Ý chí sắt đá nhưng thái độ phải mềm dẻo, khôn ngoan

09:34 SA @ Thứ Hai - 09 Tháng Sáu, 2014

Giữa những ngày diễn đàn Quốc hội nóng bỏng những ý kiến về một nền kinh tế không lệ thuộc, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Luật sư NGUYỄN TRẦN BẠT, về những vấn đề của nền kinh tế trong bối cảnh cụ thể của đất nước hiện nay. Theo ông Bạt, nếu nghĩ rằng rất dễ để thoát ra khỏi sự lệ thuộc thì đó là sự chủ quan và chưa sáng suốt. "Chúng ta buộc phải suy nghĩ về nó như là một thuộc tính để cấu tạo ra điều kiện sống của dân tộc mình”...


Có những thời điểm xe chở nông sản xuất sang Trung Quốc ùn ứ tại Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Trung Quốc là thị trường lớn nhưng không dễ xâm nhập

PV: Thưa ông, từ nghị trường đến các phương tiện truyền thông, chỗ nào hiện nay cũng tràn ngập những ý kiến về một nền kinh tế "không lệ thuộc”. Đó là những lo ngại về sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, khi ta tuy không phải là bỏ tất cả trứng vào một giỏ, nhưng lại bỏ quá nhiều trứng vào một giỏ. Ý kiến của riêng ông?

Luật sư Nguyễn Trần Bạt: Phải nói thẳng là người Trung Quốc rất có kinh nghiệm trong chuyện rút ra khỏi sự phụ thuộc vào một nền kinh tế. Liên Xô (cũ) đã từng làm như thế với Trung Quốc vào những năm 1950-1960, và người Trung Quốc đã buộc phải tổ chức những cuộc cách mạng trong đời sống xã hội. Họ phải trả giá rất đắt cho những cuộc cách mạng như vậy để khắc phục hậu quả của việc Liên Xô rút ra khỏi nền kinh tế của họ trong giai đoạn chống xét lại. Cho nên người Trung Quốc nếu làm như thế với chúng ta thì họ có kinh nghiệm của chính bản thân họ khi chịu đựng những "đòn” tương tự của Liên Xô trước đây.



Luật sư Nguyễn Trần Bạt, Ảnh: Quốc Anh

Kịch bản như vậy đáng ra phải được cảnh báo từ 5 năm trước, bây giờ thì hơi muộn. Bây giờ đến 80-90% các đơn vị trúng thầu ở Việt Nam là các công ty Trung Quốc, nó thể hiện tính thiếu cảnh giác của xã hội chúng ta. Phần nào thể hiện sự suy thoái chuẩn mực của những người có trách nhiệm. Bởi vì nói gì thì nói, tất cả những người có trách nhiệm của những cuộc đấu thầu và hợp tác đấu thầu đều là những người được đào tạo rất cẩn thận. Nhưng nhiều năm đã hình thành những liên minh giữa các nhà thầu, các chủ thầu với nhau, tạo ra một sự hợp tác phi tiêu chuẩn.

Vậy thì đối sách hiện nay trong việc giải quyết vấn đề này, theo ông là gì?

- Vấn đề này khó cho nên phải khéo. Người Việt Nam chúng ta có nhiều cách để giải quyết cái khó và về cơ bản các giải pháp được sắp xếp thành hai nhóm. Thứ nhất, là giải pháp theo kiểu nổi giận và thứ hai, là giải pháp khéo. Để đảm bảo ổn định và hòa bình đôi khi chúng ta phải khéo, giải pháp khéo là giải pháp lâu dài, thường xuyên và hay dùng. Còn giải pháp giận dữ tức thì đòi thực hiện ngay lập tức hiện nay đang được đa số các ý kiến thể hiện. Chúng ta cứ để tự nhiên trong xã hội có hai giải pháp để cho người Trung Quốc hiểu rằng, Việt Nam không phải là chỗ toàn những người dễ chịu, không biết nổi khùng, nhưng cũng để cho họ thấy một thực tế nữa là ở Việt Nam không chỉ có những người nổi khùng, mà còn có những người khôn khéo.

Còn kết hợp giữa hai cái đó là công việc của nhà lãnh đạo, bởi vì nghĩa vụ của họ là nghĩ ra các giải pháp để vừa cương quyết, vừa khôn khéo. Tôi nghĩ trong xã hội thực tế đang tồn tại cả các lực lượng dễ nổi khùng và lực lượng khôn khéo. Những nhà lãnh đạo của chúng ta là người có trách nhiệm kết hợp hai biểu hiện như vậy của xã hội để xử lý vấn đề trong quan hệ với Trung Quốc. Tất nhiên, với một sự xác định rõ ràng là Trung Quốc ở cạnh chúng ta lâu dài, một triệu năm nữa, đến đời chắt, chít của chúng ta thì Trung Quốc vẫn ở bên cạnh. Tất nhiên, chất lượng của Trung Quốc cùng với thời gian sẽ khác đi. Có lẽ ta phải đủ kiên nhẫn để chờ một ngày nào đó nó khác đi, nó tích cực hơn cho đời sống của những người hàng xóm ở cạnh.

Chúng ta phải có cách thức của kẻ khôn ngoan, không nên xem Trung Quốc là một chiến trường mà nên xem Trung Quốc là thị trường. Khi xem đó là thị trường thì ta phải có đầy đủ các cách thức để có thể xâm nhập vào đời sống kinh tế của họ và chúng ta chủ động hơn.

Nhưng hiện đang có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta phải thoát ra, mở rộng thị trường quốc tế, mở rộng hợp tác và tìm kiếm nhà thầu để ít bị phụ thuộc?

- Đó là một trong những quan niệm chưa hoàn toàn đúng. Rất nhiều người đưa ra khái niệm "thoát Trung”, "thoát Hán”. Đấy là những lý thuyết mà tôi không thể vỗ tay được. Như tôi đã nói lần trước là chúng ta có một sự gắn bó có tính chất số phận đối với Trung Quốc, chúng ta buộc phải nghĩ ra cách để sống cạnh họ một cách êm ả, một cách tử tế, một cách có lợi, chứ chúng ta không chạy ra khỏi họ được. Đừng tưởng rằng ta muốn thì "chơi”, còn không muốn thì không "chơi” với họ. Ngay lập tức hàng hoá thương mại biên giới sẽ tràn ngập lãnh thổ của chúng ta và ta khó mà làm gì được. Người Trung Quốc nếu đem quân đến xâm lược chúng ta có thể đánh trả họ một cách không tồi chút nào, nhưng ta không thể mang quân "đánh trả” một sự tràn ngập hàng hoá thường xuyên, bởi vì chính nhân dân ta thồ hàng cho họ. Quan hệ thương mại, kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc là một quan hệ không dễ gì để "giãy” ra được. Vấn đề là chúng ta phải khôn ngoan hơn, chặt chẽ hơn, phấn đấu nâng cao năng lực của mình lên để cân bằng quyền lợi.

Vậy theo ông, các kịch bản ứng phó trước mắt và lâu dài nên là gì để tránh sự tổn thương cho nền kinh tế đang rất dễ có thể xảy ra?

- Trong tình hình hiện nay nếu chỉ hành động bản năng theo cảm xúc thì sẽ phải chịu "gánh nặng” kinh tế không dễ giải quyết, khi có sự "trả đũa” của nền kinh tế khổng lồ ấy đối với nền kinh tế của chúng ta. Người Trung Quốc rõ ràng giỏi hơn người Nga về phương diện thương mại, nhưng vẫn phải chịu đựng sự tan hoang của nền kinh tế khi người Nga rút ra. Đây là vấn đề buộc phải suy nghĩ cẩn thận và buộc phải sử dụng sự khôn khéo. Tất nhiên chúng ta không thể nào bỏ qua sự cương quyết đối với vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Không có bất kỳ bài toán nào dễ xung quanh vấn đề Trung Quốc. Những ai nghĩ rằng rất dễ để thoát ra khỏi sự lệ thuộc là chủ quan và chưa sáng suốt. Chúng ta buộc phải suy nghĩ về nó như là một thuộc tính để cấu tạo ra điều kiện sống của dân tộc mình.

Người Việt trong những lúc như thế này không đi làm cửu vạn để chở hàng lậu cho người ta nữa, đấy là một sự phấn đấu. Không lấy móng trâu, móng bò bán cho người ta cũng là một sự phấn đấu. Những sự phấn đấu ấy cũng không hề dễ. Không phải chỉ có sự tràn ngập của một nền kinh tế hàng hóa rẻ tiền, mau hỏng khổng lồ, mà còn có cả một âm mưu kinh tế rẻ tiền từ tất cả các lực lượng phi nhà nước của họ nữa. Không có bài toán nào dễ xung quanh vấn đề quan hệ với Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực.


Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam

Chúng ta không dễ thoát ra khỏi sự chi phối từ nền kinh tế Trung Quốc, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể nhắm tới các thị trường khác, thưa ông?

- Chúng ta cũng đang "đặt trứng” vào nhiều giỏ lắm. Chứ đâu chỉ có mình thị trường Trung Quốc. Chúng ta để ý đến nhiều thị trường, nhưng cũng nên nhớ rằng không phải bỏ vào giỏ Trung Quốc thì thiếu khôn ngoan. Chúng ta phải có cách thức của kẻ khôn ngoan, không nên xem Trung Quốc là một chiến trường mà nên xem Trung Quốc là thị trường. Khi xem đó là thị trường thì ta phải có đầy đủ các cách thức để có thể xâm nhập vào đời sống kinh tế của họ và chúng ta chủ động hơn. Trong khi ta đang đàm phán về TPP thì người Trung Quốc sẵn sàng bỏ tiền vào Nam Định làm khu liên hợp dệt may để chuẩn bị xuất hàng sang TPP. Thế thì tại sao khi nhập TPP chúng ta không hợp tác với Mỹ để chuẩn bị xuất hàng sang thị trường Trung Quốc chẳng hạn. Chúng ta phải dám nghĩ như họ và có gan để dám làm như họ, tôi nghĩ đấy là cách duy nhất để ta tồn tại bên cạnh Trung Quốc, không còn cách nào khác. Không có bài toán nào dễ, không có cách gì dễ trong vấn đề với Trung Quốc. Chúng ta buộc phải gian khổ để sống được với họ, sống cùng với họ.

Tóm lại, chúng ta không thể chỉ nhìn ngắn hạn mà về cơ bản phải có những chiến lược bền vững lâu dài, thưa ông?

- Tôi vẫn muốn nhắc lại thái độ là mềm dẻo, ý chí mới cần bền vững. Ý chí độc lập dân tộc là sắt đá và bền vững, còn thái độ thì phải mềm dẻo và khôn ngoan. Tôi là người đã từng đi lính, đã từng tham gia chiến tranh, tôi cũng có đôi lúc nổi giận, nhưng tôi thấy tất cả những thành công mà mình có đều do khôn khéo. Chúng ta cần có một ý chí sắt đá nhưng cũng phải có một thái độ mềm mỏng, khôn khéo. Nếu thái độ sắt đá thì rất dễ gãy và làm cho ý chí sụp đổ. Cho nên trong Kinh Dịch người ta mô tả sự sắt đá bằng một đường liền và mô tả sự mềm dẻo bằng một đường đứt. Nước bao giờ cũng thắng lửa. Nước là đường đứt còn lửa là đường liền, đường liền yếu hơn bởi vì nước dập tắt được lửa. Chúng ta cũng có thể thấy điều này trong cái nguyên lý mà chúng ta vẫn hay nhắc đến là "dĩ nhu trị cương”. Cho nên tôi kêu gọi một thái độ mềm dẻo và một ý chí sắt đá để giữ gìn độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ. Khi cần thái độ cứng rắn thì chúng ta có thái độ cứng rắn, nhưng ngay lập tức ta cũng phải có cả thái độ mềm dẻo, và đừng xem việc thay đổi từ thái độ cứng rắn sang mềm dẻo là sự thua, là sự đầu hàng, là sự lui. Không phải. Khi con người còn đủ khôn ngoan để mềm dẻo tức là con người còn đứng vững trên đôi chân của mình. Mà con người đứng vững trên đôi chân của mình là con người thắng trong các cuộc va chạm. Kẻ thua là kẻ không biết điều chỉnh thái độ.

Trân trọng cảm ơn ông!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Dân tộc hào vượng, Quốc gia hùng cường

    12/08/2014Nguyễn Tất ThịnhChúng ta không muốn tự hào vì thế kỷ nào cũng có chiến thắng trong chiến tranh ! Chiến tranh xảy ra nhân dân luôn là bị thua thiệt nặng nề, dai dẳng và dính nhiều di căn nhất ! Chúng ta học hỏi cách không để xảy ra chiến tranh không phải bằng tâm lý chấp nhận kẻ bạo cường, cam phận đội vòng kim cô ma mị , mong tồn tại trong thân phận thấp hèn, bị khinh rẻ trong thế giới văn minh. Đó chính là phải KHAI TÂM, PHÁT LỰC, TẠO THẾ, MỞ ĐẠO cho từng người Dân...
  • “Thoát Trung” nhưng cũng cần cẩn trọng

    07/06/2014Phan Minh NgọcVào lúc này một chương trình “thoát Trung” (ít nhất là về mặt kinh tế) đang được rục rịch bàn thảo và chuẩn bị, nhưng nên tỉnh táo phân tích tình hình, tránh chạy từ thái cực nọ sang thái cực kia một cách cực đoan, cảm tính...
  • Vận mệnh nước Việt cần sự dấn thân của cả dân tộc

    06/06/2014Kỳ DuyênVận mệnh sinh tử nước Việt lúc này không thể chờ sự … bâng khuâng, mà cần sự thay đổi nhận thức và sự dấn thân của cả dân tộc, của chính quyền, của nhân dân...
  • Kiện Trung Quốc ở tòa nào?

    01/06/2014LS Tạ Văn TàiViệc khởi kiện Trung Quốc ra các tòa án quốc tế sau khi quốc gia này có hành động xâm lấn trái luật vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông là một trong số các biện pháp đấu tranh ngoại giao và pháp lý mà Chính phủ đang xem xét tiến hành. Nhưng kiện ở tòa nào, với những nội dung lập luận gì để có thể giành được thắng lợi?
  • SWOT của Việt Nam hiện nay

    28/05/2014Nguyễn Tất ThịnhTrong bối cảnh hiện nay chúng ta đều thấy Đất nước đứng trước sức ép, thách thức và cơ hội lớn để suy nghĩ và thay đổi đường hướng phát triển về ( Chính trị, Văn hóa và Kinh tế ). Càng thấu hiểu, càng đi đến giải pháp đúng!