Chúng ta đang bỏ phí nhân tài ?!
Hiện nay, về số lượng người có học hàm học vị cao, Việt Nam đứng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Song vì sao các trường đại học (ĐH) tốt nhất của ta lại được xếp loại thấp hơn khoảng 50 bậc so với Thái Lan, còn khoa học công nghệ (KHCN) của ta tụt hậu so với Thái Lan khoảng 30 năm? Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ, "thực" - "ảo" trong khoa học vẫn còn lẫn lộn; các nhà khoa học thực sự chưa được nhìn nhận đúng và chưa được tạo điều kiện tốt nhất có thể để làm việc; trong khi đó, các nhà lãnh đạo lại chưa tỏ rõ quyết tâm trọng dụng người tài...
Cần một cái nhìn tổng thể
Đào tạo sau đại học tại Đại học Quốc Gia Hà Nội. GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn (Trung tâm vật lý quốc tế Italia)
Định hướng, sử dụng và quản lý các hoạt động khoa học kỹ thuật vào mục tiêu kinh tế xã hội là vấn đề hệ trọng. Thang bậc, giá trị nghề nghiệp học thuật trong thực tế không hẳn đồng nhất với các nấc thang thăng tiến trong quản lý như chúng ta vẫn nhìn nhận lâu nay.
"Thực" - "ảo": Phần nào lớn hơn?
Văn bằng TS, TSKH tại các nước tiên tiến chỉ có "giá trị" hai năm. Sau thời gian đó, nếu chủ sở hữu không tiếp tục có ít nhất một sản phẩm khoa học mới, văn bằng tuy không bị thu hồi nhưng chỗ đứng của chủ sở hữu nó trong giới khoa học không còn nữa. Văn bằng PGS, GS chỉ có giá trị khi được gắn với trách nhiệm đào tạo và vị trí cụ thể tại viện nghiên cứu hoặc trường ĐH. Khác với các nước, ở VN, văn bằng TS,TSKH, PGS, GS - phần "ảo" lại được tôn vinh và hưởng "lộc" cả đời, còn "phần thực" (hành nghề như thế nào?) lại chưa được xem trọng.
Con đường nào vào khoa học cũng chông gai gian khổ. Khoa học chưa được coi trọng là một "nghề". Số đông chưa có điều kiện hành "nghề", chưa nói là phải "bỏ nghề" sau khi có bằng, là một thực tế, khó chấp nhận. Tiến thân theo các bậc quản lý gần như trở thành lối đi độc đạo. Quan niệm này có nguồn gốc sâu xa từ hạn chế của văn hoá phương Đông.
Về tư duy này nhà văn Lỗ Tấn đã gọi "bằng cấp như hòn gạch để gõ cửa vào chốn quan trường. Cửa mở rồi thì có thể vứt gạch đi". GS Hoàng Tụy gần đây đã phát biểu trên VietnamNet: "Khoảng 1/3 số GS,PGS phải thu hồi chức danh" - là một nhận xét đáng buồn.
Theo số liệu quốc tế, mỗi năm VN có khoảng 340 bài được công bố, bằng số lượng của Thái Lan 10 năm về trước; còn chỉ số nghiên cứu ứng dụng triển khai (R&D) Thái Lan lớn hơn VN khoảng ba lần. Theo tiêu chí quốc tế, trong số 13.500 TS,TSKH, chỉ có khoảng 500 người (chiếm 3,72%) có sản phẩm đích thực, được quốc tế ghi nhận thì quả là con số thách thức...
Đi tìm giải pháp
1. Ở VN, tư duy trả lương theo kết quả lao động đã được áp dụng tương đối thành công trong một số lĩnh vực kinh tế, nhưng trong khoa học thì hình như lại chưa làm được. Tư duy và cách quản lý này không xa lạ ở các nước tiên tiến. Ngay ở Trung Quốc, lương trung bình của GS khoảng 700-1.000USD/1 tháng, bằng mức thu nhập bình quân đầu người trong một năm.
Trong khi đó, ở VN, mức lương theo thang bậc mà nhà nước quy định chưa bằng 1/10 con số này. Nhận thức rõ điều này Bộ trưởng Bộ KHCN Hoàng Văn Phong kiến nghị mức lương 10-15 triệu đồng/ tháng cho GS làm việc với đúng ý nghĩa khoa học, nhưng xem ra rất kém khả thi...
2. Hiện nay, số lượng cán bộ giảng dạy theo chuẩn quốc tế ở VN phải tăng lên gấp hai lần mới đáp ứng nổi "sự bung ra" của đào tạo ĐH và sau ĐH. Nhiều nơi, số học viên hệ tại chức lại đông hơn sinh viên hệ chính quy. Tỉ lệ trung bình ở hệ chính quy hơn 30 SV/1 giáo viên, đã bằng hai lần chuẩn. Thiếu thầy ĐH, lấy đâu ra? Vì thế, cần thay đổi căn bản tư duy trì trệ về tuổi tác, quản lý, bổ nhiệm lãnh đạo, và sự phân biệt ngôi thứ hành chính trong lĩnh vực trí tuệ.
3. Chủ trương chính sách phải xuất phát từ cuộc sống và trở lại phục vụ cuộc sống của người dân.Vấn đề là con người và tổ chức, đặc biệt là sự định hướng khoa học giáo dục vào các mục tiêu kinh tế xã hội cụ thể, sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, hội nhập với thế giới.
Cách lựa chọn và bổ nhiệm trí thức của Bác Hồ trước đây là kinh nghiệm quý để giải quyết tình trạng thừa-thiếu cán bộ. Trong bài "Tìm người tài đức" ngày 20.11.1946 Bác Hồ đã viết những lời tâm huyết: "Trong số 20 triệu đồng bào, chắc không thiếu người có tài có đức... E Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm này tôi xin thừa nhận". Người kêu gọi các địa phương phải tìm và giới thiệu "những người tài đức" những người có thể làm được những việc ích nước lợi dân "những kẻ hiền năng" để Chính phủ tuyển lựa và trọng dụng.
Khoa học từ lâu đã toàn cầu hoá và trở thành "sân chơi chung" của các nhà khoa học. Cách quản lý ở cả Đông và Tây đều đang tiến đến một tư duy chung, nhằm giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo.Tạo điều kiện để trí thức phấn đấu vươn lên, theo các tiêu chuẩn nghề nghiệp quốc tế vì sự phát triển, hội nhập và cạnh tranh, là vấn đề được mọi quốc gia quan tâm và đầu tư . Trên bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám có câu: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" - nguyên khí không vượng thì làm sao phát triển?...
Số lượng đội ngũ trí thức của Việt Nam:
- Tiến sĩ, tiến sĩ khoa học: 13.500.
- Giáo sư: 1.094.
- Phó Giáo sư: 4.951.
Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh Bùi