Arthur Benjamin biểu diễn “ảo thuật toán học”

11:43 SA @ Thứ Ba - 20 Tháng Năm, 2014

Có rất nhiều người nghiện Toán học, hoặc ít nhất là cũng có rất nhiều bạn trẻ yêu môn Toán hồi còn đi học. Nhưng ít người nghĩ đến chuyện kiếm tiền hay là đi khắp nơi "biểu diễn" Toán học. Và Arthur Benjamin là một người trong số rất hiếm hoi những "nghệ sỹ ảo thuật toán học" trên thế giới...

Có lẽ bạn từng ngạc nhiên rất nhiều lần khi đi mua hàng ở chợ và thấy người bán tính tiền "nhanh như điện" khiến bạn bối rối?

Và chắc hẳn chẳng bao giờ bạn nghĩ đến việc tính nhẩm bình phương một con số 2 chữ số nào, nếu không muốn nói là nếu có máy tính thì cả những phép cộng đơn giản 2,3 chữ số bạn cũng bấm máy tính. Điều đó khiến những người đặc biệt như Athur trở thành vô cùng phi thường.

Trong một bài đăng trước đây trên TEDvn tựa đề Macro Tempest: Ảo thuật, sự thật và dối lừa, Macro đã gợi rằng cuộc sống đầy dối lừa, ảo thuật mới là sự thật. Có lẽ Arthur Benjamin là nhà ảo thuật chân thật nhất, vì ông là nhà "ảo thuật toán học", và toán học vốn chân thật.

Arthur Benjamin cũng là đồng tác giả của cuốn sách Secret of Mental Math, một cuốn sách không chỉ cuốn hút những người đam mê toán học.

Tiến sĩ nổi tiếng về não bộ Ryuta Kawashima tuy không khuyên chúng ta luyện những kỹ năng tính nhẩm kinh khủng như Athur Benjamin, nhưng ông bảo rằng, khi chúng ta thực hiện một loạt những phép toán cộng trừ nhân chia đơn giản (khoảng 20 – 100 phép toán liên tục), thì đó là một trong những cách luyện tập não bộ tốt nhất.

Tại sao chúng ta không thử nhỉ? Biết đâu niềm đam mê đó sẽ giúp bạn đạt giải thưởng Field?

Xem nhà ảo thuật tài ba Athur Benjamin biểu diễn


Thử lật tẩy chiêu trò của nhà ảo thuật toán học:Xem tiếp...

Trong clip video cư dân mạng “phát cuồng” với nhà ảo thuật toán học mà BBT đã chia sẻ, tôi thấy nhà ảo thuật làm toán rất nhanh. Với nhiều câu hỏi thú vị, trong đó có câu hỏi của 1 số bạn đọc trên facebook: tại sao anh ta có thể làm được như vậy? liệu có phải là một kịch bản với đội ngũ con người đã được dàn dựng trước? Câu trả lời là “hoàn toàn không có kịch bản dựng sẵn” ở đây.

Làm cách nào mà tôi có thể khẳng định một cách “hùng hồn” như vậy? Nếu các bạn tinh mắt để ý đến những lúc ảo thuật gia “toán học” nhắm mắt lại đưa bàn tay ra đếm, đó chính là một mẹo nhỏ để tính toán.

Vậy dùng phương pháp nào mà nhà ảo thuật toán học có thể làm được như vậy? tôi xin gửi đến bạn đọc những “chiêu” mà nhà ảo thuật toán học dùng đến:

Đầu tiên tôi xin đưa ra mẹo nhỏ giúp các bạn tính nhẩm bình phương một cách nhanh nhất.

Mẹo bình phương nhanh 1 số tận cùng bằng 5:

Lưu ý là với những số tận cùng bằng 5 thì sau khi bình phương thì 2 số cuối trong kết quả của nó luôn là 25.

VD : 85²

Với lưu ý trên tôi viết sẵn con số 25. Sau đó lấy số kế tiếp là 8 nhân với số kế tiếp nó (là số 9): 8 x 9 = 72.

Lấy 72 ghép với 25 lúc đầu kết quả sẽ là 7225.

Tương tự các số khác 95²

Ta lấy 9 nhân với số kế tiếp nó là 10: 9 x 10 = 90, sau đó viết 25 vào cuối nữa là 9025

Mẹo bình phương nhanh 1 số tận cùng bằng 1:

VD : 51²

Viết lại số hàng đơn vị là 1, như sau: 51² = ?1
Kế tiếp lấy số hàng chục nhân với 2 ta có: 5 x 2 = 10 viết 0 nhớ 1 sẽ được: 51² = ?01
Lấy số hàng chục nhân với chính nó rồi cộng số nhớ ở trên (trên kia ta nhớ 1) ta có: 5 x 5 + 1 = 26
51² = 2601 tương tự 71² = 5041

Mẹo bình phương 1 số bất kì

VD : 64²

Bình phương số hàng đơn vị : 4²=16. Viết 6 nhớ 1 : ?6

Lấy số hàng đơn vị nhân với số hàng chục nhân tiếp với 2, sau đó cộng với số đã nhớ: (4x6x2)+1=49 Viết 9 nhớ 4 : ?96

Bình phương số hàng chục cộng với số nhớ: 6^2+4=40
64^2= 4006 tương tự 47^2= 2209

Mẹo bình phương 1 số với 3 chữ số (có thể áp dụng cho 2 chữ số):

VD: 609²

Ta có công thức tính nhanh như sau:

A² = (A – Z)(A + Z) + Z²

Trong đó Z là một con số do ta đặt ra làm sao để khi A – Z hoặc A + Z sẽ tròn số (để dễ nhân). Ở đây tôi sẽ lấy Z là số 9 để khi 609 – 9 = 600

609 – 9 = 600

609 + 9 = 618

Sau đó bạn lấy 600 x 618. Với phép nhân có số 0 đằng sau chắc bạn đã có cách nhân nhanh rồi phải không? Ở đây tôi lấy 618 x 6 = 3708 sau đó thêm 2 số 0 vào đằng sau sẽ là 370800 (điều này có nghĩa là mình đã nhân với 600 chứ không phải nhân 6).

Tiếp tục lấy kết quả này + Z²:

370800 + 9² = 370881(ở đây nếu bạn tinh ý có thể làm nhanh bằng cách đổi 2 số 0 đằng sau bằng con số Z² là sẽ ra ngày kết quả)

Vậy 609² = 370881

Quá đơn giản phải không các bạn, với phép tính như vậy chỉ cần bạn nhuần nhuyễn là có thể tính ra trong vòng 6 giây thôi. Với cách này bạn có thể làm với bình phương nhiều số hơn.

Nhà ảo thuật toán học. Các bạn cũng có thể luyện tập để trở thành như anh ấy.

Tiếp theo tôi xin đưa ra 2 cách tính giúp các bạn tìm được thứ của bất kỳ các ngày trong năm. Với cách 1 thì chắc hẳn ta sẽ ít sử dụng: Tìm thứ của các ngày trong năm khi biết thứ ngày đầu năm (ngày 1/1). Cách 2: tìm thứ của các ngày trong năm khi biết thứ của bất kỳ 1 ngày trong năm. Sau đây là phần hướng dẫn chi tiết:

Cách thứ 1: Tìm thứ của các ngày trong năm khi biết thứ ngày đầu năm (ngày 1/1)

- Trước hết, ta gán cho mỗi tháng một trong các chữ cái A, B, C, D, E, G, H. Các chữ cái này được xếp thứ tự trên các đốt và đỉnh của ngón tay trỏ (xem hình minh họa)

Tháng 1: H
Tháng 2: C
Tháng 3: C
Tháng 4: G
Tháng 5: A
Tháng 6: D
Tháng 7: G
Tháng 8: B
Tháng 9: E
Tháng 10: H
Tháng 11: C
Tháng 12: E

Để dễ ghi nhớ các chữ cái của mỗi tháng, ta có thể sử dụng câu nhớ. Ở đây tôi sử dụng câu nhớ sau: Hươu Con Cần Giúp Anh Dê, Giúp Bạn Én Học Chữ E (Có thể vừa đọc, vừa đếm trên các đầu ngón tay để dễ xác định).

Trước hết, ta gán cho mỗi tháng một trong các chữ cái A, B, C, D, E, G, H. Để dễ ghi nhớ các chữ cái của mỗi tháng, ta có thể sử dụng câu nhớ. Ở đây tôi sử dụng câu nhớ sau: Hươu Con Cần Giúp Anh Dê, Giúp Bạn Én Học Chữ E (Có thể vừa đọc, vừa đếm trên các đầu ngón tay để dễ xác định).

- Ngày đầu tiên của năm (1/1) luôn ở vị trí A (H.1)
- Để tìm thứ của một ngày trong năm ta lần lượt làm các bước sau:
• Bước 1: Xác định vị trí của tháng trên ngón tay trỏ (H.1)
• Bước 2: Lấy ngày chia cho 7, tìm số dư; từ vị trí ở bước 1 tiến theo chiều kim đồng hồ một số bước đúng bằng số dư (nếu là chia hết thì ta không tiến). Sau đó ta tính thứ theo thứ của ngày 1/1 (vị trí A) theo chiều kim đồng hồ.

Lưu ý: Nếu là năm nhuận, thì với những ngày của các tháng sau tháng 2, sau khi tiến như ở bước 2 ta tiến thêm 1 bước nữa.
Ví dụ 1: Ngày 1/1/2008 là ngày thứ ba. Ta sẽ tìm thứ của ngày 16/2/2008
- Tháng 2 được gán bởi chữ cái C, dùng ngón cái chỉ đúng vào vị trí C trên ngón trỏ.
- 16 : 7 = 2 (dư 2). Từ vị trí C ta tiến theo chiều kim đồng hồ 2 bước sẽ đến vị trí E.
- Vị trí A là thứ ba (do ngày 1/1/2008 là thứ ba) thì vị trí E là thứ bảy (A: thứ ba, B: thứ tư, C: thứ năm, D: thứ sáu, E: thứ bảy). Như vậy, ngày 16/2/2008 là ngày thứ bảy
Ví dụ 2: Ngày 25/12/2008 là ngày thứ mấy?
- Tháng 12 ở vị trí E
- 25 : 7 = 3 (dư 4). Từ vị trí E ta tiến 4 bước (theo chiều kim đồng hồ) đến vị trí B; do năm 2008 là năm nhuận (2008 chia hết cho 4) ta tiến thêm 1 bước nữa và đến vị trí C. Vị trí C là thứ năm nên ngày 25/12/2008 là ngày thứ năm
Ví dụ 3: Ngày 14/4/2009 là ngày thứ mấy?
- Tháng 4 ở vị trí G.
- 14 chia hết cho 7 nên ta không tiến. Và ngày 14/4/2009 sẽ là ngày thứ ba (do ngày 1/1/2009 là thứ năm)

2. Tìm thứ của các ngày trong năm khi biết thứ của 1 ngày bất kỳ trong năm.

Ví dụ: Ngày 1/6/1975 là ngày Chủ nhật. Ngày 30/4/1975 là ngày thứ mấy?
- Ta xuất phát từ ngày 1/6/1975:
+ Tháng 6 ở vị trí D
+ 1: 7 = 0 (dư 1). Từ vị trí D tiến 1 bước (theo chiều kim đồng hồ) đến vị trí E.
+ Do 1/6/1975 là ngày Chủ nhật nên vị trí E là vị trí của ngày Chủ nhật.
- Tiếp tục ta tính cho ngày 30/4/1975 theo các bước đã nêu ở trên; chỉ khác là khi tính ta sẽ tính theo vị trí E thay vì theo vị trí A như ở phần 1. Từ đó đi đến kết luận ngày 30/4/1975 là ngày thứ tư.

Có lẽ không quá khó phải không các bạn? và một điều cuối cùng thắc mắc là tại sao nhà ảo thuật gia lại trả lời nhanh đến vậy? câu trả lời thật đơn giản: bởi vì anh ấy luyện tập thường xuyên. Thật vậy, nếu các bạn chịu khó luyện tập chắc chắn các bạn sẽ thành thạo như vậy.

Chúc các bạn thành công!

(Bình Minh)

Nguồn:TED vn
LinkedInPinterestCập nhật lúc: