Nghĩ về chuyện dạy và học

03:51 CH @ Thứ Ba - 11 Tháng Mười Một, 2003

Khi nền giáo dục Phương tây quan tâm chú trọng tới phương thức học gọi là "tấn công não" - tức lấy người học làm trung tâm, thì ở Việt Nam điều đó còn thật mới lạ và nó vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Ở bên Pháp, một giáo sư đến giảng chuyên đề cho sinh viên. Theo cách dạy và học của Việt Nam, chuyên đề ấy phải giảng ròng rã ngót một tuần mới xong. Nhưng người Pháp không làm như vậy. Ngài giáo sư chỉ xin 2 buổi. Buổi đầu trình bầy đại cương khái lược về chuyên đề, và những ý kiến nghiên cứu của ông ta về vấn đề đó. Những vấn đề then chốt cần nói sẽ nói. Kế đến buổi sau GS trình bày các ý tưởng mới phát sinh xoay quanh đề tài và cung cấp nguồn tài liệu cho sinh viên. Lập tức sinh viên nước họ tìm tòi và lần mò đến các nguồn tư liệu đã được giáo sư giới thiệu trong các thư viện để nghiên cứu, tìm hiểu. Họ chuẩn bị cho bài thuyết trình của mình trước bè bạn và vị giáo sư tôn kính với tất cả sự say mê, phấn khích. Họ tỏ ra rất đỗi quen thuộc với lối học kiểu này mà không cần đến những lời lẽ biện giải. Cuối cùng, mọi vấn đề thắc mắc đều ngã ngũ trước một hội đồng tập thể có chung ý tưởng tìm tòi. Ngài giáo sư không còn là trung tâm của buổi học nữa. Nó được nhường lại cho đám đông sinh viên đang ồn ào và cuồng nhiệt với những ý kiến tranh luận trước lớp. Vị giáo sư chỉ giữ cương vị như một trọng tài được tín nhiệm trên "sân cỏ tri thức". Kết quả là buổi học đạt chất lượng cao. Sinh viên được trình bày luận điểm riêng của mình. Lý thuyết của họ được thực hành không xa rời thực tiễn. Tính năng tư duy trong óc họ được khơi dậy và thức tỉnh. Phương pháp tiếp cận vấn đề của họ thật tốt.

Trở lại câu chuyện của Việt Nam. Chúng ta rất chú trọng đầu tư tiền của và tâm lực cho nền giáo dục nước nhà. Mong mỏi chúng ta là đưa đất nước đi lên bằng nền kinh tế tri thức. Phương châm của giáo dục - đào tạo là nâng cao chất lượng. Nhưng chất lượng của ta thật mung lung quá, mỗi người hiểu một cách. Chúng ta liên tiếp có những cuộc cải cách về giáo trình, chữ viết, đặc biệt là phương pháp dạy và học. Nhưng đạt được hiệu quả gì thì chúng ta đều rõ. Gần đây, tại diễn đàn Hội nghị giáo dục ở bậc đại học, Thủ tướng Phan Văn Khải có nhận xét: " Chất lượng đào tạo của ta còn yếu, đào tạo còn rất ít gần với sản xuất và đời sống, với nghiên cứu khoa học...". Như vậy, rõ ràng là kết quả trên có liên quan mật thiết với việc dạy và học hiện nay. Cái kiểu dạy thông tin - tiếp thu một chiều tưởng đã bị quên lãng, ai dè vẫn cứ hiện hữu như những điệp khúc của một bản trường ca dài không có lời kết. Sinh viên thụ động và thu mình trong cái thế giới tri thức của người thầy. Người thầy làm trung tâm của quá trình dạy và học chứ không phải lấy người học làm trung tâm. Sinh viên ít có những buổi thảo luận, sinh hoạt nghiên cứu khoa học. Do đó, não họ cũng không bị "tấn công" thường xuyên để rồi nảy sinh những ý tưởng tư duy mới lạ. Họ chỉ biết nghe thầy cùng sách vở và xem đó như là một chuẩn kiến thức cho cuộc hành trình trong tương lai. Tại các thư viện, nơi được xem là thế giới vô tận của tri thức, dường như vẫn có cảm giác thiếu vắng những gương mặt sinh viên. Cuối cùng tiếng còi mãn cuộc đã hết sau 4-5 năm theo học, sinh viên đem theo hành trang tri thức họ đã học được vào cuộc sống mà không biết ứng dụng như thế nào.

Với các thầy, thường là những giáo sư đầu ngành, có thâm niên nhiều năm trong giảng dạy được các khoa mời đến giảng dạy chủ yếu là để truyền đạt đơn thuần về mặt kiến thức chuyên môn cho sinh viên. Trong khi với sinh viên tổ chức những buổi toạ đàm, nói chuyện về nghề nghiệp, cần hiểu và chuẩn bị nghề như thế nào thì các trường đại học lại hầu như không nhắc tới như những gì bắt buộc phải có bên cạnh kiến thức chuyên môn. Nếu có cũng thật hãn hữu. Và do thiếu ý thức về nghề nghiệp, không tự nỗ lực bản thân phấn đấu mà họ phải trả giá đắt cho cơ hội tìm việc sau khi tốt nghiệp ra trường.

Giáo dục và Thời đại 27/7/2003

LinkedInPinterestCập nhật lúc: