Ai là người viết Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền?

03:04 CH @ Chủ Nhật - 10 Tháng Mười Hai, 2017

Tên của bàEleanor Roosevelt thường được gắn liền, và theo đúng lẽ thường với Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Phu nhân của cố Tổng thống Franklin Delano Roosevelt đã từng là chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc từ năm 1946 đến 1951, và với cương vị này bà giành được sự tôn trọng và quý mến của mọi người dân trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh chính trị phức tạp cuối thập kỷ 1940 – Chiến tranh Lạnh bùng nổ và phong trào phản đối ách thực dân dâng cao – sự nhạy bén về chính trị, kỹ năng ngoại giao giỏi, và chí khí kiên định của bà đóng vai trò then chốt đem lại thành công cho những nỗ lực nhằm đảm bảo cho sự ra đời của một tuyên ngôn thế giới về nhân quyền.

Trong khi đóng một vai trò hết sức quan trọng, bà Eleanor Roosevelt lại không phải là tác giả của Tuyên ngôn Nhân quyền. Bà không hề đóng góp bất kỳ một câu chữ hoặc ý kiến thực sự nào để hình thành nên Tuyên ngôn Nhân quyền. Vậy thì văn kiện quan trọng này được hình thành như thế nào?Trong khi bà Roosevelt và một số thành viên tham gia soạn thảo đóng vai trò hết sức quan trọng, hồ sơ lưu giữ tiết lộ rằng Tuyên ngôn thế giới có sự đóng góp của các nhà ngoại giao của nhiều nước và đại diện cho một sự đồng thuận và một cam kết thực sự mang tính toàn cầu – ngay cả khi mới chỉ hoàn thành được một phần – nhằm phát triển và đảm bảo các quyền cá nhân của tất cả mọi người.

Người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc đệ trình một văn kiện về nhân quyền lên Liên Hợp Quốc là ông Ricardo Alfaro, nguyên là Tổng thống Panama với tư cách là đại diện cho Panama tham dự phiên khai mạc Liên Hợp Quốc năm 1945, Alfaro đem theo bản dự thảo văn kiện về các quyền quốc tế và chính thức đề nghị rằng văn kiện này nên được đưa vào trong Hiến chương Liên Hợp Quốc. Các tổ chức dân sự trên toàn thế giới, các chuyên gia về luật pháp, và các nhà tri thức nổi tiếng như là nhà văn Anh H.G. Wells đã vận động cho sự ra đời của tuyên ngôn thế giới về các quyền trong nhiều năm, và Alfaro đã làm việc với Viện Luật Hoa Kỳ (một tổ chức gồm các thẩm phán, luật sư, và giảng viên luật là những người dự thảo ra các bộ luật “mẫu” – các khuôn mẫu để các cơ quan luật pháp dựa vào đó để ban hành các đạo luật đơn giản và dễ hiểu hơn) để hoàn thiện bản dự thảo ông đem theo. Các nhà ngoại giao họp lại với nhau vào tháng 5 tại San Francisco lúc đó chưa sẵn sàng để thông qua một văn kiện nào cụ thể như đề xuất của Alfaro, nhưng họ quyết định thành lập ra một ủy ban về nhân quyền, và họ chính thức nhất trí với nhau về những nhiệm vụ đầu tiên cần phải thực hiện nhằm để xây dựng một văn kiện quốc tế về nhân quyền.

Những tháng tiếp theo được dành để thiết lập ra các tổ chức được hình dung ra trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và bổ nhiệm nhân sự làm việc cho các tổ chức này. Giáo sư Luật người Ca-na-đa John Humphreyđược bổ nhiệm là người đứng đầu tiểu ban về nhân quyền của Ban thư ký Liên Hợp Quốc, và một ủy ban trù bị do Ủy ban Kinh tế và xã hội Liên Hợp Quốc thành lập với tên gọi là Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Tháng 1 năm 1947, 18 nước thành viên đã được lựa chọn và ủy ban bắt đầu đi vào hoạt động.

Tìm kiếm biện pháp chung

Tuy nhiên, việc dự thảo cuối cùng lại là một việc mất rất nhiều thời gian. Ý định ban đầu là ban thành viên của ủy ban sẽ chuẩn bị bản dự thảo để đưa ra thảo luận, nhưng kế hoạch đó không thể thực hiện được. Khi Eleanor Roosevelt mời Phó Chủ tịch Ủy ban Zhang Pengjun (hay còn có tên là P.C. Chang) và Báo cáo viên Charles Habib Malik (người Li-băng) đến bàn bạc về bản dự thảo tại căn hộ của bà ở New York, hai người này đã mất cả một buổi chiều tranh cãi với nhau về tính triết lý. Một người đề xướng theo nguyên lý các quyền tự nhiên và người kia theo đạo Khổng, hai nhà tri thức lỗi lạc của ủy bản không thể nhất trí với nhau về một biện pháp chung, bỏ mặc bà Roosevelt và Humphrey trong nỗi thất vọng.

Cuộc thương lượng bế tắc giữa Zhang và Malik có ảnh hưởng rất lớn cho việc định hình ra Tuyên ngôn thế giới. Biện pháp sử dụng ngôn từ triết lý, cao sang trong Tuyên ngôn bị gạt bỏ, nhường chỗ cho câu chữ dễ hiểu, thực tế, và nhiệm vụ chuẩn bị bản dự thảo được bàn giao cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc John Humphrey – một nhà học giả chuyên ngành luật có đầu óc rất thực tế – người chịu trách nhiệm chuẩn bị “đề cương” cho Tuyên ngôn. Đồng thời, nhóm dự thảo nội bộ của ủy ban cũng được mở rộng và bao gồm đại diện của 5 nước thành viên khác, khi nhận ra những thách thức trong việc thảo ra một văn bản được tất cả mọi người chấp nhận Humphrey chỉ mất một thời gian ngắn để soạn thảo ra văn bản này vì ông đã có trong tay một tập hợp rất ấn tượng các văn kiện. Trong đó bao gồm cả các dự thảo và đề cương của nhiều nước và các tổ chức phi chính phủ đệ trình, và hiến pháp của tất cả các nước thành viên của Liên Hợp Quốc. Dựa trên nội dung của các tài liệu này, Humphrey đã soạn ra bản dự thảo đầu tiên và cơ bản của Tuyên ngôn Nhân quyền. Sau hơn 15 tháng, bản dự thảo này được chỉnh sửa và bổ sung nhiều lần. Nhà học giả về luật người Pháp René Cassin chịu trách nhiệm sắp xếp lại các điều khoản và viết lời mở đầu để lên khuôn văn kiện, và sau đó ủy ban dự thảo tiếp tục thảo luận và sửa đổi từng dòng trong văn kiện.

Nếu nhiệm vụ chính trong năm 1947 là xây dựng và hoàn thiện câu từ, thì thách thức trong năm 1948 là đảm bảo đạt được sự đồng thuận chung về mặt chính trị của tất cả các nước thành viên của Liên Hợp Quốc. Khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhóm họp vào cuối tháng 9 năm 1948, các quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hy vọng rằng những tranh cãi về bản Tuyên ngôn sẽ chỉ diễn ra trong vài ngày. Nhưng hy vọng của họ nhanh chóng tiêu tan. Ủy ban thứ ba của Đại hội đồng (chuyên trách về văn hóa, nhân đạo và xã hội) chịu trách nhiệm rà soát lại nội dung văn kiện trước khi được đưa ra xem xét tại phiên trù bị, và ông Charles Malik được bầu là chủ tọa phiên họp này. Ông Malik nhận thấy rằng cần có sự tham gia rộng hơn để có sự đồng thuận và thúc đẩy các nước thành viên chia sẻ quan điểm về chủ quyền chính trị. Vì vậy, ông phản đối việc cố gắng đẩy nhanh tiến trình. Ông tư vấn rằng: “Những vấn đề cần phải có thời gian để chín muồi, và bộc lộ hết mọi khía cạnh sâu xa của nó”.

Sau những lời giới thiệu của hơn 40 nước thành viên, Malik bắt đầu chủ trì việc hoàn thiện câu từ của văn bản qua từng điều khoản một. Sau các phiên họp kéo dài cả ngày trong hơn hai tháng, các đại biểu cân nhắc về số điểm của các bản sửa đổi (phần lớn là do Cu-ba, Liên bang Xô-viết, Panama, Li-băng, Pháp và Ai-cập). Mỗi bản sửa đổi đều được đưa ra thảo luận, một số được thảo luận rất rộng, và từng điều khoản trong bản dự thảo Tuyên ngôn đều lần lượt được bỏ phiếu đồng thuận. Chỉ riêng Điều 1 đã cần tới sáu ngày để thảo luận, và mặc dù Malik cuối cùng phải mang tới một chiếc đồng hồ bấm giây để đảm bảo rằng các ý kiến đóng góp không vượt quá thời gian cho phép, và biên bản chính thức về các nội dung thảo luận chi tiết của Ủy ban thứ ba dài tới 900 trang đánh máy.

Cuối cùng khi Ủy ban thứ ba đã hoàn tất công việc vào đầu tháng 12 năm 1948, bản Tuyên ngôn được tham chiếu tại phiên họp trù bị của Đại hội đồng để rà soát lại từng điều khoản một lần nữa. Cuộc bỏ phiếu bầu lịch sử của Đại hội đồng đối với bản dự thảo cuối cùng kéo dài tới gần 12h đêm ngày 10 tháng 12, là ngày mà hiện đang được kỷ niệm là Ngày Nhân quyền. Hai mươi ba trong số 30 điều khoản được bỏ phiếu kín để đồng thuận, và 44 nước thành viên bỏ phiếu chấp thuận trong khi Nam Phi, Ả-rập Xê-út và khối Xô-viết bỏ phiếu trắng. Không có nước nào phiếu chống.


Thương thuyết về câu chữ

Trong nhiều năm, lịch sử chi tiết của tiến trình này dường như bị bỏ quên hoặc không được biết đến, và vì không hiểu hết mọi sắc thái chi tiết nên có rất nhiều giả định không chính xác được đưa ra. Với lợi ích của nghiên cứu gần đây, chúng ta hiện đã nhậnn thấy rằng các thế lực trên thế giới không phải là động lực thúc đẩy cho Tuyên ngôn Nhân quyền, văn kiện này không có tên của một tác giả chính, và các câu từ trong đó được hình thành bởi các nhà ngoại giao và các quan chức chính phủ chứ không phải là bởi các nhà triết học. Không chỉ từng yếu tố được xem xét rất chi tiết, mà từng điều khoản đều được chỉnh sửa trong suốt hai năm ấp ủ cho sự ra đời của Tuyên ngôn: văn bản cuối cùng phải mang dấu ấn của tất cả các đại diện của các nước thành viên.

Câu chuyện phía sau việc hình thành nên văn bản đó có thể khiến nhiều độc giả thời nay kinh ngạc. Các quán quân hoạt động tích cực nhất vì các quyền kinh tế xã hội lại đến từ các nước châu Mỹ La-tinh (chứ không phải là từ các nước thuộc khối Xô-viết cũ). Các đại biểu của khối Xô-viết cũ phản đối việc xâm phạm chủ quyền nhưng kiên quyết nhấn mạnh vào vấn đề chống phân biệt đối xử, và cũng nhờ vào sự kiên định của họ mà mọi điều khoản trong Tuyên ngôn đều được áp dụng cho tất cả mọi người. Ai-cập chịu trách nhiệm đưa ra lời tuyên bố mang tính toàn cầu để mở đầu cho bản Tuyên ngôn, các đại biểu được yêu cầu là phải làm sao cho các điều khoản trong Tuyên ngôn có thể áp dụng được trong thực tế “bởi mọi người dân của các nước thành viên và mọi người dân của các vùng lãnh thổ theo luật pháp của riêng từng nước”.

Dự đoán về những quan ngại trong thời kỳ hiện tại, các đại biểu đến từ Ấn Độ, Cộng hòa Đô-mi-níc và Đan Mạch đấu tranh về các quyền được thể hiện bằng ngôn ngữ chung giữa các giới và khẳng định các quyền của phụ nữ. Đại biểu đến từ Ba-lan thì lại tập trung vào nạn buôn người, và sửa đổi bản dự thảo với nội dung nghiêm cấm sử dụng nô lệ “dưới mọi hình thức”. Một đại biểu nữ trẻ tuổi đến từ Pa-kis-tan đã lên tiếng phản đối tục che mạng (phong tục bắt phụ nữ phải mặc quần áo kín đáo và tách biệt ra khỏi mọi hoạt động của xã hội), và phản đối việc kết hôn ở trẻ em. Và những vụ xâm phạm ngày càng gia tăng – và ngày càng nghiêm trọng hơn – do chế độ quốc xã ở Đức, đoàn đại biểu đến từ Philippine đã tranh luận mạnh mẽ về việc điều khoản nghiêm cấm tra tấn của Tuyên ngôn sẽ bị tác động bởi các tập tục văn hóa địa phương. Điều khoản nghiêm cấm này, ông thận trọng nêu ý kiến, có thể bị một số kẻ lợi dụng sự bào chữa về văn hóa để che dấu những hành vi đáng ghê tởm của chúng.

Biên bản chứng minh rằng các nhà ngoại giao chịu trách nhiệm chuẩn bị bản Tuyên ngôn rất chú tâm vào nhiệm vụ được giao và ý thức đầy đủ về ý nghĩa của việc này. Họ thường xuyên nhắc nhở nhau về sự cần thiết phải tìm ra được một ngôn ngữ chung dễ được chấp nhận bởi tất cả mọi người, để cho tính pháp lý của văn kiện không thể bị chất vấn nữa. Tuy nhiên, cam kết mạnh mẽ của họ chưa đủ để là cầu nối tất các phần lại với nhau và để khắc phục mọi sai sót.

Những quan điểm trái ngược về tầm quan trọng của chủ quyền, vị thế của các quyền kinh tế xã hội, và ưu tiên thực hiện tiềm ẩn ngay phía sau nội dung của các tranh luận đôi khi gây ra các nguy cơ đối với toàn bộ tiến trình. Chiến tranh bùng nổ ở Trung Đông, Nam Phi, Nam Á và một số khu vực khác, làm giảm bớt sự quan tâm về vấn đề nhân quyền – nhưng đồng thời cũng nhắc nhở các đại biểu rằng những cam kết hoa mỹ không đi đôi với hành động sẽ không có hiệu quả. Một số đại biểu đã liệt kê những điểm yếu trong Tuyên ngôn ở chỗ một mặt nó nhấn mạnh vào các quyền và thực hiện các nghĩa vụ có liên quan tới các quyền được nêu trong một trong những điều khoản tiếp theo thì mặt khác lại làm nảy sinh ra các nguy cơ ở những lời giải thích phía sau đó. Và chuyện gì sẽ xảy ra đó là một sự sửa đổi vào phút chót do đoàn đại biểu Trung Quốc đưa ra. John Humphrey nhận thấy đây là một sai sót vì không có ai khác ngoài Zhang Pengjun thực sự để ý tới việc phải cân bằng giữa các quyền và nghĩa vụ.

Áp lực về mặt thời gian cũng có thể là lý do dẫn đến những thất bại về ngoại giao thể hiện qua việc Ả-rập Xê-út bỏ phiếu trắng trong lần bỏ phiếu cuối cùng cho Tuyên ngôn Nhân quyền. Viện dẫn những cuộc viễn chinh trong lịch sử và phong trào từ bỏ tín ngưỡng gần đây của các nhà truyền giáo, đoàn đại biểu Xê-út không đồng tình với cụm từ “tự do thay đổi tín ngưỡng” và rút lại phiếu thuận cho Tuyên ngôn. Thực tế thì chỉ vài năm sau, trong bối cảnh đàm phán về một hiệp ước ràng buộc về pháp lý, cũng đại biểu này của Xê-út đã đồng ý với cụm từ thể hiện rõ hơn sắc thái này là “tự do tín ngưỡng” đã cho thấy rằng cần phải nỗ lực hơn nữa về mặt ngoại giao trong năm 1948 để đảm bảo rằng Xê-út sẽ tham gia bỏ phiếu và xóa bỏ những trích dẫn không rõ ràng về văn hóa trong Tuyên ngôn. Cuối cùng là, những sai sót trong Tuyên ngôn đề cập một cách chính xác hơn về các quyền thiểu số do những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Liên bang Xô-viết và Nam Tư. Các đại biểu Xô-viết không bỏ qua một cơ hội nào nhằm vạch trần những hành động phân biệt chủng tộc cực kỳ tàn ác ở Hoa Kỳ, nhưng họ cũng chưa sẵn sàng để thúc đẩy việc thực hiện nguyên tắc chống phân biệt đối xử khi nguyên tắc này được áp dụng ở quốc gia láng giềng. Điều đáng chú ý và cũng đáng tiếc là, nhiều đại biểu chỉ chú trọng vào những thất bại về chính trị của đối phương hơn là vào thực tiễn của chính nước mình, xu thế này thể hiện rất rõ giữa các nước nhỏ và các nước đối phương hùng mạnh hơn.

Nhiệm vụ trước mắt

Những quan ngại về chính trị nêu trên chắc chắn sẽ làm chậm lại công việc của Ủy ban Nhân quyền, được thành lập năm 1946 để xây dựng một văn kiện mang tính ràng buộc về pháp lý và cơ cấu thực thi song hành với Tuyên ngôn. Đề hoàn tất các nhiệm vụ này phải mất tới 18 năm. Trong phiên họp sơ bộ, các nước thành viên Liên Hợp Quốc chưa hoàn toàn nhất trí với việc thiết lập ra hai công ước thay vì một, nhằm tách riêng các quyền về chính trị và dân sự ra khỏi các quyền về kinh tế, văn hóa và xã hội, và mỗi công ước đều có bộ máy triển khai riêng rẽ. Tới thời điểm cả hai công ước (hiệp ước) đã sẵn sàng để được thông qua, số thành viên của Liên Hợp Quốc đã tăng lên thành hơn 100 nước và xu thế chính trị cũng đã thay đổi. Trong những năm đầu đàm phán hai công ước này, hơn một nửa các nước thành viên đã ủng hộ cho các cơ chế thi hành theo biện pháp mạnh, nhưng đến giữa thập kỉ 1960, những quan ngại ngày càng gia tăng về vấn đề can thiệp và chủ quyền thay vì nhượng bộ. Những đề nghị về quyền khiếu nại cá nhân và của các tổ chức phi chính phủ, quyền hạn tiến hành điều tra của Liên Hợp Quốc, hoặc những vấn đề có liên quan tới Tòa án Công lý Quốc tế đều bị bỏ qua. Thay vào đó, hai ủy ban thường trực, hay là “hai tổ chức hiệp ước” được thành lập để theo dõi việc thực thi vấn đề nhân quyền qua các báo cáo định kỳ do các nước tham gia công ước đệ trình.

Đối với bất kỳ ai đã từng theo dõi sát sao tiến trình đàm phán trong suốt 20 năm, sự khác biệt giữa những khát vọng ban đầu và những kết quả cuối cùng là rất hiển nhiên. Các nghị định thư kèm theo công ước về các quyền chính trị và dân sự đã tạo cơ hội cho các nước tạo ra một cơ cấu khiếu nại cho các công dân của nước họ, nhưng đây chỉ là một cơ chế thi hành rất thiết thực cần được hình dung ra trong quá trình triển khai ở từng nước. Công trình Tuyên ngôn Nhân quyền chưa hoàn tất được giấc mơ của những người lạc quan, nhưng nó vượt xa sự mong đợi của những người bi quan. Khi văn bản của hai công ước được đệ trình lên Đại hội đồng năm 1966, quá trình bỏ phiếu kín được áp dụng để thông qua. Lần này không có nước thành viên nào bỏ phiếu trắng hoặc phiếu chống.

Các nước thành viên Liên Hợp Quốc đã khẳng định lại cam kết của họ đối với Tuyên ngôn thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về Nhân quyền năm 1993 và hơn 150 nước thành viên đã tham gia vào hai công ước này. Tóm lại, ba văn kiện Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, Công ước quốc tế về Quyền chính trị và dân sự, và Công ước về Quyền văn hóa, kinh tế và xã hội có thể được gọi một cách không chính thức là Luật quốc tế về các quyền. Đồng thời các văn kiện này là một nền tảng vững chắc cho việc ra đời của luật quốc tế về nhân quyền.

*)Susan Waltz, một chuyên gia trong lĩnh vực nhân quyền và ngoại giao, là giáo sư ngành chính sách công tại Trường Chính sách công Gerald R. Ford, Đại học Michigan. Bà là tác giả cuốn Nhân quyền và cải tổ: Thay đổi bộ mặt của các nền chính trị tại Bắc Phi (1995), và gần đây bà đã xuất bản một loạt các bài báo về bối cảnh ra đời của các văn kiện quốc tế về nhân quyền và các tiến trình chính trị cho sự ra đời của các văn kiện này. Từ năm 1993 đến 1999, Waltz là thành viên của Ủy ban điều hành quốc tế của Tổ chức Ân xá Quốc tế, và từ năm 2000 đến 2008, bà là thành viên Ủy ban quốc gia của Ủy ban Hỗ trợ Bạn bè Hoa Kỳ.
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Văn hóa truyền thống Đông Á: có hay không các giá trị nhân quyền?

    18/08/2018Vũ Công GiaoBực tức trước việc các quốc gia Châu Á đề cao và khẳng định các giá trị nhân quyền trong truyền thống văn hoá của châu lục, gần đây, một số người phương Tây đã chỉ trích rằng, văn hoá truyền thống ở phương Đông nói chung, ở Đông Á nói riêng chủ yếu bao hàm những tư tưởng độc tài, phi dân chủ, tàn bạo mà không hoặc chứa đựng rất ít những giá trị nhân quyền...
  • Nhân quyền và thời đại

    10/12/2018Hà Văn ThịnhTrong các vấn đề “xung đột giữa những nền văn minh”, vấn đề nhân quyền luôn tạo nên sự bất đồng và khác biệt sâu sắc. Nguyên nhân chỉ có một: Cách hiểu và cách giải thích của mỗi cá nhân, mỗi nền văn hóa, mỗi chế độ Nhà nước hoàn toàn không giống nhau. Để hướng đến sự đồng nhất về Nhân quyền, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 10-12 hằng năm để tôn vinh và nhắc nhở các giá trị của Nhân quyền.
  • Tuyên ngôn Nhân quyền Liên hợp quốc (10-12-1948)

    10/12/2010Công bố bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền này như một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia, sao cho mỗi cá nhân và đoàn thể xã hội luôn nhớ tới bản tuyên ngôn này, nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này bằng học vấn và giáo dục, và bằng những biện pháp lũy tiến trên bình diện quốc gia và quốc tế, bảo đảm sự thừa nhận và thực thi trên toàn cầu các quyền tự do này cho các dân tộc thuộc các quốc gia hội viên hay thuộc các lãnh thỗ bị giám hộ.
  • Dân chủ và Nhân quyền và sự mở rộng khái niệm Dân chủ

    03/11/2010Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupDân chủ là một phương thức quan hệ, phương thức sử dụng quyền lực trong nội bộ các quốc gia. Về bản chất, dân chủ là sự xác lập những quyền cơ bản của công dân. Đó là phương thức để các công dân có những quyền cấu trúc nên đời sống cá nhân và đời sống chính trị của mình. Từ đó cộng đồng các cá nhân cấu tạo nên quyền lực chính trị của mình...
  • Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên Hợp Quốc (*)

    08/12/2008Ngày 10 – 12 – 1948, Liên Hợp quốc công bố bản Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền. Bản Tuyên Ngôn thể hiện các khát vọng và mục tiêu hướng tới của toàn nhân loại đã được nhà nước Việt Nam long trọng cam kết thực hiện.
  • Ngẫm nhân ngày nhân quyền thế giới

    14/04/2008Nguyễn Tất ThịnhĐời sống và Dân trí ngày càng cao hơn nhưng Tam Dân (Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc) luôn là thách đố, là mục tiêu, là thước đo về trình độ phát triển xã hội...
  • xem toàn bộ