Bạo lực: Bóng ma của một xã hội ít nhân văn

10:52 SA @ Thứ Ba - 01 Tháng Bảy, 2014

Xã hội phát triển, có thể nhận ra những thay đổi trong bộ mặt đời sống. Sự phát triển nhanh của nhiều lĩnh vực đã làm đời sống thay đổi gần như toàn diện...

Bên cạnh những đổi thay tích cực thì đâu đó vẫn còn những góc tối khiến mỗi người không thể không suy nghĩ. Bạo lực - bóng ma của hạnh phúc, của sự phát triển vẫn tồn tại ít nhiều đe dọa sự bền vững của một xã hội phồn vinh theo định hướng nhân văn. Liệu đó chỉ là biểu hiện cá lẻ hay đã bắt đầu có dấu hiệu nhân lên? Đâu là nguyên nhân căn cơ của vấn đề này?

Bạo lực từ trường học tới gia đình

Nếu như trước đây nhìn thấy những vụ đánh nhau, dễ nghĩ ngay đến những nhóm côn đồ giang hồ hoặc chỉ là những vụ đánh đấm của các nhóm thanh niên choai choai có chút máu nóng… Thỉnh thoảng trong nhà trường cũng có dăm ba vụ học sinh đánh nhau nhưng đó chỉ là những mâu thuẫn hay những xích mích nhỏ.

Nhưng hiện nay việc học sinh đánh nhau không chỉ là sự bốc đồng của lứa tuổi đang lớn mà nó đã dần có dấu hiệu mang tính tập thể. Không dừng lại ở đấy khi tính chất bạo lực ngày càng nghiêm trọng, sự tham gia không chỉ một cá nhân mà là một nhóm có tổ chức, không chỉ nam thanh niên mà cả những nữ sinh được mặc định cho sự duyên dáng cũng lao vào đánh nhau theo kiểu võ biền…

Phải chăng đấy là hành động nhằm mục đích chứng tỏ bản lĩnh của bản thân mình. Không hiếm học trò xem việc gây gỗ, đánh nhau, càng mạnh tay thì càng chứng tỏ và lấy được sự nể phục của bạn bè cùng trang lứa, thậm chí là cách để nổi tiếng trên mạng internet.

Nhà trường được xem là môi trường lành mạnh nhất để giáo dục con em trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Nhưng nhìn vào các trường học hiện nay, cảm giác mất an toàn đang ngày càng gia tăng trong lòng các bậc phụ huynh.

Tình trạng bạo lực học đường lúc nào cũng trong “trạng thái nóng hổi”. Chỉ cần tìm kiếm từ khóa về vấn đề này trên mạng internet thì hàng loạt thông tin, hình ảnh cũng như các đoạn clip xuất hiện với tần số không hề nhỏ.

Trong quá trình tham vấn tâm lý, khá nhiều học sinh bày tỏ sự lo sợ và tâm trạng hốt hoảng khi là nạn nhân của bao lực học đường. Em H. (học sinh THCS), trên đường đi học về bị các bạn nữ sinh chung trường chặn đánh. Nguyên nhân là nhìn mặt thấy ghét, mặc đồ đẹp, không có mụn, tóc để dài, chân mày mỏng, môi đo đỏ và không nói tục…

Nói chung là “chảnh” nên ghét vậy thôi! H. bị đánh đến mức bị tổn thương về não, mang những sang chấn tâm lý, có dấu hiệu của sự hoảng loạn tinh thần. Chưa bàn tới pháp luật sẽ vào cuộc như thế nào, xử lý ra sao và đến đâu nhưng câu chuyện thêm một hồi chuông gióng lên về những hành vi bạo lực quá nguy hiểm đến mức “điên loạn” của học sinh hiện nay.

Tương lai không chỉ của “nạn nhân” mà còn cả của “hung thủ” khép lại vì những bạo lực diễn ra trong chính nhà trường. Dấu vết của những tổn thương về mặt thể chất ít nhiều được chữa trị từ y khoa nhưng những tổn thương về mặt tâm lý thì rất khó xóa nhòa.

Ngoài vấn nạn bạo lực học đường, từ lâu vấn đề bạo lực gia đình luôn là chủ đề nóng hổi của không ít phương tiện truyền thông. Chồng đánh vợ, vợ giận chồng “cắt của quý”, giận vợ hay giận chồng là trút giận lên những đứa con bé bỏng.

Con không mua rượu cho cha - cha cầm dao “dí” cả nhà, chém đứt tay con... Gần đây nhất là một phụ nữ mang thai 8 tháng vì giận gia đình đã cầm dao đâm thấu bụng mình.

Hay người chồng ném con từ trên gường xuống nền chỉ vì giận vợ nói đùa là đứa con không phải của mình. Còn đấy nỗi thương tâm khi chồng tố vợ mình vào tù vì vợ không chịu nỗi việc bị bạo hành tình dục nên đã lỡ cắt của quý của chồng khi chồng ngủ say…

Những tình huống bạo lực gia đình không còn là những trận cãi vã của những người lớn với nhau mà ngày càng mang tính chất nghiêm trọng hơn, “đổ máu” - “mất mạng” là những từ thương tâm nhất có thể dùng cho một số tình huống bạo lực gia đình gây hoang mang dư luận trong thời gian vừa qua.

Khi những nền tảng lung lay

Xuất phát từ những nỗi bất hòa trong gia đình nhiều em đã không làm chủ được cảm xúc hành vi của mình. Các em dễ dàng nóng giận và dùng bạo lực với người khác. Cho đến hôm nay những người dân tại xã Vĩnh Xuân, huyện Trà ôn, tỉnh Vĩnh Long vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ án em T. (13 tuổi) cầm dao giết cha mình.

Từ những mâu thuẫn liên tiếp diễn ra trong gia đình, cảnh ba đánh mẹ tái diễn mỗi ngày để rồi một ngày ba T. nhậu say về đánh mẹ, em đã không làm chủ được hành vi của mình và kết cục là T. đã cầm dao giết ba mình!

Gia đình là tế bào của xã hội, cái nôi hình thành nên những nét tính cách của một đứa trẻ. Nhưng hàng ngày, hàng giờ trẻ phải chứng kiến cảnh “chén bát va vào nhau”. Cha mẹ không chỉ la mắng, xúc phạm lẫn nhau về tinh thần mà còn những lần đánh nhau.

Và người phải chịu thiệt thòi nhiều nhất là những đứa con. Từ cảnh bạo lực dẫn đến các em cảm thấy chán nản khi bước về ngôi nhà của mình bởi thay vì nhận được những tình cảm yêu thương thì các em phải chứng kiến những câu chuyện đau lòng.

Sự chán nản không chỉ khiến các em bỏ bê học hành, buông thả, dễ dàng dẫn đến trầm cảm hay các rối loạn tâm thần với các mức độ khác nhau mà nếu đứa trẻ còn nhỏ, nhân cách chưa ổn định thì dễ dàng bắt chước những hành vi bạo lực trong gia đình, dẫn đến nhiều em đối xử hung hãn với người xung quanh.

Ở đây, dễ nhận thấy mối quan hệ giữa bạo lực gia đình và bạo lực học đường. Giáo dục nhân cách cho học sinh đó là sự kết hợp hài hòa giữa ba lực lượng gia đình, nhà trường và xã hội mà trước hết nguồn gốc giáo dục gia đình vẫn là gốc rễ, nền tảng vững vàng nhất cho một cá nhân phát triển.

Làm sao không cảm thấy sợ khi thay vì nhìn thấy những hình ảnh mọi người thương yêu giúp đỡ lẫn nhau lại là cảnh hung hãn. Bạo lực “ngôn từ” có khả năng đem lại sự tổn thương sâu sắc và khó chữa lành hơn. Con người đối xử với nhau bằng tình cảm trên hình thức bề ngoài nhưng bên trong vẫn thấp thoáng sự bạo lực ẩn ngầm trong đó.

Lẽ đương nhiên, không vơ đũa cả nắm bởi vẫn còn những tình cảm đồng nghiệp chan chứa và chân thành, cùng tiến cùng lùi... Nhưng một con sâu vẫn hay làm rầu nồi canh là thế!

Người Việt được biết đến với tinh thần đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau như một nét đẹp văn hóa. Tuy nhiên thực tế những vụ bạo lực diễn ra có tính chất ngày một nghiêm trọng, mọi người thay vì dùng tình cảm để giải quyết vấn đề xảy đến thì lại dùng hành động.

Những nét văn hóa truyền thống, những phẩm chất, nhân cách con người trước đây luôn được mọi người tôn trọng giữ gìn thì hiện nay đang đứng trước những làn sóng mạnh mẽ của những giá trị tạp lai có nguy cơ mất đi.

Gia đình không còn là nền tảng của các thành viên, chính ngay trong nhà trường bạo lực vẫn diễn ra, môi trường công sở cũng đã len lỏi trong đó những hành vi bạo lực.

Sự phát triển quá nhanh của các giá trị mới, sự thay đổi những chuẩn mực trong hành vi làm con người ta dần mất tin tưởng lẫn nhau. Bạo lực diễn ra như một góc khuất của gia đình khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bạo lực có mầm mống trong xã hội Việt

    16/05/2014Clip nữ sinh bạo lực khuấy động dư luận. Nhiều người sửng sốt vì tình trạng bạo lực học đường. Nhiều người khác giật mình chất vấn giáo dục, xã hội. Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hoá Vương Trí Nhàn cho rằng: Bạo lực có mầm mống trong xã hội Việt mà ta không tự thấy.
  • Sự thiếu hiểu biết là nguồn gốc của bạo lực

    20/08/2012Nguyễn Thị Từ HuyBài viết ngắn này là trăn trở của độc giả sau vụ bài văn của một học sinh thể hiện những suy nghĩ độc lập về bạo lực học đường nhưng lại bị cho điểm 0 kèm những lời phê nặng nề. Cuộc tranh luận xung quanh bài văn này có lẽ sẽ còn tiếp tục, giữa một bên bảo vệ quan điểm “cần đạt điểm cao ở kỳ thi” và một bên là quyền được sáng tạo của học trò...