Cốt cách Nguyễn Vỹ

Nhà thơ, nhà báo
09:21 SA @ Thứ Ba - 16 Tháng Hai, 2021

Nguyễn Vỹ là tên thật và là bút danh chính trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác đồ sộ đủ các thể loại: Thơ, tiểu thuyết, biên khảo, chính luận... 

Nguyễn Vỹ sinh năm 1910 (theo tiểu sử do chính ông viết - nhưng trên giấy tờ ghi ông sinh năm 1912) tại làng Tân Hội, sau đổi là Tân Phong (nay là xã Phổ Phong), huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi trong một gia đình nhà Nho có truyền thống yêu nước. Cha Nguyễn Vỹ là Nguyễn Thuyên, từng làm tri huyện Tuy Phước (Bình Định), nhưng vì có tư tưởng chống Pháp nên đã từ quan. Bác ruột là Nguyễn Tuyên tham gia phong trào Duy Tân (1908), Tạp chí Phổ Thô bị Pháp bắt đày Côn Đảo. Anh họ Nguyễn Vỹ là Nguyễn Nghiêm - thủ lĩnh phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ở Quảng Ngãi, bị Pháp giết tại quê nhà năm 1930. Nguyễn Vỹ chịu ảnh hưởng truyền thống yêu nước, chống thực dân Pháp của gia đình, nên từ khi học trung học ở trường Quốc học Quy Nhơn (1924-1927), ông đã tham gia bãi khóa để tang nhà cách mạng Phan Châu Trinh nên bị đuổi học, phải ra Hà Nội học tiếp. Sau khi đậu tú tài toàn phần, Nguyễn Vỹ dạy học tại trường trung học Thăng Long, Hà Nội. Vừa dạy học, vừa làm thơ, viết văn, viết báo... Nguyễn Vỹ cộng tác với nhiều tờ báo lớn bấy giờ như: Tiếng Dân (Huế), tuần báo Đông Tây, Văn học tạp chí, tuần báo Phụ Nữ, L'Ami du Peuple, La Patrie Annamite... Năm 1937, Nguyễn Vỹ lập tuần báo Le Cygne, viết bài đả kích chính sách thực dân Pháp, kêu gọi Việt Nam độc lập, dẹp bỏ chế độ quân chủ của triều đình Huế, nên chỉ phát hành được 6 số thì báo bị đóng cửa, ông chủ nhiệm trẻ tuổi bị tòa án Pháp ở Hà Nội kết án tù 6 tháng và đóng phạt 3.000 đồng. Khi Nhật đánh chiếm một phần Trung Quốc và chuẩn bị chiếm Đông Dương hất chân Pháp, Nguyễn Vỹ đã nhìn thấy âm mưu thâm độc của phát xít Nhật với chiêu bài “Đại Đông Á”, ông viết liền hai cuốn luận đề chính trị Kẻ thù là Nhật BảnCái họa Nhật Bản (cả hai cuốn đều do Thanh Niên Tùng Thư ấn hành trong 2 năm 1938 - 1939) mục đích cảnh tỉnh những người nhẹ dạ cả tin vào lời chiêu dụ “Đông Á của người Á Đông” của phát xít Nhật. Sau khi chiếm Đông Dương, năm 1942 Nhật bắt giam Nguyễn Vỹ ở ngục Trà Khê (Quảng Ngãi), sau đó đày ông đến Củng Sơn (Phú Yên) một vùng rừng thiêng nước độc. Đến năm 1945, sau khi Nhật thất trận, đầu hàng Đồng minh, Nguyễn Vỹ mới được trả tự do. Ra khỏi tù, Nguyễn Vỹ về quê Quảng Ngãi sống một thời gian. Năm 1946, Nguyễn Vỹ vào Sài Gòn sáng lập và làm chủ bút nhật báo Tổ Quốc, chuyên đăng những bài đả kích chính sách thực dân, nên chỉ sau một thời gian ngắn, tờ Tổ Quốc bị đóng cửa! Năm 1948, Nguyễn Vỹ ng tháng 3-1964 lên Đà Lạt lập tuần báo Dân Chủ chủ trương chống chính sách Quân chủ Lập hiến của Quốc trưởng Bảo Đại, nên cũng bị chính quyền rút giấy phép! Năm 1952, Nguyễn Vỹ lại về Sài Gòn sáng lập và làm chủ nhiệm kiêm chủ bút nhật báo Dân Ta, nhưng chưa được một năm thì bị đóng cửa. Năm 1958, Nguyễn Vỹ sáng lập Bán nguyệt san Phổ Thông, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút cho đến khi mất trong tai nạn giao thông cuối năm 1971.

Tạp chí Phổ Thông

Trên đây là tóm lược đời hoạt động của Nguyễn Vỹ: Một nhà thơ cách tân có nhiều đóng góp cho phong trào Thơ mới. Một nhà văn, nhà phê bình - biên khảo tài năng và tâm huyết. Một nhà báo dấn thân, dám viết, không ngại đụng chạm, phê phán thẳng thừng nhà cầm quyền Pháp, đối đầu với phát xít Nhật, đối lập với chính quyền Quân chủ Lập hiến của Bảo Đại; phản kháng và bất hợp tác với chính quyền Ngô Đình Diệm. Kể cả chuyện ông từ chối Giải thưởng Văn chương Toàn quốc lần đầu tiên của Tổng thống Ngô Đình Diệm dành cho bộ tiểu thuyết Hai thiêng liêng - năm 1960. (Nguyễn Vỹ kể lại trong tập hồi ức văn học Văn Thi sĩ tiên chiến rằng ông viết thư cho Chủ tịch Ban giám khảo cho biết ông không tham gia và không nhận giải thưởng của ông Tổng thống Ngô Đình Diệm!).

Được biết đến từ phong trào Thơ mới với Tập thơ đầu bằng hai thứ tiếng Pháp - Việt (1934) và một số bài thơ cách tân 2 chân, 12 chân - Thơ thị giác..., nhưng phải đến 1936-1937 tên tuổi Nguyễn Vỹ mới sáng chói trên thi đàn với phong cách sáng tạo mới qua các bài thơ “Sương rơi” và “Gởi Trương Tửu”. Cũng từ sau bài “Gởi Trương Tửu” đăng trên tuần báo Phụ Nữ mà Nguyễn Vỹ được thi sĩ lừng danh Tản Đà - thần tượng của ông - một người nổi tiếng ngông bậc nhất trong giới văn thi sĩ bấy giờ - tìm đến tòa soạn gặp và rủ ông đến nhà Thi sĩ ở ấp Thái Hà uống rượu. Nguyễn Vỹ kể lại trong cuốn hồi ức Văn thi sĩ tiền chiến rằng, Tản Đà bảo: “Tôi giận ông lắm... Sao ông lại bảo nhà văn An Nam khổ như chó? Ông so sánh nhà văn chúng ta với kiếp chó mà ông không hổ thẹn ư?” Nguyễn Vỹ trả lời: “Thưa cụ, nếu cháu so sánh nhà văn với chó thì chó nó thẹn, chứ sao nhà văn lại thẹn?” Câu trả lời thể hiện tính cách của chàng thi sĩ trẻ Nguyễn Vỹ. Tính cách đó đã đi theo ông đến cuối cuộc đời! Nguyễn Vỹ kể tiếp, khi nghe câu trả lời của ông, Tản Đà làm thinh nốc hết ly rượu, rồi rót thêm một ly nữa. Bỗng dưng ông phì cười. Rồi rưng rưng nước mắt... Nguyễn Vỹ bảo, tự dưng ông cũng muốn khóc theo. Rồi Tản Đà đưa bài thơ Còn chơi bảo Nguyễn Vỹ họa lại. Bài thơ khá dài, thể hiện tính ngông của nhà thi sĩ lớn từng đòi bán cả trời! Vài tháng sau Nguyễn Vỹ mang bài thơ đối Hết chơi đến Thái Hà ấp trao cho Tản Đà! (sau này Nguyễn Vỹ in lại cả bài xướng Còn chơi của Tản Đà và bài họa Hết chơi của ông trong tuyển tập thơ Hoang vu- 1962).

Năm 1937, Nguyễn Vỹ đến Huế diện kiến nhà cách mạng Phan Bội Châu đang bị Pháp xử an trí tại đây, được cụ Phan mời đi thuyền công cụ trên sông Hương, đàm đạo suốt đêm. Cụ Phan còn làm bài thơ Trong chiếc thuyền nan tặng Nguyễn Vỹ và bảo ông họa lại. Bài thơ như sau: “Vừa có đêm nay một bạn hiền/Sông Hương lai láng một con thuyền/Gió trăng khéo léo trời đưa khách /Non nước tình cờ đất gán duyên / Người chẳng kẻ Nam hay kẻ Bắc / Tình không ai lạ với ai quen / Hương Bình, Nùng Nhị bao dâu bể/ Lịch sử nghìn năm hả nhẽ quên?”

 Nguyễn Vỹ xúc động phụng họa ngay: “Hơn đọc nghìn trang sách thánh hiền / Một đêm với cụ, một con thuyền /Trời, mây, trắng, gió, Dân đành phận / Thành quách lâu dài, Đất túi duyên / Chén rượu thừa lương cười rướm lệ/Câu thơ tâm phúc, lạ thành quen/ Nước non, non nước, tình lai láng/Một nét quan hoài chẳng dám quên”. 

Có lẽ cụ Phan đã có cái nhìn thấu suốt về cốt cách Nguyễn Vỹ nên cụ mới ưu ái tiếp chàng thi sĩ trẻ tuổi!

Ông Nguyễn Vỹ và ông Đạo Dừa (tức Nguyễn Thành Nam, đứng ở giữa) vốn là bạn bè thân thiết. Ảnh: Bạch Ngọc Anh 

Nguyễn Vỹ không làm chính trị nhưng có quan điểm chính trị rất dứt khoát, rõ ràng - dù đôi khi quá khích. Khi mới hai mươi bảy tuổi Nguyễn Vỹ đã một mình đứng ra lập tờ báo tiếng Pháp để viết bài chống Pháp! Khi phát xít Nhật đang ào ào tiến công toan nuốt trọn châu Á thì Nguyễn Vỹ viết sách chống Nhật. Ông vào Sài Gòn - đất do chính quyền “Nam kỳ tự trị” cai trị, lại ra báo Tổ Quốc kêu gọi Việt Nam độc lập, thống nhất! Lên Đà Lạt - đất “Hoàng triều cương thổ” của triều Nguyễn, ông lập báo Dân Chủ chống chế độ quân chủ lập hiến! Hiếm có nhà văn, nhà báo nào dám làm những chuyện “chọc trời khuấy nước” như Nguyễn Vỹ! Có người cho rằng Nguyễn Vỹ ngông, cực đoan hoặc quá khích! Theo tôi, đó chính là “cốt cách Nguyễn Vỹ”. Từ khi còn rất trẻ, Nguyễn Vỹ đã thể hiện rất rõ thái độ đối với hai học giả - nhà văn - nhà báo hàng đầu của Việt Nam những năm đầu thế kỷ hai mươi là Nguyễn Văn Vĩnh - chủ bút Đông Dương tạp chí, chủ nhiệm kiêm chủ bút L'Annam Nouveau; và Phạm Quỳnh - chủ nhiệm kiêm chủ bút Nam Phong tạp chí. Nguyễn Vỹ rất kính nể và ngưỡng mộ học giả Nguyễn Văn Vĩnh cả về tài năng lẫn nhân cách: Ông Vĩnh đã thể hiện khí phách của kẻ sĩ khi từ chối nhận Bắc Đẩu bội tinh - huân chương cao quý của chính phủ Pháp trao tặng... Khi báo thua lỗ, phá sản, dù được chính quyền bảo hộ đề nghị tài trợ, nhưng Nguyễn Văn Vĩnh đã từ chối. Sau đó Nguyễn Văn Vĩnh cùng một người bạn sang Lào đi tìm...mỏ vàng! Nhưng đáng buồn thay, mỏ vàng đầu không thấy mà ông Vĩnh đã chết vì sốt rét rừng ở xứ người! Trong khi đó, mặc dù rất nể Phạm Quỳnh về học thuật, nhưng Nguyễn Vỹ công khai chống đối quan điểm bảo hoàng và thái độ phục tùng người Pháp - của ông Quỳnh! (Nam Phong tạp chí nguyên do Chánh sự vụ của Phủ toàn quyền Đông Dương sáng lập, nhận tài trợ của chính phủ Pháp để hoạt động). Trong hồi ức Văn thi sĩ tiền chiến Nguyễn Vỹ đã làm cả một bảng so sánh tài năng và tính cách của Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh, thể hiện rõ sự đối lập giữa hai đại trí thức này!

Nguyễn Vỹ không làm chính trị như nhà văn Nhất Linh, nhưng lại có vài điều tình cờ “trùng hợp một cách đối nghịch” giữa hai người! Dù rất ngưỡng mộ và kính nể khí phách Nguyễn Thái Học - Đảng trưởng Việt Nam Quốc dân đảng nhưng Nguyễn Vỹ không theo Việt Nam Quốc dân đảng như Nhất Linh. Để đối chiếu với đời hoạt động của Nguyễn Vỹ với Nhất Linh, xin nhắc lại đôi điều về hoạt động chính trị của nhà văn Nhất Linh - tức chính trị gia Nguyễn Tường Tam: Sau khi nghỉ làm báo, tạm ngừng viết văn, Nhất Linh chuyển sang hoạt động chính trị. Năm 1939, Nguyễn Tường Tam cùng với Khái Hưng lập đảng Hưng Việt, sau đổi là Đại Việt Dân chính, rồi sáp nhập với Việt Nam Quốc dân đảng; đến năm 1945 Nguyễn Tường Tam là Bí thư trưởng Việt Nam Quốc dân đảng. Tháng 3-1946, Nguyễn Tường Tam đại diện Quốc dân đảng tham gia chính phủ Liên hiệp Kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh với vai trò Bộ trưởng Ngoại giao, được cử làm trưởng đoàn của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị trù bị Đà Lạt đàm phán với Pháp. Năm 1947, Nguyễn Tường Tam bỏ sang Trung Quốc, rồi lại Hồng Kông đến năm 1951 mới về Việt Nam và tuyên bố không tham gia chính trị nữa. Năm 1953, Nhất Linh lên Đà Lạt ẩn cư...Đó cũng là thời điểm Nguyễn Vỹ rời Đà Lạt về Sài Gòn sáng lập nhật báo Dân Ta - một tờ báo chống áp bức, bất công, bảo vệ dân nghèo. Nhưng không lâu sau, báo Dân Ta bị đóng cửa. Năm 1958, Nguyễn Vỹ ra tờ tạp chí Phổ Thông với tôn chỉ “Góp phần xây dựng văn hóa Việt Nam-Phổ biến Văn hóa đông tây - kim cổ”, tạo được uy tín với độc giả trung lưu, trí thức, sinh viên, học sinh... Cùng năm 1958, Nhất Linh từ Đà Lạt xuống Sài Gòn lập giai phẩm Văn hóa Ngày nay, nhưng chỉ ra được 11 số thì tự đình bạn. Hai năm sau Nhất Linh bỏ lời hứa “không làm chính trị nữa”, đứng ra thành lập Mặt trận Quốc dân Đoàn kết, ủng hộ cuộc đảo chánh của đại tá Nguyễn Chánh Thi và trung tá Vương Văn Đông ngày 11-11-1960 nhằm lật đổ Ngô Đình Diệm. Đảo chánh thất bại, Nhất Linh bị quản thúc tại gia. Năm 1963, tòa án gửi trát mời ông ngày 8-7 ra hầu tòa. Đêm 7-7-1963, Nhất Linh uống rượu pha độc dược tự tử, viết thư tuyệt mệnh để lại câu nổi tiếng: “Đời tôi để lịch xét xử. Tôi không để ai xử tối.”... Gần bốn tháng sau khi Nhất Linh tự tử, ngày 1-11-1963 các tướng lãnh làm cuộc đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Nguyễn Vỹ được biết đến là nhà văn, nhà báo chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, nên Hội đồng Quân nhân Cách mạng do trung tướng Dương Văn Minh làm Chủ tịch mời ông vào Hội đồng Nhân sĩ (Hội đồng này chỉ tồn tại mấy tháng). Nhân cơ hội này, Nguyễn Vỹ xin tục bản nhật báo Dân Ta, nhưng đến năm 1965, Dân Ta lại bị chính phủ Nguyễn Cao Kỳ đóng cửa! Tờ Dân Ta tục bản lần thứ ba vào năm 1971, ấn hành được 105 số thì phải đình bản sau khi Nguyễn Vỹ mất. Riêng bán nguyệt san Phổ Thông - nơi Nguyễn Vỹ với bút lực sung mãn, đã viết những bài phê bình sắc sảo, không ngại đụng chạm, về nhiều vấn đề văn hóa - văn nghệ, chính trị - xã hội trong suốt 14 năm, vẫn tiếp tục tồn tại cùng với tuần báo thiếu nhi Thằng Bờm thêm mấy năm nữa...

Nhà thờ họ Nguyễn ở Quảng Ngãi

Năm 1970, Nguyễn Vỹ ấn hành 2 tác phẩm văn xuôi quan trọng nhất của ông Tuấn - chàng trai nước Việt - một biên niên sử của nước nhà nửa đầu thế kỷ XX

qua các hoạt động và cái nhìn thời cuộc của nhân vật Tuấn - hiện thân của chính tác giả. Và cuốn Văn thi sĩ tiền chiến là hồi ức về những văn thi sĩ nổi tiếng của văn học Việt Nam trước 1945 – những đồng nghiệp và bằng hữu thân thiết của Nguyễn Vỹ.

Nhân đây xin nói rõ thêm về năm sinh và ngày mất của Nguyễn Vỹ: “Nguyễn Vỹ tuổi Kỷ Dậu, tính theo Âm lịch đến ngày mất 14-12-1971 hưởng thọ 63 tuổi” (tuần báo Thằng Bờm số 86 - “Tưởng niệm cố thi sĩ Nguyễn Vỹ”). Nguyễn Vỹ tự ghi tiểu sử là ông sinh năm 1910 - không ghi ngày tháng, nhưng chắc là ông sinh đầu năm 1910 nên vẫn còn là cuối năm Kỷ Dậu. Còn ngày mất của Nguyễn Vỹ rõ ràng như thế, nhưng không biết căn cứ ở đâu mà nhiều tài liệu và bài viết đều ghi ông mất ngày 4-2-1971! Tôi nhớ rất rõ, vì chỉ trong một tháng mà Văn học miền Nam có hai cái tang lớn: Sau khi Nguyễn Vỹ bị tai nạn giao thông mất ngày 14-12-1971, thì đến ngày 5-1-1972 nhà văn - nhà phê bình văn học uy tín Tam Ích tự sát rất bị tráng: Ông tra cổ vào thùng lọng, đứng trên chồng sách rồi đạp đổ sách! Tam Ích sinh năm 1915, là bạn văn thân thiết của Nguyễn Vỹ. Có lẽ Tam Ích muốn gửi một thông điệp về sự bất lực của giới trí thức - tượng trưng qua sách vở, chữ nghĩa chăng?

Tiếng là ông chủ 3 tờ báo (nhật báo Dân Ta, bán nguyệt san Phổ Thông và tuần báo thiếu nhi Thằng Bờm) nhưng Nguyễn Vỹ vẫn ở nhà thuê, nên khi ông mất không thể tổ chức đám tang tại nhà thuê, mà phải tổ chức ở chùa Xá Lợi (lúc bấy giờ chưa có lệ tổ chức đám ma tại chùa như bây giờ. Nhưng nhờ có mấy thầy trong chùa Xá Lợi biết hoàn cảnh của một nhà báo, nhà thơ tên tuổi như ông mà không có chỗ lo đám tang nên mới đồng ý cho tổ chức tại chùa)! Sau khi Nguyễn Vỹ mất ít lâu có một số nhà báo, nhà văn uy tín đề xuất Chính quyền Sài Gòn nên đặt tên Nguyễn Vỹ cho một con đường ở đô thành. Nhưng cho đến năm 1975 đề xuất trên vẫn chưa thành hiện thực. Gần đây, hồi tháng 10 năm 2017, tại Hội thảo “Nguyễn Vỹ - cuộc đời và sự nghiệp” do Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi phối hợp với Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM tổ chức tại quê hương ông, có diễn giả đã đề xuất nên có một con đường và một ngôi trường ở Quảng Ngãi mang tên Nguyễn Vỹ. Thiết nghĩ không chỉ ở Quảng Ngãi, mà Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai thành phố trong hai - nửa - đời của Nhà thơ cách tân - Nhà văn - Nhà biên khảo - Nhà báo dấn thân - Nhà văn hóa Nguyễn Vỹ đã gắn bó, hoạt động năng nổ, đầy tâm huyết, nên có con đường mang tên Nguyễn Vỹ! Và cả ở thành phố Đà Lạt, nơi Nguyễn Vỹ đã từng sống một thời gian và làm Chủ tịch Hội đồng Đặt tên đường (năm 1953) thay thế các đường mang tên người Pháp. Và chính Nguyễn Vỹ là người gợi ý thay tên hồ Grand Lạc thành Hồ Xuân Hương. Tên hồ mang hai ý nghĩa: vừa là cái hồ tên Xuân Hương - hương thơm muà xuân - vừa là tên nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Sẽ thật hợp lý và ý nghĩa khi có một con đường ở thành phố mộng mơ mang tên nhà thơ Nguyễn Vỹ. Nên lắm chứ.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vỹ, chàng trai xứ Quảng

    14/12/2017Trần TuấnNguyễn Vỹ là ai? Người ngang tàng đi đầu cách tân thơ mới từ những năm 1930, tác giả của “Sương rơi”, “Gửi Trương Tửu”. Nhà văn của “Tuấn, chàng trai nước Việt”. Và là một ký giả kiêm chủ bút ghi nhiều dấu ấn lạ lùng trong lịch sử báo chí nước nhà...
  • Nhà văn Trương Tửu- từ sáng tác đến nghiên cứu, phê bình văn nghệ

    28/08/2016PGS.TS. Nguyễn Hữu SơnĐộc giả ngày nay đọc tác phẩm Trương Tửu cần đặt các công trình nghiên cứu, phê bình, sáng tác của ông trong bối cảnh đương thời mới có thể nhận thức rõ hơn dấu ấn một phong cách riêng cũng như những đóng góp nhiều mặt với đời sống văn hóa - văn học nước nhà...
  • Tuấn - Chàng Trai Nước Việt: Chứng tích thời đại đầu thế kỷ XX

    29/05/2015Tuấn là một nhân vật tiêu biểu điển hình, tiêu biểu cho những chàng trai Việt Nam sinh trưởng trên đất nước từ đầu thế kỷ XX. Chàng lớn lên giữa một bối cảnh lịch sử và xã hội cổ kính đang biến chuyển dần dần theo định mệnh, do sự xâm nhập của người Pháp hoàn toàn xa lạ từ Phương Tây đến đô hộ xứ ta. Họ đã đương nhiên để lại những dấu tích sâu đậm của một nền văn minh mới, và tạo ra một vận mệnh mới cho các dân tộc Việt Nam...
  • Nguyễn Hiến Lê và không khí của văn hóa VNCH

    14/10/2014Hoàng Anh TuấnNgày 8 tháng Giêng năm nay đánh dấu ngày sinh nhật 100 năm của Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), học giả nổi tiếng của thế kỷ 20. Với khoảng 100 tác phẩm phát hành trong thời chiến, cụ Nguyễn Hiến Lê có thể là tác giả viết nhiều, in nhiều, và được đọc nhiều nhất trong thời kỳ 1950-1975 ở miền Nam. Lại có khoảng 20 bản thảo của cụ được in sau ngày thống nhất quốc gia, phần lớn là sau khi cụ qua đời.