Con chữ bên lề

10:37 SA @ Thứ Hai - 30 Tháng Tư, 2018

Thoạt nhìn, con chữ bên lề trang sách ngỡ chẳng có gì đáng chú ý, vậy mà có thể tiết lộ đôi điều về dòng đời đủ sắc, đủ màu.

Đây là ấn phẩm nạp bản cuốn Bếp lửa của Thanh Tâm Tuyền cho Thư viện Bộ Thông tin Việt Nam Cộng Hòa và sau đó nhập tịch phòng ”đọc hạn chế” của “Thư viện Ban Tuyên huấn cục Miền Nam Việt Nam”. Người hiếu sự ghé mắt vào phiếu mượn đính kèm cuối sách: "TN Kim Oanh mượn ngày 2.3.75 và trả ngày 7.3.75 và Đỗ Thị Mão mượn ngày 25.3.75 và trả ngày 15.4.75".

Phiếu mượn đính kèm cuốnBếp lửa (1973)

Thử nhẩm tính con số ghi dấu mốc thời gian: chỉ vài mươi ngày nữa là bom đạn thôi gầm thét. Chính quyền Sài Gòn trong cơn hấp hối. Khói lửa cuống cuồng. Hoang tàn nghiêng lệch. Giữa khung cảnh ấy, hai thiếu phụ kiêu sa lại phiêu lãng trong thế giới văn chương?

Vài chữ ai đó quen tay ghi làm kỷ niệm bỗng ký họa cuộc “cải triều hoán đại”. Bên cạnh hân hoan còn có rúng động: "Thứ ba, 13/5/1975. Quân cách mạng tràn ngập các đường phố Sài Gòn. Sách báo bán đại hạ giá”. Chỉ mới hơn mươi ngày thôi, hoa trái đời sống tinh thần đã lăn lóc bên đường ngắm đất nhìn trời.

Trang lược đề cuốnBuông xả (Hubert Benoit, Nguyễn Minh Tâm dịch, 1968)

Chép đến đây tôi sực nhớ chứng tích đánh dấu “món quà miền Bắc gởi miền Nam” ngày giang sơn về một mối: "Thân tặng đồng bào Huế - Sài Gòn. Hà Nội 14-5-75 Đỗ Bạt Tụy” kèm với con dấu “Nhân dân thủ đô Hà Nội kính tặng”.

Trang tiêu đề cuốnKhi mùa xuân đến (Lê Phương Liên, 1973)

Và cũng không thể quên chứng tích hiếm hơn và nhiều dư vị hơn về dòng sách ngược từ Nam ra Bắc: “Tập truyện kiếm hiệp Tầu đầu tiên in tại Hà Nội trước năm 40 do cụ Nguyễn Đỗ Mục dịch in hàng ngày tại báo. Vào Sài Gòn năm 75 sưu tập lại được tập này in thành tập năm 1964 do ông Thân Văn dịch thuật. Vì quí kỷ niệm xưa nên lưu giữ. SG 8-1975. Ng Tiến Bổng”.

Trang tiêu đề cuốnHỏa thiêu Hồng liên tự (Thân Văn dịch, 1965)

Chẳng ngờ con chữ lại quanh quẩn tình cảnh áo cơm ngột ngạt: "Mua trong tháng đói kém và khó khăn nhất của Gia Đình và Nhân Dân. Liễu đề 14.5.82 (tức 11.4 NTuất). Trần Lê Văn”. Nhà thơ dằn lòng giữa đam mê chữ nghĩa với thực trạng đời sống vật chất điêu đứng đến tận đáy.

Trang tiêu đềTu viện thành Pácmơ (Xtandan, tập I, Huỳnh Lý dịch, 1981)

Có biểu tượng của tinh thần tự do trong học thuật, khi Đại học Văn khoa Huế (Viện Đại học Huế) tuyên ngôn: "Không tán thành và cũng không phản đối những ý kiến phát biểu trong tập tiểu luận này. Những ý kiến đó tác giả chịu hoàn toàn trách nhiệm”. Thiết nghĩ, tuyên ngôn đó dựa lưng vào mô hình tự trị đại học, thể hiện tinh thần đối thoại bình đẳng.

Tuyên ngôn Đại học Văn khoa Huế (Viện Đại học Huế) in ở đầu tiểu luận cao học sử ”Vai trò của giám mục Bá-Đa-Lộc đối với Nguyễn Ánh (1754 - 1799)” do sinh viên Hoàng Cao Khải đệ trình 1974

Có cảnh tượng như cái gì khác hẳn, khi mẩu giấy đánh máy và dán ngay vào trang tiêu đề cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim ghi: "Loại sách này chỉ dùng nội bộ khi đọc phải đứng trên lập trường của giai cấp vô sản để xem xét. Dựa trên chủ nghĩa duy vật lịch sử, duy vật biện chứng, quan điểm toàn diện để phân tích vấn đề. Chủ yếu nắm một số tư liệu để phục vụ công tác. Không cho khách mượn”. Sách nằm trong tủ sách Câu lạc bộ, Công ty Du lịch Bình Trị Thiên. Có lẽ cuốn thông sử này là tài liệu tham khảo hữu ích nên được chiếu cố với lời lẽ dẹp đường, định lối như thế.

Mẩu giấy dán vào trang tiêu đề cuốnViệt Nam sử lược

"Lời mở” của trường đại học và ”định hướng” của thủ thư minh định nét dị biệt của sinh hoạt tinh thần mỗi nơi mỗi thời.
Dưới mắt kẻ chơi sách Việt, nguyên bản tiếng Pháp Pilote de Guerre (Phi công thời chiến) chẳng hợp gu chơi. Nhưng riêng bản này, chẳng kỳ mà cũng chẳng lạ nhưng có giá trị sưu tập nhờ bút tích của một nhân vật lịch sử: trung úy phi công Phạm Phú Quốc (1935 - 1965), người ném bom Dinh Độc lập tháng 2.1962. Bìa đã sờn, đề tên Phạm Phú Quốc, số hiệu “Quốc 814 QPĐB” và chữ “Gởi Nha tổng” bằng bút nguyên tử đỏ. Trang trong là dòng bút chì đã mờ, “Ng. H gửi vào ngày 1.12.62. Quốc”. Và tiếp trang sau là con dấu và chữ ký đại diện “Trung Tâm (mờ mờ không rõ) Khám Saigon”. Bút tích hé lộ chút ít về đời sống tinh thần trong ngục thất, dù ngặt nghèo, nhưng viên phi công vẫn có thể mê mải chuyến bay đêm cùng Saint-Exupéry.

Trang bìaPilote de Guerre (Antoine de Saint-Exupéry, Gallimard, 1960), bản này nằm trong tủ sách học giả Vương Hồng Sển

Đủ mọi sự kiện thú vị. Bút tích “Bổn mạng thứ 50 của JB 24.6.1987” của Phan Kim Thịnh, sáng lập kiêm chủ nhiệm tạp chí Văn Họcxác định ngày ông được rửa tội và Thánh bổn mạng là Gioan Baotixita. Sau 1975, ông gác bút và đây là dòng chữ ẩn chứa chút u hoài ngày tháng ông trở lại đời văn: “Lại cầm bút viết lại sau 15 năm nghỉ viết 15.9.1989”. Chính quyết định này, với bút hiệu Lý Nhân, ông đến với công chúng sau nhiều năm im hơi lặng tiếng: Trần Lệ Xuân giấc mộng chính trường (1990), Giai thoại và sự thật về Bảo Đại vua cuối cùng triều Nguyễn(1999), Sài Gòn vang bóng (2000)...

Bút tích Phan Kim Thịnh trênTuyển tập truyện thơ Mường, tập I (1986) vàVăn học Việt Nam chống Mỹ cứu nước (1979)

Đủ các ghi chép đáng chú ý. Có đến mươi chữ có âm Hán Việt là cậnvới nghĩa khác nhau. Vậy, phương danh nhà thơ Huy Cận là chữ cậnnào? Và đây, chính tay Huy Cận viết tên mình kèm theo hai chữ Hán: đó là chữcẩnbộ ngọc (các từ điển Hán Việt thông dụng đều ghi chữ này âm cẩn).

Bút tích Huy Cận trên trang tiêu đề cuốnBàn về văn hóa và văn nghệ (1963)

Lan man, tôi lại nhớ đến lời truyền tụng cho mượn sách đã dại nhưng mượn được mà đem trả, còn dại hơn! Kẻ chơi sách (và đọc sách) ít nhiều đều biết bài châm khuyết danh xem như là cẩm nang gìn giữ sách lưu trên cuốn Việt Nam văn học bình dân (1960):

Có tiền mua sách để mà coi,
Hỏi mượn không cho bảo hẹp hòi
Bạn thân ai đâu mà nỡ tiếc,
Cho mượn không tiếc, tiếc công đòi

Sách gáy giả da, chữ vàng chạm khắc tên tác giả, tác phẩm và chủ nhân Trần Duy Chính. Vào trang trong là khuôn dấu “Hãng xe đò Tân Hòa Vinh, Saigon, Nha Trang, Qui Nhơn” kèm dòng chữ “Tủ sách Gia đình Hòa Vinh”. Chưa yên tâm, chủ nhân chua mấy ý nghĩ nôm na và rành mạch “Chú ý: Xem sách xong xin để vào chỗ cũ. Sách này không bán không cho mượn. Để con cháu học hỏi, tham khảo”. Đâu đã hết, còn bồi thêm triết lý: “Hãy dốc tiền vào trong đầu óc, kẻ cắp không thể nào đánh cắp được”!

Bút tích trên trang tiêu đề cuốnViệt Nam văn học bình dân (1960)

Con chữ bên lề như tiếng trầm mặc ngày xưa thì thầm bao nhiêu cảnh và việc thoáng chốc đã mờ vào hư không. Những người chấp bút đâu ngờ nó thành dư vị cho dăm bảy mẩu chuyện con con trong ”lời quê chắp nhặt” này.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • 'Với tôi, sách cũ quý hơn vàng!'

    06/05/2017Anh Thư - Nguyên PhươngSách cũ không có giá trị, như đồ bỏ đi với khá nhiều người nhưng nó lại như món đồ quý cần phải gìn giữ, bảo vệ với những ai trân trọng chúng...
  • Từ vứt bỏ sách cũ có giá trị đến… ồ ạt làm ra sách mới sách rởm

    21/04/2017Vương Trí NhànTại sao lại có tình trạng thê thảm của sách như tôi đã nói ? Ta hãy cùng tìm tới những nguyên nhân đã lùi về xa...
  • Kỳ lạ những người mua sách về chỉ để… ngắm

    21/10/2016Bích NgọcBạn có bao giờ rơi vào tình trạng mua sách về mà mãi không có thời gian để đọc? Sách vẫn cứ “xếp xó”, không thể nào đọc cho đến trang cuối cùng được…
  • Sách mới, sách cũ

    12/07/2014Hai vợ chồng làm cùng ngành xuất bản sách. Ðêm tân hôn của họ thật thơ mộng. Họ nói với nhau đủ chuyện, từ chuyện yêu đương, gia đình, bè bạn, nghề nghiệp...
  • Sách cũ

    01/02/2012Cao Huy ThuầnVới Cao Huy Thuần thì không phải đến lúc dơ mới đặt vấn đề sạch, tự xưa, vấn đề sạch luôn được đặt ra. Tác giả này trích lục Quốc văn giáo khoa thư như một dẫn chứng qua câu chuyện nhà văn sơn nam đến nói chuyện với một lớp học...
  • Thời của Kindle: đọc sách cũng là kết nối

    24/08/2010Linh Giang dịchKindle của Amazon, Nook của Barnes&Noble, những chiếc máy đọc sách như vậy đang dần tạo nên bước ngoặt trong văn hóa đọc: mở ra một không gian "ảo" để độc giả kết nối, chia sẻ và khám phá...
  • Sách cũ – hành trình chinh phục

    08/06/2006Tố TâmNhà văn Phan Thị Vàng Anh từng nói: "Thời gian đi không bao giờ trở lại, chỉ có lòng người quay lại với thời gian" và quả như thế thật: Trên đôi tay, trong những chiếc túi… sách cũ có cuộc hành trình dài không mỏi… cho những khuôn mặt luôn ánh niềm vui. Từ đó, sách cũ trở thành người bạn khó khước từ với nhiều người...
  • Lời khuyên người mua sách

    31/12/2005Phan Điều AnhCuốn sách nào mà bạn đang cần mà không thể dễ dàng mượn được hoặc khả năng được tặng là không chắc chắn, thì hãy mua ngay nếu đủ tiền. Đừng nấn ná đợi dịp khác, vì chưa hẳn cơ hội sẽ đến với bạn...
  • Người Sài Gòn "bạo" tay mua sách

    05/07/2005Năm 2003, nhà sách Trí Tuệ đưa về một bộ Đại từ điển Phật học Huệ Quang (cảo bản) 10 tập, giá 1,5 triệu đồng. Tưởng bán chậm, ai ngờ cuối cùng lại...thiếu hàng!
    Trên thực tế không chỉ có sách nghiên cứu giá đắt như vậy mà vẫn hút hàng, các loại sách khác cũng đang bán rất chạy trên thị trường thành phố...
  • xem toàn bộ