Báo điện tử - điểm sáng của cuộc cách mạng thông tin

12:15 CH @ Thứ Ba - 21 Tháng Sáu, 2005

Tháng 10/1993, Khoa báo chí Đại học Florida (Mỹ) tung ra cái mà họ tự tin là tờ báo Internet đầu tiên. Năm 1994, phiên bản online của tạp chí Hotwired chạy những banner quảng cáo đầu tiên và hàng loạt báo khác tại Mỹ ồ ạt mở website. “Cơn sốt vàng” của thời thông tin trực tuyến bắt đầu.

Một khảo sát lần đầu tiên về độc giả Internet của hãng dịch vụ thống kê truy cập Nielsen/NetRatings công bố mới đây cho thấy 1/5 số người lướt web thích đọc báo mạng hơn các phiên bản phi trực tuyến. Có lẽ đó cũng chính là một động lực khiến các tờ báo giấy - vừa là để cạnh tranh vừa là không thể cưỡng lại xu thế điện tử hóa - cũng đã phải lập tức triển khai phiên bản điện tử, trong đó phần lớn phát hành lại các bài báo từ bản giấy và có cập nhật thêm thông tin riêng.

Cùng với sự phát triển chóng mặt của các công nghệ kết nối, giúp đẩy nhanh tốc độ truy tải, số lượng các tờ báo điện tử cũng nở rộ khắp nơi trên thế giới, truyền tải thông tin dưới mọi hình thức mà các loại báo truyền thống cung cấp. Có thể coi báo điện tử hiện nay là sự hội tụ của cả báo giấy (text), báo tiếng (audio) và báo hình (video). Người lướt web không chỉ được cập nhật tin tức dưới dạng chữ viết mà còn có thể nghe rất nhiều kênh phát thanh và xem truyền hình ngay trên các website báo chí.

Từ vài năm trở lại đây, một nhánh mới của lĩnh vực phát hành thông tin điện tử đã xuất hiện và tạo nên một cơn sốt mới. Đó chính là các website cá nhân với tên gọi weblog hay blog. Về bản chất, đây là những nhật ký trực tuyến hay kênh phát ngôn của cá nhân nhưng trên thực tế nhiều weblog, với độ cập nhật thông tin nhanh và khả năng nhận định, bình luận sắc sảo, đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng hơn cả nhiều tờ báo điện tử chính thống. Weblog đã đưa chí phí phát hành xuống gần tới số 0 khi mà bất cứ ai cũng có thể tự tạo hoặc sử dụng các dịch vụ miễn phí có sẵn để công bố những ý tưởng và nhận xét của bản thân về muôn mặt của cuộc sống. Ở một chừng mực nào đó, weblog cũng đã khẳng định vai trò cách mạng của nó trong tiến trình phát triển của báo chí điện tử nói chung. Tính cách mạng đó không nằm ở nội dung mà là ở công nghệ giúp phổ cập hóa việc phát hành thông tin. Trên thế giới , thậm chí nhiều weblog đã được các báo điện tử liên kết vào như một phần nội dung của họ hoặc tác giả weblog còn được “trải thảm đỏ” mời về làm cho những hãng thông tấn lớn.

Khi khái niệm báo điện tử định hình cũng là lúc vấn đề miễn phí hay thu phí thông tin được đặt ra. Theo logic thông thường, mọi dịch vụ đều phải được ai đó trả tiền. Và với báo trực tuyến, nguồn tiền đó được thu chủ yếu từ việc quảng cáo, còn thông tin hầu hết được cung cấp miễn phí. Tuy nhiên, một số tờ báo lớn trên thế giới vẫn áp dụng thu phí trọn gói cả tháng. Một số khác chỉ tính tiền đối với những tin bài đặc sắc, độc quyền. Trên thực tế, cả 2 hình thức, dù miễn phí hay thu phí, vẫn có nhiều đất để tồn tại theo cách riêng.

Công nghệ đã cho phép báo điện tử ra đời và ngược lại, chính báo điện tử cũng thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ mới. Những trình duyệt phiên bản mới liên tục được cải tiến để có thể tích hợp các tính năng truyền thông đa phương tiện. Điện thoại di động cũng được nâng cấp để có thể truy cập web tiện lợi hơn và khai thác thông tin trực tuyến. Các nhà phát hành nội dung cũng như các công ty dịch vụ kết nối và viễn thông cũng nhanh chóng đáp ứng nhu cầu đọc thông tin trên thiết bị liên lạc di động bằng cách thiết lập những định dạng web phù hợp cho các công cụ này. Sự phát triển của báo chí điện tử cũng là một động lực thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử khi tạo ra một môi trường mới cho ngành công nghiệp quảng cáo phát huy những phương cách quảng bá thông tin thương mại muôn hình vạn trạng.

Trong sự phát triển của báo điện tử không thể không nhắc tới vai trò to lớn của các dịch vụ tìm kiếm trực tuyến với những cái tên đã trở thành một từ không thể thiếu đối với những người thường xuyên khai thác thông tin trên mạng, như công cụ của Yahoo, Google, MSN... Những dịch vụ search này đang liên tục mở rộng tiện ích, không chỉ đem đến một cổng thông tin tổng hợp nhiều nguồn mà còn là một bộ dẫn hướng cực mạnh giúp người sử dụng tiếp cận không chỉ những nội dung dạng text mà cả hình ảnh và video. Hãng thống kê truy cập Nielsen/NetRatings cho biết riêng tháng 5 vừa qua, mạng tin tức Yahoo News đã đón nhận số độc giả lên tới 23,8 triệu (tăng 3% so với năm ngoái) trong khi kênh tổng hợp thông tin của Google đạt 7,1 triệu khách (tăng 4%).

Sau báo giấy, báo tiếng, báo hình, thế giới giờ đây đang đứng trước câu hỏi: tiếp theo báo điện tử của sẽ là loại hình thông tin gì? Chưa có mấy nhà phân tích nêu ra viễn cảnh của một dạng báo thế hệ mới. Tuy nhiên, chỉ cần lấy ví dụ về một loại công nghệ đã hiện hữu cũng có thể thấy cơ hội ra đời của một loại hình báo chí mới là vô cùng lớn: đó là giấy điện tử và chip thu phát sóng RFID. Nếu các công nghệ này trở nên phổ dụng hơn thì rất có thể trong một ngày không xa, thứ báo mà loài người đọc trông sẽ giống dáng hình ngày xưa của một tờ báo giấy nhưng là giấy điện tử. Đó sẽ là một tờ báo mua một lần đọc nhiều lần. Chúng ta sẽ trở về nhà sau ngày làm việc, thả mình trên salon và mở một tờ báo như vậy để xem tin tức và không phải mua mới mỗi ngày khi mà các dịch vụ sẽ liên tục cập nhật thông tin vào đó qua kết nối không dây. Điều này thực ra cũng rất có thể vì nhiều thứ công nghệ hiện đại ngày nay, một mặt tăng cường tính tinh vi và tiện dụng của kỹ thuật, nhưng một mặt vẫn khai thác tính cổ điển và truyền thống trong thiết kế.

Nguồn:VnExpress
LinkedInPinterestCập nhật lúc: