Không khách quan, không khoa học, không có giá trị pháp lý

10:14 SA @ Thứ Hai - 15 Tháng Ba, 2010

Sự kiện tổ chức National Geographic Maps thuộc Hội địa lý Quốc gia Mỹ (National Geographic Society – NGS) thể hiện quần đảo Hoàng Sa (có tên quốc tế là Paracel) là Tây Sa thuộc Trung Quốc trên dịch vụ bản đồ trực tuyến của tổ chức này tiếp tục gây nhiều phản ứng trong giới học giả Việt Nam. Vấn đề đặt ra là trước sự kiện xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam, chúng ta phải đối phó ra sao?

Tính pháp lý của bản đồ

Hội Địa lý Quốc gia Mỹ (NGS), như Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết “là một công ty tư nhân và không liên kết gì với Chính phủ Mỹ, do đó các tài liệu do công ty đưa ra không phản ánh chính sách của chính phủ Mỹ”. Còn National Geographic Maps, cơ quan trực thuộc hội, thì tự giới thiệu về họ trên website riêng như một đơn vị tư nhân chuyên kinh doanh bản đồ, số tiền thu được nhằm mục đích phi lợi nhuận. Những bản đồ mà National Geographic Maps đăng tải trên mạng đều không ghi chú nguồn hay cơ quan chịu trách nhiệm lập.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Trường Giang (Ban Biên giới Chính phủ) cho rằng bản đồ mà NGS phát hành trên mạng này “không có một chút giá trị pháp lý nào” và sẽ không bao giờ là bằng chứng chống lại Việt Nam nếu như tranh chấp về chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa được đưa ra Tòa án Quốc tế. Ông giải thích, về nguyên tắc, việc sản xuất bản đồ phải do cơ quan có thẩm quyền, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật thì mới được coi là chính thức. Ở Việt Nam, cơ quan đó là Cục Bản đồ. Mọi bản đồ xuất bản trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải được cấp phép từ cục này, ghi chú rõ “ai in, ngày tháng, số giấy phép”, như thế mới là “chính thống”.

“Đây thuần túy là việc một trang web đưa tin sai, mà sai thì ta yêu cầu họ chỉnh sửa. Sẽ chỉ là vấn đề nghiêm trọng nếu phát biểu “Tây Sa thuộc Trung Quốc” là một phát ngôn của Bộ Ngoại giao một quốc gia nào đó, hay một thông báo phản ánh quan điểm chính thức của nước đó” - ông Giang nhấn mạnh.

Một tiến sĩ luật (yêu cầu giấu tên) từng là thành viên đoàn đàm phán về biên giới của Chính phủ cũng cho biết nếu đưa ra Tòa án Quốc tế thì “chẳng ai giải quyết tranh chấp chủ quyền dựa vào bản đồ của tư nhân hay một tổ chức phi chính phủ cả. Ngay cả những bộ cổ sử cũng chỉ được coi như tài liệu tham khảo mà thôi”.

Đối phó với những vụ tương tự

Tuy thế, lỗi của bản đồ mà NGS phát hành vẫn rất nghiêm trọng. Bởi NGS là một tổ chức có uy tín được thừa nhận trên phạm vi quốc tế, những gì họ xuất bản đều có thể là nguồn tài liệu tham khảo có sức nặng.

Một tổ chức lớn, có uy tín như vậy thì hoàn toàn phải biết và tôn trọng sự thật khách quan là quần đảo đó thuộc chủ quyền của Việt Nam và đang bị tranh chấp.

Mỗi năm trên thế giới đều có vô số bản đồ được sản xuất bởi các tổ chức nghiên cứu tư nhân, các công ty tư nhân. Theo ông Giang, những sai sót như của NGS hoàn toàn có thể xảy ra. Hướng xử lý trong những trường hợp này là “thuyết phục, nhắc nhở để họ sửa lại”. Với những cơ quan lớn, có uy tín như NGS thì nhà nước có thể trực tiếp lên tiếng. Còn với các tổ chức ít ảnh hưởng hơn, như các công ty du lịch, lữ hành ở nước ngoài thì mọi cá nhân, tổ chức Việt Nam đều có thể có ý kiến với họ. “Thậm chí nếu một trường đại học ở Mỹ phát hành tài liệu nói rằng Hoàng Sa - Trường Sa thuộc Trung Quốc thì sinh viên Việt Nam học ở đó cũng hoàn toàn có thể khiếu nại, phản đối chứ” - ông Giang nói.

Đồng tình, vị tiến sĩ luật giấu tên nói trên phân tích: Dù NGS là một tổ chức khoa học tư nhân nhưng khi nghiên cứu của họ mang tính phán xét thiên vị, ảnh hưởng tới chủ quyền của quốc gia khác thì nhà nước của quốc gia bị tổn hại cũng cần phải lên tiếng. “Tôi cho rằng phía Việt Nam - Bộ Ngoại giao, Cục Bản đồ, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - đều rất nên lên tiếng phản đối chính thức”.

Không thống nhất

Trên trang web của NGS, có rất nhiều bản đồ được đăng tải: thế giới, châu Á, châu Mỹ… cũng như từng khu vực địa lý cụ thể. Các bản đồ đều không ghi nguồn hoặc tên tổ chức lập bản đồ. Đáng chú ý là, bản đồ thế giới thì ghi chú Hoàng Sa là “Xisha Qundao (China)” tức: “Tây Sa quần đảo (Trung Quốc)”, nhưng bản đồ châu Á thì lại ghi: “Xisha Qundao (Paracel Is.) administered by China, claimed by Vietnam”, nghĩa là: “Tây Sa (Hoàng Sa) được quản lý bởi Trung Quốc, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền”. Nghĩa là, có sự không thống nhất giữa các bản đồ do chính NGS đăng tải trên website.

Cách ghi không khoa học

Hội Địa lý Quốc gia Mỹ là một tổ chức khoa học rất lớn, với một lịch sử phát triển lâu đời và có uy tín, ảnh hưởng sâu rộng trong giới khoa học. Nguồn tư liệu của họ có đủ để họ phải biết là quần đảo đang trong tình trạng tranh chấp. Họ cũng có đầy đủ tư liệu về bản đồ và cứ liệu khoa học khác để hiểu một cách tường tận về quần đảo Paracel, rằng hàng mấy trăm năm nay, ai cũng ghi quần đảo này là Paracel và bờ biển của nó là ở Việt Nam. Họ cũng biết rất rõ là Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm lấy quần đảo này. Dựa vào điều này, nếu thể hiện quan điểm một cách thật trung lập, khoa học thì chí ít là không thể hiện nó thuộc về ai. Còn ghi rõ Paracel có tên là Tây Sa (lại ghi Trung Quốc phía dưới) là không khoa học, là không đúng.

Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU

Chiếm giữ trái phép thì chưa hẳn có chủ quyền

Theo thông tin tôi nắm thì trong rất nhiều nghiên cứu của các học giả Hoa Kỳ từ rất lâu cũng đã nêu rằng: Quần đảo này đầu tiên thuộc về Việt Nam và Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm vào năm 1974. Luật pháp quốc tế không thừa nhận các biện pháp vũ lực trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ, điều này có nghĩa là Trung Quốc có thể đang chiếm giữ nhưng chưa hẳn đã thuộc chủ quyền của họ chiếu theo luật quốc tế. Nước ta cũng có đủ bằng chứng về mặt khoa học địa lí, lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa.

Thạc sĩ HOÀNG VIỆT (M.CƯỜNG ghi)

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tài nguyên địa chính trị của Việt Nam

    09/06/2014Vũ Hồng LâmTài nguyên địa chính trị là một khái niệm ít được dùng nhưng bản thân tài nguyên địa chính trị lại được khai thác và sử dụng thường xuyên. Vận mệnh của một dân tộc, sự thịnh suy của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên địa chính trị của quốc gia ấy, vào khả năng khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên này...
  • “Người ta hèn là do dân trí thấp”

    07/01/2010Đoan Trang (thực hiện)Xuất thân từ một thanh niên nghèo ở Hà Tĩnh, lận đận kiếm sống bao năm, nhưng anh lại dốc hết tâm sức vào một việc rất có vẻ “vác tù và hàng tổng” - đưa sách về nông thôn - với niềm tin mãnh liệt: Dân tộc mình muốn 50 năm nữa tiến bộ thì bây giờ phải biết đọc sách.
  • Đảo và Tâm hồn

    22/03/2009Hòn đảo ấy chẳng ảnh hưởng gì đến tôi, không có nó, sáng sáng vẫn uống một tách cà phê, làm một cái sandwich, vẫn tán gẫu với bạn bè. Thiếu nó, chẳng ảnh hưởng gì những điều tôi vẫn hay làm trong cuộc sống, đọc một cuốn sách hay, nghe một bản nhạc lãng mạn hay ngồi chat với một người bạn thân thương. Không có nó, bầu trời vẫn sáng, mặt trời vẫn mọc ở đằng đông và những nụ hoa vẫn nở...