Bình minh và hoàng hôn của các chính thể

08:19 CH @ Thứ Ba - 15 Tháng Hai, 2011

Mấy ngày nay, dân Ai Cập dán mắt vào tivi hay ghé tai vào radio để nghe tin từ Tổng thống Mubarak. Nghe đồn ông sẽ từ chức, kết thúc 30 năm ôm ghế quyền lực trong quốc gia kim tự tháp, tượng nhân sư, từng là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất trong lịch sử loài người.

Người ta ước đoán, tài sản của gia đình Mubarak khoảng từ 40 tỷ đến 70 tỷ đô la Mỹ. Dự trữ ngoại tệ của Viêt Nam hiện là 10 tỷ đô la và GDP khoảng 90 tỷ đô la. Một người có tài sản bằng cả một quốc gia.

Kể từ 25/1, hàng trăm ngàn người Ai Cập đã biểu tình, kêu gọi Mubarak từ chức. Cho đến hôm nay, dường như đòi hỏi của người biểu tình đã có vẻ thành hiện thực. Việc ra đi của ông chỉ còn là vấn đề thời gian.

Cho dù ông có ở lại tới tháng 9, thì hình ảnh Mubarak, đồng minh của Mỹ, bắt tay cả Israel và Palestine, bị phá hoại nghiêm trọng. Khó mà sống những ngày cuối đời trong thanh thản khi tuổi đã ngoài 80.

Trải đời như Mubarak sẽ hiểu tại sao, hàng triệu người đòi ông phải ra đi. Có thể ông không biết cách đây 30 năm, vì lúc đó đang trên đỉnh cao, chả nhìn thấy gì, mờ mắt vì quyền lực. Nhưng sau mấy chục năm, ông cũng hiểu thời thế, là bạn của Mỹ, của Pháp và phương Tây với chế độ chính trị minh bạch. Lẽ ra phải làm khác, nhưng đợi đến lúc dân đổ ra quảng trường biểu tình, vội vàng thay đổi thì đã quá muộn.

Marcos, Suharto, Mubarak và nhiều triều đại tham nhũng khác lần lượt sụp đổ chính vì sự bất bình của nhân dân hơn là do giá trị của dân chủ và nhân quyền phương Tây mang lại. Có cả những nguyên thủ được Hoa Kỳ đứng sau vì lý do quyền lợi riêng cũng không giúp được gì.


Biểu tình ở Cairo. Ảnh: VOA

Vào ngày đẹp trời 16-4-1975, Tổng thống Sadat, người khởi xướng sự chung sống hòa bình với Do Thái, đã cử Mubarak làm Phó Tổng thống Ai Cập. Sadat bị ám sát sau đó vào năm 1981 trong một cuộc duyệt binh tại Cairo. Mubarak bị thương nhẹ và trở thành Tổng thống cho đến bây giờ.

Khi Mubarak thẳng tiến trên con đường sự nghiệp thăng hoa, thì lúc đó, tại Sài Gòn, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu xuất hiện trên tivi tuyên bố từ chức, lên án Mỹ không cứu đồng minh, trong khi xe tăng T54 ở cửa ngõ Sài Gòn.

Bình minh của người này lại có thể là hoàng hôn của kẻ khác. Sự biến đổi của đất trời và nhân loại luôn như thế, một qui luật tất yếu, khó ai cưỡng lại được. Những kim tự tháp Ai Cập từng là biểu tượng của các pharaoh tưởng như vĩnh hằng, nhưng nay đang điêu tàn trong cát bụi sa mạc.

Người thông minh tìm cách làm chủ sự thay đổi, hơn là để cho sự thay đổi đến để thay đổi chính mình.

Hôm nay, trong lâu đài Tổng thống, Mubarak đang hối tiếc rằng mình đã quá bảo thủ, trì trệ, không đi kịp với thời đại.

Cách đây hơn 3 thập kỷ, khi bay sang Đài Loan để trốn chạy, có thể Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nghĩ không khác Mubarak hôm nay. Họ cùng là đồng minh của Hoa Kỳ.

Câu chuyện 16 tấn vàng của Tổng thống Thiệu định mang ra nước ngoài chưa biết thực hư thế nào, dù đã 36 năm qua.

Hôm nay, dù Mubarak chưa từ nhiệm, người biểu tình trên quảng trường Tahrir đã hỏi số tiền mấy chục tỷ đô la kia sẽ “xử” như thế nào để cho tượng “nhân” Mubarak hiện nguyên hình là “sư” tử tham lam.

Mặt trời lặn sau những kim tự tháp Ai Câp trên sa mạc, báo hiệu sự sụp đổ của Mubarak, sẽ là buổi bình minh trên sông Nil phì nhiêu của chính thể khác, trong sạch hơn, dân chủ hơn và vì dân hơn.

Phạm Phú Thứ.
Ảnh: Wiki

Kết thúc entry, có lẽ nên viết thêm về một bậc tiền nhân có tên Phạm Phú Thứ sống cách đây gần 200 năm. Ông đỗ Giải nguyên năm 1842 khi 22 tuổi, thi Hội đỗ Hội nguyên, Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Quý Mão (1843).

Năm 1863, Phạm tiên sinh thăm Anh, Pháp, Tây Ban Nha và qua Ai Cập. Sau chuyến đi này, ông nhận ra, chỉ có con đường canh tân mới giúp đất nước thoát khỏi thảm họa lạc hậu.

Tương truyền, kiểu xe nước ngày nay còn thông dụng ở các tỉnh miền Trung chính là xe trâu kéo ở Ai Cập do ông vẽ kiểu mang về áp dụng vào thời ấy.

Hôm nay, từ đất nước Ai Cập có nền văn minh 4 ngàn năm, bằng chiều dài lịch sử của Việt Nam ta, nếu Phạm Phú Thứ đứng trên quảng trường giữa thủ đô Cairo với hàng trăm ngàn người biểu tình đòi phế truất tổng thống, thì không hiểu cổ nhân nghĩ gì.

Khó mà tưởng tượng, tiên sinh họ Phạm lại ngắm mẫu chiếc xe trâu nhằm canh tân cho nước Việt đang hội nhập.

Hiệu Minh. 10-2-2011

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những tổng thống - vua

    24/02/2014Nguyễn Ngọc HùngThế giới Ả Rập nổi tiếng với những chế độ và những “nhà cách mạng” cầm quyền suốt đời...
  • Đánh giá nhanh về sự kiện Ai Cập

    11/02/2011Nguyễn Tất ThịnhKhông có một chính phủ nào và nhà độc tài nào có thể quay lưng với Tam Dân (Dân Sinh-Dân Chủ-Dân Quyền), dù bản chất không phải vì điều đó và dù tưởng rằng Tam Dân đã bị làm mòn mỏi, kiệt sức...
  • Hiệu ứng ‘Tunisia’ và suy nghĩ về Chính trị

    02/02/2011Nguyễn Tất ThịnhMột sự kiện kinh tế - xã hội xảy ra ở một vùng Địa chính trị nào đấy, đến mức Chính quyền sở tại mất khả năng và tư cách kiểm soát nên đã xảy ra một kết cục là làm thay đổi tình thế khác với trước đó có thể được gọi là ‘cận cách mạng’, tạo nên một làn sóng lan tỏa hay cường kích vào các quốc gia lân cận...
  • Vì sao Tổng thống Tunisia bị phế truất?

    17/01/2011Tường LinhTrong 23 năm cầm cương Tunisia, Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng như cải cách kinh tế thành công và triển khai một chính sách đối ngoại mềm mỏng, có lợi cho đất nước. Chẳng ai ngờ hôm qua, 15/1, Tòa án Hiến pháp Tunisia đã quyết định bãi nhiệm Tổng thống Ben Ali, sau khi ông tạm lánh ra nước ngoài vì các cuộc bạo động nổ ra trong nước và qua đó trở thành lãnh đạo đầu tiên trong thế giới Arab mất quyền lực vì biểu tình đường phố...
  • Văn minh luận

    21/10/2009Phạm QuỳnhVăn minh là đối với dã man. Chữ “văn minh” là một chữ mới. Tuy trong kinh Dịch đã có câu, nhưng dùng theo nghĩa mới để dịch chữ Tây civilisation thời mới bắt đầu tự người Nhật Bản. Người Nhật dùng trước (đọc là bunmei), người Tàu theo sau, rồi người ta bắt chước, ngày nay thành một chữ rất thông dụng.