Chất lượng giáo dục thấp: "vị đắng" bắt đầu từ đâu?

03:51 CH @ Thứ Sáu - 03 Tháng Mười, 2003

Lâu nay những người am hiểu về giáo dục nước nhà vẫn thường nhắc đến một khái niệm không hề có trong từ điển là "giáo dục ảo" để nói về thực trạng giáo dục nước ta hiện nay. Vậy phải chăng "giáo dục ảo" chính là yếu tố tạo nên cái "thực" của chất lượng giáo dục hiện nay?

Giáo sư Phạm Minh Hạc khi bàn về vấn đề chất lượng giáo dục đã nhấn mạnh: "Chất lượng giáo dục là vấn đề số một của sự nghiệp giáo dục. Hiện ở Việt Nam nhiều người quan tâm đến chất lượng giáo dục và cũng có nhiều quan niệm khác nhau, trong đó có không ít quan niệm ảnh hưởng không tốt tới việc dạy và học của nhà trường, tác dụng xấu đến toàn bộ công việc quản lý sự nghiệp giáo dục - đào tạo".

Đi sâu vào phân tích những yếu kém trong giáo dục Việt Nam, trước tiên có lẽ cần phải bàn đến 3 yếu tố mà nhiều người vẫn cho là tác nhân ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục: đó là nội dung, chương trình sách giáo khoa; phương pháp dạy, học; và ngân sách đầu tư.

1. Lâu nay, chương trình, nội dung SGK phổ thông hiện hành vẫn được coi là vừa nặng nhưng lại vừa yếu. Đầy tính ''hàn lâm'', nhưng ít tính ứng dụng, thực hành, không hỗ trợ tốt cho học sinh phát triển năng lực tư duy, sáng tạo, chủ động trong học tập.

Chúng ta in SGK nhưng lại cũng cho ra đời biết bao là sách đáp án, bộ đề thi... Điều này chính là nguyên nhân của tính thụ động, sự lười biếng, lười tư duy, tính ỷ lại và thiếu trung thực của học sinh.

2. Giáo sư Văn Như Cương khi trao đổi về thực trạng dạy và học phổ thông của ta đã khẳng định: "Chương trình dạy học hiện tại đã tạo nên một lối (phương pháp) giảng dạy thụ động, thày đọc - trò chép. Mỗi lần thi cử, học sinh học thuộc lòng bài giảng theo sách những sau đó lại quên hết".

Thực chất, lối giảng dạy này đã thành nếp ở tất cả các cấp học, thậm chí "những người thày tương lai" ở các trường sư phạm cũng được đào tạo theo cách này cho nên nhiều khi chính người giáo viên cũng bị "hổng" kiến thức.

3. Bên cạnh đó là vấn đề ngân sách, điều kiện không thể thiếu để nâng cao chất lượng giáo dục. Mấy năm trở lại đây đầu tư cho giáo dục - đào tạo đã đạt tới tỷ lệ 15% tổng ngân sách nhà nước. Riêng năm 2003 là 16,5% và dự kiến năm 2004 sẽ nâng lên 17,5% và đến năm 2010 là 20% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm.

Nhưng thực tế, theo ông Trần Đình Nuôi (chuyên viên cao cấp Bộ Kế hoạch - Đầu tư) thì 90% ngân sách này đã chi trả cho lương giáo viên, còn lại mới chi cho các hoạt động giáo dục khác.

Thực tế ở các trường, kể cả trường chuyên, cơ sở vật chất cực kỳ thiếu thốn: thiếu sân chơi bãi tập, nhà đa chức năng, phòng học bộ môn, thư viện, phòng đọc, phòng thí nghiệm thực hành và thiết bị giáo dục...

Rõ ràng là không thể có được "chất lượng giáo dục toàn diện" khi mà con tàu giáo dục lại đang phải đi trên con đường như vậy. Hiện tại, chúng ta đang băn khoăn về mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, tuy nhiên nếu cứ để thực trạng giáo dục mang nặng tính đối phó với xã hội, chạy theo chủ nghĩa thành tích như hiện nay thì có lẽ sẽ không biết đến bao giờ mới nói được lời chia tay với "giáo dục ảo"!?

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: