Những nhà canh tân lạc quan

05:22 CH @ Thứ Tư - 12 Tháng Mười, 2016

Câu chuyện về lớp trí thức Canh Tân đầu thế kỷ XX cùng niềm tin của họ vào sự nghiệp “khai dân trí, chấn dân khí, đào tạo nhân tài” và tương lai của dân tộc đã được mở ra qua cuộc trò chuyện cùng TS Nguyễn Phương Ngọc, Phó giáo sư về văn học, ngôn ngữ và văn minh Việt Nam tại ĐH Provence, Pháp...

- Vì sao chị quan tâm đến đề tài trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX và chọn đây làm đề tài luận án tiến sĩ?

Đề tài luận án của tôi là về các nhà nhân học Việt Nam đầu tiên, thế hệ nửa đầu thế kỷ XX. Tôi chọn đề tài này là vì trước năm 1945 đã có một nhóm các nhà nghiên cứu người Việt có những công trình nghiên cứu về con người và xã hội Việt Nam rất có giá trị, ngang tầm các học giả quốc tế cùng thời, nhưng lại ít được biết đến ở trong nước. Ngoài ra các nghiên cứu này có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam độc lập từ sau 1945.

- Đâu là niềm tin của những người trí thức như Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố… khi thành lập những phong trào truyền bá tri thức, thưa chị?
Phần lớn các trí thức của những năm đầu thế kỷ XX đều học trường Pháp nhưng có tâm tư của người dân mất nước, người dân thuộc địa nên rất quan tâm tới văn hóa – văn học Việt Nam, muốn làm một cái gì đó để chứng tỏ dân tộc mình không thua kém người ta.


Nguyễn Văn Tố


TS Nguyễn Phương Ngọc
Bảo vệ luận án tiến sĩ xã hội học tại ĐH Provence, Aix-en-Provence, Pháp năm 2004 với đề tài “Tìm về cội nguồn của nhân học ở Việt Nam”. Nghiên cứu về thế hệ các nhà dân tộc học/nhân học người Việt thứ nhất dưới sự hướng dẫn của GS Trịnh Văn Thảo - người đã nhiều năm nghiên cứu về các nhà Nho và trí thức Việt Nam giai đoạn cuối XIX và đầu XX.
Hiện giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tại ĐH Provence.

Thế hệ trí thức thời kỳ này rất có tinh thần học hỏi những cái mới của phương Tây về truyền thụ lại và sáng tạo nên cái mới cho mình. Theo họ, Việt Nam muốn giành lại được chủ quyền thì phải đi học phương Tây trước. Tạp chí Tri Tân cho rằng, văn hóa Việt Nam bấy giờ như ngôi nhà đổ nát cần phải xây dựng lại, giống như một gia đình lâu nay không biết truyền thống có gì, ngày lễ Tết không biết giỗ lễ ra làm sao, bây giờ phải gây dựng lại. Trong gia đình thì đi tìm lại xem ông bà tổ tiên làm gì, ngày tháng năm sinh năm mất ra sao... Còn với một dân tộc, phải tìm lại lịch sử. Đó cũng là lý do bên cạnh những tác phẩm mới của thời đại, Tri Tân đăng tải những bài sử cổ, văn học cổ.

Trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ II (1939-1945), nhiều trí thức nhận thấy rõ có một cái gì đó sẽ xảy ra, thời thế sẽ thay đổi. Hoàng Xuân Hãn nói rất rõ về giai đoạn này, và làm những việc như truyền bá chữ quốc ngữ, dịch danh từ khoa học, nghiên cứu về văn học cổ, cổ sử cũng với mục đích tìm hiểu về dân tộc mình để có cơ sở xây dựng một đất nước mới.

- Cách thức truyền thụ kiến thức khoa học và tinh thần khoa học phương Tây vào xã hội Việt Nam thời thuộc địa như thế nào?

Việc truyền thụ kiến thức khoa học và tinh thần khoa học phương Tây được tiến hành bằng nhiều cách. Hội Trí Tri có những buổi diễn thuyết ở trình độ cao, có tập san để phổ biến rộng rãi hơn, gửi đi chi nhánh của hội Trí Tri ở các nơi. Trong các lớp học của hội, trẻ em được học theo phương pháp mới: dạy chữ Hán không theo kiểu học thuộc lòng ngày xưa mà học mỗi một chữ phải tìm hiểu lịch sử của nó như thế nào.

Qua những cuộc tranh luận trên báo chí, những kiến thức khoa học được truyền bá ra cho mọi người. Những người như cụ Nguyễn Văn Tố cũng rất quan tâm tới điều này khi trả lời thư bạn đọc. Khi được hỏi về một vấn đề, cụ thường viết ở các nước phương Tây họ nghiên cứu như thế nào, có những tài liệu gì về vấn đề này… Cả một thư mục và phương pháp tiếp cận được trình bày.

Theo cụ Nguyễn Văn Tố, không phải người xưa nói thế nào cũng nghe theo, không phải cái gì mình viết ra cũng được cho là đúng. Phải kiểm tra được thì mới là khoa học. Mình viết cho người ta phải trích dẫn nguồn gốc tài liệu rõ ràng để người ta có thể kiểm tra được. Như làm thí nghiệm, phải làm lại được kết quả mới được công nhận; khoa học xã hội và nhân văn cũng vậy.

Cụ Nguyễn Văn Tố có một loạt bài tranh luận với nhà văn Ngô Tất Tố về cách thức trích dẫn tên của các tác phẩm cổ trong cuốn sách về văn học cổ của nhà văn. Theo cụ Nguyễn Văn Tố, khi đưa ra một tác phẩm thì phải càng biết nhiều về tác phẩm đó càng tốt sau, tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm về sau. Và quả thực Viễn Đông Bác Cổ đã tìm lại được nhiều văn bản cổ nhờ những thông tin chi tiết như thế.

Những học giả của giai đoạn này cũng rất chú trọng tới việc dịch những tác phẩm của các học giả nước ngoài chủ yếu là từ tiếng Pháp. Hoạt động này giúp cập nhật kiến thức mới về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Chính vì vậy mà khi Việt Nam giành được độc lập, trường đại học đầu tiên (khai giảng ngày 15/11/1945) đã có thể mở Khoa Xã hội học và Nhân chủng học (bây giờ là Nhân học), dạy và học đều bằng tiếng Việt.

- Hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn ở giai đoạn đầu thế kỷ XX có gì đặc biệt?

Nghiên cứu về Việt Nam lúc đó còn rất mới, chủ yếu do các nhà Đông phương học người châu Âu. Nhóm nghiên cứu người Việt tại Viễn Đông Bác Cổ mở ra những hướng nghiên cứu về văn hóa Việt Nam một cách có bài bản và ngang tầm với các học giả phương Tây.

Trước đó, ta mới chỉ có những ghi chép, bình luận của các nhà Nho học. Thấy các học giả phương Tây quan tâm đến những vấn đề của mình mới có những người nghiên cứu về văn hóa và xã hội Việt Nam. Ví dụ, họ xem ca dao tục ngữ là một đối tượng nghiên cứu, còn mình mới chỉ đơn giản dừng lại ở việc sưu tầm. Năm 1928 - 1929 Nguyễn Văn Ngọc xuất bản sách nghiên cứu về ca dao tục ngữ Việt Nam. Cụ Nguyễn Văn Tố mới bình trên tập san Viễn Đông Bác Cổ là bây giờ thì người Việt mới quan tâm nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam.


Tạp chí Thanh Nghị

Thông qua nghiên cứu về văn hóa, xã hội Việt Nam, các học giả người Việt muốn thử sức mình với các học giả phương Tây. Nguyễn Văn Huyên khi lấy bằng tiến sĩ ở Pháp về có nói với Nguyễn Mạnh Tường rằng công việc tâm huyết của ông là nghiên cứu khoa học để cho thế giới thấy người Việt có thể sánh ngang với các học giả thế giới. Và thực sự ông đã làm được điều đó. Ông không chọn con đường làm quan mà đi dạy học trong vài năm đầu về nước và sau đó chuyển sang làm việc tại Viễn Đông Bác Cổ là Viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về châu Á. Ông được bổ nhiệm là thành viên khoa học chính thức của Viện vào năm 1939, đó là lần đầu tiên Viện có một thành viên khoa học không phải là người Pháp. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được giao chức vụ Tổng giám đốc đại học vụ kiêm Giám đốc Viễn Đông Bác Cổ, có nghĩa là người tổ chức việc đào tạo các nhà nghiên cứu trẻ của nước Việt Nam độc lập, đồng thời là người tổ chức việc nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trên toàn nước.

Cũng cần phải nhắc đến Viện Nghiên cứu Đông Dương về con người được thành lập năm 1938 sau một quá trình cùng bàn bạc của một nhóm học giả người Pháp và người Việt. Điều này chứng tỏ người Pháp đã bắt đầu chính thức công nhận khả năng của người Việt trong nghiên cứu xã hội nhân văn.

Có thể nhắc đến sự kiện năm 1942 Đào Duy Anh, với tư cách là Chủ tịch ban Việt Học của Hội Quảng Tri ở Huế, viết bức thư cho Giám đốc Viễn Đông Bác Cổ đề nghị hai bên cùng hợp tác nghiên cứu một cách rất bình đẳng. Lý do là Đào Duy Anh lúc đó có thư viện cá nhân rất quý, cụ đã dày công sưu tầm từ các thư viện của các gia đình ở Huế.

GS. Đào Duy Anh


- Những tạp chí như Tri Tân, Thanh Nghị… đóng vai trò gì trong hoạt động tinh thần của tầng lớp trí thức hồi đầu thế kỷ XX?

Những năm 40 trong thời điểm chiến tranh, tạp chí Tri Tân, Thanh Nghị vẫn ra đều đặn các số với nội dung phong phú, những bài viết có giá trị thì những người chủ bút phải có tâm và có niềm tin rất lớn mới làm được như vậy. Tạp chí Tri Tân thường đăng tiểu thuyết lịch sử, kịch thơ lịch sử. Tạp chí Thanh Nghị của một nhóm của các cử nhân Luật trẻ tuổi, có tâm huyết với xã hội duy trì, tự nuôi sống bằng tiền bán báo và các nguồn thu nhập khác của cá nhân. Tạp chí có nhiều bài viết sâu sắc về các vấn đề thời sự, kinh tế, luật, giáo dục…

Tôi không rõ các tạp chí này tác động tới xã hội nói chung như thế nào. Nhưng chắc chắn là có tác dụng hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp vì những người tham gia viết cho các tạp chí này đều là những học giả có uy tín trong xã hội ví dụ như cụ Nguyễn Văn Tố - trưởng hội Trí Tri và Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ. Thông qua hoạt động của hội cũng như của các tạp chí, những tư tưởng của các trí thức thời đó được truyền bá rộng. Cách mạng Tháng Tám và phong trào xóa nạn mù chữ thành công là vì trước đó đã có một giai đoạn chuẩn bị của rất nhiều người dưới nhiều hình thức khác nhau hướng tới thời điểm dân tộc được độc lập.

- Từ kinh nghiệm của chị, việc làm luận án về một đề tài Việt Nam ở Pháp có những thuận lợi hơn so với ở Việt Nam?

Theo tôi, làm một luận án khoa học cần có phương pháp và có tài liệu. Giải quyết được hai vấn đề đó thì làm ở Việt Nam hay ở Pháp cũng đều có giá trị như nhau. Thuận lợi và bất lợi thì còn phải phụ thuộc vào từng đề tài, từng nghiên cứu sinh và thầy hướng dẫn, cũng như địa điểm của trường. Ví dụ nếu làm luận án về lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc nếu làm ở Aix-en-Provence thì có thuận lợi là có kho Lưu trữ hải ngoại ở ngay cạnh trường, nhưng cũng phải đi đọc tài liệu ở các kho lưu trữ và các thư viện khác. Vấn đề quan trọng là một luận án phải đưa ra được những cái mới (về phương pháp, tài liệu, kết luận), có nghĩa là tự mình phải tự lực nhiều, chứ không thể chỉ đọc các sách đã xuất bản và “thu hoạch” là xong. Chúng ta còn cần phải học thái độ, tinh thần và phương pháp khoa học của các cụ trước 1945 nhiều!

Cảm ơn chị.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Kẻ sĩ xưa và nay

    09/04/2019Hà Thúc MinhQuá trình phát triển của xã hội loài người là quá trình khẳng định sự “tách rời"” giữa lao động trí óc và lao động chân tay và cũng là quá trình phủ nhận điều đó. “Thống nhất” giữa lao động trí óc và lao động chân tay cũng là xu hướng tất yếu. Công nghệ thông tin trong thời đại ngày nay sẽ là đôi đũa thần đang biến cái tưởng chừng như khả năng xa vời đó trở thành hiện thực trước sự ngỡ ngàng của nàng “lọ lem” lịch sử về hình ảnh của cái gọi là “kẻ sĩ” một thời.
  • Kẻ sĩ ngày xưa và người trí thức ngày nay

    18/01/2018Phạm Đạt NhânKẻ sĩ xưa và trí thức nay theo nghĩa hẹp là tên gọi khác chỉ người học, người có chữ nghĩa, học cao hiểu rộng và có lương tâm, lương thức. Kẻ sĩ và trí thức khác nhau về cái học nhưng về vai tuồng, sứ mệnh đối với xã hội, với nhân tâm, thế đạo thì không khác. Kẻ sĩ hay trí thức mãi mãi là hình thái văn hóa. Văn hóa là phần hồn của đất nước. Cái học ngày xưa có gì khác với cái học ngày nay? Và kẻ sĩ ngày xưa nắm giữ vai tuồng gì đối với quốc gia, xã tắc?
  • Những điểm yếu của sĩ phu Việt

    28/03/2016Nguyễn Cảnh BìnhKỳ trước (Tia Sáng số 05/3/2016) đã đề cập về thất bại của giới sĩ phu Việt Nam trong việc hình thành chữ viết cho đại chúng, bài viết lần này mở rộng hơn, nói về thất bại của giới sĩ phu Việt trong dẫn dắt quá trình văn minh hóa dân tộc, tạo hình mẫu cho sự phát triển của các nhóm người khác...
  • "Sĩ phu, trí thức thì không được hèn"

    16/03/2016Bùi Hoàng Tám (thực hiện)Nhân đầu xuân mới, bàn tròn xuân Kỷ Sửu của Đất Việt ghi lại những ý kiến của các nhà trí thức nổi tiếng Việt Nam bàn về sĩ phu, trí thức thời nay.
  • Văn minh tân học sách - Cương lĩnh hành động của Đông Kinh Nghĩa Thục

    20/11/2015Chương ThâuTrước đây, trong công trình nghiên cứu VĂN THƠ CÁCH MẠNG VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX (Nxb Văn hóa, Hà Nội 1961) Giáo sư Đặng Thai Mai có viết: “Những thi ca do Đông Kinh Nghĩa Thục phát động và phổ biến có một ý nghĩa rất quan trọng...
  • Đông Kinh Nghĩa Thục, thử nhìn từ một góc độ khác

    02/07/2015Nguyên NgọcCó một tư liệu có lẽ có thể cung cấp cho chúng ta một câu trả lời độc đáo và thuyết phục, hoặc ít nhất, một gợi ý rất đáng để tiếp tục suy ngẫm, không chỉ để hiểu một quá khứ lịch sử quan trọng, mà còn có thể giúp ta suy nghĩ về những vấn đề đang đặt ra trong phát triển của chính chúng ta hôm nay...
  • Các cụ xưa đã khai dân trí qua sách vở "Đông Kinh Nghĩa Thục" năm 1907 như thế nào?

    23/06/2015Sưu tầmĐông Kinh Nghĩa Thục đã tạo nên một bão táp trong tư tưởng và hành động của sĩ phu đương thời. Học sinh dồn dập đến trường và các trí thức uyên bác được tập hợp lại, cùng nhau giảng dạy, viết giáo trình, tổ chức hội thảo, diễn thuyết, cổ động từ nơi này qua nơi khác… Phong trào mang tính cách mạng rầm rộ về văn hoá và tư tưởng...
  • Sĩ phu, trí thức nước nhà xưa và nay

    08/09/2013TS. Chu HảoKhông ai nâng cao được vai trò của trí thức nếu giới trí thức của chúng ta không tự khẳng định được mình! Không ai san sẻ trách nhiệm với trí thức được; chỉ có trí thức mới thi hành được thiên chức của mình; vinh quang và cay đắng gắn liền với thiên chức ấy cũng chỉ dành riêng cho giới trí thức mà thôi!
  • ’Cái liêm sỉ của kẻ sĩ hiện đại không còn’

    18/08/2013Dương Trung QuốcNếu thu nhập của bộ máy công chức chỉ là lương và một số bổng hợp lý nào đó bảo đảm tốt đời sống ổn định của họ thì chắc người muốn đi làm Nhà nước cũng có nhưng chẳng nhất thiết phải đi mua giá cao; đồng thời quan chức cũng không thấy cần thiết phải bán chức thì mới đủ cho thu nhập.
  • xem toàn bộ