Thiên đường của trái tim

06:11 CH @ Thứ Sáu - 07 Tháng Mười, 2005

Lời dịch giả Dương Tất Từ

Cách đây 10 năm, cuốn sách nhỏ này đã được xuất bản tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Komensky. Nhiều lúc tôi đã ấp ủ một nguyện vọng là dịch thêm một số chương, bổ sung những trích đoạn trong tác phẩm đồ sộ của ông để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam. Nhưng cứ lặng lẽ lao vào áng văn cổ và một thứ ngôn ngữ cách chúng ta hơn bốn thế kỷ mà không có sự đầu tư của một cơ quan chức năng - thật là một việc làm không dễ dàng.

Tục ngữ Tiệp có câu: “Một con chim sẻ trong tay còn hơn cả đàn bồ câu trên mái nhà”. Ước vọng thì không cùng, nhưng tuổi tác và phương tiện thì có hạn. Tôi bằng lòng với những gì có trong tay và lần này chỉ bổ sung, sửa sang lại bản dịch đôi chút không đáng kể. Xuất phát từ lòng ngưỡng mộ một danh nhân văn hóa tầm cỡ thế giới, một nhân vật có vị trí tương tự như Nguyễn Trãi trong nền văn hóa nước ta, được vợ và các con tôi động viên, khích lệ, tôi quyết định cho in lại bản dịch, với hy vọng sẽ góp phần nhỏ vào việc giao lưu văn hóa giữa hai nước và mở rộng kho tài liệu nghiên cứu giáo dục ở nước ta hiện nay.

Tôi cảm ơn các bạn Tiệp đã nhiệt tình lý giải cho tôi nhiều từ cổ trong tác phẩm của nhà văn. Đặc biệt, tôi không quên người bạn quá cố, Luật gia kiêm Nhà thơ Frantisek Roubal đã không quản ngại tuổi già, thường hành trình từ Jicin di Praha để chúng tôi có dịp gặp gỡ nhau, cùng nhau lần theo những trang sách của Komensky và chia sẻ với nhau những hiểu biết về một triết gia mà cả hai chúng tôi đều yêu mến và tâm đắc.

Tôi chân thành cảm ơn nhà xuất bản Thế giới là cơ quan đã ấn hành tác phẩm này lần đầu và giờ đây lại giúp tôi tái bản để “Thiên đường của trái tim” một lần nữa với bạn đọc.

Jan Amos Komensky - Con người của những khát vọng cao cả

Jan Amos Komensky (Còn có tên La tinh là Comenius) sinh ngày 28 tháng 3 năm 1592 tại một làngnằm trong thị trấn Vhersky Brod thuộc xứ Môrava, miền trung Cộng hòa Séc. Dòng họ Komensky thuộc tầng lớp những người học vấn trung lưu và được trọng vọng. Ông thân sinh Jan Amos Martin làm chủ một xưởng xay bột ở ven thị trấn.

Thời niên thiếu, Komensky đã phải trải qua những năm tháng đau khổ, lận đận. Năm 12 tuổi, cậu bé đã hai lần khóc trước quan tài bố, rồi mẹ, cả hai đều qua đời vì bệnh dịch lan trànmà thoiừ đó không có thuốc cứu chữa. Bà Zuzana mang Jan về nuôi nhưng chưa đầy hai năm, các đoàn kỵ binh từ Hungari kéo đến uy hiếp nhân dân, đốt phá làng mạc, khiến Komensky lại phải đi ở nhờ nơi khác.

Năm 16 tuổi, Komensky học chuyên tiếng La tinh tại trường trung học thành phố Psêrop (prerov). Nhờ có trí thông minh lạ thường, Komensky được gửi sang Đức học Đại học và tốt nghiệp khoa Thần học tại Học viện Herborn. Năm 1614 Komensky trở về nước. Sau này, trong một cuốn hồi ký ông cho biết, do hoàn cảnh không có tiền đi tàu xe, Komensky đã đi bộ gần 700 km nhưng nhờ có sức khỏe và đôi chân, lúc nào ông cũng cảm thấy thanh thản. Komensky trở về trường cũ dạy học. Cũng tại đây, ông đã lập gia đình và sinh được hai con, nhưng rồi cảnh loạn lạc và bệnh dịch đã cướp đi cả ngưoiừ vợ thana yêu và hai con nhỏ.

Đất nước xé Sêkhy trải qua những cơn phong ba phũ phàng sau cuộc khởi nghĩa thất bại của những người yêu nước ủng hộ phong trào cải cách xã hội và chống lại triều đại Hăpxbua. Từ sau trận giao chiến thất bại tại núi Trắng (Bila Hora) vào cuối năm 1620, xứ Sêkhy rơi vào tình trạng mất nước mà lịch sử nước này gọi là thời kỳ đêm tối, kéo dài gần ba trăm năm (1620 - 1918). Nhà cầm quyền áp dụng những chính sách trả thù tàn bạo. Với nhữgn người dẫn đầu phong trào khởi nghĩa thì đó là cảnh tù đầy, tra tấn, là những lưỡi gươm chém đầu công khai trên Quảng trường thành phố cổ. Với nông dân, thợ thuyền thì đó là một chế độ làm thuê hà khắc dưới hình thức nông nô. Còn với các tầng lớp trí thức yêu nước thì đó là lệnh truy nã, giam cầm và buộc phải rời tổ quốc neúe không chịu theo đạo Thiên chúa.

Komensky là mọt trong những người đã phải hứng chịu số phận nghiệt ngã đó. Trước sự truy nã của chính quyền, ông sống ẩn náu ở nhà bạn bè, trong các khu rừng hoặc hang núi. Năm 1628, 36 tuổi đời, Komensky buộc phải rời tổ quốc sang Ba Lan cùng với những người đồng hương chung cảnh ngộ. Từ đó, ông đã lưu lạc nhiều nước Thụy điển, Anh, Hungari và cuối cùng là Hà Lan. Không phải một lần, ông đã đi tìm sự giúp đỡ của các nước nói trên để mưu cầu tự do cho đất nước và để can thiệp cho những người di cư được trở về, nhưng cuối cùng chỉ là một chuỗi thất vọng. Cuộc sống tha hương của ông kéo dài cho đến cuối đời. Komensky qua đời ngày 15/11/1670, tại Hà Lan, thọ 78 tuổi. Thi hài của ông chôn cất tại vùng ngoại ô Amstecdam. Một thời gian dài ngôi mộ rơi vào lãng quên. Mãi đến nưam 1937, tức là 267 năm sau khi qua đời, chính phủ Tiệp mới có điều kiện hoàn tất việc xác định phần mộ và sửa sang, xây bảo tàng, dựng tượng kỷ niệm ngay tại thị trấn Naarden là nơi Komensky đã yên nghỉ trên đất Hà Lan.

Cuộc đời Komensky đầy gian truân và bi thảm. Nhưng chống lại số phận là một tấm gương về nghị lực làm việc và lòng dũng cảm phi thường. Bất chấp những khó khăn luôn theo đuổi và rình rập ông, Komensky đã mang hết tâm trí và tài năng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, một lĩnh vực mà ông gọi là “xưởng rèn luyện nhân cách”. Đi đến đâu ông cũng dạy học, viết sách giáo khoa, soạn thảo các công trình truyền bá kiến thức cho trẻ em và phổ biến kinh nghiệm dạy học cho các nhà giáo.

Những hiểu biết uyên thâm và tư duy mới của ông trong lĩnh vực giáo dục đã khiến ông chẳng bao lâu trở thành một nhân vật nổi tiếng khắp Châu Âu. Thủ tướng Thụy Điển đã mời ông sang soạn sách giáo khoa dạy tiếng La tinh cho các trường phổ thông. Hoàng gia Anh đã mời ông sang Luân Đôn làmcố vấn trong việc cải cách giáo dục. Rồi giới nhà thờ Hungari cũng đã đãi ngộ với ông như một chuyên gia lỗi lạc trong nghề soạn thảo sách về các phương pháp dạy học… Những ai đã kinh qua công tác dạy học và đọc tác phẩm Komensky, chắc chắn sẽ tìm thấy ở ông nhiều điều tâm đắc. Ở thời đó, khoa tâm lý học chưa ra đời, nhưng chúng ta sẽ kinh ngạc trước khả năng có lẽ là bẩm sinh của ông trong việc nắm bắt tâm lý trẻ em và hiểu được cả những khía cạnh tinh vi nhất của tâm hồn trẻ. Ông nhấn mạnh việc tôn trọng con người phải bắt đầu từ ý thức tôn trọng trẻ em. Ông thường ví trẻ em như những cây non trong vườn ươm. “Để cây đó lớn lên một cách lành mạnh, nhất thiết phải được sự quan tâm, chăm sóc, tưới bón, tỉa tót…” Komensky có một quan niệm triết lý nổi bật svề sự hòa nhập giữa con người và thế giới tự nhiên và ông cực lực phản đối việc dùng bạo lực đối với trẻ em. Ông kêu gọi các bậc cha mẹ, các nhà giáo và tất cả những ai làm nghề nuôi dạy trẻ “Hãy mãi mãi là một tấm gương trong đời sống, trong mọi sinh hoạt để trẻ em noi theo và bắt chước mà vào đời một cách chân chính…” (Khoa sư phạm vĩ đại)

14 năm cuối đời mà ông được người bạn Hà Lan Louisde Geer mời sang sống tại Amstecdam, có lẽ cũng là thời kỳ nở rộ nhất trên con đường sự nghiệp. Theo tài liệu của các chuyên gia nghiên cứu về Komensky, ông đã xuất bản ít nhất 135 ấn phẩm các loại viết bằng tiếng La tinh và tiếng Séc bao gồm sách giáo khoa, sách về phương pháp dạy học, từ điển, sách văn học, triết học và cả bản đồ nước Tiệp. Trong số những công trình nói trên, có những bản thảo hàng trăm năm sau mới tìm lại được, đó là bộ sách gồm 7 tập Luận về sự cải tạo việc đời, nhưng cũng có những bản thảo nay không còn, chẳng hạn bộ từ điển tiếng Séc mà ông đã tích lũy từ liệu và soạn thảo trên bốn mươi năm, bản thảo đã bị thiêu huỷ khi ngôi nhà của ông bị đốt cháy tại thị trấn Lesnoo (Ba Lan).

Đương thời, tác phẩm của Komensky đã có tiếng vang đáng kể trong giới học giả Châu Âu. Cuốn Cánh cửa vào ngôn ngữ mở rộng (1631) là một loại sách dạy tiếng La tinh được biên soạn theo phương pháp mới, có nội dung phong phú và dẽ học, được nhiều người hoan nghênh. Rồi tiếp nữa, cuốn Thế giới qua hình ảnh (1658) lại cũng là một công trình sách giáo khoa hết sức độc đáo thời bấy giờ: dạy tiếng kèm theo hình minh họa. Trong hai cuốn sách trên đây, Komensky đã trình bày một cách giản lược, có hệ thống những tri thức của thời đại và cũng là lần đầu tiên trong lĩnh vực soạn sách giáo khoa, tác giả đã thực hiện được sự phối hợp chặt chẽ giữa việc dạy tiếng và kiến thức lịch sử, văn hóa, khoa học, tránh được lối học từ ngữ khô khan, trìu tượng - một lối học phổ biến thời trung cổ. Người ta tổng kết rằng những cuốn sách trên đây của Komensky đã được dịch ra nhiều thứ tiếng Châu Âu, kể cả tiếng Ả - rập và được lưu hành rộng rãi, thịnh hành vào bậc nhất sau kinh thánh.

Thời sinh viên, được biết Komensky có làm đôi ba bài thơ bằng tiếng La tinh, nhưng chủ định của ông không phải là sứ mệnh văn chương. Tuy vậy, cuốn Cảnh loạn trần gian và Thiên đường của trái tim (labyrint sveta a raj srdce, 1623) là một tác phẩm văn xuôi độc đáo, viết bằng tiếng Séc cổ và được coi là tác phẩm nổi tiếng nhất trong văn học Séc thế kỷ XVII.

Cống hiến lớn nhất của Komensky là những sách viết về phương pháp dạy học mà sau này chúng ta gọi là lý luận sư phạm. Xuất phát từ những kinh nghiệm thực tiễn và quan niệm triết lý về giáo dục của mình, Komensky đã tạo ra một hệ thống giáo dục khép kín bao gồm phương hướng, nội dung cơ bản và những bước đi tuần tự từ thấp đến cao, từ dễ đến khó trong công việc giáo dục con người lúc năm trong nôi đến khi xuống mộ. Theo ông, con người sinh ra mà không được học, không được sự giáo dục của nhà trường và xã hội thì lớn lên chẳng khác nào những cây mọc hoang dại, sẽ không có khả năng hành động theo đúng mục tiêu của lẽ sống, sẽ không nhìn rõ cái thiện và dễ xa vào cái ác, cái tội lỗi… Cho dù con người là một sinh vật khôn ngoan nhất trong thế giới tạo vật, nhưng nếu không được học hành sẽ không có ánh sáng trí tuệ soi đường - cái mà tạo hóa đã ban cho con người.

Triết lý giáo dục của Komensky mang tính nhân văn sâu sắc và tính dân chủ triệt để. Cách đây hơn ba trăm năm ông đã chủ trương mọi người đều phải kinh qua trường lớp - “Phàm là con người đều phải học, không phân biệt đẳng cấp xã hội, nam, nữ, dân tộc, tuổi tác…” (Giáo dục phổ thông). Komensky ước mơ dân tộc được tự do, con người được giải phóng khỏi những nỗi thống khổ và cảnh bất công xã hội, nhưng con đường để tiến tới mục tiêu đó cần thiết phải có vai trò của việc mở mang dân trí, để con người dần thoát khỏi tình trạng tư duy mù quáng, sống không theo luật tạo hóa, hành động không theo lý trí…

42 năm sống xa tổ quốc, Komensky bao giờ cũng ấp ủ những tình cảm tốt đẹp nhất đối với đất nước, quê hương. Trong thư gửi các vị học giả đất nước tôi ông tha thiết kêu gọi các nhà trí thức, các bạn đồng nghiệp hãy làm hết sức mình để giữ gìn tiếng mẹ và thông qua tiếng mẹ mà truyền đạt cho nhân dân trong nước những tri thức đỉnh cao và tinh hoa văn hóa cảu các dân tộc trên thế giới.

Trong tâm trạng day dứt của một người dân mất nước, lại là người đã được chứng kiến tận mắt cảnh chiến tranh, loạn lạc, Komensky luôn luôn mang trong lòng nõi khát vọng da diết về một nền hòa bình, không phải riêng cho người Séc mà chung cho mọi dân tộc trên trái đất. Trong tác phẩm Luận về sự cải tạo việc đời, ông tuyên bố: “Quyền tự nhiên của tạo hóa cho phép dùng bạo lực đánh trả bạo lực… nhưng bất chấp nguyên nhân gì, phải luôn luôn đặt lợi ích hòa bình lên trên chiến tranh. Một nền hòa bình dù nhỏ nhoi, vẫn đáng trọng hơn vô vàn chiến thắng, một nền hòa bình vững bền bao giờ cũng an toàn hơn cả những chiến công có thể mang lại cho ai đó niềm hy vọng… Làm bùng nổ một cuộc chiến tranh thì dễ nhưng kết thúc thì khó, bởi lẽ kết thúc chiến tranh không tùy thuộc vào quyền lực của kẻ đã làm nó bùng nổ…”

Là một nhà giáo dục, nhà tư tưởng và nhà văn, Komensky đã để lại những tác phẩm mà giá trị tư tưởng của chúng không bị thời gian làm phai mờ và ngược lại, ngày càng được các nhà khoa học xã hội quan tâm khai thác. Trên thế giới, các chuyên gia sư phạm coi Komensky là người đặt nền móng cho lý luận dạy học tiên tiến hiện đại và người ta gọi ông là Nhà giáo của các dân tộc (Teacher of Nations).

Những nhận định của Komensky về xã hội, về con người và cuộc đời… cách chúng ta hơn ba thế kỷ nhưng vẫn giữ nguyên tính thời sự và đầy sức thuyết phục. Những ước mơ của ông về một thế giới công bằng của những con người biết hành động theo lẽ phải và ánh sáng của trí tuệ, những khát vọng của ông về một thiên đường “nơi mà cái thiện sẽ ngự trị trong trái tim của mọi người” mãi mãi sẽ còn là mục tiêu hướng tới của các thế hệ.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống

    28/12/2011Hoài Khanh dịch và giới thiệu (1972)Các hệ thống dù là giáo dục hay chính trị, đã không được đổi thay một cách huyền diệu, chúng chỉ chuyển hóa khi nào có một sự thay đổi nền tảng trong chính chúng ta. Cá nhân là quan trọng trên hết, chứ không phải hệ thống và bao lâu cá nhân không hiểu biết toàn thể quá trình của mình, thì không có một hệ thống nào, dù là ở phe tả hay phe cánh hữu có thể mang đến trật tự và hòa bình cho thế giới...