An cư lạc nghiệp

07:59 SA @ Thứ Năm - 11 Tháng Hai, 2010

Đầu xuân mà kể chuyện dọn nhà với cháy nhà? Thoạt nghe cũng... ngại. Nhưng lòng chợt ấm áp cảm thông với một nhân vật trong bài viết: Bỏ cái nhà này, dọn đồ đạc qua nhà khác, chỉ là thay đổi cái vỏ. Ở trong ngôi nhà này bày biện những đồ vật thân thiết đầy kỉ niệm, anh mới thoải mái là mình. Từ đó, để thấm thía hơn với niềm mong ước an cư lạc nghiệp của mỗi người.

Trong vòng một năm qua, tôi dọn nhà ba lần. Bữa nay năm cùng tháng tận rồi, tôi vẫn còn loay hoay với mấy thùng đồ đạcn đã xé băng dán nằm lủ khủ dọc chân tường. Nhà có ba phòng, hai người, mà có tới một trăm ý kiến.

Dù sao thì anh và tôi cũng thống nhất được ý kiến cơ bản là dọn căn phòng trong cùng, góc tây nam, làm phòng ngủ. Mặt trời đi vòng qua góc đó mỗi buổi chiều, nắng rọi vào khiến nó ấm hơn hai căn phòng ở góc đông bắc và góc tây bắc. Đó là lập luận của anh. Tôi hồ nghi mọi căn phòng trong nhà đều ấm lạnh như nhau, vì có cùng một hệ thống lò sưởi. Nhưng căn phòng góc tây nam có cửa sổ mở ra vườn đỗ quyên, tôi tưởng tượng xuân sang hoa nở, và tôi thức giấc, chỉ cần xoay người nằm nghiêng trên giường nhìn ra cửa sổ ngắm hoa.

Bây giờ đang giữa mùa đông, ngủ một đêm dậy thấy tuyết phủ trắng xóa chung quanh. Anh nói điều quan trọng nhất là pải ổn định chỗ làm việc, các sách anh cần tham khảo phải được xếp đúng vị trí trên kệ. Cái kệ sách bằng gỗ quý mà anh cưng hơn mọi đồ đạc khá, mỗi lần di chuyển phải tháo ra lắp lại như một lao động khổ sai, hóa ra không khớp với khoảng tường của căn phòng anh chọn làm thư viện. Chỉ nhỉnh một chút thôi. Nhưng xoay xở thế nào cũng không thể khớp. Anh lẩm bẩm: “Làm cách nào? Làm cách nào?”. Không thể nới bức tường cho rộng thêm hai phân, và vô phương khiến cái kệ sách co lại hai phân. Anh bắc cái ghế ngồi trước bức tường suy nghĩ, rồi chống nạnh cúi đầu đi quanh cái kệ tính toán.

Tôi biết chắc không có cách gì cả, kể cả cách gợi ý anh đưa cái kệ kềnh càng đó qua phòng khách. Với lại, việc khẩn cấp của tôi là tìm cho ra cái lập là; không có nó thì tôi không biết làm sao chiên trứng, xào rau hay lật con cá trong chảo Tôi đã lục tung bốn cái thùng cạc tông có chữ do chính tay tôi ghi trên nhãn là “dụng cụ nhà bếp” mà không moi ra được cái “xẻng” ưng ý quen dùng. Thật là vô lý. Tôi nhớ rõ chính tay mình đã dùng khăn giấy bọc nó lại và đặt vào đáy thùng... Thùng nào? Còn cả chục thùng chưa mở, nhãn ghi “quần áo”, “sách”, “đồ linh tinh”. Cái lập là không phải đồ linh tinh, tôi khẳng định. Chẳng nhẽ tôi đã bỏ quên nó ở nhà cũ? Mà nhà cũ cách đay hai ngàn dặm chứ có phải hai cây số đâu mà tính chuyện chạy về lục lại!

Nhưng phải có cái lập là tôi mới chiên trứng được. Anh bảo trước tiên phải hốt dọn tuyết trên lối đi rồi mới lái được xe ra siêu thị cho tôi tìm cái gì đó mà tôi cần. Đang hì hụi người cào người xúc, tôi bỗng có cảm giác kỳ kỳ khi nhìn sang ngôi nhà đối diện bên kia đường. Ôi, cửa sổ trên lầu bể tanh bành, khung cửa đen ngòm như bị trét bồ hóng. Cửa cái cũng xộc xệch đen đúa lem nhem. Nhưng toàn bộ ngôi nhà vẫn được bọc trong lớp tuyết dày, trông như cái nhà đồ chơi gói trong lớp bông gòn trắng. Tôi nói: “Sao hồi mua nhà mình không để ý cái nhà đối diện bị hoang phế?”. Anh dừng tay đứng thẳng người nhìn sững ngôi nhà trước mặt, hai mắt trố ra như thấy ác mộng. “Không, cái nhà đó không hề hoang phế. Mới hồi chiều qua anh nói chuyện với ông Jim chủ nhà mà”. Không thể tin nổi con mắt mình, anh băng qua đường đứng sát cổng nhà đó, nhong nhóng nhìn vào trong, gọi, “Jim?”.

Một bà cụ lụm cụm từ căn nhà bên cạnh đi ra nói: “Có lẽ Jim đang ở khách sạn, hay bệnh viện, hay sở cảnh sát. Tôi không biết. Nhưng anh ta đã được chở đi lúc nhà cháy hồi khuya”. Cháy? Hồi khuya? Sao tôi không nghe gì cả. Bà cụ gật đầu: “Tôi cũng không nghe. Bốn chiếc xe cứu hỏa và cứu thương đậu dài dài con đường này. Lính cứu hỏa gọi cửa đánh thức tôi dậy, bảo là nhà bên cạnh cháy, bảo tôi phải đi ra. Tôi không muốn đến khách sạn. Họ cho tôi ngồi trong xe cứu thương đậu chỗ này. Tôi thấy họ vô trong kiểm tra khá lâu, rồi bảo là an toàn, tôi có thể vô nhà mình”. Thực lạ lùng, tuyết vẫn phủ dày trên nóc ngôi nhà cháy. Bà cụ nói: “Nhà cháy khoảng nửa đêm, gần năm giờ tuyết mới rơi, rơi suốt đến hơn bảy giờ”.

Anh lẩm bẩm: “Không thể tin được! Cháy cái nhà ngay trước nhà mình mà mình không nghe thấy gì cả!”.Tôi cũng ngượng vì mình đã ngủ say như vậy, tự chống chế: “Mấy ngày nay dọn nhà mệt quá”. Anh vẫn không tin được. Mà cũng khó tin thật. Màu tuyết trắng khiến cho vạn vật chung quanh sáng sủa, những ngôi nhà trong tuyết thật yên lành, cả xóm im vắng. Bà cụ chậm rãi đi vào nhà mình. Phòng ăn của bà có cửa sổ nhìn ra mảnh vườn nhỏ tiếp giáp với nhà Jim. Tôi tưởng tượng hồi khuya, sau khi xe cứu hỏa đi hết, tuyết bắt đầu rơi, bà cụ không thể ngủ nữa, pha một tách trà, một mình ngồi bên cửa sổ ngắm tuyết rơi xuống ngôi nhà đã cháy, suốt hai giờ...

Bây giờ tuyết lại tiếp tục rơi. Lối đi vừa mới cào lộ ra mặt đá xám đã lại lấm tấm những bông tuyết mong manh. Chúng lơ lửng đầy không gian trắng xóa rồi nhẹ nhàng đáp xuống, rất mong manh, rất êm ái, dần dần phủ trắng lối đi, rồi dày lên. Tôi nói không cần phải mạo hiểm lái xe trong tuyết như vầy để đi sắm một cái lập là. Anh hỏi thiếu cái đó liệu tôi có thể xoay xở được không? Phải được thôi. Tôi loay hoay một hồi cũng dọn được bữa ăn. Anh vẫn lẩm bẩm: “Sao lại có thể?”. Không ngờ, quả thật tôi không ngờ, vụ cháy nhà hàng xóm khiến anh bị sốc như vậy.

Tôi từng thấy những vụ cháy nhà kinh hoàng hơn nhiều, kể cả do bom pháo gây ra. Vụ này tuy ngay trước nhà mình, nhưng tôi không chứng kiến, mà xem ra hậu quả cũng không ghê gớm lắm. Tôi chỉ thắc mắc: “Không biết bây giờ ông Jim ở đâu?”. Anh nói: “Dù ở đâu, ông ta chắc cũng còn bàng hoàng. Bỗng nhiên mất hết”. Tôi thắc mắc thêm: “Không biết nhà ổng có bảo hiểm không?”. Anh nói: “Hy vọng là có”. Đột ngột anh bỏ nĩa xuống, đứng bật dậy, lục tung các thùng đồ, lấy ra cái máy chụp hình, rồi đi vòng vòng khắp nhà, chụp cái tủ của ông ngoại anh để lại, cái bàn viết vốn của cha anh, cái giường anh mới mua, cả cái tivi, dàn loa đặc biệt để anh thưởng thức nhạc jazz, bộ ghế bành, bộ ghế bàn ăn, đương nhiên cả cái kệ sách chưa yên chỗ. Anh bảo tôi đem hết những chén dĩa kiểu và những thứ có giá trị khác bày ra để anh chụp hình. Rủi có chuyện gì, thì sẽ còn những tấm hình đẻ làm bằng chứng đưa cho hãng bảo hiểm.

Nghe vậy tôi lật đật mở va li lấy ra những thứ mà khi di chuyển tôi xách theo bên mình chứ không đóng thùng gởi. Trong đó có tấm ảnh thờ của má tôi. Mấy tấm ảnh giá đình, thân nhân tôi. Một số vật kỉ niệm có ý nghĩa đặc biệt. Bức tranh người bạn vẽ tặng mừng đám cưới tôi, lúc đó mắt anh đã mờ vì bệnh tiểu đường, và ít lâu sau anh qua đời. Những bài thơ, bức thư bạn bè viết cho tôi để chia sẻ ở những chặng đường đời thăng trầm từng trải với nhau. Chữ nghĩa có thể còn đâu đó, trong sách in hay trên mạng, nhưng những tờ giấy viết tay khi cảm xúc trào dâng này rất dễ cháy, và nhoáng một cái là thành tro, là vĩnh viễn mất. Tôi bày những thứ quý giá ấy ra bàn. Anh cầm cái máy ảnh tần ngần.

Những thứ có thể dễ dàng thay thế được bằng sản phẩm ở cửa hàng, hãng bảo hiểm sẽ căn cứ biểu giá thị trường mà bồi thường; chẳng hạn một ngàn đô bộ ghế bành, năm trăm đô dàn loa. Cái tủ cũ kĩ chính tay ong ngoại anh đóng có thể chỉ dược định giá ba chục đô, còn bàn viết của ba anh không chắc tới mười lăm đô, trông nó như một thứ đồ cũ bỏ trong ga ra dán chữ “free” mà không ai thèm lấy. Còn ảnh thờ, bài thờ, bức tranh... làm gì có giá?

Tôi đành bảo anh: “Khỏi. Những thứ tiền không mua được thì cũng không thể bồi thường được bằng cái gì cả. Lỡ mất là mất”. Anh cất máy đi, hai vợ chồng lại hì hụi kê dọn. Cái rương này bằng gỗ hương, không bao giờ bị mối mọt, nên anh dùng để cất những món “gia bảo”, như cái chăn bông bà ngoại anh ghép hàng trăm mẩu vải nhỏ bằng kim may tay, bộ khăn thêu vốn là của hồi môn thuở mẹ anh lấy chồng, cái áo khoác cha anh mặc hồi anh đi lính qua châu Âu thời đệ nhị thế chiến. Những thứ như tivi, nồi niêu, bàn ghế thực dụng, mỗi lần phải dọn nhà đi xa, anh thường đem cho mấy cơ sở từ thiện hoặc bỏ đi. Những thứ được giữ lại mang theo không phải vì chung đắt tiền, mà vì mỗi món đồ ấy đều có thể kể một câu chuyện về cuộc đời anh và những người anh yêu quý. Cho nên bản thân cái nhà đối với anh không quan trọng. Khi thay đổi công việc, phải đi xa, anh không ngại ngần gì thay đổi chỗ ở. Bỏ cái nhà này, dọn đồ đạc qua nhà khác, chỉ là thay đổi cái vỏ. Ở trong ngôi nhà này bày biện những đồ vật thân thiết đầy kỉ niệm, anh mới thoải mái là mình.

Mãi đến tối tuyết mới ngừng rơi. Tôi đi nằm, lưng vai nhức mỏi, tay chân rã rời, sau một ngày (nữa) kê dọn đồ đạc trong nhà (vẫn chưa xong). Bên ngoài cửa sổ bàng bạc ánh sáng hư ảo của tuyết trắng phản chiếu ánh trăng non. Chợt có tiếng rào rào như thác đổ. Thì ra anh vẫn còn ngoài vườn, rung cây đỗ quyên cho rơi bớt tuyết, kẻo tuyết dày nặng đè gãy cành. Khi nằm lên giường, anh nói: “Xuân sang em tha hồ ngắm hoa nở”. Tôi thở dài: “Tục ngữ đúc kết rằng ba lần dọn nhà bằng một lần cháy nhà, anh có biết không?”. Anh ghì đầu tôi vào ngực anh, nói: “Anh biết em vất vả. Hy vọng đây là lần dọn nhà cuối cùng”. Tôi tin anh. Cầu cho năm mới được an cư lạc nghiệp.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhà học giả phải có một cái quê hương

    10/09/2009Huỳnh Thúc Kháng, Tiếng Dân 17.4.1929"Đạo lý vẫn không có quê hương, mà nhà học giả phải có một cái quê hương” (La science n’a pas de patrie, l’homme de science doit en avoir une); đó là câu của ông Pasteur. Thật là một câu nói, không những có ý nghĩa sâu xa mà gồm cả lịch duyệt kinh nghiệm. Phàm chân lí ở trong vũ trụ là của chung cả loài người không riêng gì cho ai. Chân lí mà đã phát minh ra, thì không kỳ xưa nay không hạn đông tây, ai mà chuyên học đạo lí, có lòng yêu trọng chân lí, phục tùng chân lí, thì cái chân lí đó, mình có thể nhận làm của mình, mà không có ai giành xé ngăn trở được.
  • "Tự đóng cửa là tự hại mình"

    23/09/2007Nhật Lệ thực hiệnNhiều năm qua, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn dày công dịch và chú giải ba quyển Phê phán nổi tiếng của nhà triết học Đức I. Kant: "Phê phán lý tính thuần túy" (2004, tái bản 2007), "Phê phán năng lực phán đoán", "Phê phán lý tính thực hành" (2007) và "Hiện tượng học Tinh thần" của G.W.F. Hegel (2006)...