Hành trình tự đổi mới 3

02:13 CH @ Thứ Ba - 28 Tháng Mười Hai, 2010
Có một con sâu róm cảm thấy tướng mạo mình vừa xấu, hành động lại vừa không linh hoạt, liền oán than với Thượng Ðế: "Thưa Ngài! Ngài sáng tạo vạn vật cố nhiên rất thần diệu, nhưng con cảm thấy ngài sắp đặt cuộc đời con không cao minh. Ngài chia cuộc đời con thành hai giai đoạn: giai đoạn đầu vừa xấu xí vừa chậm chạp, giai đoạn sau thì lại vừa đẹp đẽ vừa khéo léo; khiến con ở giai đoạn đầu bị mọi người chửi rủa, còn giai đoạn sau lại được nhà thơ ca ngợi. Xấu thì quá xấu, đẹp thì quá đẹp. Sao ngài không đồng đều một chút, giá như con bây giờ tuy xấu một chút nhưng hành động có thể khéo léo hơn, sau này khi thành bướm rồi tướng mạo xinh đẹp, nhưng hành động chậm chạp một chút. Như thế hai giai đoạn làm sâu róm và bướm của con chẳng phải có thể trải qua rất vui vẻ hay sao?".

"Người cho rằng suy nghĩ như thế là tuyệt lắm sao?" - Thượng đế nói, - "Nhưng ngươi có suy nghĩ rằng, nếu như thế thì ngươi sẽ sống sót không lâu!".
"Tại sao?" - Con sâu róm lắc lắc cái đầu to của mình, thắc mắc hỏi.

"Vì nếu ngươi có tướng mạo của bướm mà lại có tốc độ của sâu róm thì ngay lập tức sẽ bị người khác tóm lấy" - Thượng đế nói, "Ngươi cần biết, chính vì ngươi có hành động chậm chạp nên ta mới ban cho ngươi cái tướng mạo xấu xí, khiến con người không dám đụng đến ngươi, con người không để ý đến ngươi thì đối với ngươi chỉ có lợi chứ không có hại. Bây giờ ngươi còn muốn ta dung nạp ước muốn của ngươi nữa hay không?".

"Không! Không! Không! Xin ngài duy trì sự sắp đặt vốn có!" - Con sâu róm hoang mang nói; "Bây giờ con mới hiểu, bất luận đẹp hay xấu, khéo léo hay chậm chạp, chỉ cần do ngài sáng tạo thì nhất định là hoàn mỹ!".

Chú sâu trong câu chuyện ở trên vốn không hiểu rõ bản chất vấn đề, cũng chưa hiểu rõ được lý do của những sự kiện diễn ra với mình nên băn khoăn và thắc mắc mong muốn biến đổi con người mình thành một sinh vật khác mà không biết rằng “Cái gì xảy ra cũng có lý của nó”. Như con người chúng ta nếu không hiểu về những tiềm năng của bản thân sẽ tự ti và thấy mình kém cỏi so với những người khác. Nếu ta không hiểu về những cơ chế hoạt động đang diễn ra ở thế giới bên trong chính mình thì ta cũng sẽ không biết cách tác động để kết quả ta nhận được thành công hơn nữa.

Và ta có cần một ngài thượng đế xuất hiện để nói với ta rằng “Trong những giấc mơ ngọt ngào nhất, chúng ta cũng không mường tượng ra thế này”, đó là cuộc sống.

Khi chúng ta bắt đầu bước vào cuộc đời và người ta gọi là sống, một cuộc sống mà chưa bao giờ ta biết trước, liệu năm phút nữa sẽ có chuyện gì xảy ra. Nhưng có một câu nói rằng "Cách tốt nhất để kiểm soát tương lai là tạo ra nó" và "Ta chính là sự thay đổi mà ta muốn thấy ở cuộc đời". Như vậy ta có hai cách để sống trên cuộc đời. Cách thứ nhất, sống ngày nào biết ngày ấy vì đằng nào cũng có biết ngày mai sẽ ra sao đâu. Cách thứ hai, dù cuộc sống có ra sao thì ta nhất định phải thành công và thành công xuất sắc.

Cách thứ nhất, sống theo cách thông thường 83% số người trên trái đất vẫn sống. Và ta đang sống một cuộc sống như vậy thì cũng cần biết điều gì đó về nó. Ta không đứng im một chỗ và ngắm nhìn cuộc sống mà ta vẫn hành động hàng ngày, cần có kết quả cho cuộc sống của chính chúng ta và hành động sẽ xác định cái ta nhận được.

Có câu chuyện vui về logic như thế này, anh Hoàng đến nhà anh Việt chơi và thấy nhà anh Việt có một bể cá cảnh rất đẹp, anh Hoàng liền nói: “Anh Việt có bể cá chứng tỏ anh Việt yêu cá, anh yêu cá chứng tỏ anh yêu thiên nhiên, anh yêu thiên nhiên chứng tỏ anh yêu quê hương đất nước, anh yêu quê hương đất nước chứng tỏ anh yêu con người trong đó, anh yêu con người chứng tỏ anh yêu phụ nữ, anh yêu phụ nữ chứng tỏ anh đích thị là đàn ông”. Anh Việt nghe cũng có lý liền áp dụng ngay logic đó khi đến nhà anh Hoàng chơi, vì nhà anh Hoàng không có bể cá nào nên anh Việt nói luôn: “Nhà anh không có bể cá chứng tỏ anh không yêu thiên nhiên, anh không yêu thiên nhiên chứng tỏ anh không yêu quê hương đất nước, anh không yêu quê hương đất nước chứng tỏ anh không yêu con người, anh không yêu con người chứng tỏ anh không yêu phụ nữ, anh không yêu phụ nữ chứng tỏ anh không là đàn ông”.

Câu chuyện vui muốn cho thấy có nhiều logic mà chúng ta đặt ra tưởng chừng rất hợp lý nhưng lại tạo ra những kết quả cực kỳ vô lý. Theo lối thông thường người ta thường nghĩ từ sự kiện mà sinh ra hành động, vì trời mưa nên em đến muộn, vì cô giáo mắng nên em bỏ học, vì người yêu bỏ nên em đi uống rượu… Tất cả nghe đều có vẻ hợp lý, và vô hình chung ai cũng có rất nhiều những lý do để đổ lỗi cho với cái logic đó. Vì thế này nên thế kia. Vì sự kiện đó nên sinh ra hành động đó. Nhưng sự thật có phải như vậy không? Điều đó cần phải xem xét. Vì sao cùng một sự kiện xảy ra, có người hành động theo hướng này có người lại hành động theo hướng khác. Như câu chuyện kể về hai anh em ở khu nhà ổ chuột vậy, họ cùng sinh ra trong một hoàn cảnh như nhau, nhà nghèo, bố thất nghiệp và nghiện rượu. Người anh lớn lên là một doanh nhân thành đạt còn người em là một hình mẫu như chính bố mình ngày xưa. Lý do họ đưa ra là “Hoàn cảnh của tôi như vậy thì tôi có cách nào khác đâu”. Điều đó cho thấy, sự kiện không phải là điều trực tiếp dẫn tới hành động của chúng ta. Mà từ sự kiện ta sẽ tiếp nhận nó và có những cảm nhận, tự thoại riêng của mình, từ cảm nhận và tự thoại đó sẽ phát sinh ra cảm xúc, và cảm xúc thật sự mới thúc đẩy và tạo ra hành động. Như hai góc nhìn của hai cậu bé sinh đôi trong câu chuyện mở đầu và hai anh em trong khu nhà ổ chuột đã cho ta thấy phần nào điều đó. Và từ sơ đồ đó ta thấy, cảm xúc và hành động là những gì ta khó kiểm soát và tác động được vì đó là những gì đã xảy ra. Phần mà ta có thể kiểm soát và tác động được đó chính là quá trình cảm nhận (sự tương tác giữa ta với sự kiện) và tự thoại.


Vậy ta hãy bắt đầu từ phần mà ta có thể kiểm soát và tác động được. Khi ta cảm nhận sự việc là ta bắt đầu có tương tác với sự kiện đó, khi đó một là ta sẽ suy nghĩ về sự kiện đó bằng những lập luận và logic của mình từ đó cho ra cảm xúc và hành động. Hai là ta sẽ dựa vào bản năng, thói quen, chuẩn mực và thần tượng để sinh ra những cảm xúc và hành động. Như mô hình dưới minh họa quá trình từ tự thoại đến hành động.
Như vậy suy nghĩ không là nhân tố trực tiếp dẫn đến hành động, vì trong rất nhiều trường hợp ta thấy cần phải về nhà nhưng ta gọi đi chơi là đi ngay, ta cần bỏ uống rượu nhưng ngồi với ta bè vẫn uống. Ta cần làm công việc A nhưng cuối cùng lại làm công việc B… Hành động của ta là từ cảm xúc mà ra. Suy nghĩ là một tác nhân tạo ra cảm xúc và cũng chỉ có hiệu quả 20%, 80% còn lại nằm ở bản năng, chuẩn mực sống của ta, ở thói quen và sự tác động của thần tượng. Tựu chung lại, cảm xúc của ta sinh ra 80% là do cơ chế gọi là “cơ chế nhận dạng nhấn nút”. Ta nhận dạng dựa vào bản năng mình có, theo thói quen, những chuẩn mực và hình mẫu của những thần tượng. Cơ chế đó cho thấy, khi sự kiện ta tiếp nhận gần với bản năng, chuẩn mực, thói quen hay thần tượng, ngay lập tức ta sẽ có cảm xúc từ sự kiện đó và cảm xúc đó sẽ tạo ra hành động.

Hàng ngày mỗi chúng ta đều hành động trên cơ chế đó, và nếu chỉ như vậy có thể ta đạt kết quả như mong muốn, cũng có thể không. Vì sao có những người thành công còn những người còn lại thì không hoặc thành công không theo ý muốn của mình. Thành công đến với mỗi người là do may mắn, ngẫu nhiên hay như các cụ vẫn nói “Số nó thế rồi”. Bản thân chúng ta có thể kiểm soát được sự thành công của chính mình hay không.

Đó chính là cách mà những người có quan điểm “dù cuộc sống có ra sao thì ta nhất định phải thành công và thành công xuất sắc.” luôn trăn trở và hướng tới. Vậy điều gì sẽ bổ sung và hỗ trợ cho cơ chế hành vi của chúng ta để từ hành động ta có được thành công, thành công nhất định xuất sắc và vượt trội.

Hãy bắt đầu từ điểm xuất phát của cơ chế hành vi. Khi ta có kỹ năng, thì quá trình tự thoại sẽ đạt hiệu quả hơn rất nhiều, kỹ năng tư duy hỗ trợ cho những suy nghĩ, kỹ năng nhìn nhận đánh giá sẽ hỗ trợ cho cơ chế nhận dạng nhấn nút của chúng ta thêm nhạy bén và chuẩn xác. Ta sẽ dễ nhận ra những gì gần với bản năng của mình hơn nếu ta có kỹ năng về việc đó, ta sẽ dễ nhận ra thần tượng và dễ hình thành những chuẩn mực cho mình hơn khi có kỹ năng, những thói quen cũng trở nên hữu ích hơn nếu có kỹ năng rèn thói quen. Kỹ năng chính là khả năng ta làm thành thạo một công việc gì đó và những kỹ năng giúp cho quá trình thực hiện của ta đạt hiệu quả tối đa với mức năng lượng tối thiểu. Vấn đề là ta cần phải rèn những kỹ năng gì, việc đó lại cần dựa vào năng khiếu của ta. Người có năng khiếu về chân cần rèn kỹ năng đá bóng hoặc chạy nhảy chứ không phải rèn kỹ năng về tay như cầu lông hay bóng ném. Năng khiếu sẽ là cơ sở để rèn kỹ năng và kỹ năng đó sẽ hỗ trợ cho quá trình suy nghĩ và cơ chế nhận dạng và nhấn nút của ta.
Tiếp theo đó là cảm xúc, điều gì có thể hỗ trợ để những cảm xúc của ta tích cực và thoải mái hơn. Đó chính là thái độ và tư chất. Cảm xúc sẽ tốt khi được đặt trên đúng tư chất vốn có của ta, người nhẹ nhàng sẽ khó có cảm xúc tích cực trong hoàn cảnh xô bồ bon chen, người liều lĩnh lại chẳng hứng thú với những điều chậm rãi nhẹ nhàng. Từ tư chất đó sẽ sinh ra những thái độ như nhiệt tình, ham muốn,… chính những thái độ đó là một thứ dầu bôi trơn cho cảm xúc tích cực hành thành và phát triển nên. Như vậy, thái độ dựa trên nền tảng tư chất và nó sẽ hỗ trợ cho cảm xúc của ta được tích cực và tốt hơn.


Sự kiện -> Cảm nhận và tự thoại -> Cảm xúc -> Hành động

Từ cảm xúc tích cực đó sẽ tạo ra những hành động tích cực, hành động tích cực chắc chắn sẽ tạo ra những kết quả tích cực. Nhưng những kết quả tích cực chưa hẳn phù hợp với môi trường ta đang sống và điều đó sẽ tạo ra những xung đột không đáng có. Như việc con quá lo lắng cho bố nên vội vàng mua nhân sâm về để bố uống thì sẽ gây ra hậu quả tại hại mặc dù nhân sâm là rất tốt nhưng “Đau bụng uống nhân sâm thì tắc tử”. Các cụ ta đã dạy rằng “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, làm gì cũng phải ngó trước ngó sau. Hành động cũng cần hợp với thời vận và theo đúng mục tiêu mà chúng ta cũng như xã hội, tổ chức định ra. Mục tiêu và thời vận sẽ là cơ sở định hướng cho hành động của mình tốt hơn và có khả năng mang lại kết quả như ý muốn cho chính mình và cho những người xung quanh đồng thời cho tổ chức và cộng đồng.

Khi đó thì thành công sẽ là phần tiếp theo của sơ đồ:


Suy nghĩ + Thói quen -> cảm xúc -> Hành động -> Thành công


Thành công sẽ cao hơn nữa với sự hỗ trợ của viễn cảnh trên nền tảng của sứ mệnh. “Cách tốt nhất để kiểm soát tương lai chính là tạo ra nó”. Viễn cảnh chính là hình ảnh hoàn hảo nhất của ta trong tương lai và sứ mệnh là con đường trời sinh ra ta để thực hiện nó. Khi thành công dựa trên viễn cảnh và sứ mệnh, thành công đó mới thật sự vượt trội và cho ta cảm giác thỏa mãn.

Như vậy, những con sâu cứ tưởng mình xấu xí nhưng kỳ thực nó lại chứa đầy những tiềm năng mà chính bản thân nó lâu nay còn chưa nhận ra. Với tất cả những điều đó liệu chú sâu đó đã thành công hay chưa?
Và chúng ta đã tự tin vào bản thân mình hơn chưa? Chúng ta có sẵn sàng cho những nấc thang mới trong cuộc hành trình này?

Để đi tìm kho báu, người ta cần những tấm bản đồ, để tìm ra chính mình chúng ta cần một tấm Nhân đồ. Tấm nhân đồ đó đã ở trước mắt ta nhưng cũng như những bí kíp võ công, không phải ai có nó trong tay cũng rèn luyện được những tuyệt chiêu đó. Ta đang thấy trước mắt mình những khái niệm: Kỹ năng, thái độ, cảm xúc, thói quen, năng khiếu, tư chất, mục tiêu, viễn cảnh, sứ mệnh, thời vận… Tất cả những điều đó là gì, ý nghĩa của nó ra sao, vì sao chúng ta cần tất cả những thứ đó cho thành công và hạnh phúc của mình…? Hàng loạt những câu hỏi bắt đầu được đặt ra và thật khó để chúng ta có thể trả lời tất cả ngay lập tức.



Vậy hãy thư giãn bằng một bản nhạc nhẹ và tiếp tục chuyến hành trình.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: