Cải cách vì mục tiêu phát triển bền vững

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
08:09 SA @ Thứ Hai - 14 Tháng Tư, 2008
Lý do quan trọng nhất khiến chúng ta phải chấm dứt phương pháp lãnh đạo cách mạng, đó là trái đất không còn đủ nguồn năng lượng sống để lãng phí đến mức tiêu dùng cho những cuộc cách mạng. Những thay đổi trong quan niệm về phát triển ở trên đã chứng minh điều đó. Các nhà nước và các chính phủ, hơn ai hết phải nhận ra tầm quan trọng của hoạt động lãnh đạo để tạo ra sự phát triển bền vững và chân chính. Và đó phải là kết quả của phương pháp lãnh đạo tiến bộ, chủ động trên cơ sở tôn trọng sự đa dạng của cuộc sống chứ không thể là của những hoạt động mang tính cách mạng. Ngoài ra, một lý do quan trọng khác chính là để cho các chương trình xã hội liên tục không bị đứt gãy bởi những cuộc cách mạng được tiến hành bởi những tập đoàn cầm quyền hoàn toàn trái ngược nhau về mặt chính trị và không tuân thủ các quy tắc xã hội. Điều này có nghĩa là cần phải cải cách để không tạo ra những bước nhảy về quản lý xã hội, hay để không tạo ra những sự khác biệt, những sự phủ nhận. Sự phủ nhận các quy tắc xã hội sau các cuộc cách mạng chính là sự phá vỡ tính liên tục của cuộc sống. Do những hạn chế của tầm nhìn nên cách mạng trở thành hành vi hợp lý ngắn hạn và tạo một sự tiến bộ ngắn hạn hoặc là sự tiến bộ phải trả giá bằng việc mất đi sự yên ổn của cuộc sống. Phương pháp lãnh đạo phi cách mạng ra đời giúp con người từ bỏ ý nghĩ biến cách mạng trở thành một thói quen của loài người. Đồng thời, nó khiến con người nhận thức được tầm quan trọng của đổi mới và cải cách, vì đổi mới giúp người ta tư duy liên tục, trong khi tư duy cách mạng là tư duy giật cục. Hơn nữa, tư duy đổi mới liên tục làm con người có trách nhiệm hơn với những hành vi của mình. Vì thế, chúng ta cần tránh việc tuyệt đối hóa ý nghĩa của các cuộc cách mạng như là giải pháp hiệu quả nhất hay duy nhất để phát triển. Và chúng tôi tin rằng, không có những cuộc cách mạng, con người sẽ có các phương thức khác để phát triển hoặc tiệm cận đến sự phát triển mà không phải đổ vỡ và mất mát quá nhiều.

Lịch sử phát triển của thế giới tự nhiên đã tự nó chỉ ra rằng tiến hóa là quy luật phát triển đầu tiên, căn bản và chủ đạo nhất. Chính nó đã tạo ra sự sàng lọc kỳ diệu của tạo hóa và đem lại cho thế giới tự nhiên những thay đổi hợp lý và uyển chuyển. Lập luận này hoàn toàn đúng khi áp dụng cho sự phát triển của xã hội bởi nó có khả năng đảm bảo sự phát triển tự nhiên của hết thảy các sự vật, hiện tượng, cộng đồng và dân tộc. Vì vậy, có thể nói, tiến hóa không chỉ là quy luật phát triển mà còn là công nghệ sinh tồn và hoàn thiện của nhân loại. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, quy luật tiến hóa chính là đổi mới và cải cách.

Thế giới đã đi từ đổi mới đến cải cách như một bước tiến dài về công cụ duy trì sự phát triển. Sở dĩ nói như vậy là bởi đổi mới là một phản ứng mang tính tự nhiên của xã hội để đảm bảo sự thích nghi của nó trước những biến chuyển của tình thế. Nó cũng giống như một số phản ứng sinh học của cơ thể trước những thay đổi của môi trường sống. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đổi mới là thuật ngữ không có nhiều ý nghĩa như chúng ta vẫn tưởng. Đổi mới là công việc hàng ngày, đổi mới không phải là một thành tựu. Để được sống một cách yên ổn trong sự liên tục của các thói quen văn hoá, các thói quen sinh hoạt, con người cần phải luôn đổi mới, tức là con người cần một gia tốc đổi mới hàng ngày. Nhưng, như đã nói ở phần trên, con người luôn có khuynh hướng lạm dụng tính ổn định tương đối của đời sống nên nhiều khi không đổi mới kịp thời, và điều đó có nghĩa là, đổi mới không đủ để tạo ra sự tiến bộ. Nếu xét theo quan điểm này, cải cách là một thành tựu quan trọng hơn nhiều để duy trì sự phát triển và hơn thế nữa, để tạo ra những tiến bộ xã hội. Cải cách là một chuỗi các đổi mới thường xuyên, liên tục, chủ động và tạo ra một trạng thái phát triển uyển chuyển hơn nhiều so với cách mạng. Ý nghĩa quan trọng nhất của cải cách là tạo ra những thay đổi về mặt tư duy và hành động, và đó mới là cốt lõi để tạo ra sự phát triển.

Như vậy, phương pháp lãnh đạo phi cách mạng chính là đổi mới và cải cách. Đặc biệt, cải cách với mục tiêu và nhiệm vụ như đã phân tích ở trên trở thành giải pháp có ý nghĩa và vai trò quyết định hơn cả đối với sự phát triển ổn định và bền vững của cả tự nhiên lẫn con người. Lenin từng nói về các điều kiện để xảy ra một cuộc cách mạng, đó là, phương pháp lãnh đạo của giai cấp lãnh đạo không còn phù hợp nữa, giai cấp bị lãnh đạo không còn chấp nhận phương pháp lãnh đạo cũ nữa và trong xã hội xuất hiện một tầng lớp với một sự giác ngộ mới. Sự ra đời của phương pháp lãnh đạo phi cách mạng cũng không nằm ngoài ba điều kiện này. Thứ nhất, do những biến chuyển nhất định về trình độ, nhận thức, cách thức và mức độ phụ thuộc trong một quốc gia và giữa những quốc gia với nhau, phương pháp lãnh đạo cũ theo kiểu phá bỏ và xây mới không còn phù hợp nữa. Thứ hai, các quốc gia nói riêng và cả thế giới nói chung không còn đủ nguồn lực để dành cho những cuộc cách mạng và giải quyết hậu quả của nó. Và cuối cùng, xét trên phạm vi toàn thế giới, những nhà lãnh đạo khôn ngoan đã bắt đầu tìm kiếm những phương thức lãnh đạo mềm dẻo hơn, ít phải trả giá hơn. Phương pháp lãnh đạo phi cách mạng, sâu xa trong bản chất cũng là một cuộc cách mạng về mặt tư duy lãnh đạo. Tuy nhiên, nó là một cuộc cách mạng đặc biệt bởi nó không tạo ra những thay đổi quá đột ngột cũng như những hậu quả nặng nề như những cuộc cách mạng thông thường. Vì thế, nó thực sự là một trong những kiến giải mới mẻ, khả thi và phù hợp với những yêu cầu của bối cảnh thế giới hiện đại.

Lãnh đạo phi cách mạng là một quá trình sửa chữa một cách có trách nhiệm và nhạy bén hàng ngày các khuyết tật khác nhau trên những khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội. Lẽ ra, từ rất lâu, người ta cần phải hiểu rằng đã qua rồi thời kỳ tuyên truyền trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng về đổi mới và cải cách bởi lẽ đó là công việc cần thiết, đương nhiên, chứ không phải một thành tựu. Để tạo ra sự phát triển ổn định, bền vững bằng phương pháp luận tiến hóa hay phương pháp lãnh đạo phi cách mạng, chúng ta cần xây dựng bộ điều kiện phổ quát của một xã hội mà ở đó phương pháp luận tiến hóa được coi là công nghệ phát triển chủ yếu, gồm có các điều kiện về chính trị, con người và dân chủ hoá. Không có dân chủ thì tốc độ truyền bá thông tin, tốc độ truyền bá các tư tưởng và giải pháp hợp lý sẽ chậm lại, không gian cho sự lan toả ấy cũng trở nên chật hẹp và hạn chế. Không có một xã hội dân chủ thì không thể ứng dụng các phương pháp mang tính đổi mới để tạo thành lý luận cơ bản cho sự phát triển của xã hội. Cần phải phổ biến dân chủ như là tiền đề quan trọng nhất đưa phương pháp lãnh đạo phi cách mạng trở thành công nghệ mới để không những duy trì sự tồn tại, mà còn tạo ra tiến bộ đối với xã hội loài người.

Tuy nhiên, đây không phải là một việc đơn giản, nhất là ở những nước lạc hậu và kém phát triển về trình độ nhận thức như các nước thế giới thứ ba. Đối với những quốc gia này, giải pháp hiệu quả nhất là tạo ra một sự thức tỉnh, thậm chí, là một sự thức tỉnh cưỡng bức. Các nhà chính trị luôn luôn là bộ phận tiên tiến ở bất kỳ một xã hội nào, ít nhất về mặt nhận thức.

Do đó, các nhà chính trị phải tự cưỡng bức mình, tạo ra tiền đề của dân chủ bởi nếu không, sẽ phải tiến hành cách mạng và xã hội phải đối mặt với sự đứt gẫy các cấu trúc. Cần phải dũng cảm áp dụng các biện pháp sao cho hết thảy mọi người đều nhận thức về dân chủ như là điều kiện tiên quyết để tạo ra sự phát triển, mà quan trọng nhất là sự phát triển các năng lực con người. Nếu năng lực con người không được phát huy, chúng ta sẽ tiếp tục đắm chìm trong sự lạc hậu, sẽ lại thua kém trong cuộc cạnh tranh, và một bộ phận nào đó của xã hội sẽ phải tiến hành một cuộc cách mạng. Bằng mọi giá, chúng ta phải tránh làm những cuộc cách mạng, tránh mọi khả năng xảy ra cách mạng. Liều thuốc đặc trị để giải quyết hậu quả của cách mạng chính là đổi mới và cải cách. Nếu trước đây người ta hoặc chủ động đổi mới, cải cách, hoặc đổi mới, cải cách một cách vô thức để tồn tại, thì ngày nay, ranh giới cụ thể giữa chúng ngày càng mờ nhạt đi. Ngày nay, bản thân sự đổi mới, cải cách đã hàm chứa trong nó mục đích và nội dung phát triển. Đổi mới và cải cách là phương pháp mà con người hoàn toàn có thể chủ động điều chỉnh các tiến trình tự nhiên, các tiến trình phát triển mà không phá vỡ, không làm đứt gẫy các cấu trúc của đời sống. Xin được nhấn mạnh một lần nữa là phương pháp lãnh đạo phi cách mạng thực sự là giải pháp tối ưu cho sự phát triển bền vững của thế giới hiện nay.

Đã qua rồi cái thời một con người nghĩ ra mô hình phát triển cho cả một dân tộc. Chúng ta hãy để xã hội làm việc của mình, nó sẽ tự mình đổi mới và tìm ra con đường gần nhất và phù hợp hơn cả với thời đại. Mỗi một người dân, mỗi một gia đình đã, đang và sẽ thực hiện công việc đổi mới như là giải pháp êm ái nhất để duy trì hạnh phúc bé nhỏ của mình. Mỗi một dân tộc cũng phải tuân theo quy luật đổi mới và cải cách trong từng trường hợp cần thiết, tức là phải có khả năng tự điều chỉnh để dịch chuyển đến trạng thái hợp lý hơn, để tránh cho xã hội không bị đổ vỡ do những sai lầm tích luỹ ngăn cản sự phát triển. Bản thân sự phát triển bền vững phải dựa trên nhận thức của từng người và sự tương thuận trong xã hội. Cơ sở hạ tầng cho một xã hội như vậy chính là dân chủ như một không gian tự do cơ bản và tối thiểu để nhân dân có thể nhận thức về sự hợp lý của các hoạt động xã hội. Đây chính là triết học của sự phát triển hiện đại.
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: