Bao giờ sách là vàng?
Nếu có một bộ sưu tập vô giá những bản Kiều của Nguyễn Du, từ "Liễu văn đường" (1871), tân khắc "Đoạn trường tân thanh" (Giá Sơn, Hà Nội, 1895) - có bút tích của vua Thành Thái, bản dịch "Truyện Kiều" của Trương Vĩnh Ký (1875), của Albel des Michels, Paris (1884-1885)... có chữ ký của người dịch, biên soạn thì giá của bộ sưu tập này sẽ là bao nhiêu?
Nhiều khi kiến thức chứa đựng trong một trang sách còn quý hơn cả vàng, chữ vàng ở đây thường được ngầm hiểu theo nghĩa bóng, bởi vàng cũng không thể đo được tầm vóc những vĩ nhân, những công trình lịch sử, văn hoá, khoa học..vv. Thành ra khi nói đến sách, ta thường nghĩ sách dùng để đọc. Đó mới chỉ là một khía cạnh về sách mà chúng ta thường hay nói tới, như nhà sử học Dương Trung Quốc gọi là giá trị phi vật thể , hay còn gọi là giá trị nội dung của sách.
Có một góc nhìn khác người Việt Nam ta ít quan tâm hơn, là sách "không dùng để đọc". Sách này quý như vàng, nhưng là vàng thật với đúng nghĩa của nó. Sách "không dùng để đọc" mang giá trị sưu tầm cao còn có thể gọi là "sách quý hiếm".
Cuốn Kinh Thánh đầu tiên bằng tiếng Anh do John Wycliff làm bằng tay năm 1392, từng là sở hữu của ông Andrew Gifford, đồng sáng lập Viện bảo tàng Anh Quốc. Cuốn Kinh Thánh này ra đời trước khi Gutenberg phát minh ra máy in năm 1450". Đây là trích đoạn giới thiệu của công ty đấu giá E-bay về một cuốn sách, mà nội dung của nó không khác nhiều với những bản Kinh Thánh khác. Chỉ có điều, cuốn sách này được chào giá 2 triệu đô la (khoảng 30 tỷ đồng Việt Nam). Điều này có thể gây ngạc nhiên với người Việt Nam, nhưng không xa lạ với dân sưu tầm chuyên nghiệp trên thế giới.
Một cuốn sách khác không có bề dày hàng trăm năm tuổi, cuốn "Harry Potter and the Prisoner of Azkaban", Bloomsbury (London) 1999, bản in đầu tiên ở Anh Quốc, mới ra lò đã có giá 20.000 đô la (khoảng 300 triệu đồng Việt Nam). Vì sao so với hàng triệu cuốn sách khác, chúng lại đắt như vậy?
Chúng ta thử tưởng tượng, trong khoảng thời gian một vài trăm năm, biết bao nhiêu biến động về xã hội, tác động về môi trường, thiên tai, địch hoạ ..vv.. thì những cuốn sách vượt qua tất cả những thử thách đó, vẫn nguyên vẹn, sẽ đáng quý biết nhường nào.
Trong số những cuốn sách nhiều trăm năm tuổi đó có những cuốn mang đặc điểm riêng như sách viết về phát minh vĩ đại của một nhà khoa học, những chuyến thám hiểm , bản in đầu tiên của Kinh Thánh, hay một tập thơ đầu tay của nhà thơ vĩ đại có bút tích của tác giả Một tác gia nổi tiếng trong đời mình in biết bao nhiêu tác phẩm, để có được một bộ sách tập hợp đủ những tác phẩm đã khó, nhưng tập hợp những bản in đầu tiên lại còn khó hơn nhiều.
Hơn nữa, sách đâu chỉ làm bằng giấy, những cuốn sách được các nghệ nhân sáng tạo trên những chất liệu khác nhau, bằng tre, bằng gỗ, bằng vàng, bạc, ngọc, ngà, da, sắt, và cả đất nung Đó là một vài ví dụ về những tiêu chí đánh giá thuộc tính sưu tầm của sách.
Dù bất cứ tiêu chí nào, Việt Nam ta không thiếu sách quý hiếm. Với một bề dày lịch sử lâu đời, một nền văn hoá giàu bản sắc và đa dạng, những danh nhân văn hoá, nhà khoa học, và những nghệ nhân khéo tay mà thời kỳ nào cũng có, nước ta có môi trường tốt cho sách và sưu tầm sách phát triển.
Kho tàng sách khổng lồ chép tay, in khắc Hán Nôm, chắc chắn mang giá trị sưu tầm vô cùng quý giá. Những cuốn Kinh bằng đồng chưa xác định được niên đại là một minh chứng cho sự đa dạng của sách cổ Việt Nam. Những cuốn sách lá viết bằng tiếng Thái cổ làm trên lá cọ, sách Kinh viết bằng tiếng Khơmer trên lá thốt nốt hàng trăm năm tuổi thể hiện sự khéo léo tuyệt vời trong cách kết hợp hài hoà giữa văn hoá, cuộc sống và thiên nhiên.
Sách quý là thế! Nhưng đáng tiếc chúng ta chưa có môi trường sưu tầm. Ai cũng biết đó là sách quý, nhưng ít người nghĩ nó quý như vàng. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định: "Vấn đề là phải kích thích để tạo ra một sân chơi, một thị trường, một mặt bằng xã hội hoá cho những người có cùng thú chơi và tìm lợi ích trong các cuộc chơi nghiêm túc và bổ ích".
Hoàng Minh, một bạn trẻ sưu tầm sách ở Sài Gòn có một thói quen cứ mỗi lần tầm được một cuốn sách quý, lại tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ mời bạn bè đến nhà "thưởng sách" chia vui. Lần này cũng vậy, sau khi mua được hai cuốn "Tunchinensis Historiae Libri Duo", Lion, 1652 và "Drivers voyages et missions", Paris ,1653 của Alexandre de Rhodes, nghe nói từ một tủ sách quý trên Đà Lạt, anh cứ xuýt xoa mãi vì quá rẻ. "Có gần chục triệu đồng", cũng do người chủ sách vì túng quẫn, đành bán dần sách trong thư viện gia đình.
10 triệu đồng là số tiền không nhỏ, người bình thường nghe cũng thấy sờ sợ. Thế nhưng với những người sưu tầm, chuyện nghe mà thấy cay cay trong mắt, mừng cho anh bạn tầm được món hời, mà thương cho sách quý Việt Nam... Bao năm rồi vẫn chỉ có tiếng thơm. Giá như chúng ta có một môi trường tốt cho lĩnh vực sưu tầm, thì sách của Việt Nam đâu chỉ giá trị về mặt nội dung. Biết bao giờ sách quý như vàng!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh Bùi