Con người - Động vật xã hội - Con người Văn hóa và sự nghiệp giải phóng con người

Viện khoa học xã hội tp. Hồ Chí Minh
08:40 CH @ Thứ Bảy - 14 Tháng Ba, 2009

Cùng một tác giả:

»Chủ nghĩa Duy vật Nhân văn: Phương pháp luận nghiên cứu con người hiện nay ở Việt Nam

»Giới thiệu sách: Chủ nghĩa duy vật nhân văn

»Chủ nghĩa duy vật nhân văn - Nhìn từ truyền thống văn hóa dân tộc

»Cơ sở của sự hình thành và phát triển chủ nghĩa Duy vật Nhân văn

»Vấn đề con người, nhân văn trong triết học phương Tây hiện đại và chủ nghĩa duy vật nhân văn hiện nay

»Con người - Đời người - Làm người

Con người là một động vật có văn hóa

Con người từ thời sơ khai đến hiện đại thì dù có cao cả đến đâu vẫn là một động vật đặc biệt, cao nhất trong giới tự nhiên. Những nhu cầu có tính động vật vẫn phải được thỏa mãn với tư cách đảm bảo sự tồn tại của cơ thể vật chất không bị phá vỡ, có khả năng tồn tại và phát triển hợp quy luật.

Con người để sinh tồn, trước hết phải là con người kinh tế, con người lao động sản xuất vật chất. Chủ nghĩa Mác cho rằng, con người muốn tồn tại, trước hết phải có ăn mà để có ăn để sống thì phải lao động sản xuất. Chính quá trình lao động sản xuất ấy cùng với những họat động xã hội khác đã sáng tạo ra xã hội và con người. Nhưng con người không chỉ có vậy. Con người còn là một động vật xã hội, động vật chính trị. Nghĩa là con người cần giao tiếp, cần sống trong xã hội, vì mình và vì người khác, qua người khác mà vì mình và ngược lại. Con người sống trong gia đình, trong làng nước, trong dân tộc, trong một giai tầng xã hội cụ thể. Những quan hệ xã hội này cùng với quan hệ kinh tế làm nên bản chất con người.

Chính vì vậy chủ nghĩa Mác cho rằng, trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội. Nhưng con người không chỉ là con người sinh học, vật chất mà còn là con người tinh thần, con người văn hóa. Con người cần có tư tưởng, tư duy, ý chí, tâm lý, tâm linh. Con người không chỉ sống theo quy luật của cái có ích mà còn sống theo quy luật của cái đẹp, cái tốt. Theo nghĩa rộng thì dù con người là động vật kinh tế hay động vật chính trị, con người vật chất hay con người tinh thần thì trong tổng hòa đó, tất cả đều thấm nhuần bản chất xã hội, bản chất văn hóa, bản chất tính người. Ở đó bản tính sinh học (con người với tư cách một thực thể sinh học có bản tính riêng của nó) và bản tính văn hóa hòa quyện vào nhau tạo nên bản chất người con người mà bản chất đặc thù, bản chất người, nổi bật, cơ bản là bản chất xã hội, văn hóa. Do vậy, không thể tách rời bản chất sinh học khỏi bản chất xã hội, khỏi bản chất con người như một thực thể sinh học- xã hội. Do đó không nên tuyệt đối hóa mặt nào.

Tất nhiên, trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng, khi nhu cầu vật chất có tính động vật bị khuếch đại, thoát khỏi cái xã hội, cái văn hóa của con người thì tính người giảm dần, thậm chí mất tính người. Con người trong chủ nghĩa thực dụng chỉ nhấn mạnh một chiều lợi ích kinh tế, làm giàu bất cứ giá nào, tiền là tất cả đã làm tha hóa bao nhiêu nhân cách, thậm chí gây nên tội ác. Điều không thể quên là con người là một động vật xã hội, động vật-chính trị, nhất là động vật-văn hóa. Tính xã hội, tính văn hóa, theo nghĩa rộng, là thể hiện tập trung và quy tụ toàn bộ tính người. Do vậy, mỗi hành vi dù là hành vi động vật cũng phải thấm nhuần mục đích và bản chất văn hóa, tức tính người. Nhưng các nhu cầu của con người, nếu tách khỏi cái sinh học thì cái xã hội trở nên vô nghĩa.

Văn hóa, tính người về cơ bản là hoạt động mang tính sáng tạo, nhân văn, thể hiện và thực hiện quan hệ thân ái, hài hòa lợi ích giữa những con người với nhau. Cuộc sống văn hóa là cuộc sống trong lao động, đấu tranh vì tình thương và lẽ phải, dân chủ và công bằng vươn tới Chân-Thiện-Mỹ. Đó chính là quá trình khắc phục tha hóa, đấu tranh loại trừ sự bóc lột một cách tàn nhẫn, loại trừ cái ác, cái xấu, cái giả ra khỏi đời sống xã hội. Tất nhiên, điều này phải đặt trong hoàn cảnh lịch sử nhất định theo quá trình lịch sử. Bởi vì nhìn một cách điển hình thì nhân loại đi từ con người huyết thống lên con người tôn giáo, đến con người chính trị, con người kinh tế và tiến lên con người văn hóa; từ con người tập thể lên con người tư nhân đến con người cá nhân-cộng đồng, nhưng là quá trình không tách bạch mà lồng vào nhau như một sự đồng tiến hóa cùng với sự phát triển kinh tế xã hội.

Để cho con người văn hóa được phát triển toàn diện (phát triển người) thì phải cân đối hoạt động vật chất thực tiễn và hoạt động tinh thần, nội tâm của con người, đảm bảo cả đời sống vật chất và văn hóa cho mọi tầng lớp nhân dân.

Con người như vậy phải là con người trong sự thống nhất giữa thể chất, đạo đức, trí tuệ và tâm linh với cái trục của quy luật nhân văn: cái đẹp.

Con người học tập, lao động, đấu tranh và tự phát triển

Con người từ khi ra đời là một động vật biết học tập, học từ gần đến xa, từ việc nhỏ đến việc lớn, học ăn, học nói, học gói, học mở như ông cha ta đã tổng kết. Học như vậy cũng đi từ tự phát đến tự giác. Học từ trong gia đình đến học trong xã hội, học bạn bè và đến học ở trường lớp, qua sách vở. Học về giao tiếp tình cảm, học về tri thức kinh nghiệm và học tri thức khoa học. Học để hiểu biết, học để làm việc, học để giao tiếp, học để lập thân, lập nghiệp, học để chung sống với mọi người. Học suốt đời, còn sống còn học, còn làm việc, còn sống còn phải học. Không học, trong cả trường đời và trường học, không thể thành người…

Con người khác con vật là nhờ biết học theo tự nhiên, học theo xã hội và học chính mình để làm người có văn hóa. Động vật bắt chước theo bản năng sinh tồn, còn con người thì chế ngự bản năng, xã hội hóa bản năng, chuyển bản năng tự nhiên thành bản năng văn hóa, tạo ra bản năng xã hội, tức bản năng có ý thức, bản năng văn hóa. Nhưng văn hóa thì phải học mới có được, chứ không có sẵn. Con người là một động vật biết học tập một cách tự giác, học tập có hệ thống, nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Hoạt động thực tiễn là một hành vi học tập và học tập để làm cho lao động sản xuất và lao động sản xuất ngày càng tự giác, có hiệu quả hơn.

Con người là động vật biết lao động có hệ thống. Lao động là hành vi con người, lao động vừa là điểm xuất phát vừa là hành động trung tâm, nền tảng vừa là thể hiện kết quả của tính người. Lao động vì vậy đã sáng tạo ra con người và loài người. Tất nhiên, lao động ở đây trước hết là lao động vật thể và cả lao động trí tuệ, nhưng nền tảng là lao động sản xuất vật chất. Bản chất của lao động và hành vi cao nhất là hành vi văn hóa.

Ngoài lao động như vậy con người còn hoạt động chính trị xã hội, hoạt động giáo dục, khoa học, nghệ thuật. Tất cả các hoạt động đó là có tính người, tạo nên con người và đời sống con người. Cố nhiên, đó cũng là quá trình đấu tranh chống lại tất cả những gì phản văn hóa, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp và đấu tranh với chính mình để chống lại sự tha hóa của chính mình và xã hội dưới nhiều hình thức (trong kinh tế xã hội, đạo đức, tôn giáo…), tự giải phóng, từng bước phát triển, để trở thành con người tự do và phát triển toàn diện.
Sự phát triển con người tự do và toàn diện, hình thành, hoàn chỉnh nhân cách là một quá trình lịch sử đầy mâu thuẫn như một quá trình biện chứng, có quy luật. Đó là quá trình giải quyết câu đố lịch sử từng bước mâu thuẫn giữa con người với xã hội, với tự nhiên và với bản thân mình, trên con đường giải phóng tiến tới tự do.

Sự tìm kiếm con đường giải phóng con người

Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, loài người thông qua lao động và đấu tranh luôn luôn vươn tới những giá trị nhân bản, nhân đạo, nhân văn. Đó là con đường tự khẳng định mình và tự giải phóng như một quá trình đầy mâu thuẫn. Cho nên con đường đó không ít khó khăn, nan giải. Việc nhận thức và quan niệm về vấn đề này cũng khác nhau.

Từ xưa con người đã ao ước được sống tự do, ấm no, hạnh phúc trong một cộng đồng dân cư công bằng và văn minh. Nhưng ước mơ có khi vẫn là ước mơ. Các nhà tư tưởng luôn suy tư phản ánh ước vọng ấy của con người trong các lý thuyết tôn giáo và chính trị đạo đức. Tìm con đường cho sự giải phóng của con người và loài người khỏi bóc lột, bất công, nghèo đói, dốt nát, lạc hậu…

Mỗi một bước của lịch sử trong xã hội có giai cấp bóc lột, vừa tạo tiền đề cho công cuộc giải phóng vừa lại làm cho số phận con người bị ràng buộc trong vòng nô lệ, có khi đạt được bước tiến về vật chất lại bị trả giá về tinh thần, đạo đức. Sự nghiệp giải phóng ấy chỉ đem lại cuộc sống và tự do cho một thiểu số, một nhóm nhỏ còn đa số lại bị bóc lột, áp bức nhiều hơn, tinh vi hơn. Mà ngay thiểu số được giải phóng cũng không hoàn toàn tự do khi chính họ đi áp bức, bóc lột đa số nhân loại của mình.

Đúng là như C. Mác đã nói là một dân tộc đi áp bức một dân tộc khác thì dân tộc ấy cũng không có tự do! Trong quá trình tồn tại của mình, con người vừa dựa vào tự nhiên vừa đấu tranh với tự nhiên để ngày càng thoát khỏi sự ràng buộc của tự nhiên trái với nhu cầu con người, khắc phục những tai họa từ giới tự nhiên như bão lụt, hạn hán, núi lửa, động đất luôn đe dọa cuộc sống con người. Cùng với quá trình ấy, khoa học công nghệ càng phát triển, lực lượng sản xuất càng tăng thì xã hội lại vẫn nằm trong vòng bị áp bức, bóc lột, chiến tranh của thiểu số hữu sản, "cá lớn nuốt cá bé", nghĩa là do con người tự làm khổ chính mình như một "định mệnh". Cuộc đấu tranh để giải phóng xã hội, dân tộc và con người đã kéo dài nhiều nghìn năm vẫn chưa có kết quả gì nhiều cho đa số người lao động. Ngày nay chủ nghĩa đế quốc vẫn còn gây ra nhiều tai họa cho nhân loại đau thương. Công cuộc giải phóng ngày nay vừa giải phóng con người khỏi đói nghèo vừa giải phóng con người khỏi chế độ bóc lột, bất công tư bản, đế quốc cả về mặt dân tộc, xã hội và cá nhân. Đó là cuộc đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, công bằng, an toàn sinh thái cho mỗi cộng đồng người và loài người, nhất là cho thế giới nghèo, "thế giới thứ ba". Tất nhiên, công cuộc giải phóng ấy ở từng thời kỳ, từng nước là khác nhau về nội dung, bước đi và giải pháp và mức độ đạt được trên con đường đạt tới mục tiêu cuối cùng.

Nhưng đâu là phương thức, con đường giải phóng ấy. Con người vẫn luôn luôn tìm kiếm và thử nghiệm không ngừng.

Từ xưa các tôn giáo vẫn luôn hướng về tu thân, giáo hóa, hướng về cõi siêu nhiên, "thế giới bên kia", tìm sự giải thoát ở cõi Niết bàn hay cõi tâm tưởng ở lòng thương của các đấng tối cao nào đó, hay ở lòng tốt của con người, ở giới cầm quyền. Dù đó là từ bi của Phật hay bác ái của Chúa, kiêm ái của Khổng Mạnh, tôn giáo mới, nhân bản, vô thần ở Phơbách. Nhưng trong xã hội bị áp bức còn duy trì chế độ tư hữu, bóc lột, áp bức, bất công thì mọi ước vọng hay lý thuyết đó dù có tác dụng nhân đạo nào đó thì phần nhiều cũng chỉ là ảo tưởng.

Lại có quan niệm là đi tìm thí nghiệm xã hội cộng sản không giai cấp ngay trong lòng xã hội tư bản, hay tìm kiếm giải pháp phúc lợi chung theo kiểu "dân chủ xã hội", nhưng rồi cũng bị phá sản như lịch sử đã từng chứng kiến. Hoặc cũng có người hy vọng vào sự tiến bộ của khoa học công nghệ rồi tự nó sẽ hết nghèo đói và bất công. Cũng có nhà tư tưởng tư sản yêu cầu cần có sự thay đổi trong kinh tế xã hội hướng tới xã hội nhân học, tạo ra cố kết xã hội thay cho loại trừ và bất bình đẳng xã hội (Tạp chí cộng sản, số 9, tháng 5-1998, tr. 41) . Nhưng đa số trong họ vẫn cố tình lảng tránh con đường cách mạng, cải tạo xã hội tư bản chủ nghĩa.

Chỉ có chủ nghĩa Mác-Lênin dựa trên sự nghiên cứu quá trình khách quan của lịch sử, tìm ra được quy luật tiến hóa, phát triển xã hội và lực lượng cách mạng là giai cấp công nhân, đang đứng ở trung tâm thời đại, đã đưa ra các giải pháp thực tiễn, nhấn mạnh cải tạo và phát triển xã hội hiện thực thì mới đạt được những mục tiêu trong quá trình giải phóng. Chính chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản. Đó là sự nghiệp do giai cấp công nhân lãnh đạo và cùng toàn dân thực hiện, sẽ mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho các dân tộc và các cộng đồng, các cá nhân con người. Đó là chủ nghĩa xã hội dựa trên lập trường của chủ nghĩa duy vật lịch sử, chủ nghĩa duy vật nhân văn chứ không phải là duy tâm và ảo tưởng. Bởi vì, chủ nghĩa Mác đã đặt vấn đề giải phóng con người và xã hội trên miếng đất hiện thực, khoa học, duy vật, nhân văn và biện chứng. Công cuộc giải phóng này là toàn diện và lần đầu tiên là cho những người lao động, do chính họ thực hiện trên nền tảng của sự tiến hóa văn minh của nhân loại theo quy luật thép của lịch sử yêu cầu, cho phép. Chủ nghĩa Mác còn nói rằng chủ nghĩa cộng sản chủ nghĩa là một chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị, chủ nghĩa nhân đạo thực tiễn là theo nghĩa như vậy.

Nhưng đa số các nhà tư tưởng phương Tây, cố tìm mọi cách bác bỏ con đường đó bằng cách tuyên bố chủ nghĩa tư bản tồn tại vĩnh viễn, hoặc họ chỉ nhấn mạnh "cuộc cách mạng về tính", chỉ nhằm thay đổi tính xấu của con người, chỉ dừng lại sự kêu gọi lương tâm của con người, dựa vào sự cải tạo vô thức của tôn giáo. Các tác giả như Asnol Toybee (người Anh) và Daisaku Ikeda (người Nhật) nhấn mạnh con đường giải phóng loài người khỏi áp bức, bất công, lòng tham, chiến tranh, bạo lực, sự hủy hoại môi trường bằng cách đề cao sự giáo hóa bằng tôn giáo, tạo ra tôn giáo mới dựa trên các quy luật của sự sống như kiểu đạo Phật chẳng hạn(Xem: Sự lựa chọn cuộc sống. In năm 1981 do Ban khoa giáo trung ương dịch năm 1992, tr. 54) ; hoặc kết hợp khoa học và tôn giáo, hình thành chính phủ chung toàn cầu, xã hội toàn cầu mang tính dân chủ và trí tuệ. Họ phê phán cả chủ nghĩa công sản, cả chủ nghĩa tư bản, cả tôn giáo như Thiên chúa giáo. Họ cho rằng, các tôn giáo hiện tại là không thoả đáng, cần có tôn giáo mới. Dù những đề xuất như vậy có tính hợp lý thề nào đó chăng nữa, họ cũng không thoát khỏi ảo tưởng tôn giáo, nếu xa rời nhiệm vụ cải tạo xã hội hiện thực.

Lại có quan niệm chỉ cần tập trung giải quyết vấn đề sinh thái, theo kiểu "chủ nghĩa xã hội sinh thái" của các đảng Xanh là có thể giải quyết được mọi vấn đề xã hội. Họ coi nhẹ các vấn đề chính trị xã hội, hoặc cuối cùng lại rơi vào chủ nghĩa tự do vô chính phủ như thực tế đã chứng minh. Đó cũng là một loại cực đoan, dù có mặt hợp lý ở khía cạnh quan tâm đến an toàn sinh thái của quá trình phát triển kinh tế xã hội trên thế giới ngày nay.

Kiên định lập trường cách mạng, vừa chú ý cách mạnh chính trị xã hội và cách mạng về tư tưởng và văn hóa, cách mạng cả về thế giới nội tâm, dục vọng, quan tâm cả về quan hệ con người với nhau và với tự nhiên, cả mặt cá nhân và cộng đồng…; tìm ra những mục tiêu và giải pháp cụ thể khả thi để thực hiện chủ nghĩa nhân văn thực tiễn và cao cả, đó là thái độ mácxít, khoa học, hiện thực và nhân văn.

Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, những người cộng sản cũng khó tránh khỏi những sai lầm trong việc thực hiện các mục tiêu và giải pháp của mình. Có khi những người cộng sản đã rơi vào bảo thủ, có khi rơi vào tả khuynh, duy ý chí, có khi ảo tưởng, hoặc kỳ thị tôn giáo, kỳ thị tư bản, duy vật kiểu thô thiển, siêu hình máy móc nên đã phải trả giá cho thất bại, khủng hoảng.

Nhưng chủ nghĩa xã hội đang tự đổi mới, khắc phục những sai lầm, thiếu sót ấy và một số nước đã mở ra chân trời mới cho công cuộc phục hưng chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa nhân đạo hiện thực trên từng bước đi của mình. Khó khăn, thử thách còn nhiều, chặng đường còn xa nhưng triển vọng mới đã rõ ràng.

Chủ nghĩa xã hội trong đổi mới không chỉ phải khoa học hơn mà còn phải dân chủ, công bằng, nhân đạo thật sự, coi trọng cả cá nhân và cộng đồng, cả xã hội và sinh thái, cả đời sống tinh thần lẫn vật chất. Chủ nghĩa xã hội ấy thật sự đã biết kế thừa nền văn minh do chủ nghĩa tư bản và loài người sáng tạo ra và biết xây dựng mới một cách sáng tạo.

Xuất phát từ một nước tiểu nông và chế độ thực dân phong kiến, thiết lập chế độ dân chủ nhân dân, quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, thì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người càng là một sự nghiệp lâu dài, khó khăn gấp nhiều lần, nhưng dưới ánh sáng của tư tưởng khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh thì chúng ta nhất định sẽ đi tới đích của công cuộc giải phóng vĩ đại ấy.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Con người - Đời người - Làm người

    28/03/2016TS. Hồ Bá ThâmĐây thật sự là vấn đề triết học nhân văn mà chưa thấy bàn nhiều ở nước ta với một tư cách là một chuyên đề độc lập trong các giáo trình và các chuyên luận. Hồ Chí Minh cho rằng: mọi vấn đề qui đến cùng là vấn đề ở đời và làm người. Các triết học và tôn giáo ít hoặc nhiều đều động chạm đến vấn đề đó với các góc độ, khía cạnh khác nhau...
  • Tiến tới một triết học về hợp tác vì sự giải phóng con người

    22/09/2015Nguyễn Trần BạtVượt thời gian là một khả năng tuyệt vời của nhận thức. Khả năng vượt thời gian cho phép người ta có thể truy đuổi, suy ngẫm về tương lai, hay ít nhất là chuẩn bị tiền đề tâm lý để đi đến với nó. Và ngay cả những người hôm nay đã tìm ra công nghệ để đi đến tương lai nếu trong quá trình tiến đến tương lai tiếp theo, tương lai cấp hai, vẫn khư khư giữ lấy bản đồ án của tương lai thứ nhất thì cũng sẽ trở thành kẻ bảo thủ trong giai đoạn thứ hai này. Cơ sở của công nghệ đi đến tương lai là tư duy không ngừng, lựa chọn không ngừng và loại bỏ không ngừng...
  • Suy nghĩ của giới trẻ về con người

    15/05/2015Con người là sinh vật phát triển nhất, ưu việt nhất trên trái đất này. Điểm khác biệt cơ bản nhất giữa con người và các loài động vật khác là tính nhân bản. Nhưng liệu, đức tính tốt đẹp ấy có còn được giới trẻ coi trọng và bồi dưỡng không?
  • Vì con người hãy giúp con người

    20/09/2013Nguyễn Chu PhácLịch sử phát triển của xã hội loài người đã chứng minh sức mạnh không ở mãi trong tay một người, văn minh không nằm mãi ở một vùng. Tự nhiên sẽ tiếp tục vận động, xã hội cũng vận động. Người nắm trong tay sức mạnh vật chất, đồng tiền và quyền lực hãy tỉnh táo cố tự ghìm mình. Kẻ ác sẽ phải trả giá cả về vật chất và tinh thần nặng hơn gấp nhiều lần điều ác mà họ gây ra...
  • Sự bình đẳng của con người

    16/12/2010Tuyên ngôn nước Mỹ nói rằng tất cả con người sinh ra đều bình đẳng. Làm thế nào mà những tác giả được cho là thông thái của văn kiện này lại có thể viết ra điều quá vô nghĩa như thế? Hãy nhìn quanh bạn xem! Aga Khan(1) và một tá điền da đen miền Nam có được sinh ra bình đẳng không?
  • Chủ nghĩa Duy vật Nhân văn: Phương pháp luận nghiên cứu con người hiện nay ở Việt Nam

    13/02/2009TS. Hồ Bá ThâmĐây là một quan niệm mới của tác giả về lĩnh vực triết học nhân văn. Chungta. com cũng đã giới thiệu nội dung khái quát 2 cuốn sách của tác giả về chủ đề này. Để giúp bạn đọc rõ hơn, chúng tôi giới thiệu bài viết trực tiếp về nội dung chủ yếu của chủ nghĩa duy vật nhân văn và phương pháp luận của nó.
  • Con người – Chúa tể

    22/01/2009Hà Huy KhoáiBài viết này chỉ là những suy nghĩ tản mạn của một người "ngoại đạo" nhìn tiến hóa không phải với con mắt một nhà tự nhiên học, mà của một người "bình thường". Tôi bỗng giật mình nhận thấy, trong sự tiến hóa kỳ diệu của tự nhiên, phải chăng tạo hóa đã "lỗ" khi tạo ra con người: loài động vật "thượng đẳng" là nguyên nhân chính làm biến mất khỏi thế gian này bao nhiêu loài khác. Vả lại con người có phải là "thượng đẳng "hay không trong nấc thang tiến hóa?
  • Hồ Chí Minh với vấn đề con người

    06/12/2008Nguyễn KiênBắt đầu hoạt động cách mạng với những khái niệm “con người”, “quyền con người”, Hồ Chí Minh cũng khép lại cuộc đời mình với khái niệm “con người”, tuy với những nội dung có khác nhau…
  • Chỉ là một con người và một số phận

    21/11/2008Nguyễn Thành TrungGần nhà có một quán cóc nhỏ gọi là quán bà Trường, dân tình ngồi ở đấy thường là mấy tay xe ôm, mấy thằng sinh viên trong khu, và thỉnh thoảng có cả mấy ông công an phường....
  • Từ quan niệm về con người trong lịch sử đến quan niệm về con người Hồ Chí Minh

    07/01/2006Phó GS. TS. Nguyễn Tĩnh Gia...vấn đề con người có vẻ cũ, nhưng nó lại luôn mới mẻ, luôn có vấn đề phải nói rằng, nó là vấn đề của mọi vấn đề. Để có được quan niệm khoa học về con người trong thời đại Hồ Chí Minh, lịch sử đã từng tiếp cận vấn đề con người bằng những phương pháp khác nhau
  • xem toàn bộ