Chủ nghĩa tư bản vượt xa hơn cuộc khủng hoảng

10:18 CH @ Thứ Ba - 17 Tháng Ba, 2009

Xem thêm các bài:

1.

2008 là một năm của các cuộc khủng hoảng. Trước tiên, chúng ta đã có một cuộc khủng hoảng lương thực, đặc biệt đe dọa đến người tiêu dùng nghèo, nhất là ở châu Phi. Cùng với nó là một sự tăng giá dầu kỷ lục, đe dọa tất cả các quốc gia nhập khẩu dầu. Cuối cùng, khá bất ngờ vào mùa thu, suy giảm kinh tế toàn cầu ập đến, và bây giờ đang tăng tốc với mức độ khủng khiếp. Năm 2009 dường như có nhiều khả năng là suy giảm sẽ gia tăng gay gắt, và nhiều nhà kinh tế đang tiên liệu một cuộc suy thoái hoàn toàn, thậm chí lớn như suy thoái trong các năm 1930. Trong khi những “gia tài” kếch xù đã bị sụt giảm quá mức, những người bị ảnh hưởng nhiều nhất lại là những người đã bị thua thiệt nhất rồi.

Câu hỏi nổi lên gay gắt nhất bây giờ liên quan đến bản chất của chủ nghĩa tư bản và liệu nó có cần phải được thay đổi hay không. Một số người bảo vệ chủ nghĩa tư bản vô độ [không bị kiềm chế], những người chống lại sự thay đổi, tin chắc rằng chủ nghĩa tư bản bị đổ lỗi quá nhiều vì các vấn đề kinh tế ngắn hạn – các vấn đề mà họ gán cho các thuộc tính khác nhau như sự quản trị tồi (ví dụ từ chính quyền Bush) và hành vi xấu của một số cá nhân (hay như cái mà John McCain mô tả trong cuộc vận động bầu cử tổng thống là “sự tham lam của Wall Street”). Những người khác, tuy nhiên, có nhìn thấy những khuyết tật thật sự nghiêm trọng trong những cách sắp xếp kinh tế hiện tồn và muốn cải cách chúng, tìm kiếm một cách tiếp cận thay thế khác, ngày càng được gọi là “chủ nghĩa tư bản mới.”

Ý tưởng về chủ nghĩa tư bản cũ và mới đã tiếp sinh lực cho một hội thảo được gọi là “Thế giới mới, Chủ nghĩa tư bản mới” được tổ chức tại Paris vào tháng 1-2009, do Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair làm chủ, cả hai người đã hùng hồn trình bày về sự cần thiết phải thay đổi. Bà Thủ tướng Đức, Angela Merkel, cũng thế, bà nói về ý tưởng cũ của Đức, về một “thị trường xã hội” - một thị trường được kiềm chế bởi một hỗn hợp của các chính sách tạo đồng thuận - như là một kế hoạch khả dĩ cho chủ nghĩa tư bản mới (dù Đức đã không làm tốt hơn mấy các nền kinh tế thị trường khác trong khủng hoảng mới đây).

Ý tưởng về thay đổi tổ chức xã hội trong dài hạn rõ ràng là cần thiết, độc lập với các chiến lược đối phó với cuộc khủng hoảng trước mắt. Tôi sẽ tách ba câu hỏi ra khỏi nhiều câu hỏi có thể được nêu lên. Trước tiên, chúng ta có thực sự cần một loại “chủ nghĩa tư bản mới” nào đó hơn là một hệ thống kinh tế không đơn nhất, dựa trên các định chế đa dạng khác nhau được lựa chọn một cách thực dụng, và dựa trên các giá trị xã hội mà chúng ta có thể bảo được vệ về mặt đạo đức? Chúng ta có cần tìm kiếm một chủ nghĩa tư bản mới hay một “thế giới mới” - dùng thuật ngữ khác được nhắc tới tại hội nghị Paris – cái có một dạng khác hay không?

Câu hỏi thứ hai liên quan đến loại kinh tế học mà chúng ta cần đến hiện nay, đặc biệt dưới ánh sáng của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện thời. Chúng ta đánh giá thế nào về cái được các nhà kinh tế học hàn lâm dạy và bênh vực như kim chỉ nam cho chính sách kinh tế - kể cả sự hồi sinh của tư tưởng Keynesian trong những tháng gần đây khi cuộc khủng hoảng trở nên dữ dội? Cụ thể hơn, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện thời chỉ cho chúng ta biết cái gì về các định chế và các ưu tiên mà chúng ta cần tìm? Thứ ba, ngoài việc học cách để có một đánh giá tốt hơn về những thay đổi dài hạn nào là cần thiết, chúng ta phải suy nghĩ - và phải suy nghĩ nhanh - về làm sao để ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay với ít thiệt hại nhất có thể.

2.

Các đặc trưng đặc biệt nào là cái khiến cho một hệ thống rõ ràng là tư bản chủ nghĩa - cũ hoặc mới? Nếu hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa hiện tại phải được cải tổ, cái gì sẽ khiến cho kết quả cuối cùng là chủ nghĩa tư bản mới, chứ không phải là cái gì đó khác? Dường như thường được giả định rằng các giao dịch kinh tế dựa vào các thị trường là một điều kiện cần cho một nền kinh tế được coi là tư bản chủ nghĩa. Tương tự, sự tin cậy vào động cơ lợi nhuận và vào các phần thưởng cá nhân dựa trên quyền sở hữu tư nhân được coi là các đặc tính tiêu biểu của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, nếu đấy là các điều kiện cần, thì liệu các hệ thống kinh tế mà chúng ta đang có, ví dụ, ở Châu Âu và Mỹ, có thật sự là tư bản chủ nghĩa hay không?

Tất cả các nước giàu có trên thế giới – các nước ở Châu Âu, cũng như Mỹ, Canada, Nhật, Singapore, Hàn Quốc, Úc, và các nước khác - trong một thời gian khá dài đến nay đã một phần phụ thuộc vào các giao dịch và các khoản thanh toán xảy ra phần lớn ở bên ngoài các thị trường. Các khoản này bao gồm trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp công, các khoản an sinh xã hội khác và cung cấp giáo dục, y tế, và nhiều thứ dịch vụ khác được phân phối thông qua những dàn xếp phi thị trường. Những quyền được hưởng kinh tế gắn với các dịch vụ như vậy không dựa trên quyền sở hữu tư nhân và các quyền tài sản.

Hơn nữa, hoạt động của chính nền kinh tế thị trường phụ thuộc không chỉ vào việc tối đa hóa lợi nhuận, mà còn vào nhiều hoạt động khác nữa, chẳng hạn như duy trì an ninh công cộng và cung cấp các dịch vụ công - một số trong số đó đưa con người ra khá xa một một nền kinh tế chỉ do lợi nhuận dẫn dắt. Thành tích đáng ca ngợi của cái được gọi là hệ thống tư bản chủ nghĩa, khi tình hình tiến triển, là nhờ sự kết hợp của các định chế - mà giáo dục, y tế, và vận tải hành khách do nhà nước tài trợ chỉ là vài trong nhiều thứ - những thứ vượt quá xa sự dựa vào nền kinh tế tối đa hóa lợi nhuận và vào các quyền thụ hưởng cá nhân gắn với quyền sở hữu tư nhân.

Bên dưới vấn đề này là một câu hỏi cơ bản: ngày nay liệu chủ nghĩa tư bản có còn là một thuật ngữ hữu ích nữa hay không. Ý tưởng về chủ nghĩa tư bản đã thực sự có một vai trò quan trọng về mặt lịch sử, nhưng bây giờ tính hữu ích đó có thể đã hết sạch rồi.

Thí dụ, các công trình tiên phong của Adam Smith trong thế kỷ mười tám đã cho thấy tính hữu ích và tính năng động của nền kinh tế thị trường, và vì sao - và đặc biệt là làm thế nào – mà tính năng động đó vận hành. Nghiên cứu của Smith đã cung cấp một chẩn đoán làm sáng tỏ hoạt động của thị trường đúng khi tính năng động đó nổi lên mạnh mẽ. Đóng góp mà The Wealth of Nation [Sự thịnh vượng của các Quốc gia] được xuất bản năm 1776, đã mang lại cho sự hiểu biết về cái sau đó được gọi là chủ nghĩa tư bản, là vĩ đại. Smith đã cho thấy tự do hóa thương mại rất thường xuyên có thể là vô cùng hữu ích trong việc tạo ra sự thịnh vượng kinh tế thông qua chuyên môn hóa sản xuất và phân công lao động và lợi dụng sự tiết kiệm do quy mô lớn.

Những bài học đó vẫn thích đáng một cách sâu sắc ngay cả ngày nay (thú vị là công trình ấn tượng và mang tính giải tích rất tinh tế về thương mại quốc tế, do nó mà Paul Krugman mới vừa nhận được giải thưởng Nobel kinh tế, gắn chặt chẽ với những thấu hiểu sâu rộng của Smith hơn 230 năm trước). Những phân tích kinh tế tiếp sau những giải thích ban đầu đó trong thế kỷ mười tám về các thị trường và việc dùng vốn đã thành công trong việc xây dựng hệ thống thị trường một cách vững chãi trong phần chính của kinh tế học dòng chủ lưu.

Tuy nhiên, ngay cả khi những đóng góp tích cực của chủ nghĩa tư bản thông qua các quá trình thị trường đã được làm rõ và được giải nghĩa, các mặt tiêu cực của nó cũng đã trở nên rõ ràng - thường là rõ đối với chính các nhà phân tích ấy. Trong khi một số nhà phê bình xã hội chủ nghĩa, nổi bật nhất là Karl Marx, đã lập luận một cách thuyết phục ủng hộ việc chỉ trích và cuối cùng là việc thay thế chủ nghĩa tư bản, những hạn chế rất lớn của việc dựa hoàn toàn vào kinh tế thị trường và vào động cơ lợi nhuận cũng đã khá rõ, ngay cả với Adam Smith. Quả thật, những người sớm chủ trương dùng các thị trường, bao gồm Smith, đã không coi cơ chế thị trường thuần túy là một diễn viên xuất sắc đứng trơ trọi, và họ cũng đã chẳng coi động cơ lợi nhuận là tất cả những gì cần đến.

Mặc dù người ta tìm cách buôn bán vì tư lợi (như Smith đã diễn đạt một cách tài tình, không cần gì nhiều hơn là [chỉ cần dùng] sự tư lợi để giải thích vì sao những người làm bánh mì, nấu rượu bia, mổ thịt, và tiêu dùng lại tìm cách mua bán), mặc dù vậy một nền kinh tế có thể hoạt động hiệu quả chỉ trên cơ sở sự tin cậy giữa các bên khác nhau. Khi những hoạt động kinh doanh, bao gồm cả hoạt động của các ngân hàng và các tổ chức tài chính, tạo niềm tin rằng chúng có thể và sẽ làm những việc mà chúng cam kết, thì các mối quan hệ giữa những người cho vay và đi vay có thể diễn ra một cách trôi chảy theo cách hỗ trợ lẫn nhau. Như Adam Smith đã viết:

Khi người dân của bất kỳ nước cụ thể nào có sự tin cậy như vậy vào sự thịnh vượng, tính trung thực, và sự cẩn trọng của một nhà ngân hàng cá biệt nào đó, như tin rằng ông ta luôn sẵn sàng chi trả khi có yêu cầu, như khi trình lệnh phiếu bất cứ lúc nào cho ông ta; thì các [lệnh] phiếu đó có cùng thời gian lưu thông như [thời gian lưu thông] của tiền vàng và tiền bạc, từ niềm tin rằng tiền như vậy có thể có [dùng được] vào bất kỳ lúc nào đối với họ. [1]

Smith đã giải thích vì sao điều này đôi khi không xảy ra, và giả như còn sống, tôi ngụ ý, ông đã không thấy bất cứ gì đặc biệt hóc búa cả về những khó khăn ngày hôm nay mà doanh nghiệp và các ngân hàng phải đối mặt do nỗi lo sợ và thiếu tin tưởng tràn lan khiến các thị trường tín dụng đóng băng và cản trở sự bành trướng tín dụng.

Cũng đáng nhắc tới trong bối cảnh này, đặc biệt vì “nhà nước phúc lợi” chỉ nổi lên sau thời của chính Smith khá lâu, rằng trong các bài viết khác nhau của mình, ông đã rất mực bận tâm - và lo lắng - về số phận của người nghèo và người tàn tật, một điều nổi bật đầy ấn tượng. Thất bại trực tiếp nhất của cơ chế thị trường nằm ở những thứ mà thị trường bỏ không làm. Phân tích kinh tế của Smith cũng vượt quá khá xa việc để mọi thứ phó mặc cho bàn tay vô hình của cơ chế thị trường. Ông đã không chỉ là một người bảo vệ vai trò của nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ công, như giáo dục, giảm nghèo (cùng với đòi hỏi cho những người nghèo khổ, những người nhận được sự trợ giúp, quyền tự do cao hơn mức mà Luật Người nghèo của thời ông cung cấp), ông cũng đã lo ngại sâu sắc về sự bất bình đẳng và nghèo đói những thứ vẫn có thể còn lại ngay cả trong một nền kinh tế thị trường thành công.

Sự thiếu rõ ràng trong việc phân biệt giữa [các điều kiện] cần và đủ của thị trường là cái chịu trách nhiệm về một số hiểu lầm của nhiều người vẫn coi mình là môn đồ của Smith về sự đánh giá cơ chế thị trường của ông. Thí dụ, việc Smith bảo vệ thị trường thực phẩm và việc ông phê phán những hạn chế của nhà nước lên thương mại tư nhân về lương thực thường được diễn giải như lý lẽ rằng bất kỳ sự can thiệp nào của nhà nước cũng nhất thiết làm cho sự đói và chết đói trầm trọng hơn.

Nhưng sự bảo vệ thương mại tư nhân của Smith đã chỉ được tiến hành dưới dạng tranh luận về niềm tin rằng ngừng kinh doanh thực phẩm sẽ giúp giảm bớt gánh nặng đói. Điều đó theo bất cứ cách nào không hề phủ nhận nhu cầu về hành động của nhà nước nhằm bổ sung cho các hoạt động thị trường bằng cách tạo công ăn việc làm và thu nhập (thí dụ, thông qua chương trình việc làm). Nếu thất nghiệp tăng gay gắt do tình hình kinh tế xấu hay do chính sách công tồi, thì thị trường tự nó sẽ không tái tạo ra các khoản thu nhập của những người bị mất việc. Người mới thất nghiệp, Smith viết, “hoặc bị đói, hay phải lao đi kiếm kế sinh nhai hoặc bằng cách ăn xin, hay phạm tội có lẽ cả loại tàn ác nhất,” và “sự túng thiếu, đói, và chết chóc sẽ hoành hành ngay lập tức ....” [2] Smith bác bỏ những sự can thiệp mà loại trừ thị trường - nhưng không bác bỏ những can thiệp bao gồm thị trường và nhằm làm những điều quan trọng mà thị trường có thể bỏ không làm.

Smith chưa bao giờ sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản” (chí ít trong chừng mực mà tôi đã có thể theo dõi), nhưng từ các công trình của ông cũng khó tạo ra bất cứ lý thuyết nào bàn về tính đầy đủ của các lực lượng thị trường, hay về sự cần phải chấp nhận ưu thế của vốn. Ông nói về tầm quan trọng của các giá trị rộng hơn vượt quá lợi nhuận trong cuốn The Wealth of Nations [Sự thịnh vượng của các Quốc gia], nhưng chính cuốn sách đầu tiên của ông, cuốn The Theory of Moral Sentiments [Lý thuyết về Tình cảm Đạo đức], được công bố chính xác một phần tư thiên niên kỷ trước, vào năm 1759, trong đó ông đã điều tra sâu rộng về đòi hỏi mạnh mẽ đối với các hành động dựa trên các giá trị vượt xa hơn sự tìm kiếm lợi nhuận. Trong khi ông viết rằng “tính cẩn trọng” là [một trong] “tất cả các đức hạnh hữu ích nhất đối với cá nhân,” Adam Smith đã tiếp tục tranh luận rằng “tính nhân đạo, công lý, tính rộng lượng, và tinh thần công cộng, là những phẩm chất hữu ích nhất đối với những người khác.” [3]

Smith coi các thị trường và vốn như làm tốt công việc bên trong phạm vi riêng của chúng, nhưng trước hết, chúng cần đến sự hỗ trợ từ các định chế khác - bao gồm các dịch vụ công như các trường học - và các giá trị khác sự tìm kiếm lợi nhuận thuần túy, và thứ hai, chúng cần sự kiềm chế và hiệu chỉnh bởi các định chế khác nữa - thí dụ, các quy chế tài chính được thiết kế khéo và sự hỗ trợ của nhà nước cho người nghèo – để ngăn chặn sự bất ổn định, bất bình đẳng, và bất công. Nếu chúng ta đi tìm một cách tiếp cận mới để tổ chức các hoạt động kinh tế bao gồm một lựa chọn thực dụng về nhiều thứ dịch vụ công và các quy chế được thiết kế khéo, thì chúng ta nên đi theo hơn là đi trệch chương trình nghị sự cải cách mà Smith đã vạch ra, bởi vì ông đã vừa bảo vệ vừa chỉ trích chủ nghĩa tư bản.



3.

Về mặt lịch sử, chủ nghĩa tư bản đã không nổi lên cho đến khi có các hệ thống mới về pháp luật và về tập quán kinh tế bảo vệ quyền tài sản và làm cho một nền kinh tế dựa trên quyền sở hữu có thể vận hành được. Trao đổi thương mại đã không thể diễn ra một cách hiệu quả trước khi đạo đức kinh doanh khiến cho cách cư xử hợp đồng trở nên bền vững và không tốn kém - thí dụ, không đòi hỏi phải kiện cáo liên miên các nhà thầu phạm lỗi. Đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất đã không thể phát đạt cho đến khi các khoản kiếm được từ tham nhũng đã bớt đi. Chủ nghĩa tư bản theo định hướng lợi nhuận đã luôn luôn cần đến sự hỗ trợ từ các giá trị định chế khác.

Các nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý và đạo đức gắn với các giao dịch đã trở nên rất khó theo dõi trong các năm gần đây, do sự phát triển nhanh chóng của các thị trường thứ cấp liên quan đến các sản phẩm phái sinh và các công cụ tài chính khác. Một người cho vay dưới chuẩn lừa người đi vay nhận những rủi ro dại dột, bây giờ có thể gian dối tống các tài sản tài chính cho các bên thứ ba - những người cách xa với giao dịch ban đầu. Trách nhiệm giải trình bị xói mòn nghiêm trọng, và sự cần thiết về giám sát và điều tiết trở nên mạnh mẽ hơn nhiều.

Và đến nay trong cùng giai đoạn, đặc biệt vai trò giám sát của chính phủ Hoa Kỳ đã bị cắt bớt mạnh mẽ do sự gia tăng niềm tin vào bản chất tự-điều chỉnh của nền kinh tế thị trường. Chính xác khi nhu cầu về giám sát của nhà nước phải tăng, thì công việc giám sát cần thiết bị co lại. Kết quả là, đã có tai họa đang chờ xảy ra, mà cuối cùng đã xảy ra năm ngoái, và điều này chắc chắn đã đóng góp rất nhiều vào cuộc khủng hoảng tài chính ngày nay đang lây ra khắp thế giới. Việc thiếu điều tiết các hoạt động tài chính có các hệ lụy không chỉ đối với các tập quán bất hợp pháp, mà còn đối với xu hướng đầu cơ quá đáng mà xu hướng đó, như Adam Smith lập luận, thường hay cuốn hút nhiều người hối hả lao vào tìm kiếm lợi nhuận.

Smith đã gọi những người ủng hộ rủi ro quá trớn trong tìm kiếm lợi nhuận là “những kẻ hoang toàng và phóng túng” - đó là mô tả khá tốt về những kẻ phát hành các văn tự thế chấp dưới chuẩn trong vài năm qua. Thí dụ, thảo luận các đạo luật chống lại việc cho vay nặng lãi, Smith đã đòi hỏi nhà nước ra quy định để bảo vệ các công dân khỏi “những kẻ hoang toàng và phóng túng” những người ủng hộ các khoản vay không lành mạnh:

Theo cách đó một phần lớn vốn của đất nước bị đẩy khỏi tay những người rất có thể sử dụng nó một cách sinh lợi và có ích, và quăng vào tay những kẻ rất có thể sẽ lãng phí và hủy hoại nó. [4]

Lòng tin ngấm ngầm vào khả năng tự-điều chỉnh của nền kinh tế thị trường, là cái chịu trách nhiệm phần lớn về việc loại bỏ những quy định đã được thiết lập tại Hoa Kỳ, thường hay bỏ qua hoạt động của những kẻ hoang toàng và phóng túng theo cách đã làm cho Adam Smith bị sốc.

Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay một phần do sự đánh giá rất quá đáng về sự sáng suốt của các quá trình thị trường gây ra, và bây giờ cuộc khủng hoảng đang bị thổi phồng bởi sự lo lắng và thiếu tin cậy vào thị trường tài chính và vào các doanh nghiệp nói chung – những sự đáp lại đã là hiển nhiên trong các phản ứng thị trường đối với chuỗi các kế hoạch kích thích, kể cả kế hoạch 787 tỷ $ mà chính quyền mới của Obama vừa ký thành luật vào tháng hai. Tình cờ là, những vấn đề này đã được Smith nhận ra rồi trong thế kỷ mười tám, dù là chúng đã bị bỏ quên bởi những người có thẩm quyền trong những năm gần đây, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, và những người đó đã miệt mài trích dẫn Adam Smith để ủng hộ thị trường tự do.

4.

Trong khi gần đây Adam Smith được trích dẫn nhiều, cho dù không được đọc mấy, còn John Maynard Keynes đã có sự phục hồi mạnh mẽ ngay cả gần đây hơn. Chắc chắn, sự suy giảm tích tụ mà chúng ta thấy đúng bây giờ, đang lôi chúng ta đến gần một cuộc suy thoái, có những nét Keynesian rõ ràng; thu nhập bị giảm của một nhóm người dẫn đến sức mua của họ giảm, rồi đến lượt nó gây ra sự sụt giảm hơn nữa thu nhập của những người khác.

Tuy nhiên, Keynes có thể là vị cứu tinh của chúng ta chỉ ở mức độ một phần, và cần phải nhìn quá ông để hiểu cuộc khủng hoảng hiện thời. Một nhà kinh tế học mà tính thỏa đáng hiện thời của ông đã được biết đến ít hơn rất nhiều là Arthur Cecil Pigou, đối thủ của Keynes, giống như Keynes ông cũng ở Cambridge, quả thật cũng ở trường Kings College, trong thời của Keynes. Pigou đã bận tâm hơn Keynes rất nhiều với tâm lý học kinh tế và cách thức nó có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh doanh và khiến cho suy giảm gay gắt và căng thẳng có thể đưa chúng ta đến một cuộc suy thoái (như quả thực chúng ta đang thấy bây giờ). Pigou quy những biến động kinh tế một phần cho “các nguyên nhân tâm lý” bao gồm

những thay đổi về sắc thái tinh thần của những người có hành động kiểm soát ngành công nghiệp, nổi lên trong những sai lầm của sự lạc quan quá mức hoặc bi quan quá đáng trong những dự báo kinh doanh của họ.[5]

Là khó để bỏ qua sự thực rằng ngày nay, ngoài các tác động Keynesian về sự sa sút tăng cường lẫn nhau, chúng ta chứng kiến sự hiện diện mạnh mẽ của “những sai lầm …bi quan quá đáng.” Pigou, đặc biệt tập trung vào sự cần thiết phải làm tan băng thị trường tín dụng khi nền kinh tế bị cuốn vào sự bi quan quá mức:

Vì thế, khi mọi thứ khác như nhau, sự xuất hiện thực sự của thất bại kinh doanh sẽ phổ biến nhiều hơn hay ít hơn, tùy theo [liệu] có thể kiếm được các khoản cho vay của các ngân hàng một cách khó hơn hay dễ dàng hơn khi đối mặt với khủng hoảng về cầu.[6]

Bất chấp các khoản tiền [thanh khoản] khổng lồ đã được bơm vào các nền kinh tế Mỹ và châu Âu, phần lớn từ chính phủ, cho đến nay các ngân hàng và các tổ chức tài chính vẫn chưa muốn làm tan băng thị trường tín dụng. Các doanh nghiệp khác cũng tiếp tục phá sản, một phần đáp lại cầu đã bị giảm rồi (quá trình “hệ số nhân” Keynesian), nhưng cũng đáp lại sự sợ hãi về cầu còn ít hơn nữa trong tương lai, trong một bầu không khí ảm đạm chung (quá trình Pigovian về lây nhiễm bi quan).

Một trong những vấn đề mà chính quyền Obama phải giải quyết là, cuộc khủng hoảng thực tế, phát sinh từ quản lý tài chính tồi và những vi phạm đạo lý khác, đã bị sự sụp đổ tâm lý phóng đại lên nhiều lần. Các biện pháp đang được thảo luận ngay bây giờ ở Washington và các nơi khác để phục hồi thị trường tín dụng bao gồm các khoản cứu trợ - với đòi hỏi cương quyết rằng các tổ chức tài chính được bao cấp thực sự cho vay – việc chính phủ mua các tài sản độc hại, bảo hiểm chống lại việc không trả được các khoản vay, và quốc hữu hóa ngân hàng. (Đề xuất sau cùng [quốc hữu hóa ngân hàng] làm hoảng sợ nhiều người bảo thủ hệt như sự kiểm soát tư nhân về tiền công cộng được giao cho các ngân hàng khiến người dân lo ngại về trách nhiệm giải trình.) Như đáp ứng yếu ớt của thị trường đối với các biện pháp của chính quyền cho đến nay gợi ý, cần phải đánh giá mỗi trong các chính sách này một phần về các tác động của chúng lên tâm lý của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, đặc biệt là ở Mỹ.

5.

Sự tương phản giữa Pigou và Keynes còn xác đáng vì lý do khác nữa. Trong khi Keynes đã rất chú tâm vào câu hỏi làm sao để tăng tổng thu nhập, ông đã tương đối ít tham gia vào phân tích các vấn đề về bất đình đẳng phân phối của cải và phúc lợi xã hội. Ngược lại, Pigou không chỉ đã viết một tác phẩm cổ điển về kinh tế học phúc lợi, mà ông cũng đi tiên phong đo lường bất bình đẳng kinh tế như là một chỉ báo chủ yếu cho sự đánh giá kinh tế và chính sách.[7] Bởi vì sự đau khổ của những người túng thiếu nhất trong mỗi nền kinh tế - và trên thế giới – đòi hỏi sự chú ý khẩn cấp nhất, vai trò của sự hợp tác hỗ trợ giữa doanh nghiệp và chính phủ không thể ngừng chỉ với sự mở rộng được phối hợp lẫn nhau của nền kinh tế. Có nhu cầu thiết yếu để đặc biệt chú ý đến những người yếu thế trong xã hội khi lập kế hoạch về mỗi phản ứng với khủng hoảng hiện thời, và nhìn vượt quá các biện pháp để tạo sự mở rộng kinh tế nói chung. Các gia đình bị đe dọa bởi thất nghiệp, bởi thiếu chăm sóc y tế, và bởi sự mất mát xã hội và kinh tế là các gia đình bị tác động đặc biệt nặng nề. Những hạn chế của kinh tế học Keynesian để giải quyết các vấn đề của họ phải được thừa nhận mạnh mẽ hơn nhiều.

Cách thứ ba, trong đó Keynes cần được bổ sung, liên quan đến sự lơ đãng tương đối của ông đối với các dịch vụ xã hội – quả thực ngay cả Otto von Bismarck đã có nhiều để nói về chủ đề này hơn là Keynes. Rằng kinh tế thị trường có thể đặc biệt tồi trong cung cấp hàng hoá công cộng (như giáo dục và chăm sóc y tế) đã được một số nhà kinh tế học hàng đầu của thời chúng ta, kể cả Paul Samuelson và Kenneth Arrow, thảo luận. (Pigou cũng đóng góp cho chủ đề này với sự nhấn mạnh của ông đến “các tác động ngoại lai” của các giao dịch thị trường, nơi mà cái được và cái mất không chỉ giới hạn ở những người mua hoặc người bán trực tiếp.) Đây, tất nhiên, là một vấn đề dài hạn, nhưng đáng lưu ý thêm rằng nỗi đau của một đợt suy giảm có thể nhức nhối hơn nhiều đặc biệt khi chăm sóc sức khỏe không được đảm bảo cho tất cả mọi người.

Thí dụ, khi thiếu hệ thống y tế quốc gia, mỗi việc làm bị mất có thể tạo ra một sự loại trừ lớn hơn đối với chăm sóc sức khỏe thiết yếu, bởi vì bảo hiểm y tế tư nhân liên quan đến mất thu nhập hoặc mất việc làm. Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ là 7,6 phần trăm, bắt đầu gây ra sự túng thiếu khổng lồ. Thật đáng hỏi các nước Châu Âu, bao gồm cả Pháp, Ý, và Tây Ban Nha, các nước có mức thất nghiệp cao hơn nhiều trong hàng thập kỷ, đã làm thế nào để tránh được sự sụp đổ hoàn toàn của chất lượng cuộc sống của họ. Câu trả lời một phần là ở cách mà nhà nước phúc lợi châu Âu hoạt động, với bảo hiểm thất nghiệp mạnh hơn ở Mỹ rất nhiều và, thậm chí quan trọng hơn, với các dịch vụ y tế cơ bản được cung cấp cho tất cả mọi người bởi nhà nước.

Thất bại của cơ chế thị trường để cung cấp chăm sóc y tế cho tất cả mọi người đã là rõ rành rành, dễ nhận thấy nhất là ở Hoa Kỳ, nhưng cũng thấy ở sự dừng đột ngột trong tiến bộ về sức khỏe và tuổi thọ ở Trung Quốc tiếp sau việc hủy bỏ hệ thống y tế phổ quát năm 1979. Trước khi tiến hành cải cách kinh tế vào năm đó, mọi công dân Trung Quốc đã được bảo đảm chăm sóc sức khỏe do nhà nước hoặc các hợp tác xã cung cấp, cho dù chỉ ở mức khá sơ đẳng. Khi Trung Quốc loại bỏ hệ thống phi hiệu quả và phản năng suất của các hợp tác xã nông nghiệp, các công xã và các đơn vị công nghiệp do các cơ quan nhà nước quan liêu quản lý, bằng cách đó tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc tăng nhanh hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Nhưng cùng một lúc, do niềm tin mới vào nền kinh tế thị trường dẫn dắt, Trung Quốc cũng đã hủy bỏ hệ thống chăm sóc sức khỏe phổ quát; và, sau những cải cách năm 1979, các cá nhân phải mua bảo hiểm y tế (ngoại trừ một số trường hợp tương đối hiếm khi nhà nước hay một số doanh nghiệp lớn cung cấp chúng cho người lao động và người phụ thuộc). Với sự thay đổi này, tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc về tuổi thọ giảm đột ngột.

Đây đã là vấn đề lớn khi tổng thu nhập của Trung Quốc tăng cực nhanh, nhưng nó chắc hẳn trở thành vấn đề lớn hơn rất nhiều khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc đột ngột, như hiện đang xảy ra. Chính phủ Trung Quốc hiện đang cố gắng hết sức để dần dần xây dựng lại hệ thống bảo hiểm y tế cho mọi người, và chính phủ Hoa Kỳ của Obama cũng cam kết thực hiện bảo hiểm y tế phổ quát. Trong cả hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ, những sửa chữa còn phải làm nhiều, nhưng chúng phải là các yếu tố chủ yếu trong giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế, cũng như trong hoàn tất chuyển đổi dài hạn của hai xã hội.

6.

Sự phục hồi của Keynes có nhiều để đóng góp cả cho phân tích kinh tế lẫn chính sách kinh tế, nhưng tấm lưới phải được quăng rộng ra hơn nhiều. Mặc dù Keynes thường được xem như một loại nhân vật “nổi loạn” trong kinh tế học đương thời, thực ra ông đã trở thành gần như là guru [người có uy tín nhất] của một chủ nghĩa tư bản mới, người đã chú tâm vào nỗ lực ổn định những biến động của nền kinh tế thị trường (và rồi lại tương đối ít chú ý đến các nguyên nhân tâm lý của những biến động kinh doanh). Mặc dù Smith và Pigou có tiếng là các nhà kinh tế học khá bảo thủ, nhiều sự thấu hiểu sâu sắc về tầm quan trọng của các định chế phi-thị trường và các giá trị phi-lợi nhuận đã là của họ, chứ không phải là của Keynes và những người theo ông.

Một cuộc khủng hoảng không chỉ đưa ra một thách thức trực tiếp phải đối mặt. Nó cũng cho một cơ hội để đề cập các vấn đề dài hạn khi dân chúng sẵn sàng xem xét lại những quy ước đã được thiết lập vững chắc. Đây là lý do vì sao cuộc khủng hoảng hiện nay cũng trở nên quan trọng để đối mặt với các vấn đề dài hạn đã bị sao nhãng như vấn đề bảo tồn môi trường và hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia, cũng như nhu cầu giao thông công cộng đã bị bỏ mặc rất tồi tệ trong vài thập kỷ vừa qua và cho đến nay cũng vẫn bị loại bỏ - khi tôi viết bài này - ngay cả trong các chính sách ban đầu được tuyên bố của chính quyền Obama. Khả năng chi trả về kinh tế, tất nhiên, là một vấn đề, nhưng như thí dụ của tiểu bang Kerala của Ấn Độ cho thấy, có thể có hệ thống chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người do nhà nước bảo đảm với chi phí tương đối ít. Kể từ khi Trung Quốc bỏ bảo hiểm y tế phổ quát năm 1979, Kerala – vẫn tiếp tục có – đã vượt Trung Quốc một cách rất đáng kể về tuổi thọ trung bình và về các chỉ số như tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong, mặc dù Kerala có mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn rất nhiều. Như thế, cũng có những cơ hội cho cả các nước nghèo nữa.

Nhưng những thách thức lớn nhất đối mặt với Hoa Kỳ, nước đã có mức chi tiêu bình quân đầu người về y tế cao nhất trong tất cả các nước trên thế giới, nhưng vẫn chỉ có một thành tích tương đối thấp về y tế và còn hơn bốn mươi triệu người không có bảo đảm nào về chăm sóc sức khỏe. Một phần của vấn đề ở đây là vấn đề về thái độ và hiểu biết của công chúng. Nhận thức vô cùng méo mó về một hệ thống y tế quốc gia hoạt động ra sao cần phải được hiệu chỉnh thông qua các cuộc thảo luận công cộng. Thí dụ, người ta thường cho rằng trong một hệ thống y tế quốc gia châu Âu chẳng ai có quyền lựa chọn bác sĩ, điều đó hoàn toàn không đúng như thế.

Tuy nhiên, cũng cần sự hiểu biết tốt hơn về các tùy chọn sẵn có. Trong những thảo luận về cải cách y tế ở Hoa Kỳ, đã có một sự tập trung quá đáng vào hệ thống của Canada - một hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng khiến cho rất khó để có sự chăm sóc y tế tư nhân - trong khi các hệ thống y tế quốc gia Tây Âu cung cấp chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người, nhưng, ngoài phạm vi bao phủ của nhà nước, cũng cho phép tư nhân hành nghề và bảo hiểm y tế tư nhân, dành cho những người có tiền và muốn chi tiêu theo cách này. Không rõ hệt như vì sao người giàu có thể tự do chi tiêu tiền cho du thuyền và các hàng hóa xa xỉ khác lại không được phép thay vào đó chi tiêu tiền cho quét xét nghiệm bằng máy MRI hoặc CT. Nếu chúng ta theo gợi ý từ các lý lẽ của Adam Smith đối với tính đa dạng của các định chế, và đối với cung cấp các động cơ đa dạng khác nhau, thì có các biện pháp thiết thực mà chúng ta có thể tiến hành để làm nên một sự khác biệt khổng lồ cho thế giới mà chúng ta sống trong đó.

Tôi cho rằng, các cuộc khủng hoảng kinh tế hiện thời không tìm đến một “chủ nghĩa tư bản mới,” nhưng chúng có đòi hỏi một sự hiểu biết mới về các ý tưởng cũ hơn, chẳng hạn như các ý tưởng của Smith và của Pigou gần thời của chúng ta hơn, rất nhiều trong số đó đã bị bỏ qua một cách đáng buồn. Cái cũng cần là một nhận thức với đầu óc tỉnh táo về các định chế khác nhau thực sự hoạt động như thế nào, và về cách thức mà các tổ chức khác nhau - từ thị trường đến các định chế nhà nước - có thể đi xa hơn các giải pháp ngắn hạn và đóng góp vào tạo ra một thế giới kinh tế tử tế hơn.

- February 25, 2009


Ghi chú

[1] Adam Smith, An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, edited by R.H. Campbell and A.S. Skinner (Clarendon Press, 1976), I, II.ii.28, p.292.

[2] Adam Smith, The Wealth of Nations, I, I.viii.26, p. 91.

[3] Adam Smith, The Theory of Moral Sentiments, edited by D.D. Raphael and A.L. Macfie (Clarendon Press, 1976), pp. 189-190.

[4] Adam Smith, The Wealth of Nations, I, II.iv.15, p. 357.

[5] A. C. Pigou, Industrial Fluctuations (London: Macmillan, 1929), p. 73.

[6] A. C. Pigou, Industrial Fluctuations, p. 96.

[7] A. C. Pigou, The Economics of Walfare (London: Macmillan, 1920). Các tác phẩm hiện thời về bất bình đẳng kinh tế, kể cả những đóng góp chủ yếu của A. B. Atkinson, đã có được cảm hứng ở mức độ đáng kể từ sáng kiến tiên phong của Pigou: xem Atkinson, Social Justice and Public Policy (MIT Press, 1983).

Nội dung liên quan

  • Vượt qua khủng hoảng tài chính & suy thoái kinh tế

    25/06/2008Linh VũLàm thế nào để vượt qua khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, như đã từng xảy ra ở các nước Châu Á thời điểm 1997-1999 và hiện đang xảy ra tại Mỹ? Trong phạm vi bài báo này người viết sẽ điểm qua bài học kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc vượt qua khủng hoảng và suy thoái trên con đường phục hồi kinh tế...
  • An ninh tài chính: Một khía cạnh xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ theo định hướng XHCN

    14/04/2008Nhà báo Trường Phước (Bình luận kinh tế năm 2003)Hệ thống tài chính - tiền tệ phải được xây dựng, vận hành theo những nguyên tắc của kinh tế thị trường, công khai, minh bạch...
  • Chủ nghĩa tư bản phiên bản 3.0

    11/03/2008Nguyễn Đình Huy dịchTrong Chủ nghĩa tư bản Phiên bản 3.0, Peter Barnes biện hộ cho cộng sản một cách thẳng thắn và dứt khoát. Đây là một cuốn sách cần thiết về một chủ đề hệ trọng... (Bill McKibben)
  • Một Cấu trúc Tài chính Toàn cầu Mới

    13/11/2007SorosĐộ dài của khủng hoảng đã ngắn hơn nhiều và sự sa sút về hoạt động kinh tế nông hơn có thể dự kiến lúc đó. Điều này được coi như bằng chứng rằng các thị trường tài chính có cách tự hiệu chỉnh và rằng hệ thống tư bản toàn cầu như được cấu tạo hiện nay là cơ bản lành mạnh. Theo lẽ phải thông thường, các thiếu sót đã là ở các nước vấp phải khủng hoảng, chứ không phải ở bản thân hệ thống. Các thiếu sót đang trong quá trình sửa...
  • Khủng hoảng Tài chính 1997-1999

    13/11/2007SorosKhủng hoảng tài chính khởi đầu ở Thái Lan năm 1997 đã đặc biệt làm bực mình vì qui mô và tính khốc liệt của nó. Ở Soros Fund Management chúng tôi đã có thể thấy một khủng hoảng đến sáu tháng trước như những người khác, nhưng mức độ trục trặc làm cho mọi người ngạc nhiên...
  • Xã hội mở: Cải cách chủ nghĩa tư bản toàn cầu

    08/06/2007George SorosNếu chỉ dựa vào cơ chế thị trường và nhấn mạnh thái quá đến các giá trị thị trường, chủ nghĩa tư bản không thể đảm bảo tự do, dân chủ, và pháp trị; có thể, và nó đã dẫn đến những thảm hoạ như hai cuộc Chiến tranh Thế giới, các cuộc khủng hoảng tài chính. Vì sao chúng xảy ra? Làm sao có thể tránh được những thảm hoạ như vậy, hay chí ít làm nhẹ bớt tác động tai hoạ của chúng? Đó là những vấn đề Soros quan tâm.
  • xem toàn bộ