Bứt khỏi những quan điểm hạn hẹp về giáo dục

03:51 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Hai, 2003

Việc phê phán Bộ Giáo dục và Đào tạo dường như đã trở thành một chủ đề khá thường xuyên trên báo chí gần đây.

Tôi là người nặng lòng với công tác giáo dục, vốn đã từng dạy học từ phổ thông đến đại học trong nhiều năm rồi tham gia công tác nghiên cứu triết học và xã hội học, tôi không thể không lên tiếng. Tuy nhiên, tôi vẫn nhất quán một ý mà chưa có dịp nói cho kỹ: không thể đổ hết lỗi cho ngành giáo dục và đào tạo, mặc dầu trách nhiệm này là không thể lẩn tránh.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái mà đôi lúc tưởng chừng như "vô phương cứu chữa" của chất lượng giáo dục và đào tạo. Nếu chỉ quy trách nhiệm cho riêng Bộ Giáo dục - Đào tạo công việc quá nặng nề của sự nghiệp hun đúc "nguyên khí quốc gia, đào luyện hiền tài" thì cũng chỉ là một cách đơn giản theo kiểu "trăm dâu đổ đầu tằm". Như vậy thì e vẫn chưa thể tìm ra phương sách đúng.

Đã nhiều lần cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tự nhận mình có trách nhiệm lớn đối với sự xuống cấp của giáo dục. Những năm cuối đời, ông dành phần lớn thời gian cho sự nghiệp cao quý này. Đối với ông "trọng học vấn, trọng nhân tài, vì đó là của quý không gì thay thế được của một nước, một dân tộc. Có nó thì sẽ có tất cả, thiếu nó, thì cái còn lại còn gì là đáng giá"(1). Có lần, ông căn dặn chúng tôi "đây là cái đáng để dồn hết sức còn lại mà làm, đừng có tham, hãy tập trung thời gian và sức lực cho cái cực kỳ cần làm này".
   Nhắc lại chuyện này, tôi muốn nói đến những ràng buộc từ nhiều phía, nhiều nguồn, nhiều người... đã góp phần vào sự suy thoái của chất lượng con người, sản phẩm trực tiếp của hệ thống giáo dục và đào tạo. Để nói rõ thêm ý này, xin nhắc lại đây mẩu chuyện của anh Phan Đình Diệu kể "Lần cuối cùng gặp đồng chí Phạm Văn Đồng ở nhà nghỉ Tam Đảo, trước khi ra về, tôi có nhắc lại với Anh là tôi không ngờ lời căn dặn thân tình của Anh đối với lớp sinh viên Sư phạm tốt nghiệp năm 1957 về sự cống hiến và trung thực đã đi theo tôi gần trọn cuộc đời; cống hiến thì tôi chẳng làm gì được nhiều, nhưng trung thực thì tôi cố giữ cho đến trọn đời. Anh nắm chặt tay tôi, trầm ngâm bảo: có lẽ bây giờ trung thực phải đặt lên trước, vì là cái thiếu nhất". (2)

Phải chăng chính "cái thiếu nhất" mà nhà văn hóa Phạm Văn Đồng "trầm ngâm" suy tư đó là một tác nhân ghê gớm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và đào tạo trong hơn hai thập kỷ qua.

Xin đưa ra một vài dẫn chứng: Chỉ riêng trong lĩnh vực văn chương và chỉ là những chuyện được nhiều người biết rõ thôi cũng có thể lập được một danh sách khá dài. Một giáo sư lấy sách giáo khoa trung học của nước ngoài dịch ra tiếng Việt rồi cho xuất bản dưới tên mình thành một "công trình nghiên cứu"... Một học giả viết một cuốn sách phê phán tơi bời các trào lưu văn học phương Tây mà chưa từng đọc lấy một tác phẩm nào thuộc các trào lưu đó... Một nhà lý luận... Một giảng viên đại học... Một nhà "ký hiệu học"... (đại khái cũng có những hành vi tương tự)... Cái khó tin nhất ở đây là các bậc học giả sau khi thực hiện những thành tích khó tin ấy, vẫn nghiễm nhiên giữ cương vị cao trong giới học thuật. Giá ở một thế giới phù hợp hơn với sức tưởng tượng của người bình thường, thì chỉ một phần mười những chuyện họ làm thôi cũng đủ chấm dứt vĩnh viễn một sự nghiệp văn chương được xây dựng trên sự lừa đảo. (3)

Cái dung dưỡng cho "sự lừa đảo" ấy, đâu phải do ngành giáo dục và đào tạo đẻ ra mà chính là, trong chừng mực nào đó, nó chi phối và tác động trở lại rất dữ dội quan điểm, chủ trương và phương pháp giáo dục và đào tạo.

Sự xuống cấp của thị hiếu thẩm mỹ, sự kém cỏi năng lực cảm thụ nghệ thuật văn chương, những sai lầm sơ đẳng khác như sinh viên đại học mà chưa viết được câu văn tiếng Việt đúng ngữ pháp, có những chuyện thật như đùa về kiến thức lịch sử, tri thức địa lý thông dụng thể hiện đầy rẫy trong những bài thi. Nhìn rộng hơn, không ít công trình xây dựng mà động có kiểm tra thì đều có vấn đề về chất lượng, chuyện "đuối tầm" của cán bộ quản lý Nhà nước các cấp, không gánh vác nổi trách nhiệm... và bao nhiêu hư hỏng khác là hậu quả đoán trước được của những sai lầm nói trên. Đó là hậu quả của cả một thời đoạn lịch sử của cách sử dụng cán bộ, tuyển chọn nhân tài, chiến lược phát triển đội ngũ tri thức, đội ngũ quản lý và gần đây là quan điểm, cách nhìn nhận, đánh giá về vai trò của nhà doanh nghiệp - lực lượng xung kích của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Nói là hậu quả của một thời đoạn không có nghĩa là bây giờ đã hết những sai lầm. Số tiền Nhà nước đầu tư thực tế cho một nghiên cứu sinh, học viên cao học hiện nay bình quân chỉ là 2,77 triệu đồng/năm, "thấp hơn so với học phí của những khóa đào tạo thợ may, thợ mộc, nhân viên vi tính... mà ta vẫn thấy quảng cáo nhan nhản ngoài đường". Đây liệu có là vấn đề cập nhật, cần có cái nhìn nghiêm cẩn của những ai quan tâm đến truyền thống văn hiến của nước nhà không?

Đi sâu vào quy trình và nội dung đào tạo tiến sĩ có thể thấy ngay được chất lượng của cái mà chúng ta đang góp phần bồi bổ cho "nguyên khí quốc gia" mà cha ông bao đời nâng niu, vun đắp! Chỉ lấy riêng một chuyện chứng chỉ "tối thiểu triết học", cái cần có trước tiên để bước vào quy trình đào tạo nghiên cứu sinh lấy học vị tiến sĩ cũng đã có khối chuyện phải bàn. Một mặt bằng tri thức triết học tối thiểu quả là hết sức cần cho người có trình độ tiến sĩ. Chẳng thế mà ở phần lớn các nước có nền học thuật phát triển đều gọi tên học viên tiến sĩ là tiến sĩ triết học (Ph. D). Cho nên, phải có chứng chỉ "tối thiểu triết học" mới tính đến chuyện bước vào quy trình đào tạo tiến sĩ của bất cứ ngành nào trong hệ thống khoa học và giáo dục nước nhà. Có được cái bằng tiến sĩ mới hứa hẹn một sự thăng quan tiến chức, là điều tất nhiên. Nhưng, cũng theo cái trào lưu chung của chuyện thi cử, tuyển chọn, nỗi ngao ngán của cụ Yên Đổ xưa kia về "tiến sĩ giấy" vẫn có thể lặp lại nguyên xi đối với các "lò" luyện và cấp chứng chỉ này: "Có tiền việc ấy mà xong nhỉ, Đời trước làm quan cũng thế a?"

Ngoài chuyện ấy ra, nội dung của mặt bằng tri thức triết học làm nền cho năng lực tư duy và hành động trên cơ sở một thế giới quan đúng đắn mà chứng chỉ ấy xác nhận có đủ độ tin cậy không lại là vấn đề đại sự, cũng đã đến lúc cần phải đặt lên bàn.

Hàng hóa thì có chế độ bảo hành song loại chứng chỉ này mà nói đến yêu cầu bảo hành thì có lẽ hơi bị kẹt! Những tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài trong vòng hơn mươi năm qua, để phân biệt với phó tiến sĩ được đào tạo trong nước nay gọi là tiến sĩ, được gọi dài dòng hơn một tí là tiến sĩ khoa học. Loại tiến sĩ được xếp cao hơn trong ngạch bậc ở mặt bằng thời thượng này lại không thể được cấp cái chứng chỉ tối thiểu triết học kia! Không hiểu có phải vì họ thiếu cái mặt bằng cực kỳ cần thiết đó không mà những người thích đùa trong dân gian gọi họ là tiến sĩ khờ (t.s.k.h). Khờ hay không thì cũng tùy người, song có một thực tế là do quy trình, nội dung, phương pháp đào tạo nên chất lượng chuyên môn của họ thường được sự tin cậy của nơi sử dụng. Thậm chí, vô hình trung, họ có sự "bảo hành" cao hơn! Thế hóa ra cái chứng chỉ kia không có mấy giá trị thực chất? Đây cũng không chỉ là chuyện cái giấy chứng chỉ, mà là nội dung của tri thức triết học đang được giảng dạy trong các trường đại học, trong việc đào tạo nghiên cứu sinh.  Chuyện này không thể chỉ là trách nhiệm của ông Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Hơn nữa, cho dù ông ta có muốn làm cũng không thể làm được.

Sự xuống cấp của chất lượng giáo dục và đào tạo vừa qua, xét kỹ về nguyên nhân không thể dồn hết cho Bộ Giáo dục và Đào tạo mặc dầu sự phê phán vừa qua cũng chưa đầy đủ. Theo tôi, có khi lại phải tìm hiểu về sự hạn chế của một lối mòn trong tư duy. Phải có sự giải phóng về tư tưởng, bứt ra khỏi những lối mòn cũ kỹ trong tư duy, thoát ra khỏi những quan điểm hạn hẹp và lạc hậu trong đào tạo nhân tài, tuyển chọn và sử dụng cán bộ thì mới có được những quyết sách táo bạo trong giáo dục và đào tạo. Chỉ dừng lại ở những phê phán cục bộ và manh mún của những biện pháp tuyển sinh, soạn sách, thu học phí... thì rồi cũng luẩn quẩn trong những "cải tiến, cải lùi" như vừa qua mà thôi. Mà đó không phải là điều mà chúng ta hướng tới. Cái mà đất nước cần khi bước vào thế kỷ XXI là một cuộc cách mạng về giáo dục và đào tạo để chuẩn bị nhân lực cho một sự nghiệp trọng đại "chưa có tiền lệ".

Tương Lai  (Báo Văn nghệ)


1. Phạm Văn Đồng - Văn hóa và Đổi mới Nxb CTQG - Hà Nội - 1994, tr.26.
2. Phạm Văn Đồng trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế (Hồi ký) Nxb CTQG - 2002, tr. 842 và 692.
3. Cao Xuân Hạo - Tiếng Việt, Văn Việt, Người Việt, Nxb Trẻ - 2001, tr. 282 và tr. 310.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: