Chuyển biến chiến lược cơ bản toàn diện về giáo dục

03:51 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Hai, 2003

Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn và Nguyễn Kỳ

Trước những thách thức của thời đại tin học, kinh tế tri thức toàn cầu hóa, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang đòi hỏi giáo dục phải "chuyển biến cơ bản toàn diện"(1) nhằm từng bước xây dựng xã hội học - hành, một xã hội mà "ai cũng có thể học suốt đời", "học thiết thực, hiện đại, gắn chặt với yêu cầu của xã hội"(2), để phát huy nội lực trí tuệ và nguồn nhân lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Từ nay đến năm 2010, trên cơ sở những bài học đắt giá của 15 năm đổi mới giáo dục, những chuyển biến nào mới thật sự là "cơ bản toàn diện" cần phải tạo ra trong sự nghiệp học - hành suốt đời của toàn dân?

1 - "Về cách học, phải lấy tự học làm cốt"(3) ngay từ bậc tiểu học. Phải lấy tự học, tự đào tạo suốt đời tạo ra nội lực cần thiết cho sự phát triển của mỗi con người và xã hội, thắng lạc hậu, nghèo nàn, làm giàu cho bản thân và đất nước cả về trí tuệ và vật chất, xây dựng kinh tế công nông nghiệp - tri thức, xã hội học - hành, "dân tộc thông thái"(4). Có lấy tự học làm cốt ngay từ bậc tiểu học thì mới tận dụng được tin học, viễn thông hiện đại để học, vì máy móc chỉ đem đến thuận lợi cho người học chứ không học thay người được, khi ấy mới có được một cách học rẻ tiền mà có hiệu quả.

Hiện nay, nội lực tự học quý báu đó bị kìm hãm do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân trực tiếp là cách dạy nặng về truyền thụ một chiều, cách đánh giá thi cử nặng về kiểm tra trí nhớ. Đã đến lúc cần phát động cuộc cách mạng về học, giải phóng nội lực tự học của người học, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động tư duy và tự học sáng tạo của người học, kết hợp và tận dụng cho hết các thuận lợi mà tin học, viễn thông mang đến. Phải học cách học đi đôi với kiến thức cơ bản "thiết thực, hiện đại, gắn chặt với yêu cầu của xã hội, hài hòa với thiên nhiên" để tạo ra năng lực tư duy, năng lực phát hiện - giải quyết vấn đề, năng lực thực hành và năng lực tự học - tự nghiên cứu - tự đào tạo cần thiết cho sự nghiệp học - hành suốt đời của mỗi con người. Tránh học thụ động, học vẹt, từ chương, giáo điều.

2 - Đổi mới cơ bản cách dạy để dạy cách học, phát huy nội lực tự học - tự đào tạo và tư duy sáng tạo của người học, tạo ra năng lực tư duy, năng lực phát hiện - giải quyết vấn đề, năng lực thực hành, năng lực tự học và thói quen tự học suốt đời của người học. Chống lối dạy truyền thụ một chiều, thầy dạy - trò ghi nhớ. Từng bước đưa tập dượt nghiên cứu khoa học (nhất là nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai) ở mức độ thích hợp vào các trường dưới bậc đại học, trên cơ sở đó tạo ra mối liên kết giữa đại học và trung học, gắn hiệu quả của giáo dục với cuộc sống.

Người dạy cần phát huy nội lực tự đào tạo để làm tốt chức năng mới của người "thầy học", "người dạy cách học", "người phát huy nội lực tự học của người học", "người hướng dẫn cho trò biết cách tự học chữ, tự học nghề, tự học nên người". Người dạy cần tham gia nghiên cứu khoa học thì mới dạy được cách học thông minh, tác phong công nghiệp cho học trò.

3 - Đổi mới cơ bản cách học, cách dạy ở gia đình theo hướng phát huy tính chủ động tự học, tự rèn của con em, tránh các phương pháp quyền uy (cho roi, cho vọt) hoặc nuông chiều (cho ngọt, cho bùi) quá đáng. Phải nghiên cứu cách hỗ trợ người lớn trong gia đình biết giúp đỡ con cháu quen dần với tự học. Dạy thêm, học thêm tràn lan như ngày nay, dù không có tiêu cực, vẫn nguy hại lâu dài ở chỗ nó nuôi dưỡng thói quen phải có thầy bên cạnh mới học được, thế thì làm sao mà mọi người đều học, lại học suốt đời.

4 - Đổi mới cơ bản cách đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo mô hình đào tạo - tự đào tạo để làm tốt chức năng "dạy cách học" của "thầy học". Mở rộng mô hình đào tạo - tự đào tạo từ xa, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của phổ cập trung học và của xã hội học hành, "bảo đảm về cơ bản đội ngũ giáo viên đạt chuẩn quốc gia và tỷ lệ giáo viên so với học sinh theo yêu cầu của từng cấp học"(5). Hoạt động nghiên cứu khoa học phải dần dần có vị trí xứng đáng trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các cấp.

5 - Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị trường học (về lớp học, sân chơi, bãi tập, phòng thí nghiệm, mạng máy tính, thiết bị dạy và học hiện đại, thư viện, ký túc xá...) "Phấn đấu đến năm 2010 về cơ bản các trường phổ thông có đủ điều kiện cho học sinh được học cả ngày tại nhà và tại trường khi được nối mạng Internet"(6), số "vừa làm vừa học" chủ yếu học ở nhà qua Internet.

6 - Phổ cập trung học cơ sở trong cả nước, phổ cập trung học phổ thông (bao gồm cả tin học, tiếng Anh) ở tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn và ở một số tỉnh có điều kiện. Coi trọng phổ cập giáo dục bằng con đường tự học có hướng dẫn, vừa làm vừa học theo modul làm gắn với nghiên cứu, thực nghiệm khoa học. Đại chúng hóa giáo dục đại học bằng nhiều hình thức: học tập trung, học từ xa, học trên mạng. Phát triển mạnh phong trào toàn dân tự học tự đào tạo thường xuyên và rộng khắp, từng bước xây dựng xã hội học - hành.

7 - Phổ cập giáo dục gắn liền với đào tạo nghề nghiệp và nhu cầu nhân lực tại địa phương, hội nhập thị trường lao động trong và ngoài nước. Đào tạo - tự đào tạo gắn với việc làm, học cách tự tìm việc làm, tự tạo ra việc làm để tự lập, lập thân, lập nghiệp. Coi trọng việc đào tạo đội ngũ công nhân tay nghề cao, kỹ sư thực hành và nhà kinh doanh giỏi. Ưu tiên đào tạo phục vụ và phát triển nông nghiệp và nông thôn, một số ngành mũi nhọn, nhất là công nghiệp phần mềm và xuất khẩu lao động. Tập trung đầu tư xây dựng một số trường đại học trọng điểm quốc gia ngang tầm khu vực, nhưng không theo mô hình các trường đại học lớn hiện nay trên thế giới vì đó là các sản phẩm của xã hội công nghiệp, sẽ phải khó khăn tìm cách thích nghi xã hội thông tin. Với lợi thế của người đi sau, ta cố xây dựng trường đại học của xã hội thông tin, trong đó nhờ tin học và viễn thông mà nhu cầu giáp mặt giữa thầy và trò sẽ giảm mạnh. "Phát triển mạnh đào tạo từ xa", sớm hiện đại hóa nó và quyện hữu cơ với đào tạo giáp mặt, "tăng nhanh số người giỏi được đi đào tạo ở các nước phát triển"(7).

8 - Coi trọng khoa học tư duy, nhất là phương pháp luận duy vật biện chứng, vũ khí sắc bén về phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; nếu người Việt Nam sử dụng thành thạo vũ khí đó thì sẽ thắng trong "đấu trí".

9 - Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Phải có chiến lược độc đáo táo bạo về phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ nhân tài.

10 - Hỗ trợ các vùng khó khăn "chuyển biến cơ bản toàn diện" rút ngắn khoảng cách tụt hậu về giáo dục, theo hướng khơi dậy và phát huy tốt nhất nội lực tự học - tự đào tạo của người học "bằng những giải pháp phù hợp vùng khó khăn trên cơ sở nghiên cứu sâu các nội lực ẩn náu trong thiên nhiên, xã hội và con người ở các vùng đó. Tạo điều kiện phát triển mạnh đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn, tiến hành phổ cập trung học phổ thông ở một số nơi có điều kiện.

11 - Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính - đầu tư về giáo dục - đào tạo, bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện các chuyển biến cơ bản toàn diện về giáo dục - quốc sách hàng đầu. Sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư cho giáo dục, ưu tiên đầu tư cho những đổi mới có ý nghĩa chiến lược quyết định.

12 - Đổi mới cơ bản công tác quản lý giáo dục theo quan điểm "lấy người học làm gốc" nhằm: ổn định chương trình, sách giáo khoa, tập trung trí tuệ và nguồn lực đổi mới cách học, cách dạy, thay đổi chế độ thi cử cho phù hợp cách học, cách dạy mới (khuyến khích người tự học), với triển vọng phổ cập trung học (giảm nhẹ các kỳ thi tiểu học, trung học cơ sở...), đổi mới công tác nghiên cứu khoa học giáo dục, kịp thời cung cấp cơ sở khoa học đáng tin cậy cho mọi sự đổi mới về giáo dục, nâng cao hiệu quả thanh tra giáo dục phục vụ giáo dục chuyển biến cơ bản toàn diện, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực.


(1), (2), (5), (6), (7): Dự thảo các văn kiện trình Đại hội IX của Đảng. Phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ.
(3) Hồ Chí Minh về vấn đề giáo dục, NXB Giáo dục 1990,   tr 67.
(4) Bài nói chuyện với cán bộ, đồng bào Hải Phòng (9-1946) khi Bác Hồ kết thúc đàm phán từ Pháp trở về nước.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: