Nguyễn Quang Thạch: Tìm 2 tháng trên xe buýt mới thấy 1 người đọc sách

08:20 CH @ Thứ Tư - 27 Tháng Tư, 2011

“Nếu bảo rằng chúng ta đã có “văn hóa đọc” rồi, e rằng chưa đúng. Theo tôi, một dân tộc phải có từ 60-70% người dân thường xuyên đọc sách thì mới có được điều đó. Tôi đã mất 2 tháng chỉ đi xe buýt để xem người dân có đọc sách không, nhưng chỉ nhìn thấy duy nhất… 1 người”.

Đó là tâm sự của anh Nguyễn Quang Thạch, người đã từng đi xuyên Việt khuyến khích phát triển tủ sách dòng họ. Trong Ngày hội đọc sách Việt Nam lần thứ Nhất vừa diễn ra tại Văn Miếu - Hà Nội cùng với Vụ Thư viện, Chương trình xây dựng tủ sách dòng họ do anh phụ trách đã tặng trên 3.000 cuốn sách cho những người tham gia lễ hội.

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với anh Thạch.

60 chuyến xe buýt và 1 cô gái

* Anh đã mất 2 tháng đi xe buýt để “săn” người đọc sách. Anh đã đi bao nhiêu chuyến xe buýt và gặp được bao nhiêu người đọc sách?

- Việc đi các tuyến xe buýt từ 1 đến 51 ở các con đường khác nhau để “săn” người đọc sách được thực hiện có chủ định với trên 60 chuyến khác nhau, nhưng tôi chỉ gặp được 1 người đọc sách!

Khi lên xe buýt, tôi vẫn hay hỏi người ngồi bên cạnh mình về tình hình sách ở khu vực nông thôn và cũng hỏi “dòng họ của anh/chị có tủ sách không?”. Hầu hết đều trả lời họ rất ít có cơ hội đọc nhiều sách khi đang học phổ thông, vì họ ít có cơ hội tiếp cận sách một cách dễ dàng.


Tủ sách họ Hoàng ở xã Diễn Cát - Diễn Châu - Nghệ An. Tủ sách với 2.000 đầu sách do dòng họ tự xây dựng. Chương trình xây dựng tủ sách dòng họ tặng 114 đầu sách (Nguyễn Quang Thạch bìa trái).

* Anh có nhớ người duy nhất anh bắt gặp đọc sách trên xe buýt không? Anh đã nói gì với người đó và ngược lại người đó đã nói gì khi nghe anh “thuyết trình” về văn hóa đọc?

- Hình ảnh tôi nhớ mãi là cô ấy mặc áo sơ mi trắng và cầm đọc cuốn sách Cánh đồng bất tận có bìa màu xanh lá cây. Tôi chụp ảnh và nói với cô ấy rằng “đây là hình ảnh đẹp nhất và hiếm hoi mà tôi thấy trên xe buýt”. Qua tìm hiểu tôi được biết, sở dĩ cô ấy ham đọc vì từ nhỏ đã được bố mẹ lên Hà Nội mua sách thường xuyên. Cô ấy nói với tôi: “Hồi nhỏ, thỉnh thoảng em còn được bố mẹ đưa lên nhà sách Kim Đồng mua sách”.

* Vì sao chúng ta ít thấy người dân đọc sách ở nơi công cộng, như trên xe buýt chẳng hạn, thưa anh? Hay vì các đô thị ở Việt Nam không có chỗ thích hợp cho người đọc sách?

- Theo tôi, sách có thể đọc khắp mọi nơi. Người nước ngoài ngồi xe buýt của ta, họ đọc sách ngon lành. Trên máy bay hay ở các phòng chờ sân bay, người cầm sách đọc chủ yếu là người nước ngoài. Hiếm thấy người đọc sách ở nơi công cộng, điều đó chứng tỏ rằng, thói quen đọc của số đông dân chúng đang còn rất hạn chế.

* Có ý kiến cho rằng đọc sách trên tàu xe là hại đến mắt và thậm chí là sức khỏe. Bên cạnh đó, khi xe chạy, người đông cộng xe rung, lắc... rất khó tập trung để đọc. Vì vậy, người ta chọn cách nghe đài hoặc đọc bằng thiết bị điện tử khác. Ý kiến của anh?

- Đọc hay nghe đều có thể giúp tiếp nhận tri thức. Tuy nhiên, sách nghe của mình chưa phổ biến nên nhiều người nghe nhạc qua điện thoại và một số thiết bị khác.

Như đã nói ở trên, việc đọc trên xe buýt hay các trạm xe buýt không mấy khó khăn. Nếu ai đó biện minh vì lý do này hay lý do khác, chẳng qua họ chưa thật sự thích đọc mà thôi.

Thực trạng “thê thảm”

* “Trắc nghiệm” trên xe buýt của anh dù sao cũng chưa thể đánh giá được toàn diện về tình hình văn hóa đọc của chúng ta. Được biết, anh còn cất công đi khảo sát về văn hóa đọc ở rất nhiều địa phương khác nhau. Sau khi đi khảo sát như vậy, theo quan điểm của anh thì “biểu đồ” văn hóa đọc của người Việt, nhất là ở nông thôn đang biểu thị như thế nào?

- Năm 2010, tôi đã làm thảo luận nhóm với 240 học sinh ở 3 trường trung và tiểu học tại 3 xã An Vũ, An Dục và Đồng Tiến (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Con số thu được là 20/240 em cho biết rằng gia đình của các em có sở hữu ít nhất 1 cuốn sách và nhiều nhất 12 cuốn sách trong nhà (ngoại trừ SGK).

Số 220 em còn lại không có 1 cuốn sách nào trong nhà ngoại trừ SGK là học cụ bắt buộc.

Trong thời gian tôi làm việc cho tổ chức Tầm nhìn thế giới, tôi đã phỏng vấn khoảng 100 hộ nông dân ở các tỉnh Yên Bái, Thanh Hóa, Quảng Nam về chuyện sở hữu sách trong nhà, chỉ khoảng 5% số người được hỏi cho biết gia đình họ có vài cuốn sách truyện cho con cái đọc.

Tôi cũng đã phỏng vấn khoảng 100 trưởng thôn ở nhiều tỉnh khác nhau thuộc khu vực đồng bằng lẫn miền núi về chuyện tủ sách thôn xóm. 100% thôn không có tủ sách nào. Điểm bưu điện văn hóa xã được cho là thư viện ở cấp xã thì có 100 - 200 cuốn sách, nhưng người dân hầu như không được mượn về. Thư viện trường học thì rất ít sách (khoảng 200 đầu sách) và hầu như phòng đọc rất chật chội.

* Và anh rút ra điều gì từ thực trạng đáng buồn đó?

- Với những con số về sách và tủ sách như trên, cho chúng ta thấy rằng, sách là công cụ để tạo nên thói quen đọc sách nhưng các khu vực nông thôn hầu như vắng bóng thì biểu đồ thói quen đọc sách của người dân nông thôn khó biểu thị phần trăm ở mức 2 con số (dưới 10%).

Với thực trạng thiếu sách dẫn đến hiếm người đọc được dồn tích hàng chục năm nay ở nông thôn đã cho chúng ta thấy rằng sự đọc của người dân thật thê thảm khi so với những quốc gia phát triển, mặc dù số người mù chữ của chúng ta giảm từ 95% trước 1945 xuống còn dưới 10% ở thời điểm hiện tại.

Thói quen đọc của cư dân đô thị thì không đáng ngại lắm vì hầu như nhà nào cũng có khả năng mua sách cho con cái đọc thường xuyên. Tôi đã gặp một em học sinh lớp 2 ở Hà Nội nhưng ngày nào cũng đọc sách. Trong nhà có đến 200 đầu sách dành cho cháu.

Chương trình “khuyến đọc quốc gia”

* Tôi cho rằng, để kích cầu văn hóa đọc, nước ta nên có hẳn một kênh, xin tạm gọi: “Đọc sách trên sóng phát thanh”? Anh thấy thế nào?

- Tôi đống ý với anh về ý tưởng này, vì nếu chúng ta đang rất cần tuyên truyền nhiều về việc đọc sách. Việc tạo các kênh trên sẽ giúp tăng tần suất nói về sách cũng như tạo sự mong muốn đọc sách của người dân trên bình diện rộng lớn. Ngoài ra, cần coi việc đọc sách là yếu tố hàng đầu trong các hoạt động văn hóa của gia đình, dòng họ, thôn xóm...

* Xin anh cho biết đôi nét về chương trình “khuyến đọc” của riêng anh trong thời gian tới cho người dân, nhất là người dân vùng nông thôn.

- Hiện tại nhà nước có chủ trương xã hội hóa thư viện. Theo tôi, đây là chủ trương vô cùng quan trọng và đang tạo nên một “khoán 10” trong ngành thư viện. Bên cạnh đó, Bộ VH,TT&DL đang dự thảo chương trình nâng cao văn hóa đọc cho toàn dân. Nỗ lực của Nhà nước và bộ chuyên trách sẽ tạo nên những đột phá lớn trong việc khuyến đọc trong thời gian tới. Việc tổ chức Ngày đọc sách Việt Nam 23/4 vừa qua đã chứng tỏ sự quan tâm của Nhà nước đối với văn hóa đọc.

Tuy nhiên, theo tôi, để có văn hóa đọc cần phải giải quyết vấn đề thiếu sách ở nông thôn. Với chủ trương của Nhà nước hiện nay, chỉ cần Bộ VH,TT&DL và Hội Khuyến học Việt Nam đưa tủ sách vào tiêu chí “làng văn hóa”, “dòng họ văn hóa”, “dòng họ khuyến học”... thì sẽ có hàng chục triệu đầu sách do dân tự huy động về nông thôn. Khi sách đã có mặt mọi nơi mọi lúc thì chiến lược khuyến đọc mới có thể thực hiện được.

Riêng cá nhân tôi vẫn tiếp tục duy trì xây dựng tủ sách dòng họ và tủ sách phụ huynh để đáp ứng phần nào nhu cầu sách của người dân nông thôn. Bên cạnh đó, tôi đang vận động Bộ GD& ĐT đưa “tủ sách phụ huynh” vào tiêu chí “trường học thân thiện”.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Để trẻ em “điếc” với sách là tội ác!

    01/06/2020Nhà văn Nguyên NgọcCần vận động khôi phục, xây dựng các tủ sách gia đình, chống lại kiểu văn hóa trọc phú, nhà giàu nào cũng có một tủ rượu rất sang mà tuyệt đối không có tủ sách, đem khoe với mọi người bao giờ cũng là khoe tủ rượu chứ không hề khoe tủ sách...
  • Mỗi ngày một cuốn: Đọc thế nào đây?

    12/05/2018Phạm Văn Tình (Hà Nội, 2006)Tôi viết những dòng này khi đúng vừa tròn một tháng VTV1 mở chuyên mục Mỗi ngày một cuốn sách (trong chương trình Chào buổi sáng). Và cũng thật thú vị là ngày mai đã bước vào tháng 9 rồi.
  • Lười đọc - căn bệnh của giới trẻ

    23/11/2017“Những bài văn kinh hoàng” hay “áng văn bất hủ” là cụm từ được nhắc đến khá nhiều trong mùa tuyển sinh. Mặc dùchưa đến mức báo động, bởi những bài văn này chỉ chiếm số ít trong số hàng trăm ngàn bài thi mỗi năm, nhưng nó cũng khiến người ta băn khoăn. Phải chăng, tình trạng trên bắt nguồn từ việc giới trẻ mắc “căn bệnh” lười đọc tác phẩm văn học?
  • Văn hóa đọc ở Việt Nam, cần dựng lại từ nền móng

    21/11/2017Phạm TăngLật lại một vấn đề không mới tại một hội thảo có tính "chiến lược quốc gia", mới nhận ra rằng lâu nay chúng ta chưa hề có văn hóa đọc theo đúng nghĩa...
  • Văn hóa đọc trên mạng: Vàng thau lẫn lộn

    20/07/2014Tường Vân - Yên NgọcVăn hóa đọc có lúc tưởng như đã nhường bước cho các loại văn hóa nghe nhìn trong thời buổi công nghệ điện tử nghe nhìn phát triển đến tốc độ chóng mặt. Việc xuất hiện hình thức sách đọc trên mạng cũng là điều tất yếu...
  • Văn hóa đọc

    21/09/2010Nguyễn Lệ Chi9/21/2010Thực tế văn hóa đọc nước ta đang ở tình trạng nào và làm sao để nâng cấp được nó vẫn là một câu hỏi nhức nhối của xã hội...
  • Cái kệ sách và chiếc tivi LCD

    18/06/2010Mỹ NhiMột đồng nghiệp của tôi nói: Ở đời chỉ có hai loại người: người đọc sách và người không đọc sách, thiểu số là loại thứ nhất, đa số là loại thứ hai. Nghĩ rằng nói thế thì cực đoan! Nhưng thỉnh thoảng ngẫm lại cũng thấy không sai lắm...
  • Văn hóa đọc: Cơ hội và thách thức

    04/12/2009Phạm ĐứcKhông có gì khó khăn khi hàng ngày mỗi người tự bỏ ra khoảng 15 - 30 phút đọc sách, báo, tác phẩm văn học… để tiếp nhận tri thức của nhân loại khá dễ dàng, thế nhưng, cơ hội đó đang bị nhiều bạn trẻ thờ ơ trước sự lấn át của công nghệ thông tin.
  • Giới trẻ đang... đọc gì?

    15/09/2008"Harry Porter" chắc chắn hấp dẫn hơn "Những người khốn khổ", Jindo thú vị hơn nhiều so với tuyển tập truyện ngắn Nam Cao và hiển nhiên xem phim chưởng vẫn thích hơn việc ngồi nghiền ngẫm Tam quốc chí. Dường như, việc đọc các tác phẩm truyền thống đã trở nên xa lạ với giới trẻ...
  • Văn hóa đọc của giới công chức văn hóa

    16/05/2008Lưu AnSẽ nhiều khả năng rơi vào sự cực đoan nếu nói rằng người Việt - Nam hiện nay không có (hoặc đã đánh mất) thói quen đọc sách. Cần phải có những thống kê hết sức cụ thể thì mới có thể đưa ra những phán đoán chắc nịch theo kiểu như vậy. Tuy thế, đây là điều bất khả.
  • Mạn đàm về sách và thế hệ trẻ

    07/04/2008Đầu tiên tôi phải xin các bạn bỏ qua cho sự vơ đũa cả nắm của tôi. Nhưng thật sự nhiều lúc tôi giật mình nhận ra thế hệ trẻ và thế hệ nhi đồng thời nay lười đọc sách chứ không nói là không thèm đọc.
  • Văn hóa đọc, có cần “báo động” ?

    22/08/2007Vũ Bảo NguyênNói đến văn hóa đọc nói chung và văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay, một nhà phê bình văn học từng ta thán: ”Sự thực là những người đọc trẻ hiện nay chẳng mấy thiết tha với văn hóa đọc, nhất là đọc những tác phẩm văn chương...
  • Sách hôm nay: tăng số lượng, giảm chất lượng

    22/03/2007Thy ĐoanKhông riêng gì ở Việt Nam, ngành xuất bản sách trên thế giới đang trong thời kỳ phát đạt. Số lượng bản in sách hàng năm được xuất bản đã đạt tới mức kỷ lục, bất chấp những ý kiến lo ngại cho rằng, sự tấn công của Internet và phương tiện nghe nhìn sẽ làm cho bạn đọc hờ hững với các loại sách in truyền thống...
  • Đầu xuân, sách theo người đi xa

    27/02/2007Tường VySáng mùng 4 tết, toàn bộ hơn 20 nhà sách của Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa) đồng loạt mở cửa. Tại nhà sách Nguyễn Huệ, sau màn chúc tết, lì xì cán bộ công nhân viên, ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc Fahasa không quên dặn dò: “Chú ý khách Việt kiều”...
  • Đọc sách thời bận rộn

    20/06/2006Lam ĐiềnNhà báo Công Khanh có thói quen đọc sách mọi nơi mọi lúc. Với anh, đọc sách khi đang ngồi xe đò, khi đang chờ tàu ở sân ga, thậm chí đọc khi ngồi sau người bạn trên xe máy trong một hành trình dài... cũng là điều bình thường...
  • xem toàn bộ