Chuyện ngoài đường Việt Nam

03:00 CH @ Thứ Bảy - 22 Tháng Mười Một, 2003

Mùa hè nóng bức, bạn muốn phóng xe ra ngoài đường hóng gió mát? Bạn muốn diện một bộ đồ thật bảnh để cùng bồ lượn chơi? Nhưng cẩn thận nhé, có thể bạn sẽ đụng phải những “người Việt gốc cây” trên bất kỳ con đường nào đầy nắng, đầy gió và đầy bụi của thành phố nhiệt đới ồn ào này.

Xe

Năm vừa rồi ở ViệtNam, theo thống kê có khoảng 15 ngàn người chết vì tai nạn giao thông. Những ai nói rằng ViệtNam không có luật giao thông hoặc luật không hiệu quả chỉ nói đúng một phần. Ở ViệtNam, tôi nghĩ người ta chết vì người ta chạy xe theo luật "số mạng". Người ta tin rằng nếu số mạng của họ không chết vì tai nạn giao thông thì họ sẽ "an toàn trên xa lộ" bất luận chạy ẩu ra sao. Còn nếu đã có số chết vì đụng xe thì cẩn thận đến đâu cuối cùng cũng nằm dài trên mặt đường nhựa.

Đó là lý do tại sao người chạy xe cứ chạy bạt mạng trong khi người đi bộ có thể băng qua đường bất cứ chỗ nào mà không cần nhìn ngó chi cho mệt. Có nhiều người đi bộ cứ đi xiên xiên như "lá mùa thu cuốn qua mặt đường" chứ không băng ngang một cách nhanh chóng. Và họ đi thật thong thả, phó mặc phía sau lưng cho số mạng, trong khi những người chạy xe thì tin rằng số họ sẽ không bao giờ đụng xe hay cán người.

Thường thì trời rất nóng và khói xe quyện đặc trong không khí. Mọi người di chuyển như bị dẫn dắt bởi một ma lực từ thế giới khác. Điều duy nhất bạn có thể làm là bóp còi xe liên tục. Đường phố Việt
Nam chắc chắn là nhiều tiếng động nhất thế giới. Những tiếng kêu the thé của số mạng trong cuộc xổ số của thần chết.

Mốt

Việt
Nam bây giờ rất mốt, vì đời sống đã khá no, áo quần rẻ nhờ công lao động rẻ, và những kiểu mẫu du nhập từ nước ngoài vào nhiều. Ở Việt Nam có họa sĩ kiêm nhà sưu tầm đồng hồ và kính "hàng hiệu", nhạc sĩ kiêm nhà sưu tập điện thoại di động. ViệtNam có cả hàng trăm nhà "tạo mẫu thời trang" và gấp vài lần con số đó những người mẫu.

Dân ViệtNam mốt một phần là do đi xe gắn máy. Chạy xe gắn máy tức là làm một cuộc trình diễn thời trang tốc độ cao qua khắp phố phường trước hàng ngàn đôi mắt. Cho nên phải mặc đẹp. Ở Mỹ, có mốt cũng chui vô xe hơi ngồi kín mít nên người ta thường có xu hướng ăn mặc lôi thôi. Dáng của phụ nữ Sài Gòn ngồi trên xe gắn máy tuyệt đẹp. Những cái mông dường như căng tròn hơn trên yên xe, ngực ưỡn về phía trước, eo rất thon, tóc bay một trời.

Cũng như nhiều thứ khác, ở Việt Nam sự đơn giản thường hay bị đánh đồng với sự đơn điệu. "Mốt" là luôn luôn phải có một chút trang điểm xanh đỏ, dây nhợ đó đây. Một cái áo sơ mi cho nam ca sĩ ít nhất phải được viền xanh đỏ trên túi áo hay trên cổ. Những chiếc váy cho nữ ca sĩ thì thật lôi thôi với đủ thứ phụ tùng dây nhợ ba bốn lớp. Mỗi ca sĩ, bất luận nam hay nữ đều có một "nhà tạo mẫu" riêng để sáng tạo những bộ quần áo nửa phường chèo, nửa đồ ngủ như vậy mặc lên sân khấu. Giá như họ chỉ cần tập trung vào chất liệu vải và may sao cho vừa vặn, kiểu dáng hiện đại, gọn gàng thì chắc sẽ đỡ hơn nhiều.

Giới trẻ, tuy vậy, cũng đã bắt đầu nhận ra sự kệch cỡm này và có xu hướng mặc những đồ may sẵn trẻ trung, đơn giản theo kiểu hàng của GAP, bán ở các cửa hiệu thời trang mở nhạc Techno ầm ĩ trên đường Nguyễn Đình Chiểu hay Nguyễn Trãi.

Có nhiều cái khập khiễng trong vấn đề mốt ở Việt Nam. Chẳng hạn trên đường phố, bạn có thể thấy nhiều thanh niên mặc quần áo rất đẹp, đi xe gắn máy loại mắc tiền, nhưng lại mang một đôi giày da đen với...vớ trắng. Trên TV nhiều nhân vật trí thức, nghệ sĩ thắt những chiếc cà vạt lòe loẹt đi cùng những chiếc áo cũng lòe loẹt, nhìn vào không thấy đâu là áo, đâu là cà vạt, chỉ thấy "một vườn hoa mùa xuân". Nhưng dù sao những chuyện này cũng chấp nhận được, đó chỉ là những thiếu sót hay những ngớ ngẩn của người mới bắt đầu theo mốt.

Chuyện "bịnh" nhất là lâu lâu lại có một nhân vật trí thức hay văn nghệ sĩ lên báo chí, truyền hình, phát biểu về mốt. Mà thật ra chỉ là những phát biểu đạo đức cũ sì, khuôn sáo, kiểu như "cái nết đánh chết đẹp", mốt là phải vừa thể hiện tính văn minh "hội nhập", vừa không đánh mất bản sắc dân tộc. Tôi dám cá những tay này thường mặc những chiếc quần lót cũ kỹ cáu bẩn bên trong những bộ cánh chải chuốt.

Ở Việt Nam chuyện mốt cũng giống chuyện văn chương. Có lẽ bạn cũng nên biết, ở Việt Nam, một số người mẫu kiêm luôn nghề gái gọi cao cấp.

Bán

Ở Sài Gòn khi những người buôn bán ngoài đường phố chèo kéo bạn, nếu bạn nói "không", họ vẫn tiếp tục chèo kéo lằng nhằng. Điều trái ngược với cung cách buôn bán ở Hoa Kỳ là những người bán này, thay vì nói đến các lợi ích mà món hàng sẽ mang lại cho bạn, họ chỉ nói đến các lợi ích mà việc bạn mua hàng sẽ mang lại cho họ. Chẳng hạn như thay vì nói bạn mua cái bánh này ăn sẽ ngon bổ cho sức khỏe của bạn, nhiều người bán sẽ năn nỉ bạn làm ơn mua bánh của họ, vì họ đi từ sáng đến giờ mỏi chân mà chưa bán được cái nào, làm ơn làm phước mua giúp, để họ bán mau hết về nhà coi đá banh.

Cách hiệu quả nhất để tránh phải lằng nhằng với những người bán hàng rong là tảng lờ, làm như không thấy, không nghe, làm như họ không tồn tại trong cái thành phố bắt đầu học thói trưởng giả này. Nhưng đó không phải là một việc dễ dàng. Tôi không phải là người mù và điếc, và tôi nói chung một ngôn ngữ với những người khốn cùng này.

Đái

Ở Việt Nam chuyện đái đường vẫn rất phổ biến. Người tự trọng một chút thì đái đường chỗ vắng vẻ, người liều lĩnh hay bí quá thì đụng đâu tưới đó. Ở Sài Gòn cũng có một số nhà vệ sinh công cộng nhưng quá thưa thớt và hiện đang trở thành các điểm dừng chân cho dân ma túy nên ít khi ngưòi ta dám vào. Chuyện bài tiết cho sạch sẽ hình như không phải là một vấn đề mà người ta quan tâm ở Việt nam.

Ở Mỹ khi tổ chức hội chợ trên một bãi đất trống, điều đầu tiên người ta làm là chở đến những nhà vệ sinh bằng nhựa. Chỗ càng đông người thì càng chở đến nhiều nhà vệ sinh. Nếu bạn leo núi hay đi chơi ở những khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia rộng hàng ngàn dặm vuông, bạn cũng phải đi tiêu đi tiểu ở những nhà vệ sinh như vậy, đặt ở những trạm dừng chân nhất định, trên những con đường hoàn toàn không một bóng người. Không phải vì trời đất bao la và không có ai bên cạnh mà bạn có thể leo lên cành cây "thả bom" vô tư được. Hãy tưởng tưởng một người khác dẫm lên "bãi mìn" của bạn thì còn gì là tâm hồn thơ thới trước cảnh thiên nhiên. Và hãy tưởng tượng một cảnh đẹp bốc mùi.

Ở Sài Gòn tôi đã nhiều lần thấy người ta tổ chức văn nghệ, hội chợ sách trong công viên trước Dinh Độc Lập (cũ) có cả ngàn người tham dự mà không hề thấy một chỗ nào để đi vệ sinh. Hàng ngàn con người đó, để thưởng thức "lời ca tiếng nhạc", đơn giản là phải nín đái cho đến khi nào hết chịu nổi thì kiếm một chỗ ngoài đường giải quyết, hoặc vì lòng tự trọng ở chỗ đông người thì đành phải hy sinh nghệ thuật để về nhà đi vệ sinh.

Ở ViệtNam có nhiều quán nhậu lề đường mà khách ngồi uống rồi đi tiểu trong những con hẻm gần đó. Mấy quán nhậu nghêu sò trên đường Huỳnh Văn Bánh ở Sài Gòn chẳng hạn. Chủ quán bán ngoài đường, khách ngồi uống ngoài đường, và cũng đi tiểu ngoài đường luôn. Những gia đình ở trong những con hẻm như vậy thật khốn khổ vì phải chịu đựng mùi nước tiểu của dân nhậu quanh năm.

Có chỗ người ta sơn lên tường mấy chữ khuyên nhủ lịch sự như "Yêu cầu xin đừng tiểu nơi đây", chỗ khác thì lời lẽ mạnh bạo hơn như "Cấm đái", chỗ dữ dằn thì chửi: "Nơi đây chó đái". Có lần ngồi nhậu lề đường, một người bạn buộc phải đi tiểu ở một nơi có ghi dòng chữ "Nơi đây chó đái" như vậy. Khi trở lại bàn nhậu, anh ta nói giọng trầm ngâm: "Sống ở đây làm người hoài cũng bí, lâu lâu phải làm chó một bữa".

Kết


Chuyện ngoài đường ở Việt Nam thì có vô số điều để kể. Đây không phải là những chuyện hoàn toàn lạ với tôi, một người lớn lên ở Việt Nam, và chắc chắn là chuyện thường với các bạn tôi, những người sống ở Việt Nam. Chỉ có điều, vì đã có dịp sống ở một xứ sở khác, nên tôi hay quan sát và so sánh.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: