Không phóng đại

10:21 SA @ Thứ Hai - 13 Tháng Mười Hai, 2010
Nếu theo đúng tinh thần của một câu danh ngôn nước ngoài "Người nào chê ta đúng, là thầy ta. Người nào khen ta đúng, là bạn ta" thì có lẽ nhà báo lão thành Hữu Thọ, dù hơn tôi đến gần một phần tư thế kỷ, cũng vẫn là một người bạn, vong niên, của tôi. Từ khi được hân hạnh biết ông đến nay, tôi chủ yếu chỉ được nghe những lời động viên khích lệ rất chí tình và cũng rất hào phóng!

Cây bút chính luận xuất sắc này của làng báo nước nhà rất giàu tính chiến đấu nhưng luôn luôn giữ được phong cách điềm tĩnh, mềm mỏng tới lịch thiệp. Và tiếp xúc với ông nhiều lần, tôi đã luôn thấy khâm phục cách nêu ra các vấn đề chính trị xã hội của ông, đủ độ thẳng thắn để cảnh báo nhưng không làm ai cảm thấy bị xúc phạm (nếu ai đó cảm thấy khó chịu vì lời ông nói thì đó cũng chỉ là sự khó chịu mơ hồ, không thể có nguyên do trực tiếp).

Đã có lần tôi đánh bạo hỏi ông, phải chăng chính tác phong đó đã là bí quyết để ông vừa thành công về mặt nghề nghiệp và vừa thành công về danh vọng (chúng ta hãy cùng hiểu từ "danh vọng" theo nghĩa tích cực mà tất cả chúng ta, kể cả cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa cũng đều muốn có, vì "đã mang tiếng ở trong trời đất"). Và ông đã trả lời tôi như sau:

- Tôi thì chả có cái bí quyết gì, có điều là mình sống thật với mình. Tôi là nhà báo thì thích sự trao đổi, đặc biệt tôi nghĩ một trong những năng khiếu của nghề làm báo là thích sự trao đổi, và nếu không có người trao đổi thì tự triển khai lấy những ý kiến phản biện để tự mình trao đổi với mình. Tôi thường đi với các đồng chí lãnh đạo như một người giúp việc, mà cũng như một người tâm tình.

Tôi có một kỷ niệm rất sâu sắc thế này, lúc anh Nguyễn Chí Thanh mới sang làm nông nghiệp, các nhà báo giúp việc có tôi và anh Phan Quang. Anh Thanh nói: "Tôi cho các ông cãi, tôi cũng thích cãi, trên dưới cùng cãi. Tôi cũng mới sang làm nông nghiệp nên chưa hiểu gì cả". Anh ấy còn bảo: "Có thể đúng, có thể sai, nhưng cậu mà đúng một nửa thôi thì phải nhớ rằng một mình cậu đã chiếm 50% chân lý rồi. Cao Bá Quát ngày xưa ngạo nghễ thế cũng chỉ dám nói mình đọc được 1/3 bồ sách thiên hạ thôi".

Tôi bạo mồm thốt lên: "Anh ơi, chúng tôi có nói đúng 80% thì họ cũng quên cái 80% ấy đi, họ chỉ nhè 20% sai kia mà họ diệt". "Thế cậu vì việc hay vì cái ghế của cậu?". Mà ông Thanh là một con người có tính nết rất lạ, về chính trị thì không bao giờ ông ấy mắng những ý kiến phản biện cả, nhưng khi tôi cãi ông hai ba cái việc lặt vặt thì ông mắng tôi rất ghê gớm.



Do hoàn cảnh công việc của mình, Hữu Thọ là một nhà báo sớm được gần các đồng chí lãnh đạo cao cấp và ông cũng sớm đào luyện được một tác phong chuyên nghiệp trong ứng xử ở những tình huống không đơn giản khi những người đối thoại với ta thường là những người cao hơn ta ở vị trí xã hội, sao cho vẫn giữ được phép tắc công đường mà vẫn giữ được chính kiến cá nhân.

Ông tự hào về danh hiệu nhà báo của mình nhưng không bao giờ bị huyễn tưởng bởi những ưu thế mà nghề nghiệp đem lại. Ông không quá e dè với thượng cấp nhưng cũng không "gần chùa gọi bụt bằng anh". Ông tâm sự:

- Đúng là báo chí có quyền lực, nhưng cái quyền lực đó là Đảng giao cho mình, Nhà nước giao cho mình, nhân dân giao cho mình. Nếu mình tách ra khỏi ba cái kia thì mình là cái gì? Khi làm Báo Nhân Dân, chúng tôi vẫn nói với nhau: "Này, không phải người làm ở Báo Nhân Dân là oai đâu. Nó oai là vì núp gốc cây đa. Chứ còn mỗi một người phải oai chính từ cái nhân cách của mình".

Những năm đầu đổi mới, có ba phóng sự rất nổi tiếng và đối với tôi đã để lại ấn tượng rất sâu sắc. Một là "Cái đêm hôm ấy đêm gì" của Phùng Gia Lộc, hai là "Người đàn bà quỳ" của Lê Văn Ba, ba là "Lời khai của bị can" của Trần Huy Quang. Ba bài đó của ba tác giả khác nhau nhưng tự nhiên nó lại đặt ra một vấn đề xã hội, và thực sự có tính dự báo rất ghê về vấn đề dân chủ, về vấn đề oan ức, về vấn đề kỳ thị người làm giàu trong xã hội...

Rồi tôi xin nói về sức mạnh của các nhà báo trong khoán 100, nếu không có họ thì chưa chắc đã có chỉ thị năm 1981 ra đời. Không có sự hoạt động tích cực của các nhà báo thì không thể có tiến triển vụ Năm Cam như chúng ta đã thấy. Thế nên phải nói sức mạnh của báo chí rất kinh khủng. "Giúp cho việc xử lý của Đảng được nhanh chóng" như theo một đánh giá trong nghị quyết của Đảng thì làm sao lại là mõ được?

Cụ Hồ đã nói: "Báo chí là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng", thì cũng nên hiểu khi nó là xung kích trên mặt trận tư tưởng cách mạng thì nó cũng có khả năng là xung kích trên mặt trận tư tưởng phản cách mạng. Phải nên nhớ vai trò đi đầu của nó là cực kỳ quan trọng. Báo chí Nga cho đến bây giờ người ta tổng kết, Liên Xô sụp đổ nhanh có lỗi một phần do báo chí về những thông tin cường điệu phóng đại.

Không dám nói là một người đã hiểu về ông nhiều, nhưng ngay cả bây giờ, mỗi khi có những vấn đề gì cần lý giải bằng một tư duy tỉnh táo, sắc bén và đúng mực, tôi thường tìm tới nhà báo Hữu Thọ để trò chuyện. Và sáng ngày 18/11/2010, tôi cũng đã tới thăm nhà báo Hữu Thọ tại nhà riêng của ông. Như thường lệ, ông đón tôi rất chân tình với câu dặn dò, nói chuyện chơi thôi nhé, không cần phải viết báo gì cả…

Nhưng tôi là dân chuyên nghiệp, làm sao tôi lại không viết về những gì đã trao đổi với một nhà báo lão luyện và giàu kinh nghiệm sống như ông. Nói chung, tôi vẫn quan niệm rằng, chuyện gì cũng có thể đưa lên báo được, quan trọng là đưa theo cách nào và ở mức độ nào để không mạo phạm những quy tắc chung của cuộc sống cộng đồng.

Hồng Thanh Quang: Ông chính thức về hưu cũng đã lâu rồi, tuổi cũng cao rồi. Liệu ông còn đủ sức theo dõi tình hình thời sự như trước nữa không ạ?

Nhà báo Hữu Thọ: Đã là nhà báo thì phải gắn với thời sự chứ làm sao khác được… Cũng tìm mọi cách mà tiếp cận.

Hồng Thanh Quang: Ông Putin ở bên Nga có lần đã nói, đã là cán bộ an ninh thì sẽ là cán bộ an ninh đến hết đời. Có lẽ là nhà báo cũng thế, một nhà báo đích thực thì dù về hưu cũng vẫn là nhà báo...

Nhà báo Hữu Thọ: Đúng thế. Mà nhà báo là phải gắn với thời sự. Đã làm báo, vấn đề lớn nhất là vấn đề thời sự. Có điều, người ta viết thời sự theo nhiều kiểu khác nhau chứ không nhất thiết…

Hồng Thanh Quang:"Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng" - như câu thơ của Hoàng Nhuận Cầm? Nhưng "Anh một mình náo động một mình anh" thì chắc chắn là giống như tâm trạng của một nhà báo đích thực nhưng đã về hưu trước tình hình thời sự đương thời…

Nhà báo Hữu Thọ (cười): Có người viết trực tiếp, có những người thì nói xa xôi, nhưng nếu không gắn với thời sự thì làm sao gọi là nhà báo được? Thế cho nên thời sự cũng là vấn đề tôi trăn trở. Nhưng mà gắn với thời sự hiện nay thì cần nhớ nguyên tắc "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật", sự thật là điều quan trọng nhất với thông tin "nói rõ sự thật" sau khi đã "đánh giá đúng sự thât" tới bản chất của sự kiện. Mỗi nhà báo Việt Nam đều là công dân của Việt Nam, hoạt động theo luật pháp đã đành rồi, nhưng mỗi con người còn có tâm luật, tức là luật trong lòng của mình với đất nước, với nhân dân.

Hồng Thanh Quang: Ở Việt Nam "trăm cái lý không bằng một tí cái tình", nên cái lòng người nó càng quan trọng phải không ạ?

Nhà báo Hữu Thọ: Trong chuyện này rất cần nhớ lại những lời Cụ Hồ đã nói. Cụ Hồ đã nói rằng, cần phải có lý có tình, cái tình quan trọng lắm, còn sống lạnh lùng thì có giỏi cũng chẳng để làm gì. Tôi nhớ có lần Cụ Hồ đã nói, sống với nhau mà không có tình nghĩa thì cũng không hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là gì…

Cụ đã đặt đến cái tầm: sống với nhau có tình nghĩa lại là một nội dung của những người Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Thời điểm Cụ nói là lúc nào? Chúng ta hôm nay nên nhớ tới hoàn cảnh cụ thể khi Cụ Hồ đưa ra những câu nói khác nhau.

Hồng Thanh Quang: Rất đúng. Ngữ cảnh cực kỳ quan trọng. Không hiểu ngữ cảnh đôi khi dễ hiểu sai ý nghĩa thực các câu nói của lãnh tụ.

Nhà báo Hữu Thọ: Thời kỳ đấy là thời kỳ chỉnh đốn tổ chức, căng thẳng lắm... Lúc bấy giờ Cụ nói câu đấy, để thấy, à, hóa ra là trong đội ngũ chúng ta, ở đâu đó, trong một lúc nào đó cũng vẫn còn những chuyện sống với nhau thiếu nghĩa tình… Tôi nhớ, khi tôi tham gia vào việc chuẩn bị dự thảo của Bộ Chính trị trình Ban chấp hành TW thông qua Nghị quyết Trung ương 6, lần 2, chúng tôi đã viết một câu mà về sau được Bộ Chính trị chấp nhận để trình TW. Câu đó thế này: Có những người dùng cả những âm mưu hèn hạ để hãm hại nhau…

Hồng Thanh Quang: Nói thế thì nặng đấy!

Nhà báo Hữu Thọ: Nặng! Nhưng tại làm sao chúng tôi dám viết câu ấy và tại làm sao các đồng chí chuẩn bị dự thảo cho Bộ Chính trị lại chấp nhận câu ấy. Vì trong thực tế lúc đó có chuyện như vậy… Và sự thật làm cho chúng tôi xúc động mà viết một câu ít mang tính chính luận của văn kiện nhưng lại được chấp nhận.

Hồng Thanh Quang: Những người cộng sản chân chính không thể chấp nhận những tiểu xảo giữa đội ngũ của mình. Và khi buộc phải chứng kiến những cảnh đó thì trong trái tim tỉnh táo của chính trị gia cũng vang lên những giai điệu đầy phẫn nộ của văn học!

Nhà báo Hữu Thọ: Người Cộng sản Việt Nam thì phải có tình có nghĩa. Và có tình có nghĩa đã được Cụ Hồ coi như một nội dung của chủ nghĩa Mác-Lênin…

Hồng Thanh Quang:Của sự giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin…

Nhà báo Hữu Thọ: … Ở Việt Nam, của người cộng sản Việt Nam, chứ chưa chắc của người châu Âu..

Hồng Thanh Quang:Người châu Âu thường là duy lý hơn, sòng phẳng hơn…

Nhà báo Hữu Thọ: Sòng phẳng hơn…

Hồng Thanh Quang: Người Việt bao giờ cũng vẫn lưu ý cái tình với nhau.

Nhà báo Hữu Thọ: Nhưng vấn đề là, cái tư duy ấy tới một lúc nào đó, ở trong một cái bối cảnh nào đó lại cản trở tư duy lý tính, lại trở thành lực cản. Nói cho cùng, tư duy lý tính về cơ bản nó mới tiếp cận được chân lý. Nhưng nếu chỉ lý tính thông thường thì không hoàn toàn hợp với tâm lý người Việt Nam ta. Cho nên một tí cái lý…

Hồng Thanh Quang: Tôi lại muốn nhắc lại, "trăm cái lý không bằng một tí cái tình"

Nhà báo Hữu Thọ: Đúng! Mọi chuyện đều phức tạp. Cho nên truyền thống văn hóa Việt Nam khi bước vào xã hội hiện đại thì nó có mặt được và có mặt cản trở. Như tình làng nghĩa xóm của văn hóa làng xã vẫn là cái quan trọng nhất nhưng lại dễ nảy sinh tính cục bộ, địa phương, trọng "lệ" hơn luật.

Ví dụ: Nhiều đồng chí chúng tôi ngồi trao đổi với nhau, chưa thành một nghiên cứu khoa học, nhưng chúng tôi nói với nhau là bây giờ, trong Đảng hình như nguyên tắc phê bình và tự phê bình ít hiệu nghiệm như trước nữa. Tất nhiên, cũng có những nơi họ làm tốt công tác phê bình và tự phê bình, như chi bộ tôi ở đây, toàn cán bộ về hưu nhưng tôi xin nói là họp đến 12h trưa đấy…

Nhưng nhìn chung, phải công nhận rằng, ở một số nơi tinh thần phê bình và tự phê bình không cao. Và ở không ít nơi thay vào đó là một nguyên tắc khác: dĩ hòa vi quý. Nguyên tắc ấy vừa là mặt tốt của một xã hội ổn định nhưng nó sẽ hạn chế tính chiến đấu trong nội bộ chúng ta. Tôi "tha" cho anh để anh "tha" cho tôi, giữ được hòa thuận.

Hồng Thanh Quang: Thể tất cho nhau…

Nhà báo Hữu Thọ: Thể tất cho nhau…

Hồng Thanh Quang: Theo tôi, không nên chỉ áp dụng một nguyên tắc, cần hài hòa bổ sung các nguyên tắc với nhau để vừa giữ được tính chiến đấu trong nội bộ, vừa giữ được ổn định chung…

Nhà báo Hữu Thọ: Thế thì bây giờ, cần phải làm sao để nâng cao nguyên tắc tự phê bình và phê bình trên tinh thần xây dựng,…

Hồng Thanh Quang: Bây giờ vẫn phải trở về những nguyên tắc căn bản của Đảng ta, những nguyên tắc mà theo tôi, một đảng viên trẻ hơn ông rất nhiều cũng hiểu, đó là sự kết hợp của tất cả tinh thần duy lý của văn minh phương Tây cộng với cả sự duy tình của người Việt Nam… Hôm nay, nhìn lại, chúng ta cần hiểu tại sao phong cách lãnh đạo của Cụ Hồ luôn là tấm gương cho chúng ta? Bởi vì Cụ đã có được sự kết hợp ấy, tạo ra sự ổn định nhất và đỡ phải trả giá nhất, có đúng không ạ?

Nhà báo Hữu Thọ: Cái đấy là khoa học!

Hồng Thanh Quang: Vâng, cái đấy chính là khoa học!

Nhà báo Hữu Thọ: Ta nói như thế này, triết học khi vào nước ta thì bao giờ cũng qua bộ lọc của văn hóa Việt Nam, của nền văn hiến Việt Nam, rồi nó trở thành một thứ triết lý ở nước Việt Nam

Hồng Thanh Quang: Mang đặc thù cụ thể của nước ta. Như một giống cây khi chuyển sang vùng thổ nhưỡng khác thì phải thay đổi để thích ứng...

Nhà báo Hữu Thọ: Nhân nghĩa của Khổng Tử vào Việt Nam thì thành nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, mà nhân nghĩa của Nguyễn Trãi mới là nhân nghĩa của Việt Nam…

Hồng Thanh Quang: Thực sự tôi luôn luôn nghĩ rằng, chúng ta chỉ hay khi hành xử đúng theo cách hợp với chất người của mình. Tôi phải hành xử sao cho hợp với tố chất của tôi thì mới là đóng góp của tôi cho cái chung… Nhìn ra các vấn đề xã hội, tôi nghĩ rằng ngay cả khi áp dụng các tiêu chí toàn cầu hóa vào đất nước ta thì cũng luôn cần lưu ý tới những đặc thù riêng của Việt Nam, của giai đoạn phát triển hiện thời của chúng ta. Ở Việt Nam thì phản biện cũng phải theo cách của Việt Nam. Ông nghĩ thế nào về việc này?

Nhà báo Hữu Thọ: Nếu tôi nhớ không nhầm thì hình như tôi với Hồng Thanh Quang đã từng nói chuyện này với nhau rồi. Hai lần rồi phải không? Chúng ta đã đề cập đến chỗ, phản biện không có nghĩa là phản bác, xổ toẹt mọi thứ…

Lời người viết bài: Vâng, tôi vẫn nhớ. Tôi đã từng đặt ra vấn đề: "Hiện nay, một số người đang nói rất rầm rộ lên rằng, vai trò của trí thức là phải phản biện, phải tư duy độc lập, tức là phải "kênh kênh" một chút với chính quyền đương nhiệm. Nhìn từ góc độ ấy, một số người cho rằng các cụ ta ngày xưa không phải trí thức.

Theo những người này, kể cả các bậc sĩ phu ngày xưa cũng chưa phải trí thức vì luôn luôn nhất nhất nghe lời vua, đều hành xử theo cách trung quân ái quốc(?!), ông nghĩ thế nào về vấn đề này? Chúng ta phải có cái nhìn biện chứng thế nào để thấy là trí thức không phải lúc nào cũng phải nói ngang, tức là khi người ta nói A thì mình phải nói B, khi vua nói A thì anh phải nói B thì mới là trí thức?". Nhà báo Hữu Thọ lý giải:

- Theo Nghị quyết 7 của Trung ương về vấn đề trí thức vừa rồi, chúng ta định nghĩa trí thức là người có học vấn cao, chuyên môn cao trong từng lĩnh vực, tức là ta đã không gắn khái niệm trí thức với bằng cấp. Ngày xưa Đào Duy Từ cả cuộc đời có đỗ đạt gì đâu mà cả nước gọi bằng thầy.

Cụ Hồ cũng vậy, nhưng là Danh nhân Văn hóa thế giới… Trí thức là người có học vấn cao, trong đó có những người có bằng cấp và có những người không có bằng cấp nhưng người ta tự học mà trở thành những trí tuệ lỗi lạc. Nhưng có điều kiện thứ hai rất quan trọng trong khái niệm trí thức là phải có tư duy độc lập, sáng tạo.

Và cái thứ ba là phải có khả năng truyền bá. Sinh thời, ông Nguyễn Khắc Viện có lần đã tâm sự với tôi rằng, đối với một tờ báo thì số lượng phát hành rất quan trọng nhưng cái quan trọng nhất là phải nắm được đội ngũ độc giả đỉnh cao vì chính những độc giả tinh hoa sẽ làm việc truyền bá những gì đã được viết trên tờ báo…

Tờ báo sang trọng không nhất thiết có số lượng phát hành lớn, nhưng nó nhằm vào độc giả tinh hoa và độc giả tinh hoa ấy có khả năng truyền bá. Còn phản biện chỉ là một khả năng của trí thức. Nói chữ phản biện thì nên hiểu như thế này, về mặt khoa học, phản biện khác với phản bác.

Một số anh em bây giờ hay nhầm phản biện với phản bác. Phản biện là nêu lên cái này được, cái này còn thiếu, cái này không được; phản biện khoa học là như thế, trong phản biện có phần phản bác nhưng không phải tất cả là phản bác. Trên thế giới người ta đều nói rằng, báo chí làm nhiệm vụ phanh phui là biểu hiện sự dũng cảm, nhưng khi báo chí đưa ra được các giải pháp cho các khúc mắc còn tồn tại thì mới là báo chí xây dựng, đóng góp…

Hồng Thanh Quang: Mới là báo chí anh minh…

Nhà báo Hữu Thọ: Tức là anh phanh phui cũng tốt, nhưng anh phanh phui thì mới biểu hiện thái độ dũng cảm thôi, chưa đóng góp gì lắm đâu. Báo chí giải pháp là đàn anh của báo chí phanh phui. Trả lời câu hỏi "Làm thế nào" bao giờ cũng khó.

Hồng Thanh Quang: Một số người có thiên hướng phanh phui và để đấy, chỉ làm rối mọi sự thôi chứ không nghĩ ra tìm lối thoát hay cách tháo gỡ.

Nhà báo Hữu Thọ: Cái này thì trên thế giới người ta cũng đã kết luận rồi, chứ không phải ở nước ta đâu. Báo chí giải pháp mới là báo chí đàn anh, mà người làm báo có đưa được ra giải pháp thì mới là người làm báo đỉnh cao. Người làm báo phanh phui giỏi lắm cũng bằng anh điều tra viên, thám tử tư thôi, chứ chưa phải là anh xây dựng…

Hồng Thanh Quang: Một số người cứ nói trí thức là phải đối lập với những người cầm quyền. Nói như thế thì Nguyễn Trãi không phải trí thức hay sao? Ông đánh giá thế nào về trí thức đích thực?

Nhà báo Hữu Thọ: Vì trí thức có tư duy độc lập, có học vấn nên những đóng góp ý kiến của trí thức không phải lúc nào cũng trùng khít với ý của người lãnh đạo. Nên ở ta có tình trạng một số vị lãnh đạo trọng trí thức nhưng cũng có khi ngại gặp trí thức, vì họ không muốn nghe những lời trái với ý kiến mình. Bây giờ muốn trí thức đóng vai trò phản biện tốt thì phải thực sự dân chủ như Cụ Hồ đã dạy. Và người trí thức khi phản biện cũng nên hiểu rằng anh có nghĩa vụ bảo vệ chân lý nhưng còn có nghĩa vụ công dân trong quá trình phản biện, tức là phản biện một cách xây dựng...

Hồng Thanh Quang: Không phải phản bác?

Nhà báo Hữu Thọ: Tất nhiên, phải phản bác những gì không đúng, không tốt. Cụ Hồ cũng nêu nhiệm vụ "phò chính, trừ tà". Lãnh đạo cũng là con người, cho nên lãnh đạo nào cũng có thể có khuyết điểm hay những điều chưa hẳn đã chu toàn, nhưng khi anh phản biện, phê phán, thì anh phải đứng ở tâm thế như người trong cuộc. Anh nên hiểu rằng, trong mọi sự đang diễn ra đều có phần trách nhiệm của anh, chứ anh không phải là người vô can…

Hồng Thanh Quang: Ngay những người dân thường phải có trách nhiệm liên đới. Một dân tộc thế nào mới có một chính phủ như thế chứ…

Nhà báo Hữu Thọ: Cho nên trong Nghị quyết của Trung ương vừa rồi có nói tới trách nhiệm trí thức đối với Tổ quốc, đối với dân tộc, với mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Nhưng trí thức còn có trách nhiệm với bản thân, anh phải tự rèn luyện bản thân mình để làm được việc đó…

Hồng Thanh Quang: Một mặt, người lãnh đạo rất cần được nghe người trí thức phản biện, góp ý kiến, nhưng mặt khác, về phần người trí thức thì cũng rất cần biết không phải nói theo bất kỳ kiểu nào, mà phải nói thế nào để người ta nghe lọt và mình có tính xây dựng chứ không phải nói thế nào để làm tan "cuộc chơi". Tính xây dựng của người trí thức là rất quan trọng, có phải không, thưa ông?

Nhà báo Hữu Thọ: Đó là trách nhiệm công dân, và cũng là văn hóa ứng xử.

Hồng Thanh Quang: Trong mọi chuyện, ngay cả trong sự góp ý cũng cần có tính xây dựng. Nếu người trí thức cho rằng ý kiến của mình là phải, nhưng không làm cho điều phải ấy được người cần nghe thông hiểu thì cũng không nên chỉ trách người nghe mà phải tự trách mình trước, mình đã không biết cách truyền bá điều phải… Đã là trí giả thì phải như thế, phải "tiên trách kỷ"… Ông công nhận như vậy không?

Nhà báo Hữu Thọ: Tôi đồng ý và xin nói thêm: Lĩnh vực tư tưởng là lĩnh vực đối với đời sống tinh thần của con người. Trong lĩnh vực tư tưởng phải có tính chiến đấu và sức thuyết phục. Nhưng chỉ có sức thuyết phục bằng lý lẽ khoa học, cách xử lý hợp lý, đầy chất nhân văn thì tính chiến đấu mới có hiệu quả. Hợp lý, có lý lẽ thuyết phục thì người ta sẽ nghe theo tự nguyện, bền vững; còn gây ra sự sợ hãi thì có tuân theo nhưng trong lòng không phục, cho nên không thể lâu bền.

Hồng Thanh Quang: Nếu nhìn về xã hội hiện tại cũng như nhìn về quá khứ lịch sử dân tộc, thì người trí thức thực sự cần phải có góc nhìn biện chứng, không nên áp dụng những tiêu chí từ đâu đấy về để đánh giá những cái đã diễn ra trong những điều kiện lịch sử xã hội hoàn toàn khác. Bởi nếu làm như thế thì sẽ dẫn đến chuyện chúng ta phủ nhận vai trò của tiền nhân một cách vô lối.

Nhà báo Hữu Thọ: Bất cứ quyết định nào cũng có bối cảnh lịch sử của nó. Có nhiều thí dụ về những việc như thế lắm…

Lời người viết bài: Cuối buổi trò chuyện tôi đã đặt vấn đề mà tôi cho là thời sự hiện nay với nhà báo Hữu Thọ: "Ông là nhá báo, tôi cũng là nhà báo. Về mặt bản năng nghề nghiệp, đối với chúng ta sự tự do ngôn luận bao giờ cũng cao hơn tất cả. Cái đó chúng ta đều giác ngộ được rồi.

Nhưng khi chúng ta được quyền tự do phát biểu quan điểm của mình thì, thứ nhất, chúng ta cũng cần phải biết nghĩa vụ chúng ta là trình bày quan điểm làm sao để không gây ảnh hưởng tiêu cực đến những người khác, như cách nói, nhận xét về người khác, bất kể đó là ai chứ không chỉ là những nhân vật của công chúng, không chỉ là những nhân vật có vị trí và trọng trách xã hội.

Thứ hai, đánh giá những công việc lớn của xã hội thì không thể chỉ bằng cảm tính. Ví như một số người lý luận rằng tôi viết, tôi nói trong blog của tôi, blog là cửa sổ riêng, tôi muốn làm gì tôi làm và những người như thế thì sẵn sàng không ngại ngần bày ra những trò "khỏa thân tinh thần" trong blog của mình.

Chúng ta biết rằng, ngay cả ở một số nước phương Tây, chỗ dường như là mọi thứ đều được nới rộng hơn thông thường, thì người khỏa thân trong nhà mà mở cửa sổ cũng có thể bị phạt nặng vì lý do làm hại đến thuần phong mỹ tục. Vậy nên, trong lúc chúng ta cổ xúy cho sự phát ngôn chính kiến thì tại sao chúng ta không cùng một lúc chú trọng cho việc xây dựng văn hóa phát ngôn chung cho phù hợp với luân thường đạo lý, hợp với không khí đương thời?". Nhà báo Hữu Thọ tâm sự:

- Người dân sống ở Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám đều nhớ rằng, ở trong nhà anh muốn treo gì thì treo, nhưng cái mặt tiền ngôi nhà là của xã hội, anh treo cái quần đùi ở mặt tiền là đội sếp đến hỏi thăm ngay.

Hồng Thanh Quang: Hiện nay có một số blogger vẫn giữ thói quen phơi quần áo lót ở ban công vào việc viết các entry của mình… Và một số người khi phát biểu ý kiến thì vẫn quen coi mình là chân lý, coi chân lý trong túi mình, không chịu được sự phản biện khác…

Nhà báo Hữu Thọ: Anh muốn phản biện người ta nhưng anh không muốn cho người ta phản biện anh, đấy là một bi kịch mà không phải ai cũng có thể tránh được.

Hồng Thanh Quang: Tôi không giáo điều nhưng tôi luôn nghĩ rằng, mọi công việc đều có sự biện chứng của nó, đều có hai mặt của nó. Nhưng một số người hiện nay cảm hứng chỉ chủ yếu là phê phán, anh không nhìn nhận vấn đề ấy, sự việc ấy trong một bối cảnh chung, lúc nào cũng chỉ nhìn thấy cốc Coca-Cola chỉ đầy một nửa mà không hiểu rằng, trong bối cảnh hiện nay, nó mới bị vơi đi một nửa, thế là tốt rồi. Ông nghĩ thế nào về việc này?

Nhà báo Hữu Thọ: Tôi nghĩ như thế này. Khi anh thắng lợi lớn mà anh nhìn được ra khuyết điểm thì đó là điều rất mừng. Người xưa nói: Người bình tĩnh lắng nghe mọi người nói ra khuyết điểm của mình là người thông minh, và quan trọng hơn là người đó có khát vọng tiến lên. Nhưng khi anh phê phán thì cái ấy rất cần nói thẳng, nói hết, không "phóng đại" (từ của Cụ Hồ), mỉa mai.

Ông cha ta không ưa cái cách "giậu đổ bìm leo", nói với nhau "cạn tàu ráo máng", đó cũng là cách ứng xử văn hóa truyền thống của con người Việt Nam. Phóng đại mặt tốt là tô hồng, gây chủ quan; phóng đại khuyết điểm dễ dẫn tới bôi đen gây tâm lý bi quan, chán nản, cả hai đều không đúng thực tế.
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Một số quan điểm về tính khách quan, chân thật trên báo chí hiện nay

    21/06/2017Trần Thị Cẩm ThúyVề lý thuyết, uy tín và hiệu quả của báo chí phụ thuộc vào tính khách quan, chân thật của những thông tin mà nó đem đến cho công chúng. Một tờ báo đưa tin sai, dù sau đó đính chính, sẽ tự hạ thắp vị trí của mình trong lòng độc giả.
  • Tuyên ngôn Độc lập

    01/09/2016GS. Tương LaiCách đây 64 năm, đúng ngày này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tính chất và chức năng của thể chế mới được nêu rõ trong tên nước và các tiêu chí đi liền với cái tên đó theo một logic chặt chẽ và nhất quán: Độc lập là điều kiện tiên quyết để xây dựng thể chế dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của người dân...
  • "Sĩ phu, trí thức thì không được hèn"

    16/03/2016Bùi Hoàng Tám (thực hiện)Nhân đầu xuân mới, bàn tròn xuân Kỷ Sửu của Đất Việt ghi lại những ý kiến của các nhà trí thức nổi tiếng Việt Nam bàn về sĩ phu, trí thức thời nay.
  • Ông Nguyễn Trần Bạt giao lưu: Việt Nam gia nhập WTO - Cơ hội và thách thức

    08/10/2015Việt Nam gia nhập WTO là một sự kiện vô cùng hệ trọng. Ngoài cuộc Cách mạng Tháng Tám và cuộc Giải phóng Miền Nam ra, tôi chưa thấy việc gì hệ trọng hơn việc nước chúng ta gia nhập WTO. Đây là một quyết định chính trị vô cùng sáng suốt...
  • Chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân dân

    01/07/2015Hữu ThọNgày 25/5/1987 là ngày mở đầu chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân Dân của tác giả N.V.L. Nghiên cứu bối cảnh ra đời của chuyên mục nổi tiếng này, để hiểu rõ hơn ý định của tác giả...
  • Cách mạng tháng Tám: những con người làm nên lịch sử

    01/09/2014Đoan TrangCách mạng tháng Tám 1945 là một cuộc hồi sinh vĩ của một dân tộc đoàn kết: thực sự đoàn kết, biết đoàn kết và đoàn kết đúng lúc, kịp thời. Hồi tưởng lại những tháng ngày sôi sục khí thế đấu tranh đó, chúng ta không thể bỏ qua vai trò lịch sử của những con người đã góp phần hội tụ của các nguồn xung lực mạnh mẽ của toàn dân tộc tại thời khắc bước ngoặt lịch sử...
  • Giao lưu giữa ông Nguyễn Trần Bạt với các nhà lãnh đạo và doanh nhân Nghệ An (phần 2)

    20/08/2010Tôi đã viết một chương dành riêng để luận giải mối quan hệ biện chứng giữa khái niệm cá nhân, khái niệm tôi và khái niệm chúng ta trong quyển sách "Cội nguồn cảm hứng"tôi có mang theo để tặng các anh, các chị ở đây. Đây là một vấn đề khoa học, không phải là vấn đề quan niệm, tôi không đề cao bất kỳ cái gì cả. Khoa học không đề cao, khoa học nói rõ sự thật, khoa học cố gắng mô tả sự thật. Có thể cơ quan tuyên huấn thì cần phải đề cao cái này hoặc cái kia, nhưng khoa học thì không đề cao cái gì cả....
  • Con người của thực tiễn hay của truyền thông?

    11/06/2010Vân Vũ - Mai ThiÝ kiến đa chiều về những việc làm của người từng tố cáo gian lận trong thi cử 4 năm về trước đã phản ánh sự quan tâm của toàn xã hội đối với những vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục, song cũng khiến các cơ quan truyền thông phải nghĩ suy về việc "xây dựng" nhân vật điển hình và tạo dư luận xã hội. Điều này cũng đặt ra câu hỏi, liệu nhận định rằng việc thầy giáo Đỗ Việt Khoa viết đơn xin thôi việc là sự thất bại của một con người dám đấu tranh chống cái xấu có là cái nhìn bi quan?
  • Một câu chuyện rơi vào quên lãng?

    22/01/2010Nguyễn Thụy PhươngCuốn Nhân công Đông Dương, lao động nhập cư cưỡng bức (1939-1952) của tác giả Pierre Daum mới ra mắt đã hé mở cho độc giả Pháp một bi kịch được giấu kín cách đây 70 năm về những người thanh niên Việt Nam bị ép buộc và trưng dụng sang “mẫu quốc” làm lính thợ phục vụ cho nước Pháp trong Thế chiến II. Vài người trong số đó sau này trở thành nghệ sĩ nổi tiếng như họa sĩ Lê Bá Đảng, nhà điện ảnh Phạm Văn Nhân, (suýt nữa trong danh sách ấy có tên nhà văn Tô Hoài, nhưng ông dừng lại ở bến cảng mà không lên đường rời xứ sở)...
  • Không sợ chỉ trích

    20/01/2010Đỗ HùngTheo dõi một số phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama trước giới trẻ trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, tôi chợt liên tưởng tới lời dạy của Bác Hồ về phê bình.
  • Phản biện để hoàn chỉnh tư duy

    11/09/2009Chu Thanh Tâm (thực hiện)Tham vấn- Phản biện: Khó và rất nhạy cảm, tuy nhiên sẽ thu hút được sự quan tâm của dư luận nếu chúng ta có những cách phản biện tốt. Báo chí có vai trò cực kỳ quan trọng vì báo chí tạo ra dư luận xã hội, có sức mạnh cổ vũ nhân dân. “Người hay cãi”- Nhà báo Hữu Thọ đã “mách nước” như vậy với báo Đại Đoàn kết sau khi theo dõi nhiều bài viết ở chuyên mục này.
  • Nhà nước của Dân, do Dân, vì Dân

    02/09/2009Nhà báo Hữu ThọTại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản tuyên ngôn độc lập lịch sử khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. So với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, hơn nửa thế kỷ đã qua là một thời gian không dài, nhưng Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân vượt qua mọi thác ghềnh, giành lại và giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, từng bước thực hiện tự do và hạnh phúc của toàn dân...
  • Báo chí Việt Nam “đêm trước đổi mới”

    12/06/2009Đoan TrangTin tức hết sức lành mạnh, chỉn chu, không “lá cải” giật gân, thiên về quảng bá những điển hình tiên tiến; một số bài báo nổi tiếng góp phần vào sự nghiệp đổi mới sau đó… Đó là vài đặc điểm nổi bật của báo chí Việt Nam giai đoạn từ năm 1975 tới “đêm trước đổi mới”, năm 1986.
  • Cảnh giác với hiểm hoạ văn hoá dưới văn hoá

    06/05/2009“Phải thú thực, đôi khi báo chí chúng ta chuyển tải những điều tiêu cực, những điều tồi tệ quá nhiều, trong khi đó những vẻ đẹp kì diệu, những tấm lòng cao cả chúng ta lại nói quá ít, hoặc nói như một việc phải nói mà không phải bằng sự rung động của trái tim mình” - Nhà báo Quang Thiều.
  • Người có chức, có quyền và tệ tham nhũng

    07/07/2008Nhà báo Hữu ThọChúng ta hay nói "những người có chức có quyền" như một cụm từ gắn liền nhau với lập luận là có chức thì có quyền, mà có quyền thì có thể dùng quyền đó làm điều tốt, lại cũng có thể dùng cái quyền đó làm điều xấu...
  • Thử đánh giá một nhận xét!

    27/05/2008Nhà báo Hữu Thọ... - Tôi chắc là anh hiểu chúng tôi khá nhiều, anh có nhận xét gì về tình trạng tham nhũng ở nước anh khác với những gì anh biết ở nước tôi?
    - Ồ tôi không biết rõ về nước ông đâu...
  • Ra biển lớn

    15/02/2007Hữu ThọXuân Đinh Hợi này, Nghị định thư Việt Nam tham gia WTO có hiệu lực sau một tháng Quốc hội Việt Nam phê chuẩn trong kỳ họp thứ10 (khóa XI). Thế là nước ta đã tham gia vào dòng chảy thương mại toàn cầu - một thời điểm mới đã bắt đầu khi "ra biển lớn" như nhiều nhà kinh tế đã nói...
  • Giai cấp công nhân không được tụt hậu

    20/01/2006Linh TâmXuất thân từ một gia đình công nhân, từng đảm đương nhiều trọng trách trong công tác Đảng nhà báo lão thành Hữu Thọ luôn tâm huyết với các vấn đề của giai cấp công nhân. Câu chuyện của ông với phóng viên Báo Lao Động về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân hiện nay trong nấc thang xã hội, có nhiều điều khiến chúng ta suy nghĩ...
  • Viết luận để bàn luận

    15/12/2005Nhà báo Hữu ThọCái cốt lõi của các bài "luận" là quan điểm rõ ràng của tờ báo, của tác giả với các vấn đề, sự kiện, hiện tượng đề cập "luận" nào cũng phải đấu tranh bảo vệ quan điểm của mình với nhiều, cách khác nhau...
  • xem toàn bộ