Thói hư tật xấu của người Việt: cường hào gian giảo, cẩu thả, khó cai trị

07:54 CH @ Thứ Tư - 29 Tháng Bảy, 2015

Cường hào lý dịch gian giảo điêu ngoa
(Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, năm 1915)

Công việc trong làng, trên thì tiên chỉ không muốn nhìn đến, dưới thì phường lý dịch chẳng qua cũng là con em đầy tớ các kỳ mục, há miệng mắc quai nón. Quyền hành của kỳ mục rất lớn, thế lực rất to. Mà trong hạng này, một hai người phi tay cường hào hách dịch, thì là tay gian xảo điêu ngoa, còn nữa chẳng qua a dua về mấy người ấy mà thôi. Phần nhiều ích kỷ, họ có thiết gì đến vận dân, chỉ động có chút lợi lộc thì xâu xé nhau hoặc dân đàn em hơi có chút gì lầm lỗi thì bới móc hạch lạc. Những người có kiến thức, cho việc hương thôn là việc nhỏ nhặt, không thèm tưởng đến, không mấy nơi cải lương được tục làng, cho nên tục hay.


Người dân quen sống cẩu thả
(Ngô Tất Tố, Thời vụ, năm 1938)

Dân ta xưa nay chỉ quen sống "sau lũy tre xanh", không thạo cách hội họp. Vả lại về tinh thần lại hay có tính cẩu thả, sống được là may, học hành mà làm gì... đó là những câu họ thường trả lời cho ta khi ta khuyên họ nên học cho biết.


Làng xóm “quân hồi vô phèng”, không ai bảo được ai
(Vũ Văn Hiền, Mấy nhận xét nhỏ về dân quê Bắc Kỳ, Thanh Nghị, năm 1994)

Làng ở xứ ta như một hội riêng của tư nhân. Nếu cái đặc tính của một pháp nhân cai trị(1) là quyền ban hành những nghị định có ý nghĩa cưỡng bách, buộc mọi người thi hành, thì làng xứ ta quả không phải là một pháp nhân cai trị.

...Muốn đắp một con đường ư? Quyết định năm nay, nhưng có nhẽ rồi một hai năm sau mới làm xong, mỗi họ mỗi thôn mỗi gia đình ung dung tiện lúc nào thì làm lúc ấy. Muốn đào một giếng nước ăn ư? Nếu người khởi xướng ra việc đó không can đảm đứng ra mà đốc thúc thì dân làng cứ chịu khó ăn nước ao mãi. Hội đồng làng xã đặt lệ cấm đổ rác ra đường cái ư? Nếu không có một mối hiềm thù riêng từ trước, thì không một chức dịch nào thấy mình có trách nhiệm là ngăn cản hay trừng phạt người làm trái lệ ấy.

Thường thường những cuộc bàn cãi trong những buổi họp việc làng không dẫn đến một kết quả thiết thực gì cả.

Biết bao nhiêu luật lệ của cơ quan cai trị đã bị xếp bỏ không thi hành được chỉ vì một vài người không muốn nghe theo.

Chỉ cần một kẻ phản đối cũng đủ làm cho điều đề nghị hay đến đâu cũng phải gác bỏ. Mà ở làng nào cũng có vài viên kỳ mục, vài người bướng bỉnh, bao giờ cũng giữ thái độ phản đối: Hoặc vì họ thấy công việc sẽ làm không trực tiếp lợi cho họ, hoặc vì họ ghét người khởi xướng ra công việc ấy hoặc vì họ nghĩ rằng người khởi xướng định bới việc ra để ăn - điều nghi kỵ sau này, tiếc thay, nhiều khi cũng đúng.

(1) kẻ có tư cách pháp lý

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan