Cái khó là sự bình thản, bình tĩnh, sự thận trọng chứ không phải là sự to mồm

09:46 SA @ Thứ Tư - 10 Tháng Chín, 2014

Nguyễn Trần Bạt (NTB): Tôi có được giáo sư Carl Thayer giới thiệu về các bạn. Tôi có một vài buổi thảo luận với giáo sư Carl Thayer, tôi cũng đã có một vài buổi thảo luận với các chuyên gia như các bạn, những cuộc thảo luận ấy đem lại cho tôi rất nhiều điều thú vị, giúp tôi đến rất gần những vấn đề có tính chất chiến lược trên thế giới, giúp tôi mở mang kiến thức và hiểu biết.

MONITOR 360: Chúng tôi rất vinh hạnh được đến đây và hỏi ông rất nhiều câu hỏi về mối quan hệ chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam, giáo sư Carl Thayer là bạn của chúng tôi từ lâu và đã giúp dự án này của chúng tôi rất lâu rồi, ông ấy nói rằng trước khi rời Hà Nội thì không thể nào không nói chuyện với ông Bạt. Chúng tôi xin chúc mừng ông một năm mới vui vẻ và hạnh phúc. Trước khi bắt đầu chúng tôi muốn giới thiệu qua về tổ chức của chúng tôi. Tôi tên là Scott Strand, tôi làm việc cho tổ chức Monitor 360, một tổ chức tư vấn, chúng tôi có văn phòng ở California, ở San Francisco, đồng thời ở Washington D.C. Chúng tôi chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến chiến lược chính trị. Cô Elizabeth Clark Wente và anh Jordan D’amato là hai đồng nghiệp của tôi. Chúng tôi được tài trợ bởi chính phủ Mỹ nghiên cứu để trả lời một câu hỏi mà rất nhiều khách hàng của chúng tôi đã hỏi, đó là làm sao để cho nước Mỹ hiểu hơn về Việt Nam, hiểu hơn về quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, và giữa Việt Nam với Trung Quốc. Tư vấn mà chúng tôi sẽ đưa cho khách hàng sẽ dựa trên việc làm cách nào để Việt Nam có thể phối hợp hơn nữa với Mỹ để Mỹ có thể hiểu được những quan điểm của người Việt Nam về những vấn đề chủ chốt. Vì thế chúng tôi có rất nhiều câu hỏi và hy vọng ông không bị chán.

NTB: Tôi không chán bởi tôi đã dành vào khoảng 25 năm để xúc tiến quan hệ Việt - Mỹ, tôi đã tiếp xúc với nhiều nhà chính trị Mỹ, nhà ngoại giao Mỹ liên quan đến lịch sử chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Đông Dương. Tôi đã tiếp xúc với đại sứ Woodcock là nhà ngoại giao Mỹ cuối cùng bàn về xử lý hậu quả của chiến tranh Việt Nam. Tôi đã thảo luận với đại sứ Leonard Unger về chiến tranh Việt Nam và về những vấn đề đương đại của chiến tranh Việt Nam. Tôi đã nhận lời mời và đến Washington D.C để nói chuyện với Tiến sĩ Henry Kissinger về những vấn đề quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Thành phố của các bạn, thành phố San Francisco tôi đã đến đấy và nói chuyện tại Commonwealth Club, dự chiêu đãi và nói chuyện ở sảnh đường của tòa thị chính với sự tổ chức của thị trưởng thành phố San Francisco. Vì thế có thể nói với các bạn là tôi yêu mến nước Mỹ và yêu mến quan hệ mà chúng tôi nghĩ rằng cần phải có với nước Mỹ.

Gần 20 năm trước tôi có nói với tiến sĩ Kissinger rằng, chúng ta đã thất bại trong quan hệ đối với nhau và có lẽ chúng ta phải làm lại với một thái độ khác và một cách thức khác. Tôi tham gia vào nhóm của Citicorp để vận động cho việc bỏ cấm vận với Việt Nam. Công ty của tôi đã đưa vào Việt Nam tất cả những nhà công nghiệp quan trọng nhất của nền kinh tế Hoa Kỳ, Citibank, 3M, IBM, CocaCola, AIG, vì thế cho nên phải nói rằng tôi trở thành triệu phú vì nhận được tiền dịch vụ từ các công ty Hoa Kỳ. Tôi là một trong những người Việt Nam có kinh nghiệm về nền kinh tế Hoa Kỳ và có kinh nghiệm về sự chưa thành công của các công ty Hoa Kỳ tại Việt Nam, về những kinh nghiệm không thành công của người Việt Nam trong quan hệ với Hoa Kỳ. Các bạn có thể đặt cho tôi bất kỳ câu hỏi gì. Tôi không đối lập với Chính phủ của chúng tôi, nhưng tôi độc lập với họ.

MONITOR 360: Cảm ơn ông một lần nữa, câu hỏi đầu tiên của chúng tôi sẽ là, khó khăn lớn nhất mà các bên gặp phải là gì khi ông làm việc với Citicorp để vận động bỏ cấm vận?

NTB: Khi tôi lập tổ chức này tôi có thông báo trong một buổi họp báo quốc tế là chúng tôi sinh ra để phiên dịch sự khác biệt giữa chúng tôi với phương Tây. Sự khác biệt thứ nhất là khác biệt về chính trị, sự khác biệt thứ hai là khác biệt về mức độ phát triển, khác biệt thứ ba là khác biệt về văn hóa. Đấy chính là ba điểm khó khăn mà tôi đối mặt trong những ngày đầu tiên làm việc với họ.

MONITOR 360: Tôi muốn chú ý đến vấn đề văn hóa trước, sự khác biệt lớn nhất là gì giữa Mỹ và Việt Nam?

NTB: Văn hóa là một khái niệm có nội hàm rất phức tạp, vì thế cho nên có những điểm cho đến bây giờ chúng ta cũng chưa vượt qua được. Ví dụ người Mỹ rất thích quyền tự do cá nhân. Còn người Việt thường trốn quyền tự do cá nhân vào trong đời sống gia đình, đời sống thôn xóm, cho nên người Việt có ít điều kiện để hiểu thấu đáo về các giá trị của cái mà ở Mỹ người ta rất hiểu, đó là nhân quyền. Chính vì vậy các nhà chính trị của chúng tôi tận dụng sự khác biệt ấy, giải thích nhân quyền nói cho cùng là khá tùy tiện. Có những người cố tình giải thích sai, tuy nhiên cũng có những người do thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm về việc ấy mà giải thích sai. Chính vì vậy cái tồn tại trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, làm cho quan hệ ấy chưa trở nên có ích hơn, nhịp nhàng hơn, vui vẻ hơn chính là vấn đề nhân quyền. Tức là cái yếu tố làm cho quan hệ ấy chưa phát triển lên được, chưa vui vẻ lên được là yếu tố nhân quyền.

Tôi mất rất nhiều công, thậm chí viết cả sách để nói về vấn đề nhân quyền, Tôi là một trong những người Việt Nam viết về nhân quyền có thể nói là nổi tiếng. Thậm chí, tôi đã nói với những nhà lãnh đạo của đất nước chúng tôi là nhân quyền là một điều rất lãng mạn, có thể nói là một trong những vấn đề làm cho đời sống chính trị trở nên rất thú vị mà tại sao các ông sợ không dám nói. Đấy là một ví dụ để nói rằng vai trò mà chúng tôi tự đặt cho mình là làm thế nào để phiên dịch sự khác biệt giữa hai dân tộc này, trong đó có khác biệt văn hóa như các bạn đặt ra. Chúng tôi là một nước chậm phát triển về kinh tế. Thế giới tạo ra một thuật ngữ là “các nước đang phát triển" để gọi những nước như chúng tôi cho lịch sự. Tôi không thuộc loại người trốn đằng sau vẻ lịch sự ấy của thế giới để lười biếng.

MONITOR 360: Chúng tôi xin hỏi cảm nhận riêng của ông về cách mà nước Mỹ vẫn đang đối xử với Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền, liệu nước Mỹ có nên có những thay đổi gì không để cho phù hợp hơn với tình trạng hiện tại?

NTB: Tôi nghĩ nước Mỹ không những nên có thay đổi mà phải luôn luôn thay đổi, bởi vì mức độ trì trệ về nhân quyền ở những nước như Việt Nam nó cũng thay đổi dần dần, nó cũng tiến bộ lên chứ không phải là không. Vì thế nước Mỹ cần có hai loại thái độ rõ ràng về vấn đề nhân quyền: thái độ thứ nhất là thái độ khuyến khích những nhà chính trị có những biểu hiện tích cực về nhân quyền và thái độ thứ hai là thái độ kiên trì giữ gìn quan điểm về nhân quyền của mình, không nên nhân nhượng. Bởi người dân chúng tôi trông vào sự kiên trì của các bạn đối với các quan điểm về nhân quyền mà tin các bạn.

MONITOR 360: Xin hỏi về suy nghĩ cá nhân của ông về những động thái mà chính quyền Việt Nam nên làm để thay đổi về tình hình nhân quyền ở nước mình?

NTB: Tôi nghĩ Chính phủ chúng tôi là một Chính phủ không bướng bỉnh lắm về vấn đề này. Gần đây họ có những thay đổi rất đáng khích lệ, họ đã đưa khái niệm nhân quyền vào trong Hiến pháp một cách rất đáng khoe.

MONITOR 360: Ông đã hoạt động rất lâu rồi, ông đã chứng kiến rất nhiều thay đổi. Theo quan điểm riêng của ông đâu là thay đổi nổi bật nhất trong quan hệ Việt - Mỹ suốt hơn 20 năm qua?

NTB: Đó là sự có mặt một cách rất đáng khích lệ, rất đáng tự hào của các đại công ty của Mỹ tại Việt Nam. Các đại công ty của Mỹ có mặt ở Việt Nam làm cho tôi có cảm giác ở Hà Nội cũng có kim tự tháp. Đấy là một thành công rất lớn của người Mỹ, không phải chỉ của Việt Nam. Nhiều năm trước đây, năm 1995 tôi có được giao lưu, được gặp tổng thống Bush bố khi ông đến thăm Hà Nội. Ban tổ chức có đề nghị tôi hỏi ông tổng thống một vài câu để làm cho không khí có vẻ khách sáo ban đầu trở nên ấm áp hơn, tôi đã làm rất thành công khi đặt câu hỏi cho ngài tổng thống. Tôi có hỏi tổng thống: là một nhà chính trị tầm lớn nhất của thế giới, ngài phải bước những bước dài để đi qua một khoảng cách, để đến với một nước đã từng là thù địch của ngài là Việt Nam, ngài có cảm thấy mệt không? Tổng thống có một câu trả lời có lẽ cả đời tôi sẽ không quên, ông nói: tôi thấy rất hạnh phúc khi làm lành được với một đối thủ như Việt Nam, tôi cảm thấy tất cả mức độ mà một con người có thể có về hạnh phúc. Rất lạ là sau đó tôi nói tôi xin chuyển nguyên xi câu hỏi này cho phu nhân tổng thống Bush tức là Barbara Bush, bà ấy trả lời cũng như thế. Tôi tranh thủ tất cả các cơ hội để làm cho mối quan hệ Việt - Mỹ trở thành một thực tế chính trị, tôi không nói thực tế kinh tế, thực tế thương mại, vì cái đó rất nhiều người làm. Nhưng trở thành một thực tế chính trị thì không phải ai cũng làm được.

MONITOR 360:Tôi xin hỏi cảm nghĩ và suy nghĩ riêng của ông là nước Mỹ nên làm gì để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ với Việt Nam?

NTB: Tôi nghĩ rằng nước Mỹ giống như một người anh lớn trong sân trường, nước Mỹ phải tiếp tục đóng những vai trò đã đóng trong quá khứ, bất chấp cả khủng hoảng tài chính và kinh tế.

MONITOR 360: Không phải ai cũng nói như thế về Mỹ, vì thế chúng tôi xin cám ơn ông.

NTB: Tôi đã từng tranh luận vấn đề này với thượng nghĩ sĩ Nê-vô-ran của nước Úc cách đây 25 năm, ông ấy không tin rằng nước Úc có thể là cầu nối để cho Việt Nam có một quan hệ tốt với Hoa Kỳ. Tôi nói rằng ngài sai, có thể ngài chưa làm nhưng nước Úc sẽ làm, bởi nước Úc là một quốc gia châu Á về mặt địa lý và một quốc gia châu Âu về mặt chủng tộc, nước Úc phải làm như vậy vì nước Úc đóng ở địa điểm ấy. Tôi có nói với ông ta rằng, tất cả các nước châu Á đều phải đối mặt với một đối tượng, và khi đối mặt với đối tượng ấy các ngài cần người Mỹ. Rất thú vị sau đó tôi nói nguyên si những chuyện đấy với thượng nghĩ sĩ Kim Beazley, năm ngoái ông ta vẫn là đại sứ của nước Úc tại Hoa Kỳ.

MONITOR 360: Đối tượng lớn lớn mà ông vừa nói có phải là Trung Quốc đúng không?

NTB: Đúng thế, cái đó không cần phải đoán.

MONITOR 360: Cũng biết là hoàn cảnh như vậy cho nên chúng ta phải mở rộng quan hệ. Để mở rộng quan hệ thì cần phải nhiều điều, một trong những điều đó là hiểu biết chung lẫn nhau. Trong Chính phủ Mỹ cũng có những người chưa thực sự nhiệt tình, chưa thực sự quan tâm, và vẫn còn những nghi ngờ. Chính phủ Mỹ cũng muốn hiểu thêm về Việt Nam để biết rằng Việt Nam cũng có những suy nghĩ gì về họ và vai trò của họ. Theo ông, phía Mỹ nên làm gì để hai bên hiểu nhau nhiều hơn?

NTB: Tôi nghĩ rằng cho đến hiện nay không có bất kỳ khó khăn nào làm cản trở việc người Việt Nam thông cảm hoặc hiểu người Mỹ, thích người Mỹ. Người Việt Nam rất dễ thích người Mỹ. Hay nói cách khác, người Mỹ thật ra rất dễ thích đối với nhiều người. Chúng tôi có kinh nghiệm về thái độ chính trị của người Mỹ đối với các đối tượng lớn ở trong khu vực này. Có một tỉ lệ khá lớn người Việt Nam đã bắt đầu biết rằng không xác lập được những quan hệ có ích thì rất khó có những tình cảm có ích. Chúng tôi đã bắt đầu có kinh nghiệm để hiểu ra rằng, tất cả những lẽ phải phổ quát chính là chỗ dựa cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.

MONITOR 360: Ông có thể nói rõ hơn về khái niệm lẽ phải phổ quát?

NTB: Lẽ phải phổ quát là lẽ phải được mọi người thừa nhận.

MONITOR 360: Nghĩa là phải có một lẽ phải gì đấy, một chân lý gì đấy chung?

NTB: Đúng thế. Người Việt Nam đã bắt đầu ý thức được những lợi ích chung, những tiêu chuẩn văn hóa chung, những tiêu chuẩn đạo đức chung. Tôi lấy ví dụ vấn đề tế nhị nhất mà rất nhiều cuộc đàm phán, rất nhiều cuộc thảo luận của chúng ta vướng phải, đó là vấn đề nhân quyền. Nhân quyền là điểm khiến người ta khó đến cùng nhau nhất ở Việt Nam. Để đi qua chỉ một khái niệm như vậy thôi chúng tôi mất rất nhiều thì giờ. Nhưng vào phút này có thể nói là người Việt chúng tôi đã thở phào một cái bởi chúng tôi đã bắt đầu có thể nói về nhân quyền một cách công khai. Tôi có đến nói chuyện ở cơ quan nghiên cứu chiến lược của Bộ ngoại giao về vấn đề này. Tôi nói với họ là tại sao những trí thức tiên tiến như chuyên gia của Bộ ngoại giao lại thiếu dũng cảm trong việc nói với các nhà lãnh đạo của chúng tôi phải xem vấn đề nhân quyền là vấn đề có thể nói to được. Tôi nói điều ấy không chỉ ở Bộ Ngoại giao mà ở cả một số cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ví dụ người ta hỏi tôi: cải cách giáo dục là gì? Tôi trả lời, cải cách giáo dục chính là phi chính trị hóa giáo dục.

MONITOR 360: Khi ông can đảm lên tiếng như thế chắc cũng phải đối phó với nhiều khó khăn?

NTB: Mặc dù tôi không phải là đảng viên cộng sản, nhưng những người cộng sản họ yêu mến tôi đến mức họ cho tôi xuất bản sách, những quyển sách nói về những điều tôi vừa nói với các bạn. Tôi đã tặng bộ sách ấy cho đại sứ David Shear, tặng tham tán chính trị của sứ quán Mỹ, tặng thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, thư viện của trường Harvard và thư viện của thành phố San Jose. Tôi nghĩ rằng không có điều gì cấm kỵ ở Việt Nam nếu biết nói với một thái độ và với một giọng đủ thân thiện, đấy là kinh nghiệm. Khi tôi nói như vậy không phải người Việt Nam cũng nói được. Một trong những nhà chính trị cỡ nguyên thủ ở Việt Nam đã nghỉ hưu có mời tôi đến nhà và hỏi tôi: tại sao tôi mới viết có vài bài mà người ta đã kêu ca, mà ông viết những năm quyển sách người ta không kêu ca, ông hãy nói cho tôi kinh nghiệm ấy. Tôi nói rằng, hãy thêm một chút thân thiện vào!

MONITOR 360:Lúc nãy ông có đề cập đến một vấn đề là giáo dục, chúng tôi xin hỏi, theo quan điểm của ông chúng ta nên cải tổ giáo dục như thế nào để tăng sức cạnh tranh của Việt Nam trong tương lai?

NTB: Tôi cho rằng năng lực cạnh tranh của con người tăng lên cùng với tự do của họ, tôi đã viết một quyển sách bàn về tự do, có lẽ đấy là quyển sách duy nhất người châu Á viết về tự do. Ở châu Á hình như người ta chỉ thích nói đến những thứ gì ăn được, tự do người ta không có kinh nghiệm để ăn. Trong quyển sách ấy tôi viết rằng, tự do có thể ăn được và tôi chứng minh rằng người ta ăn tự do như thế nào.

MONITOR 360: Vâng đúng là tự do sẽ mang lại đồ ăn trên bàn, ở Mỹ thì tự do quá nên thiếu ăn. Có khi chúng tôi nên đọc sách của ông nhiều để vừa có tự do, vừa có ăn. Tôi xin hỏi về vấn đề TPP, TPP tác động thế nào đến mối quan hệ thương mại giữa hai nước?

NTB: Các bạn biết rằng ở Úc hay ở Mỹ để có một visa cư trú thì người ta phải học một số chứng chỉ, nhất là ở Úc thì những người muốn ở lại Úc là phải có một số chứng chỉ, đủ để chính phủ Úc yên tâm rằng người đó không thất nghiệp, người đó có ích cho xã hội. TPP cũng là một trong những chứng chỉ như vậy đối với cộng đồng kinh doanh Việt Nam, hay đối với chính phủ Việt Nam. Đấy là những lớp học để cho người Việt Nam chuyên nghiệp hơn trong hoạt động thương mại quốc tế. Còn đối với các nhà chính trị thì nó giúp họ hiểu rằng sự ương bướng có thể làm giảm lợi ích của đất nước.

Tôi hoan nghênh TPP và tất cả các cuộc đàm phán của nó. Cách đây độ 10 năm, khi còn đàm phán BTA hoặc đàm phán WTO, thì trong mỗi buổi liên hoan cuối mỗi kỳ đàm phán diễn ra tại nhà riêng của đại sứ Hoa Kỳ, bao giờ tôi cũng được mời. Tôi là người cổ vũ cho những đàm phán trong quan hệ thương mại Việt-Mỹ. Phó đoàn đàm phán của Hoa Kỳ đã từng bảo với tôi là có lẽ tôi sẽ kiến nghị chính phủ tôi là di chuyển sự đàm phán từ Bộ thương mại về công ty của ông.

MONITOR 360: Giữa những nhà lãnh đạo của Việt Nam thì tình cảm, thái độ của họ với TPP là đồng nhất, đồng thuận hay còn mâu thuẫn, và nếu còn mâu thuẫn thì mâu thuẫn như thế nào?

NTB: Tôi nghĩ là nếu có ai đó không đồng thuận lắm thì chắc là họ cũng không nói ra được, bởi vì đó là điều cần giấu. Sự không đồng thuận là điều cần giấu trong nền chính trị của chúng tôi hiện nay.

MONITOR 360: Tôi xin hỏi về vấn đề cải tổ các công ty nhà nước. sự cải tổ này đã đủ nhanh chưa, cần phải làm những gì nữa?

NTB: Phải nói là ý muốn cải tổ đã xuất hiện một cách rất rõ ràng và thể hiện công khai không còn giấu diếm nữa. Bây giờ có hai vấn đề, thứ nhất là họ vẫn chưa hiểu đúng thế nào là tái cấu trúc lại các doanh nghiệp nhà nước. Thứ hai là họ cũng không lường trước được nó khó thế nào, bởi vì trong những cái mang ra để bán có cả những xí nghiệp yếu, và những xí nghiệp chết. Bây giờ thì họ không có đủ năng lực để phân biệt cái nào yếu, cái nào chết và đấy chính là cái khó của họ.

MONITOR 360: Đúng là khó thật vì có ai muốn mua xác chết đâu. Ở Mỹ hiện tại thì người ta cũng rất hứng thú với việc đầu tư vào nền công nghệ cao của Việt Nam. Xin hỏi ý kiến ông là người Mỹ nên làm gì để có thể tăng cường đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam?

NTB: Tôi nghĩ là có lẽ giai đoạn đầu tiên tăng cường vào đầu tư giáo dục đã. Người lao động Việt Nam chưa đủ năng lực để có thể phục vụ cho một nền kinh tế công nghệ cao. Vì thế cho nên rất nhiều ý tưởng tốt đẹp không nở, không lớn lên được ở đất nước của chúng tôi. Tôi lấy ví dụ để có được một bạn nói tiếng Anh thuần thục như bạn phiên dịch này chẳng hạn ở Việt Nam, nói vậy thôi nhưng không dễ dàng kiếm ra.

MONITOR 360: Chúng tôi xin mạn phép bàn chuyện về con voi mà ông vừa nói, con voi Tàu. Xin hỏi ông bối cảnh hiện tại trong kinh tế và chính trị qua lại giữa VN và con voi Tàu đó đã ảnh hưởng thế nào đến kinh tế chính trị của VN?

NTB: Về mặt lý luận, đấy là một vấn đề thú vị. Rất nhiều bạn bè của tôi là những nhà ngoại giao của Hoa Kỳ vẫn chê chúng tôi là dát, không dám có thái độ một cách thẳng thắn với người Trung Quốc. Tôi có nói với họ là càng xa Bắc Kinh thì con người càng dũng cảm. Chúng tôi có một cái không may là chúng tôi ở không xa họ, đấy là cái rất khó khăn. Các bạn không biết là hàng ngày chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Một trong những lý do mà chúng tôi gặp phải khó khăn trong quan hệ với họ, là bởi vì chúng tôi đã từng dựa vào họ trong cuộc chiến tranh Đông Dương của người Hoa Kỳ. Đấy là một ví dụ lịch sử mà nó giống như một nghệ sĩ múa, phải rất khéo để đi qua được những cái khe hẹp như vậy. Và chúng tôi cũng biết rằng người Mỹ cũng hoàn toàn không dễ dàng trong việc xử lý các quan hệ như thế đối với người Trung Quốc. Bởi vì chúng tôi va chạm với người Trung Quốc cũng giống như người Mỹ, người Mỹ cũng đã từng va chạm với người Trung Quốc ở Triều Tiên. Phải nói rằng tất cả lịch sử ấy để lại rất nhiều khó xử. Tôi có thể nói với các bạn là mặc dù phải đối xử với một bà hàng xóm khó tính như vậy, nhưng chúng tôi vẫn đủ gan để yêu người Mỹ. Đấy là cái duy nhất động viên tôi, khi tôi bắt đầu sự nghiệp tham gia vào việc xây dựng quan hệ Việt – Mỹ cách đây 25 năm.

MONITOR 360: Ông có để cập đến khái niệm anh cả trong sân trường, vậy thì vai trò của người anh cả ấy trong quan điểm của ông là cái gì?

NTB: Nó đang xảy ra trong vấn đề Biển Đông. Đảm bảo tự do đi lại, tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông là vấn đề quan trọng nhất. Tất nhiên người Việt Nam chúng tôi đủ thông minh để không hy vọng rằng người Mỹ mang tàu thủy đến, mang máy bay đến để hỗ trợ người Việt Nam đánh lại người Trung Quốc. Chúng tôi không chờ đợi điều đấy và cũng không muốn điều ấy xảy ra. Chúng tôi muốn rằng sự có mặt của những anh lớn như vậy, làm cho những anh lớn lớn khác cũng không bắt nạt những đứa trẻ be bé như chúng tôi. Vậy thì lợi ích là gì? Đấy là câu hỏi rất quan trọng. Tự do hàng hải, đảm bảo ổn định của khu vực này chính là lợi ích chung của cả khu vực này cũng như lợi ích của Hoa Kỳ. Rất nhiều người Việt Nam cực đoan khác thì đòi chúng tôi ôm lấy người Mỹ và làm cho người Mỹ trở thành kẻ đánh hộ chúng tôi. Tôi nghĩ rằng ý đồ ấy không thông minh lắm.

MONITOR 360: Nếu thế thì chắc sẽ có thế chiến thứ ba, cho nên cũng không nên.

NTB: Cũng không dễ mà có thế chiến, nhưng có thể có cuộc chiến tranh be bé dưới mức ấy. Nhưng những cái be bé ấy thôi cũng đã đủ mệt rồi. Dân tộc chúng tôi là kẻ mệt mỏi vì những cuộc chiến tranh be bé dưới mức thế chiến.

MONITOR 360: Phía Mỹ cũng rất muốn giúp đỡ VN về tự do hàng hải, thế nhưng theo ý kiến của ông thì phía Mỹ nên làm gì để vừa giúp đỡ Việt Nam mà lại không chọc giận bạn Tàu kia?

NTB: Tôi nghĩ là với các nước lớn như Mỹ và Trung Hoa thì chọc giận họ là việc dễ nhất. Cho nên phải rất cẩn thận khi định chọc giận. Còn tôi nghĩ nếu không định chọc giận thì mọi việc đơn giản. Tôi luôn luôn nghĩ là những nhà chính trị ở những nước có kích cỡ như Việt Nam thì sự bình tĩnh, sự thận trọng là phẩm hạnh quan trọng nhất trong việc ứng xử với tất cả các quốc gia khổng lồ. Bình thản đối mặt với khó khăn và phải đủ dũng cảm để đi những nước cuối cùng nếu buộc phải làm. Và chính sự dũng cảm ấy tránh cho con người nhiều việc cực đoan. Có rất nhiều người kêu gào về lòng dũng cảm trong việc to tiếng với các quốc gia, tôi phản đối điều đấy. Tôi cho rằng cái khó của nhà chính trị ở những nước như nước Việt Nam là sự bình thản, bình tĩnh, sự thận trọng chứ không phải là sự to mồm.

MONITOR 360: Hiện tại thì Campuchia với Lào có vẻ ngả theo Trung Quốc. Xin hỏi ông Việt Nam và Hoa Kỳ nên làm gì để giữ tình hữu hảo của các nước Đông Dương hiện tại?

NTB: Người ta sợ con sư tử chứ người ta không yêu được con sư tử. Vì thế cho nên đừng làm con sư tử. Tôi nghĩ là người Campuchia, người Lào không ôm con sư tử, các bạn cứ yên chí như vậy, và các bạn thấy người Miến Điện đã hành động như vậy. Những tộc người ấy họ giống nhau về mặt văn hóa.

MONITOR 360: Ông có nói về vai trò của các nước ở Đông Dương, ở Châu Á Thái Bình Dương là mỗi nước có một vai trò riêng. Chúng ta vừa nói về vai trò của Việt Nam, của Campuchia, của Lào. Còn vai trò gì mà các nước khác nên thể hiện nữa?

NTB: Tôi nghĩ là sự có mặt của phương Tây hiện đại đã cải thiện một cách đáng kể thái độ chính trị của các nước Đông Nam Á. Tôi theo dõi các nước Đông Nam Á từ những năm 50 của thế kỷ trước, từ cuộc đảo chính của tướng Suharto với tướng Sukarno. Tôi theo dõi tất cả những diễn biến chính trị của Philippines, theo dõi các diễn biến chính trị của người Malaysia. Phải nói là có những bước tiến khổng lồ về mặt chính trị của các nước Đông Nam Á theo hướng tự do. Tôi nghĩ là các nước này đã đi theo khuynh hướng đúng, sẽ cởi mở hơn, sẽ liên kết nhiều hơn, sẽ thấy rõ giá trị của phương Tây hơn và không đối lập những khái niệm về giá trị của phương Tây với châu Á. Tôi nghĩ cũng có một vài người châu Á rất thành công, ví dụ như ngài Lý Quang Diệu, nhưng phải nói rằng chính sự thành công trước đây làm cho quan điểm của những người như vậy về phương Tây không cởi mở giống như các nước đang khó khăn sau này. Nếu như ở Singapore người ta thích phương Tây từ tầng lớp trên xuống, thì chính ở các nước chậm phát triển ở khu vực Đông Nam Á này người ta thích phương Tây từ tầng lớp trẻ, từ tầng lớp dưới lên. Và đấy chính là sự khác nhau giữa hai khuynh hướng xích lại với phương Tây từ các nước đang phát triển, và các nước chậm phát triển ở khu vực Đông Nam Á. Người Úc là đồng minh đương nhiên của người Mỹ, nhưng thái độ chào đón của người Úc đối với người Mỹ chưa chắc đã nồng nhiệt hơn những người như người Việt. Đấy là một đặc điểm chính trị mà người Mỹ cần tận dụng.

MONITOR 360: Xin hỏi về nước Nga, không biết là công ty ông có dính líu gì đến đầu tư của Nga hay không, nếu có thì xin hỏi ý kiến của ông là đầu tư của Nga ở Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến cục diện chính trị và kinh tế của Việt Nam như thế nào?

NTB: Phải nói là nếu như người Trung Hoa và Việt Nam gắn bó với nhau bằng lịch sử và bằng cả các đặc điểm văn hóa tương đồng, thì người Nga gắn bó với Việt Nam bằng chiến tranh lạnh và bằng lịch sử chính trị. Vì thế cho nên tôi không nghĩ rằng đây là một mối quan hệ lâu dài và bền vững, quan hệ này là một quan hệ buôn chuyến có chất lượng lịch sử. Có một chừng mực nào đó, chúng tôi cân bằng với các mặt tiêu cực của người Trung Hoa, nhưng nó không đủ để làm bất kỳ cái gì hơn thế.

MONITOR 360: Rất cảm ơn ông, đó là câu hỏi cuối cùng của chúng tôi

NTB: Bây giờ đến lượt tôi hỏi các bạn. Tôi nói với các bạn với tư cách là một người rất yêu sự nghiệp của tôi, đó là tổ chức và củng cố quan hệ đối với Hoa Kỳ. Nếu tôi làm việc này thì có đáng để làm không và các bạn có thể góp ý với tôi để làm tốt hơn được không?

MONITOR 360: Ông đã làm nhiều việc hết sức đáng ngạc nhiên để giúp củng cố mối quan hệ Việt – Mỹ. Trong mối quan hệ Việt - Mỹ thì khó khăn tiềm ẩn là chúng ta nhìn thấy nhau, hiểu về nhau hơi ít. Những người như ông là những người rất đặc biệt, ủng hộ mối quan hệ này, nhưng lại có sự tiếp cận gần gũi với người có vai trò rất lớn ở Việt Nam. Ví dụ như những chính trị gia lớn ở Việt Nam, những người này là người phía Mỹ không tiếp cận được, thì ông lại tiếp cận được, đấy là điều giá trị nhất. Một nhận xét riêng của chúng tôi, đó là giữa những người chúng tôi đã làm việc trong chương trình hỏi những nhân vật có tầm ảnh hưởng đến lịch sử đất nước Việt Nam trong thời kỳ hiện đại, về riêng mối quan hệ Việt – Mỹ thì chúng tôi xin được phép đánh giá ông là một trong những nhân vật quan trọng nhất, và chúng tôi rất vinh dự được nói chuyện về vấn đề này.

NTB: Tôi rất cảm ơn, và xin kể một câu chuyện để kết thúc buổi nói chuyện này. Tôi có đưa một nhà chính trị hàm Bộ trưởng, là người đứng đầu bộ máy tổ chức của Đảng Cộng sản đến nói chuyện, ăn cơm với đại sứ nước Úc. Tôi có nói với ngài đại sứ rằng: Tôi cố gắng tổ chức hai ngài gặp nhau là để cho nhà chính trị của chúng tôi biết rằng đại sứ của một nước phương Tây họ sẽ hỏi những câu gì. Và tôi cũng muốn ngài đại sứ một nước phương Tây hiểu rằng nhà chính trị Việt Nam họ trả lời như thế nào. Tôi nghĩ là chúng ta bằng nhiều cách xử lý như thế, chúng ta sẽ làm cho các nhà chính trị hàng đầu của chúng tôi có thể nói chuyện với các nhà chính trị của các bạn, và không phải nói trong các nghi lễ, mà nói như những con người với nhau. Bởi vì khi trao đổi với tư cách là con người với nhau thì mọi sự khác nhau vô cùng. Và điều cuối cùng tôi muốn nói với các bạn là tôi rất muốn có quan hệ với tổ chức của các bạn. Chúng ta có thể cùng nhau nghiên cứu các vấn đề về quan hệ Việt – Mỹ hoặc các vấn đề về Việt Nam nếu các bạn thấy có thể có ích cho các bạn. Lần đầu tiên tôi kết hợp với KPMG để thắng cuộc thầu cực kỳ quan trọng của ngân hàng thế giới 2,4 triệu đô la tiền phí. Đấy là nghiên cứu quá trình tư nhân hóa nền kinh tế Việt Nam. Nhưng sau đó người đi ký hợp đồng ấy là ông bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư. Và dự án ấy thuộc về Bộ Kế hoạch đầu tư mà không thuộc về tôi. Cuối cùng thì dự án từ tư nhân hóa nền kinh tế Việt Nam trở thành dự án cổ phần hóa nền kinh tế Việt Nam. Và sau 20 năm bây giờ Thủ tướng của chúng tôi đang phải xử lý hậu quả của quá trình cổ phần hóa.

MONITOR 360: Công ty của chúng tôi đã làm rất nhiều nghiên cứu ở khu vực châu Á, bắt đầu mở rộng nghiên cứu sang Việt Nam, nếu như được làm việc với ông thì chúng tôi rất vinh dự.

NTB: Tôi luôn luôn sẵn lòng làm chuyện ấy. Tôi mong các bạn khám phá ra những thứ, những nước đi chính trị giống như Henry Kissinger đã tìm thấy trong chuyến đi Bắc Kinh vào năm 1968. Nghề của các bạn tôi rất thích, đi tìm cho nhân loại những lối thoát, đấy là công việc của các bạn.

MONITOR 360: Chúng tôi rất vinh dự, rất cảm ơn ông về những lời khuyên và những câu chuyện mà ông chia sẻ.

NTB: Tôi có nói với ông đại sứ Úc tại Việt Nam trước khi ông ấy hết nhiệm kỳ ở đây là người phương Tây không được mất tự tin thông qua khủng hoảng tài chính hiện nay. Phải giữ gìn được mình, vì các bạn tự tin không phải vì các bạn mà vì nhân loại, nếu không thì nhân loại sẽ tiêu cực.

MONITOR 360: Chúng tôi tưởng nhìn vào đấy có vẻ tối, nhưng khi nghe ông nói chúng tôi thấy tia sáng.

NTB: Các bạn phải giữ gìn sự trong sáng của mình, chắc chắn nhân loại vẫn còn phải nương tựa vào các bạn.

MONITOR 360: Cứ mỗi 4 năm chúng tôi lại phải đón một ông tổng thống mới, cho nên mọi thứ đều có thể thay đổi, chúng tôi không thể nào biết được.

NTB: Nước Mỹ đẻ ra tất cả các tổng thống Mỹ.

MONITOR 360: Mọi người Mỹ đều có truyền thống yêu tự do, chúng tôi hy vọng chúng tôi sẽ tự tin.

NTB: Khi Ngài Obama trúng cử tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên rất nhiều người Việt đến than vãn với tôi về cái nọ về cái kia, tôi cười và bảo, tại sao chúng ta lại lo lắng sự trắng của cái răng con bò. Nếu mà người Mỹ bầu nhầm ông ta thì bốn năm nữa người ta sẽ bầu lại, nước Mỹ không bao giờ nhầm lẫn đến hai lần, và người Mỹ không tỏ ra mình nhầm lẫn. Sự khủng hoảng hiện nay ở nước Mỹ và phương Tây là sự khủng hoảng của toàn cầu chứ không phải sự khủng hoảng của riêng nước Mỹ. Đấy là sự khủng hoảng của một chu trình phát triển dài, và tổng thống Obama vượt qua cái khủng hoảng ấy một cách rất ngoạn mục.

MONITOR 360: Chúng tôi cũng hiểu rằng bởi ông ta khá thành công cho nên ông ta dùng khá nhiều nguồn lực của nước Mỹ để giải quyết những vấn đề của nước Mỹ, chúng tôi nghĩ tổng thống tiếp theo sẽ tập trung nhiều hơn vào những vấn đề đối ngoại.

NTB: Đối nội hay đối ngoại chỉ là cách gọi mà thôi. Đấy thực chất là hai mặt của một tờ giấy bạc, có lúc phải giải quyết vấn đề này, có lúc phải giải quyết vấn đề kia.

MONITOR 360: Obama trông già hơn rất nhiều so với lúc ông ấy nhậm chức.

NTB: Tôi nghĩ ông ấy là người tiêu tốn nhiều sức nhất trong tất cả các tổng thống ở trên thế giới.

MONITOR 360: Trong thời gian tới gần đây ông thấy điều gì ở Việt Nam tiến triển?

NTB: Tôi nghĩ rằng bây giờ chưa nói bất kỳ điều gì một cách chắc chắn được.

MONITOR 360: Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới thì tương lai của nước Mỹ và tương lai của thế giới đều nằm ở khu vực này cho nên chúng tôi sẽ phải có mặt ở đây.

NTB: Tôi nghĩ rằng tương lai thế giới rộng hơn khu vực này. Sức mạnh của nước Mỹ đối với khu vực này nó thể hiện rộng hơn. Cho nên nước Mỹ nên giữ các quan hệ một cách toàn diện trên thế giới, chính người Việt Nam chờ đợi điều ấy. Nước Mỹ không giữ được địa vị của con sư tử thì nước Mỹ khó đối đầu với con sư tử mà tôi đã nói lúc nãy. Có những người châu Á có tầm nhìn thấp thì luôn luôn chờ đợi nước Mỹ đến khu vực của họ, tôi thì không nghĩ thế. Nước Mỹ cần phải có một sự chú ý rộng lớn hơn, đó chính là sứ mệnh của nước Mỹ.

Khi các bạn đến Việt Nam lần nữa và khi các bạn cần gì ở Việt Nam chớ quên chúng tôi

MONITOR 360: Xin cảm ơn ông rất nhiều.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ông Nguyễn Trần Bạt trò chuyện với Thomas Friedman

    05/09/2014...Trong tất cả các yếu tố cần phải chăm sóc để phát triển ở Việt Nam thì yếu tố đạo đức vẫn là một yếu tố buộc phải chú ý tới. Chúng ta muốn có một thế giới mà con người vẫn còn tử tế, hay nói cách khác là nó vẫn còn giữ nguyên các tiêu chuẩn cơ bản của con người thì chúng ta buộc phải chăm sóc đạo đức...