“Câu đối – một phương tiện trắc nghiệm trí tuệ của người xưa”

09:01 CH @ Thứ Tư - 22 Tháng Giêng, 2014
Ngày nay, cứ mỗi độ xuân về, người ta mới sực nhớ đến câu đối Tết, vì câu đối là một trong sáu thứ tiêu biểu nhất của ngày Tết theo phong tục cổ truyền của dân ta:

  Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh.


Hình ảnh của ông đồ già ngồi bên hè phố đông đúc của nhà thơ Vũ Đình Liên cũng vẫn còn thấp thoáng trên đường phố Lê Lợi trong mấy năm gần đây vào những ngày giáp Tết. Không biết, năm nay, ông đồ già mặc chiếc áo the tàng, ngồi bên những cuộn giấy đỏ và nghiên mực đen ấy có còn ngồi đó để mang lại một chút dư âm của ngày Tết cổ truyền nữa hay không? Dẫu sao thì ý nghĩa của việc dùng câu đối cũng đã gần như mất hẳn cùng với sự suy tàn của chữ Hán, Nôm trong nền văn học của ta.

Nhưng trong xã hội ta thời xưa, câu đối không chỉ dùng cho mấy ngày Tết mà được sử dụng trong mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp: vui mừng, tang ma, cổ động, châm biếm v.v… Nó là một nghệ thuật chơi chữ, biểu hiện tài năng, trí tuệ, khí phách, tình cảm của con người. Vì vậy, xưa kia, ông cha ta vẫn dùng câu đối làm một phương tiện trắc nghiệm khả năng trí tuệ, khuynh hướng nghề nghiệp, tâm trạng, tư tưởng của người đi học. Câu đối loại này không chỉ được dùng cho trẻ em mà cả người lớn. Giá trị của các câu đối đáp được đánh giá căn cứ trên hình thức, nội dung và cả tốc độ của câu trả lời. Vì vậy, các nhà giáo thời xưa vẫn thường ra những câu đối để chẩn đoán khả năng theo đuổi sự học của học sinh trước khi thâu nhận họ vào trường, đồng thời cũng để tiên đoán sự thành công của họ trong tương lai. Trong sự giao thiệp với các nước xưa, các viên chức Trung Hoa cũng hay dùng câu đối để trắc nghiệm trí thông minh của người dân nước ta trước khi họ quyết định nên đối xử với ta như thế nào.

Nói chung, điều mà các nhà giáo dục thời xưa của ta quan tâm đến trước tiên là khả năng trí tuệ (mental ability) của con người, vì sự thành công trên đường đời, trong nghề nghiệp, không tùy thuộc vào sự học nhiều, nhớ nhiều, mà ở khả năng ứng xử trong mọi hoàn cảnh mới, giải quyết những vấn đề mới thường không có sẵn trong sách vở hay trong kinh nghiệm cũ. Trí thông minh tác động qua sự học tập, sự thích ứng (adaptation) các kinh nghiệm học tập cũ với hoàn cảnh mới, và qua tư duy trừu tượng. Nó bao gồm một tập hợp các khả năng khác nhau, mà quan trọng nhất là các khả năng liên quan đến suy luận trừu tượng (abstract reasoning), suy luận ngôn từ (verbal reasoning) để tìm ra các mối liên hệ giữa các khái niệm, và rút ra các nguyên tắc, các quy luật của sự vật. Đó là một tập hợp một số khả năng trí tuệ mà các nhà trắc nghiệm tâm lý ngày nay gọi là “yếu tố G” (G factor), tức là một khía cạnh của trí thông minh tổng quát cần cho việc học tập trong nhiều lĩnh vực, cũng như cho sự thành công trong các nghề nghiệp khi khôn lớn. Tập hợp các khả năng được bao gồm trong cái mà ngày nay gọi là “yếu tố G” ấy chính là điều mà các nhà giáo dục thời xưa của ta muốn khảo sát nhiều nhất ở người học qua các câu đối.

Phần dưới đây sẽ đề cập đến chức năng của các câu đối trong việc trắc nghiệm trí tuệ của các nhà giáo dục ta thời xưa, qua một số giai đoạn thường được kể lại trong các tài liệu văn học.

Trước hết, ta cần phải biết thế nào là một câu đối. Một câu đối gồm có hai vế đi song song với nhau: vế trên và vế dưới. Mỗi vế có thể gồm bốn chữ trở xuống, gọi là “tiểu đối”, hay năm chữ trở lên, gọi là “câu đối phú”. Ông thầy (hay người ra câu đối) đưa ra một vế (vế trên), và người học trò (hay người đối lại) phải tìm ra vế thứ hai (vế dưới) để đáp lại, càng nhanh càng tốt, đúng theo phép đối về cả nội dung (đối ý) lẫn hình thức (đối chữ theo quy luật âm thanh và loại từ).

Về mặt hình thức, câu đối là một phương tiện khảo sát ở người học khả năng vận dụng các phép đối căn bản để có thể làm văn vần (thơ, phú), biền văn (câu đối, tứ lục, kinh nghĩa) và văn xuôi, tức là các thể văn thông dụng trong chương trình học và thi cử, cũng như trong việc soạn thảo các loại văn thư, chiếu biểu khi ra làm việc nước. Học sinh nào nắm vững được phép đối và biết tận dụng nhanh chóng phép ấy, thì mới được xét là có khả năng tiến xa trên đường học vấn. Theo phép đối này, điều kiện trước tiên là người học sinh phải đối về thanh, nghĩa là “trắc” đối với “bằng” (b), “bằng” đối với “trắc” (t), và về loại từ, nghĩa là hai chữ được đối với nhau phải cùng một loại từ. Các cụ ta ngày xưa chia các chữ ra làm “thực tự” (hay chữ nặng), như: trời, đất, cỏ, cây, v.v… và “hư tự” (hay chữ nhẹ), như: thế, mà, vậy, ru v.v… Thực tự phải đối với thực tự, hư tự phải đối với hư tự. Nói theo lối ngày nay, thì một danh từ đối với một danh từ, một động từ đối với một động từ, một tính từ đối với một tính từ v.v… Đây là một loại khảo sát mà ngày nay người ta thường gọi là trắc nghiệm về văn phạm, một trong những hình thức trắc nghiệm thông dụng về khả năng trí tuệ.

Thí dụ:

Vế trên

1          2          3          4          5

con      ruồi     đậu     mâm   xôi

(b)      (b)      (t)       (b)      (b)

Vế dưới

1         2          3          4          5

cái       kiến     bò        đĩa       thịt

(t)       (t)       (b)      (t)       (t)

Mạo từ            danh từ          động từ           danh từ          danh từ

Những người đối không chỉ làm công việc đối về thanh, mà chủ yếu là đối ý, tức là phải tìm ra ý tưởng tương ứng với vế đã ra, hoặc để trả lời, hoặc để đối chọi lại, sao cho thành hai câu song song. Đây là điều kiện quan trọng của lối trắc nghiệm trí tuệ này. Việc đối ý đòi hỏi người đối phải: (a) hiểu rõ cả nghĩa đen và nghĩa bóng của toàn vế đã ra, rồi tìm ra một câu đáp lại cũng có đủ nghĩa đen và nghĩa bóng tương ứng, (b) hiểu rõ nghĩa của từng từ, nhiều khi phải hiểu cả các chữ đồng âm nhưng khác nghĩa, hay đồng nghĩa khác âm, được dùng trong cùng một vế, (c) tìm mối liên hệ giữa các khái niệm ấy và rút ra một nguyên lý nào đó, nếu có, mà người đối cũng phải áp dụng trong câu đối đáp của mình. Đó là một lối khảo sát gần giống như những trắc nghiệm về thông hiểu (comprehension), phát triển ngôn từ (language development), suy luận trừu tượng (abstract reasoning) và hình thành khái niệm (concept formation) trong các bộ trắc nghiệm về trí tuệ được thông dụng ngày nay. Tất nhiên tất cả đều phải làm đúng theo phép đối nói trên, và phải làm cho thật nhanh. Tốc độ của câu trả lời cũng là một yếu tố quan trọng để khảo sát trí thông minh của người đối.

Nhà văn Chu Thiên trong cuốn “Bút nghiên” kể chuyện trò “Nguyễn Đức Tâm” đang ngồi học với thầy đồ Mỹ Lý thì một ông khách ghé thăm trường và ra một câu đối để trắc nghiệm trình độ học tập của các học sinh trường này. Ông ra câu đối “Cây xương rồng, giồng đất rắn, long lại hoàn long”, và ra điều kiện là khi ông nhai dập bã trầu thì học sinh phải đối lại ngay. Câu này thật là hóc búa vì không những ngụ ý chê bai học sinh dốt, thầy dở mà về từ thì chữ “rồng” (Việt) và chữ “long” (Hán) là hai chữ đồng nghĩa mà khác âm. Cậu Tâm hiểu ngay thâm ý của ông khách, và khi ông này đã bỏm bẻm nhai nát miếng trầu, giơ hai đầu ngón tay cầm lấy bã trầu ném tót ra sân thì cậu Tâm liền xin đối: “Quả dưa chuột, tuột mồm mèo, thử gì mà thử?”. Ông khách thẹn đỏ mặt, nhưng cũng đành phải lên tiếng: “Hơi được, nhưng không chỉnh, mà lại xược. À thảo nào! Bé mà hay chữ tất dễ khinh mạn”. Quả thật, trò Tâm đã đáp lại cả về ý lẫn từ, vừa ngụ ý phản đối trắc nghiệm của ông khách vừa dùng hai chữ đồng nghĩa nhưng khác âm là “chuột” (Việt) và “thử” (Hán).

Nhưng không phải lúc nào câu đối cũng dài, gồm nhiều đoạn như trên, mà có khi chỉ có hai chữ nhưng rất khó vì đòi hỏi người đáp phải suy luận về mối liên hệ giữa các từ để tìm ra một nguyên lý, và áp dụng nguyên lý ấy trong lời đáp.

Cuốn “Giai thoại văn học Việt Nam” kể rằng ông Lê Quý Đôn từ thuở nhỏ đã nổi tiếng là thần đồng. Năm mới lên bảy tuổi, một hôm có ông khách của cha mình đến chơi, muốn thử trí thông minh của ông, bèn trỏ vào con sông chảy quanh vườn nhà, ở đó sông chia ra làm ba nhánh, rồi đưa một vế đối chỉ có hai chữ “tam xuyên” (ba con sông). Câu này có vẻ dễ đối vì chỉ gồm có “tam” (số ba) và một danh từ là “xuyên” (sông). Theo phép đối thông thường, về thanh và loại từ, thì người ta có thể đối lại là “lục phủ” hay “ngũ tạng” gì cũng được, nhưng không phải thế! Câu đối này hóc búa là ở cái nguyên lý có thể rút ra được từ hai chữ ấy, và người đối phải nắm nguyên lý ấy thì mới đối được chữ “tam” và chữ “xuyên” đều có ba nét, hơn nữa chữ “xuyên” cũng là chữ “tam” quay ngang lại một phần tư vòng tròn, 900 mà thôi. Lê Quý Đôn đã tìm ngay ra nguyên lý ấy nên khi trông thấy ông khách đeo đôi mục kỉnh thì ông mừng quá, bèn đối ngay là “tứ mục”. Cái tài tình trong vế đối này là ở chỗ hai chữ “tứ”, nghĩa là bốn, và “mục” nghĩa là mắt, đều có bốn nét cả, mà chữ “mục” cũng là chữ “tứ” quay ngang một vòng 900 mà thành.

Câu đối không những dùng để chẩn đoán khả năng học tập hay để khảo sát trí thông minh của người học, như nói ở trên, mà chủ yếu là để nhận xét về chí hướng, tâm trạng của người học nhằm mục đích tiên đoán (prediction) sự thành công hay thất bại của người ấy trong tương lai. Sách “Đặng Khoa lục sưu giảng” kể rằng xưa kia, ông Nguyễn Tự Cường, người làng Xuân Lôi, tuy đã lớn tuổi, có vợ con rồi mà vẫn bị mang tiếng là người dốt nát. Lúc ông 30 tuổi, vợ ông cố năn nỉ một vị đại khoa để xin cho ông được phép khai tâm. Vị đại khoa nhận lời, nhưng ông Cường học tối dạ, ba ngày không thuộc một bài. Thầy không muốn dạy nữa, ngỏ ý trả ông về với vợ, nhưng bà vợ năn nỉ quá, ông bèn thương tình ra cho một câu đối, nếu đối được thì ông dạy, bằng không thì thôi. Nhân tên làng của thầy là làng Hạ Vũ và gặp lúc đang mưa, thầy liền ra câu đối “Làng Hạ Vũ mưa bay phất phới.” Ông Cường liền ứng khẩu đối luôn là “Đất Xuân Lôi sấm động ù ù”. Thầy liền cả kinh mà nói rằng: “Coi câu đối của anh thì cái khí tượng đại khoa đã biểu lộ. Thực là ít có, thế nào anh cũng thành đạt được. Như thế thì, dù anh không muốn học, tôi cũng khuyên cho đi học”. Quả đúng như lời thầy tiên đoán, ông Nguyễn Tự Cường về sau đỗ Hoàng Giáp, khoa niên hiệu Hồng Thuận thứ 16 triều vua Tương Dực nhà Lê.

Một câu chuyện khác liên quan đến việc tiên đoán sự nghiệp tương lai qua câu đối đáp vẫn được nhắc đến nhiều là câu đối của ông Đàm Thuận Huy ra cho các học trò của ông trong lúc trời đang mưa, họ không về nhà được: “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách” (Mưa không có then khóa mà giữ được khách). Cậu học trò Nguyễn Giản Thanh đối ngay rằng: “Sắc bất ba đào dị nịch nhân” (Sắc đẹp chẳng phải sóng gió mà làm đắm đuối người ta). Thầy Huy xem xong khen rằng: “Câu đối này hay, giọng văn này có thể đỗ Trạng được, nhưng sau tất mê đắm vào vòng sắc dục làm hại lây đến sự nghiệp”. Tiếp đó, một trò khác đối: “Nguyệt hữu loan cung bất xạ nhân” (Mặt trăng giống cái cung mà chẳng bắn ai). Thầy Huy phê: “Câu này kém sắc sảo, nhưng tỏ ra khí chất hiền hòa, sau này sẽ làm nên, cuộc sống sẽ chu toàn”. Sau đó, một trò nữa đối rằng: “Phân bất uy quyền dị sử nhân” (phân c… chẳng uy quyền mà dễ sai khiến người). Về câu này thì thầy phê: “Sau này giàu sang nhưng là hạng bỉ lậu!”.

Tóm lại, câu đối là một phương tiện trắc nghiệm rất thông dụng, và nhiều khi rất hữu hiệu của các nhà giáo xưa, nhằm chẩn đoán khả năng trí tuệ của người học, và tiên đoán sự thành công trong việc học tập và trong nghề nghiệp tương lai. So với khoa trắc nghiệm trí tuệ trên thế giới, đã phát triển trong vòng 100 năm nay, bắt đầu từ Âu châu, sau đó được cải tiến tại Mỹ châu, và ngày nay được sử dụng trên khắp thế giới trong các lĩnh vực hướng học và hướng nghiệp, thì các nhà giáo của ta thời xưa đã ý thức được tầm quan trọng của việc chẩn đoán và tiên đoán khả năng trí tuệ và tâm lý của con người rất sớm, trước các nhà trắc nghiệm trên thế giới nhiều trăm năm. Nhưng dân ta vẫn có thói quen “đi trước về sau” cho nên mãi đến ngày nay nhiều nhà giáo dục của ta vẫn đang còn xa lạ với khoa trắc nghiệm, và các trường học của ta vẫn chưa có một dụng cụ hay phương tiện khoa học nào hữu hiệu để chẩn đoán và tiên đoán các khả năng của học sinh nói chung, nhất là trong các lĩnh vực hướng học và hướng nghiệp.

Tất nhiên, so với các kỹ thuật tiên tiến về trắc nghiệm ngày nay thì phương pháp trắc nghiệm bằng câu hỏi của các cụ ta xưa kia còn thô sơ lắm, nhưng điều đáng khen là họ không sợ trắc nghiệm như phần đông các nhà giáo dục của ta hiện nay và ít nhất họ cũng đã cố gắng dùng một phương tiện nào đó để tìm hiểu khả năng trí tuệ và tâm lý học sinh, mà điều này là một yếu tố cần thiết cho việc giáo dục có hiệu quả, tránh được sự lãng phí năng lực con người và tài nguyên đất nước.

___

“Câu đối – một phương tiện trắc nghiệm trí tuệ của người xưa”  là chương VIII (tr. 89-96) của cuốn “Suy nghĩ về văn hóa giáo dục Việt Nam” do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, nằm trong “Phần I: Tinh hoa của nền văn hóa giáo dục truyền thống Việt Nam”

Nội dung liên quan

  • Tản mạn về câu đối tết

    22/01/2020Trần Phỏng DiềuSáng tác câu đối là một thú chơi tao nhã của bậc trí thức nhiều thời, có nội hàm văn hóa rất cao, thể hiện luân lý của người Á Đông nói chung, tính nhân văn của dân tộc ta nói riêng. Mỗi độ xuân về, ngoài việc trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, nhà nào cũng dán câu đối.