Ai chịu trách nhiệm cho sự bền vững của cá nhân?
Tôi đã đọc tạp chí Tia Sáng số tháng 11.2004 thấy có đăng một số bài về phát triển bền vững. Đây cũng là đề tài gần đây được giới báo chí bình luận nhiều. Những vấn đề như phát triển kinh tế phải để mắt tới thiên nhiên, các chính sách phát triển phải đảm bảo được sự cân bằng cả về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, đến cả sự bền vững của một doanh nghiệp. Tôi rất ủng hộ quan điểm cần phải có sự phát triển bền vững, bởi nếu chúng ta chỉ chăm chăm vào những kết quả nhãn tiền, chúng ta sẽ chẳng để lại được gì, thậm chí còn tàn phá môi trường sống của con cháu, như vậy chẳng khác gì chúng ta là những kẻ huỷ diệt.
Tuy nhiên, có một khía cạnh nữa của phát triển bền vững mà tôi chưa thấy được phân tích thấu đáo. Đó là sự phát triển bền vững của mỗi cá nhân trong xã hội, của mỗi công dân trong một quốc gia. Tác giả chính của cuốn First Things First, một cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ, Stephen Covey đã tổng kết, để bền vững mỗi cá nhân phải biết chăm lo cho 4 nhu cầu hay phương diện sống: thể lý, xã hội, trí não và tinh thần. Thể lý đề cập đến sự an toàn về kinh tế, sức khỏe. Xã hội thể hiện quan hệ giữa con người với con người. Trí não bao trùm nhu cầu được học hỏi, không ngừng rèn luyện bản thân. Tinh thần là nhu cầu đỉnh cao, khi con người ta được giúp đỡ người khác, được cống hiến cho mục đích cao đẹp, được để lại những di sản có ý nghĩa cho thế hệ mai sau.
Xét theo góc độ này, tôi dám khẳng định phần lớn chúng ta chẳng ai "bền vững". Còn ngỡ ngàng trước "sức nặng" của đồng tiền từ khi đất nước mở cửa nền kinh tế, chúng ta quá chú trọng đến vấn đề tiền bạc. Song thực ra lại chưa thật coi trọng nhu cầu thể lý theo đúng nghĩa. Chúng ta ăn uống, chơi bời, tiêu tốn tiền bạc vào thời trang, hàng triệu mà không biết dành dụm để đầu tư cho tương lai. Đúng là nhiều trung tâm thể hình, các câu lạc bộ sức khỏe được dựng lên, nhưng chúng chỉ để thỏa mãn ham muốn "thời thượng". Chúng ta ăn để "khoái khẩu", không chú trọng vào chế độ dinh dưỡng hợp lý cho cơ thể, nếu có bệnh thì viện ngay đến thuốc tây, bắc, đông, nam đủ cả.
Nếu nói chúng ta không tập trung vào "quan hệ" thì quả là quan liêu. Thực ra chúng ta "quan hệ" rất nhiều, nhiều đến mức từ "quan hệ" trở thành danh từ, tính từ để bổ nghĩa cho các từ khác như "chi phí", "khiếu"... Tiếc thay, ngoài những quan hệ kiểu vụ lợi đó, ít ai làm nó xuất phát từ trái tim mình. Thậm chí những hoạt động từ thiện cũng bị lạm dụng, đóng góp thì ít mà quan hệ với giới báo chí để họ khuyếch trương cho thì nhiều. Chúng ta tươi cười niềm nở với người ở tận đầu tận đâu vì người ta biết tán dương những hành động "hào hiệp" của mình, còn với bố mẹ, vợ chồng, con cái trong gia đình thì ta chỉ quan hệ vì nghĩa vụ.
Chúng ta rèn luyện cật lực, sẵn sàng ngồi mòn ghế phòng hành chính mấy năm trời, có khi chỉ để trực điện thoại, pha trà cho sếp, vì ta biết rằng "có công mài sắt có ngày nên kim", một ngày nào đó khi vị nào về hưu hay "cán cân" thay đổi, vị trí "ngon ăn" kia sẽ thuộc về mình. Còn chuyên môn thì chỉ cần vừa đủ để làm những việc thiết yếu, trên đời này có mọt sách nào làm quan? ở mảng khác, lại có những người sống đường đường chính chính, nhưng chẳng có nhu cầu rèn rũa nhiều làm gì. Ra trường, đi làm một vài năm tích lũy, lập gia đình, làm việc chỉ để lấy vui, chuyện trau dồi chuyên môn để dành cho bọn học sinh, sinh viên, những kẻ "ngựa non háu đá". Đến khi môi trường thay đổi, cơ quan sa thải những người lạc hậu, lúc đấy mới trắng mặt ra, hoặc lui về nhà làm hậu phương, hoặc xoay xở một chỗ khác ít bị tác động bởi yếu tố bên ngoài.
Nếu rảnh rỗi, bạn chỉ cần ngồi ngoài quán nước cũng hiểu kha khá sự đời. Mấy bác xích lô túm năm tụm ba đánh tá lả, hút thuốc phì phèo, bàn chuyện ông nọ bà kia tham ô, tham nhũng, ăn cắp của công, thế mà cũng đòi là "đầy tớ của dân". "Đời này lắm trái ngang", các bác vừa chửi vừa nhỏ toẹt bãi nước trà vừa súc miệng ra ngoài đường , ai vô phúc đi qua thì nếm đủ. Về nhà đang cơn "phấn khích", vợ con mà lèo nhèo thì cũng ăn đủ luôn. Ngay trong trường học cũng có nhiều chuyện làm ta ngẩn người. Một cô bạn ngồi cạnh tôi thản nhiên phát biểu: "thì những người lên đến chức cao thế cũng phải được hưởng lợi xứng đáng chứ", khi cả lớp thảo luận về chuyện tham nhũng trong giới quan chức.
Chúng ta chỉ biết phàn nàn, biết "chửi đổng" vì những thứ đó vô thưởng vô phạt. Nhưng khi phải dấn thân vào guồng máy, phải chịu trách nhiệm thực sự thì chẳng còn mấy ai dũng cảm trụ lại. Phê phán, bài xích những thứ xấu xa, tệ nạn là việc cần làm. Nhưng mong rằng những người đưa ra các tuyên bố đó hãy nhìn lại mình rồi hãy phán xét người khác, phán xét xã hội.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn