ bé chạy dài dọc theo sông Bến Hải chứ làm gì có bến nào để thuyền bè đỗ lại như bây giờ đâu; vậy mà bao năm qua, người ta lại nhầm thành “Câu hò bên bến Hiền Lương...”. - Theo giadinh.net - |
Bởi vì bài hát có những ca từ thật thống thiết: “ Hò ơi, thuyền ơi, thuyền ơi có nhớ bến trăng? Bến thường một dạ khắng khăng đợi thuyền”. Bởi vì bài hát được nhạc sĩ sáng tác trong một hoàn cảnh thật đặc biệt: Khi ông chứng kiến người gác đèn biển Cửa Tùng chiều chiều leo lên thật cao nơi đặt đèn, dõi ánh mắt buồn rười rượi về phía bên kia bờ Hiền Lương.
“ Đồng chí có biết không? Nhà tôi ở ngay chỗ chòm dương có những câu cao nhất đó… Tôi sang đây để lại vợ con bên ấy. Vì vậy tôi hàng ngày lên đây, không chỉ để làm nhiệm vụ thôi mà còn để nhìn về quê tôi. Có vài lần tôi đã trông thấy ai như vợ con tôi đang từ xóm ra bãi để nhận cá mang ra chợ bán… Tôi muốn kêu to lên gọi tên vợ con tôi. Nhưng kêu sao cho tới…
Một lần, vừa mới tang tảng sáng, tôi đang đứng ở đây thì nghe tiếng súng nổ vang bên ấy. Rồi thì khói bốc lên ở chỗ xóm tôi…”.(*)
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã nghe những lời đau khổ ấy của người bạn trong một buổi chiều cả hai cùng đứng trên cao nhìn ra cửa biển xa, nhìn doi cát bên kia sông. Như lời ông kể lại, ông đã muốn khóc vì xúc động, cổ họng nghẹn cứng không nói nổi một câu an ủi nào. Ông chỉ có thể trở về nhà và đưa nỗi niềm ấy vào sáng tác đầu tiên được phổ biến của ông – Câu hò bên bờ Hiền Lương(1957).
Bài ca về một giới tuyến
Sóng cửa Tùng(Doãn Nho, 1955), Tình ca(Hoàng Việt, 1955), Xa khơi(Nguyễn Tài Tuệ, 1962), Tình em(Huy Du – thơ Ngọc Sơn, 1962), Những ánh sao đêm(Phan Huỳnh Điểu, 1965)…
Cũng như nhiều bài ca nổi tiếng thời ấy, Câu hò bên bờ Hiền Lương mang cái chất thiết tha, trong sáng, và gắn với hình ảnh sông nước, khơi xa, có lẽ vì con sông, cửa biển giờ đây gợi nghĩ đến sự chia cắt và bóng dáng người ra đi: Sông Gianh cắt đôi đất nước thời Trịnh - Nguyễn phân tranh; sông Bến Hải chứng kiến bao nhiêu bi kịch như bi kịch của người gác đèn biển bên bờ Hiền Lương…
Sông Bến Hải và cầu Hiền Lương năm xưa.(Ảnh tư liệu, nguồn: baonghean.vn)
Nhưng sức sống của bài hát là ở chỗ nó đã truyền tải một cách thống thiết nỗi đau chia cắt đất nước và niềm nhung nhớ về người thương ở bên kia bờ giới tuyến:
Ơi câu hò chiều nay sao nghe nặng tình ai?
Hay là anh bên ấy,
trong phút giây nhớ nhung trào sôi,
gởi niềm tin theo gió
qua mấy câu thiết tha hò ơi?
Ơi câu hò chiều nay tôi mang nặng tình ai
Nơi miền quê xa vắng,
anh có nghe thấu chăng lòng em?
"Tôi cảm nhận sâu sắc về Câu hò bên bờ Hiền Lương khi nghe cô Thu Hiền hát từ lúc còn bé. Mỗi thế hệ sẽ thể hiện ca khúc với cảm xúc khác nhau, nhưng khiến ca khúc này sống mãi, phải nhắc đến giọng hát truyền cảm của NSND Thu Hiền. Riêng tôi đã thể hiện bài hát với cảm nhận về một giai đoạn lịch sử dân tộc ta mất mát hy sinh, với tâm trạng biết ơn và cảm nhớ". - Ca sĩ Hiền Anh - |
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp vốn là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, lại có mặt ở bờ bắc sông Bến Hải vào năm 1957, sau khi cái hẹn “hai năm anh sẽ về” bị đổ vỡ cùng với những hy vọng về hòa đàm, hiệp thương tổng tuyển cử trong cả nước.
Cũng như bao người khác, ông sống trong tâm trạng “ngày Bắc đêm Nam” và nỗi nhớ nhung khắc khoải về gia đình ở lại: “ Ngày tôi ra đi, tôi không gặp được ba má và các em tôi sau 9 năm xa cách. Gia đình tôi hiện giờ đang ở đâu?”.
Có lẽ tâm trạng đau xót ấy cộng với niềm cảm thông với những đồng bào cùng cảnh ngộ đã khiến ông sáng tác thành công Câu hò bên bờ Hiền Lương. Đó xứng đáng là một bài ca về giới tuyến trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Từ âm nhạc tới giấc mơ chung của dân tộc
Ẩn khuất sau nỗi đau chia cắt là giấc mơ về một ngày mai non nước không còn chia hai. Cả dân tộc đều mơ giấc mơ chung: Thống nhất. Cả hai miền đều ước mong ngày ấy sẽ đến.
Và ngày ấy đã đến sau 21 năm đạn bom, để khơi nguồn cảm hứng cho một loạt khúc hoan ca: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng(Phạm Tuyên), Đất nước trọn niềm vui(Hoàng Hà), Tiếng hát từ thành phố mang tên Người(Cao Việt Bách - Đăng Trung), Gửi em chiếc nón bài thơ(Lê Việt Hòa - thơ Sơn Tùng), Bài ca thống nhất(Võ Văn Di), Mùa xuân trên quê hương(Hoài Mai)…
Cả nước như “bay trong đêm pháo hoa”, trong niềm vui vô bờ bến được đoàn tụ, Nam - Bắc một nhà. Tâm trạng trong ca khúc của các nhạc sĩ cùng bừng bừng hứng khởi như bay lên cùng đất nước:
Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông
Rạo rực sao hôm nay, Bác vui với hội toàn dân.
Thành Đồng ơi!
Sắt son đã vang khải hoàn.
Ôi, hạnh phúc vô biên
Hát nữa đi em, những lời yêu thương.
Đặc biệt, ra đời không vào đúng dịp đoàn tụ đất nước mà sau đó vài năm, nhưng Bài ca thống nhấtcủa nhạc sĩ Võ Văn Di vẫn là ca khúc mà người nghe phải nhắc đến khi nói tới dòng sáng tác lấy cảm hứng từ sự thống nhất hai miền.
Biển trời bao la, đẹp như gấm hoa.
Nước mây muôn màu, những con tàu ra Bắc vào Nam.
Biển trời quê ta, rộn vang tiếng ca, Bắc Nam một nhà.
Vui một nhà vang tiếng hòa khoan.
Non sông gấm vóc đã liền một dải. Không còn giới tuyến quân sự cắt chia đất nước. Không còn những nỗi lòng “ Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi”. Không còn cảnh mong ngóng “ nơi miền quê xa vắng, anh có nghe thấu chăng lòng em?”. Không còn những thao thức “ ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ”, “ rất dài và rất sâu là những ngày thương nhớ”…
Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương ngày nay. Ảnh: Tuổi trẻ
Nhưng cảm xúc thống nhất sẽ còn vươn xa hơn thế, trở thành niềm hạnh phúc tuyệt vời khi sự ngăn cách lòng người được xóa nhòa, khi cả hai miền cùng hòa chung vào khát vọng xây dựng đất nước và tự do, như mong ước được gửi gắm trong âm nhạc:
Mỗi ca sĩ ở mỗi thời đại sẽ thể hiện bài hát theo một phong cách, một cảm nhận khác nhau. Riêng tôi đã hát Bài ca thống nhất một cách tràn đầy tự hào và hùng hồn. Tôi cảm thấy như bị cuốn theo bài hát và muốn hát với tinh thần của một chiến thắng huy hoàng chứ không phải một bài dân ca mềm mại. Đây là một ca khúc lớn, ca ngợi một thành công, một thắng lợi vĩ đại của đất nước. Đâu cần phải ở trong thời điểm đó mới cảm nhận được ý nghĩa lịch sử của sự thống nhất. Người ca sĩ cảm nhận bài hát trước hết ở âm nhạc, ca từ, cũng như thông qua rất nhiều những thước phim lịch sử và học hỏi từ những thế hệ ca sĩ đã hát trước để giúp mình thể hiện thành công". - Ca sĩ Anh Thơ - |
" Ôi! Khải hoàn ta ca, ta gạt mái chèo,
tự do ra khơi, tự do vô lộng,
Đời tự do, gió xuân về.
Đời tự do, gió xuân về.
… Trời Việt Nam gió reo nắng cười.
Đàn bồ câu tắm trong nắng vàng tươi.
Người Việt Nam đón xuân xây đời tương lai.
( Bài ca thống nhất- Võ Văn Di)
Từ ngày thống nhất đến nay, cũng đã hơn 30 năm trôi qua. Nhưng những ca khúc của một thời vẫn sống và vẫn làm rung động lòng người mỗi khi nghe lại.
Chúng là những bài hát sẽ sống mãi với thời gian, bởi vì những giá trị âm nhạc cùng thông điệp mà chúng truyền tải chưa bao giờ cũ: Sẽ là niềm hạnh phúc trọn vẹn cho cả dân tộc khi lòng người Việt Nam không còn giới tuyến ngăn cách, khi người Việt ở nơi đâu trên thế giới cũng thống nhất trong một niềm hy vọng chung.
Có điều giờ đây, đó không phải là niềm hy vọng Bắc - Nam sum họp, mà là mơ ước về một nước Việt Nam toàn vẹn lãnh thổ và phát triển giàu mạnh, trên dưới một lòng trong thời đại mới:
Cùng dựng xây đất nước, cho đời thêm mơ ước
Tương lai sẽ ngập tràn một niềm vui bao la.
(*)Kỷ niệm về một bài hát, về một giới tuyến - Hoàng Hiệp, trích từ cuốn Âm nhạc - Tác giả và tác phẩm, Trần Cường biên soạn và tuyển chọn, NXB Âm nhạc, 1996.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá