Chân dung phim Việt 2005

05:53 CH @ Chủ Nhật - 01 Tháng Giêng, 2006
Năm 2005 đánh dấu một sự sôi động lạ thường của điện ảnh Việt Nam. Ba phim Tết, ba phim “cúng giỗ”, ba phim Việt Kiều làm, ba phim “chiếu trong yên ả”, và hàng loạt phim chuẩn bị tung ra dịp tết 2006…

Đầu năm – ăn khách nhưng…

Ba bộ phim tết 2005 đều khá ăn khách: Khi đàn ông có bầu dẫn đầu, kế đến là Nữ tướng cướpLấy vợ Sài Gòn. Khi đàn ông có bầu dù chiếu ở Hà Nội trễ hơn 1 tháng sau Tết vẫn hốt bạc như thường! Thế nhưng, cả ba bộ phim này đều khiến báo chí và dư luận than ngắn thở dài về chất lượng phim. Bộ phim Giải phóng Sài Gòn ra mắt trong dịp 30.4 vẫn không thoát khỏi cách làm phim lễ lạc trước nay và nhanh chóng rời khỏi rạp chiếu bóng. Sau Tết được vai tháng thì bộ phim truyền hình 39 độ yêu của hãng phim Việt bất ngờ lên kế hoạch chiếu rạp. Khán giả háo hức chờ đón bộ phim được quảng cáo là “tuyên chiến với phim Hàn”, quy tụ một dàn diễn viên trẻ đẹp như Bình Minh, Hồ Ngọc Hà, Huy Khánh … Dù bộ phim Chiến dịch trái tim bên phải của đạo diễn Đào Duy Phúc được đánh giá rất trẻ trung sôi động nhưng vẫn chưa đủ sức lôi kéo khán giả đến rạp. Sự thất bại nặng nề của bộ phim 39 độ yêu và sự ế ẩm của Chiến dịch trái tim bên phải tại thị trường TP.HCM cũng như sự ra mắt lặng lẽ âm thầm của Tiếng dương cầm trong mưa, một phim chẳng ra giải trí cũng không ra nghệ thuật với lối làm phim cũ kỹ của hãng phim Giải Phóng, đã đánh mất nhiều niềm tin vào phim Việt Nam trong lòng khán giả cũng như khép lại nửa đầu năm 2005 trong buồn tẻ.

Giữa năm – được khen nhưng…

Bộ phim Mùa len trâu của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh và Thời xa vắng của đạo diễn Việt Kiều Hồ Quang Minh được giới chuyên môn đánh giá khá cao về chất lượng phim. Mùa len trâu đoạt khá nhiều giải thưởng điện ảnh trong nước và quốc tế. Bộ phim này còn được thay mặt điện ảnh Việt Nam tranh cử Oscar 2006. Thế nhưng, cả hai bộ phim này lại khó khăn trong việc tìm rạp chiếu trong nước. Tuy nhiên, các chủ rạp chiếu bóng cũng có lý của họ: ngay cả khi hai bộ phim này được trình chiếu, được báo chí quảng bá, khen ngợi hết lời, khán giả vẫn không hứng thú đi xem những thể loại phim nghệ thuật thế này. Họ mong chờ xem những phim vui vẻ, giải trí đơn giản hơn. Rõ ràng, những phim dạng chiếu Tết dù bị chê bai nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu ra rạp thư giãn của công chúng hơn là những phim nghệ thuật nhưng dường như rất xa cách với phần đông khán giả.

Bi kịch hơn cả Mùa len trâuThời xa vắng là bộ phim Đường thưcủa đạo diễn trẻ (thật ra không còn trẻ lắm!) Bùi Tuấn Dũng. Được khen là một phim chiến tranh được làm dưới cách nhìn trẻ trung của một đạo diễn chưa từng sống trong thời chiến, Đường thư của Bùi Tuấn Dũng cũng có cố gắng tạo ra những sự xúc động, hấp dẫn, kịch tính nhưng vẫn bị xếp vào dòng phim lễ lạt. Bộ phim này được chiếu một buổi duy nhất (phát vé mời mà rạp vẫn vắng teo) để phục vụ cho ngày quốc khánh 2.9.

Chỉ một tháng sau, bộ phim 1735 km của đạo diễn Việt Kiều trẻ Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn ra mắt. Được giới trẻ đón nhận, nhưng bộ phim vẫn không lập nên kỳ tích nào ngoài sự thất bại nặng nề về doanh thu. Tuy nhiên, bộ phim này lại có nhiều cơ hội bán cho các thị trường nước ngoài vì cách làm phim, cách tư duy của bộ phim khá gần gũi với lối sống Tây Phương. 1735km khép lại mùa phim giữa năm trong buồn tẻ. Khán giả tiếp tục mong chờ vào những dự án phim cuối năm đang ráo riết chạy đua vào lịch Tết 2006.

Cuối năm – vẫn hứa hẹn …

Số lượng phim tranh rạp chiếu Tết năm nay đông đúc hơn hẳn năm ngoái. Các phim tranh rạp chiếu Tết gồm Trò đùa thiên lôi của Hãng phim truyện 1, Chuyện tình Sài Gòn của hãng Celluloid Dragon hợp tác với hãng phim Giải Phóng, Đẻ mướn của hãng phim Phước Sang, 2 trong 1 của hãng phim Thiên Ngân, Hồn Trương Ba, da hàng thịt của HKFilm, hãng phim Việt và hãng phim Phước Sang hợp tác sản xuất, Gió Thiên Đường của hãng phim Giải Phóng và Thập tự hoa (bất ngờ bỏ lịch chiếu Giáng Sinh để tham gia chiếu tết) của hãng phim Á Châu.

Ngày 29.12.2005, các chủ rạp, chủ phim đã họp mặt chia rạp và bất ngờ không còn sự giành giật rạp như năm ngoái. Phim Chuyện tình Sài Gòn động hoãn lịch chiếu, theo một số nguồn tin thì chủ phim muốn đem phim sang Mỹ chiếu và tranh giải các LHP Quốc Tế. Hai phim Hồn Trương Ba, da hàng thịt cùng Gió thiên đường cùng chủ động rút khỏi cuộc chiến tranh rạp Tết mùng một mà dời sang lễ tình yêu Valentine 14.2, tức khoảng rằm tháng giêng. Thập tự hoa đem ra Hà Nội chiếu từ 28 Tết.

Chuyện tình Sài Gòn

Trò đùa thiên lôi không chen được vào thị trường Sài Gòn. Bộ phim này được sản xuất từ năm 2003 và xếp kho đến tận nay cũng có lý do của nó (chất lượng phim khá tệ và không hơn một phim Văn nghệ chủ nhật của VTV), Chuyện tình Sài Gòn với nội dung quen thuộc nhưng được phần dàn dựng mới lạ nhờ âm nhạc và vũ đạo mang phong cách phim nhạc kịch. Đánh giá chung về mặt bằng phim Tết năm nay thì hầu hết các phim khá hấp dẫn và có chất lượng tốt hơn hẳn ba phim chiếu Tết năm ngoái. Tuy nhiên, những diễn biến trong năm 2005 càng khiến khó lòng dự đoán bộ phim nào sẽ ăn khách nhất – vì phim hay chưa chắc là phim ăn khách, phim dở chưa chắc là phim thất bại về doanh thu.

Nguồn:Yxine
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung khác