"Chạy trường" làm chất lượng giáo dục đi xuống

08:26 SA @ Thứ Bảy - 12 Tháng Chín, 2009

Một số trường quá tải trong khi một số trường lại rất thảnh thơi với khâu tuyển sinh đầu cấp; Nhiều ông bố bà mẹ mất ăn mất ngủ, vắt óc tìm đường cho con có tên trong danh sách trường X, trường Y; và kỳ nghỉ hè của các trẻ chuẩn bị vào lớp 1, lớp 6, lớp 10 bị thu hẹp đến mức chỉ còn là số ngày đếm trên đầu ngón tay... Đó là hệ quả của “phong trào” “chạy” trường.

Một trong những vấn đề “nóng” nhất, bên cạnh đại dịch H1N1 đang có nguy cơ lan rộng ngay trước thềm năm học mới 2009 – 2010 này. Phóng viên VNQĐ vừa có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng – người dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài cho đất nước – xung quanh vấn đề này. Hy vọng những ý kiến thẳng thắn của ông sẽ mang lại cho bạn đọc một cái nhìn toàn diện hơn về một trong những vấn đề đang được quan tâm của ngành Giáo dục.

PV: Kính thưa GS. Nguyễn Lân Dũng, những năm gần đây, đặc biệt là trong năm học 2009 - 2010 chuẩn bị khai giảng, và đặc biệt nữa là đối với trẻ 6 tuổi vào lớp Một (số trẻ này sinh năm 2003, được coi là năm “Dê vàng”, khi đó các bệnh viện Phụ sản đều quá tải, thì nay các trường tiểu học cũng quá tải), việc chạy trường, chạy lớp cho trẻ đầu cấp dường như càng sôi sùng sục hơn nữa. Ông có đánh giá gì về vấn đề này? Sự ảnh hưởng của nó đối với ngành giáo dục, với xã hội như thế nào?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Không phải chỉ có riêng năm nay mà trong cả những năm tới các trường học cũng sẽ quá tải. Nguyên nhân là do dân số của ta đông, lại tăng nhanh, hiện nay đã là 87 triệu, chưa kể đến hơn 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Khi nhìn vào giáo dục chúng ta phải nhìn xa, thấy việc dân số tăng mà chuẩn bị trường lớp.

Hiện tượng “chạy” trường liên quan rất nhiều đến trường lớp. Trường lớp ở đây thuộc về hai yếu tố: yếu tố thứ nhất là chất lượng thầy giáo cô giáo; yếu tố thứ hai là cơ sở vật chất. Cơ sở vật chất đảm bảo cho trẻ em được học thoải mái, đủ ánh sáng, an toàn đi lại, có sân chơi, có học sinh ngoan, có bạn bè tốt… Khi sự chênh lệch về trường lớp quá lớn thì sẽ rất khó tránh khỏi tình trạng “chạy” trường. Chính vì thế muốn giải quyết được nạn “chạy” trường thì chúng ta phải tiến hành làm liền một lúc hai việc là giải quyết chuyện tăng số lượng trường lớp phù hợp với việc tăng dân số và làm thế nào để chất lượng giảng dạy trong các trường tương đối đồng đều với nhau.

“Chạy” trường làm khổ cho mọi người: khổ bố mẹ, khổ các thầy cô giáo và khổ cả cho các em học sinh. Thí dụ có em thích học tiếng Anh nhưng bố mẹ lại bắt học tiếng Pháp vì thi vào trường tiếng Pháp sẽ có ít học sinh thi hơn và khả năng đỗ cũng sẽ cao hơn. Ở ta hiện nay số lượng trường lớp chưa đạt chuẩn về cơ sở vật chất còn khá nhiều. Tôi xem ti vi thấy còn có nhiều trường học thiếu ánh sáng, thiếu nhà vệ sinh. Thiếu chỗ đi vệ sinh thì các em phải nhịn mà điều đó sẽ rất có hại cho sức khỏe. Không thể hiểu được những người lãnh đạo giáo dục các cấp nghĩ gì khi trường học không có nhà vệ sinh hoặc để những nhà vệ sinh quá bẩn, quá trống trải. Chính vì vậy không thể tồn tại quá lâu những trường học yếu kém về cơ sở vật chất cũng như về chất lượng giảng dạy. Bởi sự yếu kém này là nguyên nhân dẫn đến nạn chạy trường như hiện nay.

Ảnh hưởng của “chạy” trường đối với ngành giáo dục và xã hội là rất nghiêm trọng. Nó làm cho chất lượng giáo dục đi xuống, nó ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống của nhiều thế hệ tương lai...

P.V: Việc “chạy” trường, “chạy” lớp dường như đã thành phong trào, thành “mốt”, thậm chí một số ông bố bà mẹ còn cảm thấy vinh dự khi khoe với bạn bè rằng con mình đang học ở trường X, trường Y, là trường nằm trong “top” đầu của thành phố. Và trong khi ở các trường “top” đầu này, các thầy, cô hiệu trưởng phải tắt điện thoại di động, khoá cửa trước, đi cửa sau để tránh phải từ chối các bậc phụ huynh, thì vẫn không ít trường bị đánh giá là “trường làng” lại có phần hiu hắt. Sự mất cân đối đó sẽ dẫn đến hậu quả gì, thưa ông?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Tôi nghĩ là khi con được học trường này trường nọ không phải là cái để cho bố mẹ khoe. Đấy là lòng thương yêu con cái của cha mẹ muốn con mình được vào học những trường có chất lượng tốt để có thể trở thành những con ngoan, trò giỏi và để được học tiếp lên cao một cách dễ dàng hơn. Vui mừng là biểu hiện chính đáng nhưng có những người “chạy” cho con vào được trường tốt để đi khoe là không bình thường.

Theo tôi chủ yếu vẫn là chất lượng giáo dục. Sự quá tải của những trường “tốp” như quy định của Bộ giáo dục về sĩ số lớp học là 40 - 45 nhưng số học sinh trong một lớp của các trường này lên đến hơn 60 em, làm các em mất đi những không gian cần thiết, những sự quan tâm hợp lý... Có trường mầm non tư thục mà nhiều gia đình nước ngoài đưa con em mình đến để đăng kí học, trễ một chút là đã hết chỗ, mặc dầu học phí là hết sức cao. Trường gì mà toàn những con nhà giàu học, điều này làm nảy sinh sự phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo của trẻ ngay từ nhỏ. Như vậy sẽ không tốt cho định hướng phát triển của thế hệ trẻ.

P.V: Ngành giáo dục của chúng ta đã và đang thực hiện, và một số nơi đã thực hiện tốt các cuộc vận động hai không, bốn không, liệu có nên có một cuộc vận động “nói không với “chạy” trường chạy lớp” nữa? Và để có thêm một “không” nữa thì chúng ta phải làm gì?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Không nên đặt ra nhiều khẩu hiệu quá! Nhiều khẩu hiệu sẽ không thành hiện thực. Trong vấn đề chống tiêu cực đã không cho phép nhận hối lộ rồi. Nhà trường thường cũng chịu nhiều áp lực lắm! Thí dụ phải dành ra những suất ngoại giao. Suất ngoại giao đó dành cho ai? Hẳn là cho những người có chức, có quyền. Tôi nghĩ những người có chức, có quyền đó đã không gương mẫu. Tại sao lại dùng quyền hành của mình để ép cấp dưới? Xã hội ta cần có sự bình đẳng giữa mọi công dân. Người có chức, có quyền cũng là công dân như những người công dân khác. Có thể ưu tiên cho con em giáo viên của trường đó. Nhưng thực tế nhiều khi lại không phải là con em giáo viên, mà giáo viên đi nhận hộ cho những người quen, thậm chí cho cả những người đi hối lộ. Tôi nghĩ “chạy” trường dưới hình thức nhận tiền hối lộ, phải áp dụng luật hình sự. Người đưa hối lộ cũng phạm tội, người nhận hối lộ càng phạm tội. Các phong bì đưa hối lộ thường đâu có phải năm chục, một trăm đâu! Toàn là vài “vé”, thậm chí hàng chục “vé”(!). Theo tôi chúng ta đừng có thêm một “không” nữa mà hãy tập trung vào hai việc:

  • Một là nâng cao đồng đều chất lượng giảng dạy.
  • Hai là đầu tư xây dựng thêm cho cơ sở vật chất các trường học.

Khi chất lượng giữa các trường đồng đều nhau sẽ làm giảm thiểu và đi đến chấm dứt nạn “chạy trường”.

P.V: Chúng ta nên nhìn nhận một cách khách quan của việc “chạy” trường “chạy” lớp, ngoài nguyện vọng cơ bản là chính đáng của các bậc phụ huynh (mong muốn con có môi trường học tập thật tốt) thì còn nguyên nhân nào nữa?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Nguyên nhân thứ nhất là do hoàn cảnh địa lý. Có khi nhà học sinh chỉ cách trường 500m nhưng lại phải đi học ở trường cách nhà hơn 5000m. Vì theo quy định hộ khẩu (đăng ký quận nào thì học quận ấy) là rất máy móc. Tôi đã từng nghe có ông bố kể là ông tan sở lúc 17h, trong khi đó trường con ông tan học lúc 16h30. Ông đi từ chỗ làm việc đến trường đón con mất 1h30. Như vậy là thời gian từ 16h30 đến 18h trẻ phải đứng một mình bơ vơ, mà thời buổi hiện nay có rất nhiều cạm bẫy. Trẻ đứng ở cổng trường một mình, ăn uống quà cáp mất vệ sinh, còn có thể gặp phải bạn bè xấu, gặp phải những kẻ lừa đảo, bắt cóc... Toàn là những chuyện nguy hiểm cả. Không có lý gì một ông bố dùng xe máy đi đón con mà phải mất 1h30 mới đến được chỗ con mình theo học. Những vấn đề này ngành giáo dục phải quan tâm để làm sao giảm thiểu được tối đa những bất cập rất vô lý này.

Nguyên nhân thứ hai là giao thông. Giao thông hiện nay quá nguy hiểm đối với việc đến trường của học sinh. Học sinh đi học vừa mất nhiều thời gian, vừa dị đe dọa bởi tai nạn giao thông. Chúng ta cần phải cải tiến hệ thống xe buýt. Ở nước ngoài xe buýt là phương tiện đi lại rất hữu hiệu nhưng ở ta thì vừa nguy hiểm, lại vừa bất tiện. Tôi từng đến Côn Minh và rất ấn tượng với hệ thống giao thông ở đây. Côn Minh thì có khác gì Hà Nội của ta, vậy mà tại sao giao thông của họ lại làm tốt như thế! Trên đường không có một cái xe máy nào, hai bên là làn đường xe đạp và người đi bộ, còn ở giữa là hệ thống xe buýt, mà cứ một hai phút lại thấy có một chuyến. Mình đã sai ở chỗ là nhập xe buýt sau khi nhập xe máy. Xe máy tràn lan trên đường rồi mới nhập xe buýt. Đường đông quá, xe buýt không chạy được. Chuyện xe buýt vượt ẩu gây tai nạn; xe buýt chạy quá chậm; xe buýt chất lượng kém phả khói đen xì mặt đường, ngợp cả mắt là chuyện xảy ra hàng ngày. Xe buýt đâm chết người có lẽ chỉ có ở nước ta mà thôi. Khi xe máy vào loại đông nhất thế giới thì việc khắc phục giao thông là vô cùng khó. Đảm bảo an toàn đi lại cho học sinh rất quan trọng, nhất là với lớp trẻ nhỏ.

P.V: Chưa nói đến cả nước, chỉ với riêng hai thành phố Hà Nội và tp Hồ Chí Minh thôi, những năm gần đây sự phát triển đô thị ra vùng ven, hình thành những khu đô thị mới hiện đại, không thiếu các hạng mục giải trí nhưng hầu như các khu đô thị đó đều “chưa kịp” mở ra các trường công lập. Và thế là các trường dân lập mọc lên như nấm sau mưa. Chưa bàn đến chất lượng giáo dục ở các trường dân lập này, chỉ riêng việc học phí cao ngất ngưởng (có thể gấp 10 lần so với khoản tiền nếu phải đóng cho một trường công lập cũng đã khiến các ông bố bà mẹ công chức phải đau đầu. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Do khi quy hoạch chưa quan tâm sâu sắc đến vấn đề trường lớp. Các khu chung cư, nhà cao tầng, các khu vui chơi mọc lên ngày một nhiều trong khi đó việc đầu tư mở rộng, xây dựng trường học mới lại rất hạn chế. Phát triển đô thị với phát triển giáo dục như thế là không đồng bộ. Đô thị phát triển nhanh, dân cư nhiều, trường lớp ít mới dẫn đến tình trạng “chạy” trường. Mà chuyện vào học mầm non, mẫu giáo mà cũng phải “chạy” thì vô lý quá! Dường như chuyện “chạy” đã trở thành một vấn đề quá phổ biến ở nước ta. Điều này trái ngược với bản chất ưu việt của Chủ nghĩa xã hội. Trong cuốn “Đạo đức cách mạng” Bác Hồ viết: “Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa” (HCM toàn tập, T.8,1989,tr.246).

Tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội trước hết là phải nói đến giáo dục, y tế. Vì vậy chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa cho hai vấn đề quan trọng này. Y tế, giáo dục hiện nay còn nhiều khó khăn, để tháo gỡ khó khăn đó phải là trách nhiệm của cả nước, của cả hệ thống chính trị, của các ban ngành nhưng trước hết là của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục - Đào tạo.

P.V: Có ý kiến cho rằng để giảm thiểu tiêu cực trong chạy trường thì tốt nhất là tổ chức thi tuyển với những trường có nhu cầu học trái tuyến (bất kể sức ép thi cử sẽ ảnh hưởng ra sao đến một đứa trẻ 6 tuổi). Ông nghĩ sao về điều này?

GS. Nguyễn Lân Dũng:Không nên thi tuyển trái tuyến. Hiện nay học trái tuyến đã đẻ ra chuyện hết sức rắc rối là đua nhau nhập hộ khẩu. Việc nhập hộ khẩu của chúng ta hiện nay rất dễ, miễn là có chỗ ở, cho nên người ta đã đưa con đến ở nhà ông bà, cô, bác hoặc mua nhà... Nhiều trường đề ra là phải có hộ khẩu trong địa bàn từ hai năm trở lên mới nhận học sinh vào học, dẫn đến tình trạng con mới 2 tuổi bố mẹ đã “chạy” hộ khẩu tới khu vực có ngôi trường mà con mình định học. Đó là chuyện cực kì phi lý và quá khôi hài.

Tuyển vào đầu cấp tiểu học thì không nên thi. Các em làm gì có nghĩa vụ phải học trước như thế. Chỉ nên thi tuyển vào những trường mà đòi hỏi chất lượng cao, trường năng khiếu để đào tạo nhân tài. Tôi thấy trường Thực nghiệm của Giáo sư Hồ Ngọc Đại trước đây đã làm theo cách là trẻ nào cũng có quyền đến đăng kí học nhưng phải thi đầu vào. Khi tuyển vào lớp một tiến hành theo cách tuyển chọn các trẻ có năng khiếu, thông minh chứ không thi văn hóa. Như vậy sẽ chọn được những em có năng khiếu, có tiềm năng phát triển nhanh. Rất tiếc cho những thể nghiệm của Giáo sư Hồ Ngọc Đại hầu như không được mở rộng. Con tôi là học sinh lớp đầu tiên của Trường thực nghiệm này, theo dõi lớp học ấy tôi thấy các em hầu hết đều đỗ vào đại học cả. Điều đó chứng tỏ sự thành công của một mô hình tuyển chọn và học tập theo một công nghệ “lấy học sinh làm trung tâm”. Mô hình trường chuyên, lớp chọn từng bị nhiều người phê phán nhưng tôi cho đó là phê phán những cái sai, cái lệch lạc chứ có các lớp riêng cho các em học giỏi có năng khiếu đặc biệt là rất tốt chứ sao?

P.V: Là Đại biểu Quốc hội Khóa X, XI, XII; UVUB Trung ương MTTQ Việt Nam; Phó chủ tịch Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài… từng đi công tác ở nhiều nước trên thế giới. Vậy xin ông cho biết: Ở những nước có nền giáo dục ưu việt, họ lấy tiêu chí nào để chọn trường cho con?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Không có tiêu chí nào cả trừ các trường Đại học thật sự danh tiếng. Vì chất lượng trường lớp của họ đồng đều và ít chênh lệch, học sinh thích vào trường nào cũng được. Tiêu chí trong giáo trình bậc phổ thông cấp II của họ rất nhẹ, học sinh vừa học, vừa chơi. Còn ở mình lại học quá nặng ở cấp II và quá nhẹ ở cấp III (vì không phân ban sâu) và nhiều chương trình chả giống ai (ví dụ về Chương trình Sinh học).

P.V Những giải pháp nào để ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng “chạy” trường như hiện nay thưa ông?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Một năm trước lúc đi xa, vào ngày 16-10-1968 Bác Hồ trong thư gửi nhân dịp bắt đầu năm học mới đã viết: “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới” (Sđd, T.12,1996, tr.404)

Sự nghiệp giáo dục của ta đã có những bước phát triển rõ rệt cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên vì phải phục vụ một số lượng học sinh quá đông, trường sở còn chật hẹp và thiếu thốn đủ bề, số thầy cô giáo chưa đạt chuẩn còn ít. Học phí không bù đắp nổi các chi phí thực tế... cho nên chất lượng giáo dục, chất lượng quản lý giữa các trường ngay trong cùng một thành phố, một thị xã còn chênh lệch nhau rất xa.

Để khắc phục tìng trạng “chạy” trường theo tôi cần thảo luận để giải quyết theo các hướng sau đây:

1 - Có một số trường chất lượng cao, hay trường dạy song ngữ để bồi dưỡng nhân tài thì chỉ lựa chọn học sinh giỏi hay có năng khiếu một cách nghiêm chỉnh thông qua thi tuyển nghiêm túc và không có bất kỳ một trường hợp ngoại lệ nào. Ngoài tiêu chuẩn kiến thức còn cần xét cả về tư cách đạo đức. Hàng năm có thể chọn các học sinh xuất sắc từ các trường khác chuyển sang các trường này.

2 - Khẩn trương xem xét lại chương trình giáo dục phổ thông (không cần đợi đến năm 2015 như ý kiến của Bộ GD&ĐT) sao cho không chênh lệch bao nhiêu so với các nước khác. Cụ thể là cấp II cần học nhẹ hơn và cấp III học cần học sâu hơn (nên phân ban sâu ở hai lớp 11 và 12). Học và thi theo chương trình chứ không nhất thiết theo sách giáo khoa, vì vậy cho nên có thể dùng tạm bộ sách giáo khoa hiện hành nhưng có sự hướng dẫn cụ thể của giáo viên

3 - Tiêu chuẩn hóa giáo viên để ai chưa đủ tiêu chuẩn phải xuống dạy lớp thấp hơn hay được cử đi bồi dưỡng thêm. Đầu tư thêm để các trường lớp ngày càng khang trang và tránh tình trạng quá xập xệ, chật chội, thiếu ánh sáng, thiếu nhà vệ sinh.... Nghiêm chỉnh coi trọng tư cách đạo đức của học sinh và có biện pháp thỏa đáng để giáo dục những học sinh lười nhác, hư hỏng (cần phối hợp chặt chẽ với gia đình và các đoàn thể thanh thiếu niên trong trường).

4 - Học sinh học sẽ sẵn sàng học theo khu vực cư trú khi các trường không còn chênh lệch nhiều về chất lượng giảng dạy và quản lý học sinh.

5 - Coi việc đưa và nhận phong bì là vi phạm Bộ luật Hình sự và cần được xử lý thật nghiêm để làm gương. Cần có sự kiểm tra chặt chẽ của các cấp quản lý giáo dục về chuyện này. Đó là hành động thiết thực để nâng cao uy tín thầy cô giáo, uy tín toàn ngành Giáo dục.

P.V: Xin cảm ơn ông vì đã dành thời gian chia sẻ với bạn đọc của tạp chí Văn nghệ Quân đội!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sự học ngày nay: Ít "bậc thầy" đúng nghĩa?

    12/11/2019Lại Nguyên ÂnGiữa tháng 1, nhà văn Lại Nguyên Ân gửi tới VietNamNet bài viết đưa ra "một cách lý giải về sự học và tình thầy trò ngày nay, cho rằng, khi mà học tập là một phần việc mà mỗi người phải theo đuổi suốt đời, khả năng “làm thầy” thiên hạ bao giờ cũng rất hạn hẹp...
  • Tỵ nạn giáo dục

    31/07/2009Dạ NgânChắc không nhiều những nơi trên trái đất này người ta tiễn con đi học bằng nỗi ngậm ngùi: tôi không vọng ngoại, không sính ngoại, không chơi tiền, tôi chỉ muốn con mình được một chữ học đúng nghĩa.
  • Trường chứ không phải chợ

    07/07/2009Thanh Tuyền thực hiệnTình trạng các vị phụ huynh phải đi xếp hàng, “ăn chực nằm chờ” từ... nửa đêm, tôi nói cái từ này có thể hơi khác nhưng có thể coi đó là hiện tượng đáng mừng, bởi vì cho thấy các vị đã rất quan tâm đến giáo dục con em mình. Nhưng nó cũng là một hiện tượng rất đáng suy nghĩ, cũng có thể dùng từ đáng buồn, với tư cách một người đã từng tham gia quản lý ngành giáo dục, đôi khi tôi còn cảm thấy xấu hổ.
  • Chất lượng giáo dục = người lãnh đạo + cơ chế

    17/04/2009GS Văn Như Cương - (Nguyên Nhung ghi)Công thức “Người lãnh đạo + cơ chế quản lý” cho ra kết quả chất lượng giáo dục có vẻ là chuyện “xưa như trái đất’, nhưng lại vẫn “nóng hổi tính thời sự”, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng GD hiện nay, ngành GD đang tìm kiếm những giải pháp chiến lược. GS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh nghĩ về giải pháp này, từ thực tiễn nhà trường.
  • Cải thiện chất lượng giáo dục đại học bằng tư duy

    14/03/2009Phạm Trần LêViệc cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo đại học được nhắc đến thường xuyên trong công luận như một vấn đề bức thiết nhưng cho đến nay vẫn chưa có những giải pháp mang tính toàn diện và triệt để, vừa đạt được mục tiêu về cải thiện chất lượng dạy và học đồng thời giúp cho bài toán quyền lợi của các cá nhân liên quan được giải quyết hợp lý. Một giải pháp như vậy đòi hỏi được xem xét qua tư duy kinh tế với ba câu hỏi căn bản là: xã hội có nhu cầu gì ở giáo dục đại học; hiện trạng đào tạo đại học hiện cung ứng tới đâu; lộ trình nào để từng bước giúp cung và cầu gặp nhau.
  • Kiểm định chất lượng giáo dục?

    16/03/2008TS. Nguyễn Quang AChất lượng giáo dục là vấn đề được bàn cãi nhiều. Những nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học quốc tế dựa trên số liệu thống kê hàng chục năm của nhiều nước trên thế giới đã cho thấy những bằng chứng mạnh mẽ về mối quan hệ nhân quả giữa chất lượng giáo dục và tăng trưởng kinh tế nói riêng và phát triển nói chung...
  • Chất lượng giáo dục từ góc nhìn nhà quản lý

    22/05/2007Nguyễn Văn MinhGần đây BộGiáo dục & Đào tạo đã ban hành Quy định tạm thời về kiểm định chất lượng trường đại học gồm 10 tiêu chuẩn và 53 tiêu chí. Có thể thấy, cách làm này là phù hợp xu thế quản lý chất lượng hiện đại.
  • Vài góp ý về chất lượng giáo dục Đại học

    01/01/1900Nguyễn Văn TuấnQua theo dõi loạt bài thảo luận và góp ý về giáo dục đại học ở Việt Nam trên các báo trong nước và qua trao đổi với một số đồng nghiệp trong và ngoài nước tôi nhận thấy một trong những vấn đề lớn nhất về giáo dục Đại học ở Việt Nam hiện nay là vấn đề chất lượng: chất lượng đội ngũ giảng dạy, chất lượng đào tạo và chất lượng Sinh viên.
  • Chất lượng giáo dục của Việt Nam "có vấn đề"?

    06/09/2005Huỳnh DuyTheo những gì mà tôi quan sát và tìm hiểu được thì câu trả lời là: người bảo có và cũng có người bảo không. Những người bảo chất lượng giáo dục VN có vấn đề ở đây là các đại biểu quốc hội, những vị đại biểu của nhân dân mà kỳ họp nào cũng lên tiếng phàn nàn về chất lượng giáo dục yếu kém của nước nhà. Vậy có thực là có vấn đề hay chỉ là lo lắng thái quá ở một số người.
  • Bệnh thành tích trong giáo dục vẫn là... bệnh nan y?

    23/08/2005Quốc Thanh - Sông Ngân64,15% - tỷ lệ tốt nghiệp THCS ở Khánh Hòa - đã gây “sóng gió” cho tỉnh này trong suốt mấy tuần qua. Nhưng từ con số này đã nói lên điều gì trong cách dạy và học hay tổ chức thi cử?
  • Tự phong “trường chất lượng cao” để thu tiền cao

    13/01/2004Kim LiênTT - Thoạt đầu, mô hình trường “trọng điểm chất lượng cao” (TĐCLC) ở TP.HCM được hình thành để thay thế các trường chuyên cấp THCS, thực chất là hình thức “bình mới rượu cũ”. Nhưng không chỉ dừng lại đó, mô hình này còn được “nở rộ” ở các cấp học khác, và trở thành những trường có nhiều “điều tiếng” nhất trong mỗi đầu năm học...
  • Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo?

    25/12/2003Ngày 23-12, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc hội thảo với chủ đề: "Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo?" do Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng báo Nhân Dân phối hợp tổ chức. Sau đây là tổng thuật nội dung cuộc hội thảo...
  • "Nút cổ chai" và "cửa thoát" của giáo dục

    24/12/2003Ngày 23/12, Bộ GD-ĐT và báo Nhân Dân tổ chức hội thảo "Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo" với sự tham gia của các GS có uy tín và lãnh đạo một số trường ĐH, Sở GD-ĐT. Tại đây, các đại biểu đã đưa ra kiến nghị và đề xuất "cứu" trước những bức xúc về chất lượng giáo dục gần đây...
  • Cần có cái nhìn toàn diện về chất lượng giáo dục

    04/12/2003Sẽ là phiến diện và thiếu công bằng khi đưa ra kết luận về sự thiếu nghiêm túc trong dạy và học của giáo viên - học sinh toàn quốc trên cơ sở những quan sát cá nhân, cảm tính ở một số khu vực. Đã đến lúc, chúng ta cần có những thước đo toàn diện hơn, khoa học hơn, và hệ thống hơn về chất lượng giáo dục để thực sự hiểu rõ những điểm mạnh và yếu của hệ thống giáo dục nước nhà, cũng như so sánh tương quan với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới...
  • Chất lượng giáo dục qua những con số!

    24/11/2003Có thể nói sau mỗi đợt thi tú tài và đại học hàng năm thì lại có một con số được đưa ra tranh cãi để đánh giá chất lượng giáo dục hiện nay. Sự thật chất lượng giáo dục ra sao đằng sau những con số đó? Có thể nói ngay như giải trình của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trước Quốc hội mới đây: Không thể lấy kết quả của kỳ thi tuyển sinh ĐH để đánh giá chất lượng giáo dục ở bậc phổ thông. Vậy chất lượng giáo dục phổ thông nằm ở đâu nếu không phải ngay ở kỳ thi tú tài?
  • Chất lượng giáo dục bắt đầu từ người thầy “thật”

    18/11/2003Thầy ở đây gồm toàn bộ nhân sự trong ngành giáo dục từ thấy nhất đến chóp bu, từ người đứng lớp đến nhà quản lý. “Thật” liên quan đến nhiều mặt...
  • Chất lượng giáo dục phổ thông một vấn đề cấp bách (phần 2)

    11/11/2003GS.VS. Nguyễn Cảnh Toàn4. Bệnh hiện đại mà không hài hòa 5. Xa rời cuộc sống 6. Coi nhẹ khoa học tư duy 7. Quá chậm trong việc đổi mới cách dạy, cách học 8. Phải đổi mới quản lý giáo dục...
  • Chất lượng giáo dục phổ thông – một vấn đề cấp bách

    11/11/2003GS.VS. Nguyễn Cảnh Toàn1. Vấn đề đặt ra sau kỳ thi tuyển sinh Đại học 2003. 2. Phải nắm thật chắc quy luật cơ bản về chất lượng giáo dục. 3. Bệnh tham kiến thức...
  • Đầu tư cho chất lượng giáo dục, đâu là trọng điểm?

    10/11/2003Nền giáo dục hiện đại trong thế kỷ 21 vẫn tiếp tục lấy học sinh làm trung tâm, nhưng xác định rõ tính chất kép trong vai trò chủ thể của học sinh: họ phải là chủ thể nhận thức, còn là chủ thể nghiên cứu và chủ thể sáng tạo (Theo Tuần san châu Á)
  • Chất lượng giáo dục thấp vì sao?

    21/10/2003Nguyên nhân chủ yếu hạn chế chất lượng giáo dục của chúng ta hiện nay là nguyên nhân nội tại của ngành Giáo dục...
  • Về quản lý chất lượng trong giáo dục phổ thông hiện nay

    18/10/2003Phạm Quang HuânBài viết này đề cập một số suy nghĩ bước đầu về những bất cập chính trong thực tiễn QLCL ở nhà trường phổ thông hiện nay...
  • Chất lượng giáo dục thấp: "vị đắng" bắt đầu từ đâu?

    03/10/2003Viện Chiến lược và chương trình giáo dục vừa cho biết, chỉ số tổng hợp về chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực của nước ta chỉ đạt 3,79/10, thua kém nhiều so với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực và châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Điều này chẳng mấy bất ngờ, nhưng vị đắng này bắt đầu từ đâu?
  • Chạy đua" vào trường "điểm"

    07/08/2003Khánh VũVì những lý do khác nhau, nhiều bậc phụ huynh không cho con theo học tại những trường thuộc phạm vi cư trú. Họ cố chạy chọt, lo lót cho con vào những trường có "tiếng", để rồi hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 8, những cuộc "chạy đua" cho con vào các trường "điểm" lại diễn ra âm thầm nhưng quyết liệt...
  • Bảy yếu tố tạo nên chất lượng giáo dục thực và ''ảo''

    11/02/2003(VietNamNet) - Ngành GD-ĐT đang chuẩn bị cho công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ năm 2003. Những dư âm của mùa thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2002 vẫn còn nguyên ''vị đắng''. Không chỉ xã hội, mà ngay cả Bộ GD-ĐT, cơ quan chủ quản của ''giải pháp ba chung'' trong đó có chung đề thi, cũng bị bất ngờ bởi kết quả chất lượng thi quá thấp.
  • xem toàn bộ