Công cụ chống tham nhũng của Tổ chức minh bạch quốc tế
Ánh sáng công lý nhất định sẽ soi tỏ mọi ngóc ngách trong cả hai trường hợp “điện kế điện tử” và “mua sắm của VNPT” (từ đây viết tắt là “mua sắm”).
Hi vọng như thế. Thế nhưng, không chỉ có hai vụ này hay những vụ đã phanh phui và xử lý. Làm thế nào để ngăn chặn tham nhũng một cách hiệu quả, không để tham nhũng tiếp tục tràn lan...?
Thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng “Chỉ số cảm nhận tham nhũng” (CPI) của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) 2004 là 2,6 điểm/10, hạng 102/145, đồng hạng với Philippines, Uganda và Zambia ở châu Phi. Thứ hạng này là khá thấp và đã có sự tụt hạng. Năm đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng này (năm 1997), VN đạt 2,79 điểm/10, hạng 43/54...
Định nghĩa tham nhũng
Trước hết, cần thống nhất định nghĩa: Tham nhũng là gì? Trong “Tools to support transparency in local governance”(công cụ hỗ trợ cho tính minh bạch trong công tác cai trị ở địa phương) TI nêu một định nghĩa của Klitgaard, MacLean, Abaroa và Parris, được nhiều định chế quốc tế và học giả sử dụng như sau: "Tham nhũng có nghĩa là lạm dụng chức vụ cho lợi ích riêng. Chức vụ là một vị trí công tác dựa trên cơ sở niềm tin, mà từ đó một người được nhận một thẩm quyền hành động nhân danh một định chế nào đó”, (sđd. tr.23).
Có lẽ nên bắt đầu bằng cách cùng với thế giới định nghĩa tham nhũng trên bản chất hành vi thay vì căn cứ trên... số tiền bỏ túi là bao nhiêu. Từ định nghĩa tham nhũng nêu trên, có thể đi tiếp những bước khuyến cáo tiếp theo.
Công cụ nhận dạng tham nhũng
Các tác giả nêu trên đã xác định ra qui luật hoạt động của tham nhũng trong thực tế công quyền dưới dạng công thức tạm dịch như sau:
Tham nhũng = Độc quyền + Bưng bít thông tin - Trách nhiệm giải trình.
Corruption = Monopoly + Discretion - Accountability.
Với công thức trên, có thể dễ dàng nhận dạng tham nhũng trong các biểu hiện của nó: thừa độc quyền, thừa bưng bít thông tin, thiếu (phi) trách nhiệm giải trình.
a/ Thừa độc quyền
Trong các vụ tham nhũng đều có thể thấy yếu tố “độc quyền”. Từ độc quyền kinh doanh với công ty nào hay với ai, đến độc quyền quyền hạn và quyền lực như quyết định tổ chức đấu thầu kiểu gì, cho ai trúng thầu vì lý do gì, gạt ai vì lý do gì, thậm chí triệt tiêu các cơ chế lãnh đạo và giám sát nội bộ...
Qui mô và cách thức diễn ra các vụ nổi cộm trên càng cho thấy quyền hạn và quyền lực đã bị “độc quyền” thái quá trong tay vài người, nhất là khi họ đồng nhất bản thân với cả cái định chế mà người ấy được giao nhiệm vụ thay mặt để rồi nhân danh những khái niệm cao cả mà biện hộ cho những lý lẽ của mình.
Từ đó, triệt tiêu những tiếng nói can gián và đấu tranh có khi ngay cả của bộ máy lãnh đạo hoặc giám sát để rồi chính bộ máy đó cùng tham gia... Trong vụ điện kế điện tử, không thể đặt câu hỏi: đảng bộ, công đoàn... đâu cả rồi?
Các “thư tay” cho dù có là “nội dung thư giả”, thậm chí “chữ ký giả”, cũng do hậu quả của sự độc quyền quyền hạn và quyền lực trên. Cấp dưới cứ phải nhắm mắt, nhắm mũi mà nghe, vì đã quen sợ cái quyền và cái lực đó rồi.
b/ Thừa bưng bít thông tin
Có thể nhận ra tham nhũng qua những biểu hiện bưng bít thông tin trước và sau (mua sắm, đấu thầu, phân bổ đất đai, cấp phát phúc lợi xã hội hay tập thể, học bổng...). Khi những thông tin “nhạy cảm” và “sinh lợi” bị độc quyền, làm gì có cơ hội đồng đều cho mọi người! Đừng hỏi tại sao các côngtơ điện khác rớt thầu vì không... bắt dính được bằng ba con ốc vào cái đế đã được đo theo ni tấc của cái điện kế “bên hông Phú Nhuận” này!
Cũng thế đất cát ở đây, ở kia, từ Phú Quốc đến Bạc Liêu (kể cả đât dành cho dân nghèo), đến đất qui hoạch... Thứ gì cũng thành tiền cả khi thông tin bị “qui hoạch” riêng cho một thiểu số có quyền.
Chính cái lề thói “bí mật nội bộ” cộng với độc quyền đã được nhân rộng thành tham nhũng. Tham nhũng xong, tiếp tục bưng bít bằng mọi cách. Bưng bít thông tin từ “thượng nguồn” cho đến “hạ lưu”. "Hạ lưu" thì chặn cổng không cho vào tiếp cận thông tin, “mất hồ sơ”, hoặc khống chế các cuộc họp sao cho không để có tiếng nói không nhất trí.
Bưng bít từ “thượng nguồn” bằng những động thái đánh lạc hướng dư luận, tổ chức thanh tra theo kiểu “che chắn” theo định luật mà ngành truyền thông gọi là bandwagon (đồng hội đồng thuyền), nôm na mà nói là “phủ bênh phủ”...
Càng bưng bít thông tin, tham nhũng càng có điều kiện sinh sôi nảy nở. Khi ngân sách, kinh phí, thu chi không được công bố chi tiết cho dân chúng, cho cổ đông, cho công nhân viên..., thì mua bao nhiêu, bán bao nhiêu, giá bao nhiêu, chi bao nhiêu, chẳng ai (được) biết. Bưng bít thông tin và tham nhũng đơn giản quan hệ với nhau là như thế.
c/ Thiếu trách nhiệm giải trình
Rõ ràng khi thừa độc quyền và thừa bưng bít thông tin, còn gì nữa trách nhiệm giải trình! Công thức: Tham nhũng = Độc quyền + Bưng bít thông tin - Trách nhiệm giải trình không có gì khó hiểu. Khi mọi việc đều chỉ ta hay, ta biết, ta bày vẽ, ta quyết định, ta che đậy thì còn giải trình với ai?!
Trên hình thức cũng có thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Thế nhưng, có phải tất cả các con số đều là chính xác? Vì lý do gì các tổ chức tài chính quốc tế thường than vãn về “hệ thống kế toán của Việt Nam” ?
Bởi thế, mới có đất dụng võ cho các công ty kiểm toán nước ngoài nổi tiếng như KPMG, PricewaterhouseCoopers... đang hành nghề ở Việt Nam. Kiểm toán trung thực tuy chỉ là một công cụ kỹ thuật, song lại là tối cần thiết trong quá trình giải trình minh bạch. Hầm chui Văn Thánh hay bất cứ “kỳ công” nào khác, trước khi khởi công, thậm chí khi mới còn là dự toán, hay sau này trước khi nghiệm thu, cứ mời kiểm toán quốc tế xem có “con kiến hay con lạc đà nào lọt qua lỗ kim” hay không?
Công cụ chiến đấu
TI gọi đây là “Corruption Fighters’ Tool Kit” (Bộ công cụ của chiến sĩ chống tham nhũng) do lẽ đây là một cuộc chiến sinh tử. Trong số các vũ khí chống tham nhũng có thể nêu vài vũ khí như sau:
- Khiếu nại của dân chúng: Có một cơ quan khiếu nại độc lập hay không? Cơ quan đó có được công chúng và các viên chức biết đến hay không? Có bảo vệ được những người cáo giác hay không? Có thể nặc danh tố cáo hay không? Có chương trình gì để kiểm tra độ thanh liêm của từng bộ phận hay không?
- Ngân sách, kinh phí: Có được công bố công khai cho công chúng hay không? Công chúng có tham gia hoạch định những ưu tiên trong chi tiêu hay không?
- Mua sắm: cơ chế mua sắm có được tiếng tốt hay không? Có dựa trên nguyên tắc cạnh tranh hay không? Các vụ mua sắm có được thông báo từ trước và rõ ràng cho công chúng hay không? Quá trình chọn thầu có sòng phẳng hay không? Hay là có một vài hình thức mua sắm nào không trong diện đấu thầu? Có kiểm toán một cách thường xuyên các mua sắm hay không? Có do các kiểm toán viên độc lập hay không? Có kiểm toán nội bộ hay không? Các kết quả kiểm toán có được công bố đúng thời hạn và một cách rõ rệt?...(sđd: tr.33)
... Còn nhiều công cụ khác. Vấn đề ở chỗ như các tác giả đã phân tích :” Tham nhũng là một tội phạm có tính toán chứ không do máu mê tham lam. Người ta càng có ý muốn tham nhũng khi các bất trắc càng thấp, các hình phạt thì quá nhẹ trong khi các mối lợi thì quá lớn”.
Làm sao cho những bất trắc trong tham nhũng ngày càng cao, càng nhiều?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuVăn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900