Cá chép vượt vũ môn

09:58 SA @ Thứ Bảy - 03 Tháng Sáu, 2017

Cá chép là biểu tượng cho sự kiên trì, bền chí. Trong truyền thuyết thường có câu chuyện cá chép hoá rồng, vì thế cá chép được coi như rồng - một con vật linh thiêng cao quý.

Cả bầy cá chép, con nào cũng muốn vượt qua cửa rồng. Bởi chúng biết, hễ vượt được qua cửa rồng, thì chúng sẽ từ những con cá chép tầm thường trở thành những con rồng siêu phàm thoát tục.

Khốn nỗi, cửa rồng cao quá, cả bầy cá chép con nào con nấy mệt đứt cả hơi va vấp đến nỗi thâm tím cả mặt mày mà chẳng con nào nhảy được qua. Bầy cá xúm lại xin với Long Vương, để Long vương hạ cửa rồng thấp xuống một chút. Long vương không bằng lòng, cả bầy cá chép bảo nhau quỳ mọp trước mặt Long vương, không đứng dậy nữa. Chúng quỳ luôn ở đấy chín chín tám mươi mốt ngày, cuối cùng Long vương cũng mủi lòng và đáp ứng yêu cầu của bầy cá.

Thế là cá lớn cá bé nhẹ nhàng thoải mái vượt qua cửa rồng và vui mừng hể hả đều biến thành rồng.

Không lâu sau, những con cá chép được hóa rồng ấy bấy giờ mới phát hiện ra một điều là tất cả cá chép đều hóa rồng, cũng chẳng có gì khác so với lúc tất cả đều chưa phải là rồng. Thế là, cả bầy cá lại đi tìm Long vương nói lên điều ngờ vực khó nghĩ trong lòng.

Long vương cười và bảo: "Cửa rộng chính thức thì không thể hạ thấp được, nếu các ngươi muốn có cảm giác thực sự của con cá được hóa rồng, thì hãy đi mà nhảy qua cái cửa rồng không hạ bớt chiều cao kia kìa".

(Hà Nội, 2007)

Lời bình:

Câu chuyện nói về muốn đạt được sự thay đổi thực sự như từ loài cá thành rồng, như từ cảm mến nhau thành yêu nhau, từ làm ăn qua ngày đến thành đạt đời người... đều cần có sự thay đổi vượt mức độ nào đó, thậm chí phải có hy sinh mất mát lớn, như trong câu chuyện là mệt đứt hơi, va vấp thâm tím mặt mày.

Khi không đủ vượt qua ngưỡng "độ" nào đó thì sự thay đổi về lượng thành chất chỉ là ngộ nhận. Ta vẫn thường thấy thói quen như sau của đa số đánh giá nhầm lẫn giữa biểu hiện về lượng với biểu hiện về chất như: cứ trai gái mà hôn nhau lãng mạn, tay trong tay rong ruổi khắp nơi... ấy là yêu nhau say đắm, tâm đầu ý hợp; cứ ai đó cưỡi ô tô xịn, ăn mặt hàng hiệu ấy là doanh nhân thành đạt...

Trong triết học duy vật thường nhắc tới nguyên lý chuyển hoá lượng - chất sau đây: "Sự biến đổi về lượng dẫn đến sự biến đổi về chất và ngược lại". Nhiều người đã nhầm lẫn, suy luận rằng cứ đạt được điều kiện biến đổi dần dần về lượng là sẽ đạt được kết quả là biến đổi về chất.

Từ khi có kinh tế thị trường người ta lại càng hay trích dẫn câu nói của Rockerfeller: "Điều gì không thể mua được bằng tiền, thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền". Số đông đều cho rằng đây là cách phát biểu cụ thể của chính nguyên lý về cách phát triển của sự vận động.

Thực ra, đạt đến mức độ nhiều chỉ ở một số mặt, phiến diện thì chưa chắc và thậm chí không thể mua được bằng vật chất, không thể lấy số lượng đổi ngang lấy chất lượng.

Mặt khác có những cái, không đạt đến lượng, chất mong muốn và chờ điều kiện phù hợp thì cũng không thể thay đổi sang lượng mới. Điều này đúng ở những phẩm chất mang tính tổng hợp như tình yêu, hạnh phúc, thịnh vượng, công bằng, văn hóa...

Xin nhắc lại đoạn thơ sau để ta phân biệt rõ một vài thay đổi về lượng với thay đổi về chất thông dụng trong cuộc sống:

Tiền mua được cao lương mĩ vị nhưng không mua được sự ngon miệng
Tiền mua được thuốc nhưng không mua được sức khoẻ
Tiền mua được đồng hồ Rolex nhưng không mua được thời gian
Tiền mua được bộ quần áo sang trọng nhưng không mua được phong cách
Tiền mua được hợp đồng bảo hiểm nhưng không mua được sự yên ổn
Tiền mua được Sex nhưng không mua được tình yêu
Tiền mua được chiếc giường êm nhưng không mua được giấc ngủ sâu
Tiền mua được nhà cao cửa rộng nhưng không mua được tổ ấm
Tiền mua được kính Rayban nhưng không mua được tầm nhìn
Tiền mua được máy tính nhưng không mua được sự sáng tạo
Tiền mua được địa vị nhưng không mua được sự kính trọng
Tiền mua được sách, bằng cấp nhưng không mua được tri thức
Tiền mua được đàn nhưng không mua được cảm xúc…
Tiền có thể thoả mãn được tham vọng nhưng không thoả mãn được khát vọng.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: