Bệnh họ nhà… Chí?

08:20 SA @ Thứ Sáu - 23 Tháng Năm, 2008
Xuất xứ từ những câu chuyện cũ và mới do đồng bào người dân tộc thiểu số vùng cao với tư duy thật thà thẳng thắn hơn cả đếm tạo thành chuyện buồn cười, văn minh ngược đời. Ví dụ có anh cán bộ xã bị phạt vì có con thứ 4 thì ngạc nhiên thật sự vì tưởng rằng chỉ có hại người mới phải tội chứ làm ra người sao lại có tội được? Hay như cách xưng hô từ trên xuống dưới, thậm chí với cả người thi hành pháp luật cũng cùng ngôi mày tao chí tớ!

Rồi một số ngôn từ thường ngày như lười hết phần con lợn, ngu tranh phần con chó… chỉ diễn ở vùng cao hẻo lánh chứ đố ai dám dùng trong một đô thị công nghiệp nào, nếu không muốn quy cho cái tội hiển nhiên là cãi chày cối, bất lịch sự, thích gây chuyện… Rõ ràng quy phạm văn hoá và tập tục phải tùy nơi, tùy hoàn cảnh và đối tượng mới được chấp nhận, nếu đem từ chỗ này ghép vào chỗ khác sẽ bị coi là Chí Phèo đời mới. Vậy nhưng không hiểu sao một dạng bệnh vô tư hại người lại lây lan khắp nơi, thành bệnh khá phổ biến trong xã hội khiến người Kinh hiện đại cũng phải lắc đầu quầy quậy: @ bó tay chấm com! Lịch sự thì ngán ngẩm thở dài đó là cái lý của người Mèo, bực mình thì xếp hạng Chí cho cái sự cùn gỉ trong một xã hội văn minh.

Nói đến cùn ngang, cùn ngạnh cũng không nên chủ quan mà khẳng định rằng chỉ có độc tôn Chí Phèo, cái cùn của anh Chí một phần cũng do địa vị xã hội thấp kém, bất mãn với cuộc đời và lại thêm chai rượu giúp sức, hậu duệ của anh chàng này chắc chắn không được chân truyền mà địa vị xã hội cao hơn nhiều ấy vậy lại Chí đến mức tai tiếng không thể tượng tượng được. Chuyện gì cũng phải có trình tự, vì thế ngay cả chuyện cùn cũng cần phải liệt kê từ bậc có trách nhiệm, chức sắc thuộc diện trên chỉ đạo mãi dưới không chịu nghe. Trước hết là chốn công đường, tuy không phải ai cũng là Thanh thiên đại nhân nhưng sai thì phải sửa, thế nhưng các vị cầm cân nảy mực công lý ở tỉnh Đ.T bị kiện ngược vì xử án nhầm, bắt khổ chủ đi tù oan trăm năm thiệt hại cả về danh dự và vật chất mà phớt lờ ăng-lê chẳng chịu đền bồi một số lãnh đạo ở C.M còn lập danh sách nhận nhà đoàn kết tượng trưng, phát tiền cho người đến dự để quay phim chụp ảnh, xong đến tận nhà bắt truy nộp lại, ở tỉnh Q.B, một gia đình phát hiện ra bom trong sân chưa nổ, nhắc mãi cơ quan chức năng không xử lý bèn vần ra khỏi nhà, nhưng chính quyền nhanh chóng bắt phải mang bom về nhà đồng thời giao trách nhiệm trông giữ? Tương tự, nhân dân ở tỉnh K.T cũng phát hiện ra quả bom 400kg mà huyện cũng không nghĩ ra cách xử lý bèn giao cho xã, xã vui vẻ giao lại trách nhiệm trông giữ quả bom lạnh tanh cho thôn và tất nhiên thôn còn biết làm gì ngoài chờ bom nổ? Rồi chủ tịch phường ở Q.N cũng lập hồ sơ, làm giả 200 ngôi mộ để nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng, mấy ông phường ở H.N còn đế nhà xây trái phép quá giới hạn về chiều cao - độ phình nhưng vẫn phạt cho tồn tại chiều cao đến khi thành phố phải ra tay cắt ngọn, ông Sở Điện lực S.G còn bắt hàng nghìn hộ dân phải thay công tơ đang dùng bằng điện kế điện tử rởm, và từ chuyện hai vị đứng đầu thành phố C.T đồng loạt bị kỷ luật vì lũng đoạn quyền lực, lãnh đạo thiếu trách nhiệm tho đến mấy anh trông xe trong các công sở vẫn ngang nhiên thu tiền của khách đến làm việc mặc dù Thủ tướng đã có lệnh miễn thu phí… mới thấy hết sự cùn của những người thi hành công vụ đã đến mức trầm kha lắm rồi.

Ngoài ra còn vô khối chuyện khó tin mà có thật như: đốt rừng lấy đất, ruộng vườn trồng trọt bị xắn ra, xây nhà bán, nhập rác thải ô nhiễm vào để thu tiền, tái chế thủ công rác thải y tê làm đồ dân dụng, thi nhau học giả ngoài giờ để lấy bằng thật, vỉa hè và lòng đường chưa dừng cuộc chiến cam go, cũng như quy hoạch và mặt bằng chưa bao giờ đồng bộ… Vì thế, cũng không nên thắc mắc, băn khoăn nhiều với những hiện tượng tưởng chừng không thể mà vẫn xảy ra giữa những người bình thường trong xã hội. Trong thành phố, các vụ lấn chiếm diện tích công cộng, hè phố, sân thời họp chợ cóc là bình thường. Chuyện đổ rác, phóng uế bừa bãi, kẻ quảng cáo số điện thoại nhan nhản các bức tường hay rải thảm tờ rơi bay như bướm đã thành chuyện nhỏ như lông thỏ con rồi. Phổ thông đến bình dân là chuyện Chí trên đường: gặp đèn đỏ dừng lại không khéo bị vài tay đi sau chửi là ngu vì không có Công an sao lại dừng làm gì? Giữa đường ngang nhiên vừa đi vừa loay hoay bấm tin nhắn, tay lái à ơi khiến người đi sau không biết xử lý kiểu gì, vài câu góp ý thể nào cũng sinh chuyện! Vỉa hè thoáng mát nên bày đủ thứ biển quảng cáo, sơn xì rửa xe, đậu ôtô, mở quán và bày cả mâm cơm ra chén tạc chén thù nữa! Họ nhà Chí bây giờ chia ra nhiều chi, nhánh đa dạng phong phú: chuyện trải rơm, đốt trấu mù mịt hay trâu bò ưỡn ẹo trêu ngươi trên quốc lộ đã diễm xưa, các chàng Chí ưa công nghệ tiên tiến thời nay thản nhiên rải đinh ba cạnh trên đường cao tốc phục kích săm lốp để vá chữa xe kiếm tiền, tay Chí nào có chút đầu óc nghệ thuật sẽ đi săn, triệt hạ cây gỗ quý buôn cả mớ kiếm lời, dăm chàng khác yêu thiên nhiên thì rước hẳn chúa sơn lâm về giữa thành phố nấu cao, một số đông thiếu nghiêm túc và không bài bản hơn dòng họ thì ăn sẵn, tức là vặt đủ mọi thứ để bán thành tiền: nào tháo trộm tà vẹt đường ray xe lửa, dỡ thanh giằng cầu, rào chắn giao thông, nhấc nắp hố ga, thó cả bóng đèn, cắt dây chiếu sáng, dây điện thoại… Nhưng kỷ lục Ghi rét của ta (nghĩa là vừa ghi vừa run) là hiện tượng siêu Chí hiếm có hoặc thậm chí chưa từng có ở nước nào: đem cả con dứt ruột đẻ ra bán sang T.Q lấy vài triệu đồng và móc cả trăm tấn cáp quang dưới biển lên bán cân đồng nát?!

Đành răng đã gọi là giải thích thì thích thế nào có thế giải tùy hứng, nhưng xã hội có thể chấp nhận được cái lý giải ấy không lại là vấn đề phải quan tâm. Với nhiều lý luận quanh co bao biện cho những hành động thuộc dòng Chí thế kỷ XXI, chủ yếu là do nghèo túng hóa liều hoặc thiếu hiểu biết cũng chưa hẳn đã đúng vì có những việc làm liều không phải túng thiếu mà vì vô ý thức, thiếu trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, thậm chí có những chuyện hiểu biết rõ mười mươi vẫn nhắm mắt làm. Càng ngẫm càng thấy thương và cảm thông với anh Chí dòng văn học hơn vì anh chỉ lên cơn tự cào mặt mình ăn vạ và chửi bới, phá quấy cha con cường hào ác bá chứ không hại người dân lương thiện, còn những gã Chí hiện đại lại xoáy, cào, gãi, bòn rút, phá phách của Nhà nước và của cộng đồng xã hội để thỏa mãn nhu cầu tầm thường của bản thân. Khi xã hội và đất nước ngày một phát triển văn minh hơn mà virus bệnh Chí không những chưa có thuốc chữa dứt điểm, mà còn biến dạng nghiêm trọng hơn, quả đáng buồn lo lắm thay?!
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những lực cản vô hình

    03/04/2016Văn KhánhXã hội Việt Nam truyền thống dựa trên nền kinh tế tiểu nông là cơ bản, nên tính chất tiểu nông đã chi phối nặng nề đến lối tư duy của người nông dân...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: thô tục, vô duyên, luộm thuộm

    30/09/2015Vương Trí NhànNói tục, nói bẩn chắc hẳn không người nước nào bằng người An Nam ta. Lắm câu chửi rủa của ta không tiếng nước nào dịch nổi, giả sử những người nói ra có nghĩ đến nghĩa từng tiếng thì đứa nặc nô(1) cũng phải đỏ mặt đến lòng trắng mắt. Thử ngẫm mà xem, những câu ấy có nghĩa lý gì đâu...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: quá viển vông, tầm thường hóa, quá tin sách, tín ngưỡng nông

    03/09/2015Vương Trí NhànMặc dù sự có mặt của vô số ma quỷ và thần linh, người Việt vẫn có một đời sống tôn giáo không lấy gì làm sâu sắc cho lắm. Người ta chỉ có những niềm tin mơ hồ về linh hồn, về sự sống ở thế giới bên kia, về các thần. Một số lớn thần được định tính không rõ ràng và thường thường là phi nhân cách...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Ai mạnh thì theo; Biếng nhác, vô cảm

    14/04/2015Vương Trí NhànHiện tượng quá đông dân và thường xuyên thiếu việc làm khiến cho nhiều người có tâm lý sống ngày nào biết ngày ấy. Ở thôn quê, những kẻ có chút tiền bạc hoặc có đủ ruộng chỉ còn thích ăn không ngồi rồi...
  • Từ cày chìa vôi đến computer

    19/12/2006Đức ÚyHình ảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau” đang mờ dần trong mắt các bạn trẻ. Nhưng cái cày chìa vôi với nghĩa đen là công cụ canh tác cổ xưa nay là công cụ, máy móc, kỹ năng làm việc theo nghĩa bóng hầu như không thay đổi nói gì đến thay thế ở người Việt mình...