"Cứ ngỡ ngàng như năng mới vào xuân"
Mùa hè rớt Có một mùa trong sáng diệu kỳ Cái nắng êm ru, màu trời không chói Mùa hè rớt – cho những người yếu đuối Cứ ngỡ ngàng như nắng mới vào xuân Trên má mơ hồ tơ nhện bay giăng Khe khẽ như không, dịu dàng, phơ phất Lanh lảnh bầy chim bay đi muộn nhất Hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu Những trận mưa rào đã tắt từ lâu Tất cả thấm trong cánh đồng lặng sẫm Hạnh phúc – ít hơn, khóc nhìn say đắm Ghen tuông – dù chua chát cũng thưa hơn Ôi cái mùa đại lượng rất thân thương Ta cảm nhận vì người sâu sắc quá! Nhưng ta nhớ, trời ơi, ta cứ nhớ Tình yêu đâu?… Rừng lặng bóng sao mờ Sao ơi sao, sao sắp rụng vào đêm Ta biết lắm, thời gian đang vĩnh biệt Nhưng chỉ mãi bây giờ ta mới biết Yêu đương, giận hờn, tha thứ, chia tay… Bằng Việt dịch | Hè rớt Có những ngày thiên nhiên trong sáng lạ, nắng dịu êm, khí trời không oi ả. Vẫn gọi là hè rớt trước thu sang vẻ mỹ miều đâu có kém mùa xuân Óng ánh mịn màng, gió vờn phơ phất tơ nhện nhẹ vươn trên mặt khách qua đường Chậm bay trú đông đàn chim hót du dương Rực rỡ sáng, những bồn hoa khoe sắc Những cơn mưa rào từ lâu đã dứt, cánh đồng thẩm xanh bát ngát nước đủ đầy... Hạnh phúc đến nhiều hơn từ những điều em bắt gặp thường ngày em ít ghen nhưng khi ghen cay đắng lại nhiều hơn Hỡi vẻ đẹp hào phóng của thiên nhiên trong những ngày hè rớt, ta hân hoan đón nhận người... Mà lòng không nguôi day dứt, đâu mất rồi, mất rồi, tình yêu của tôi? Rừng không đáp, và những vì sao nhìn tôi thêm khe khắc... Anh thấy đấy - mùa mưa sao đã dứt và tình mình đành đoạn tuyệt từ đây... ... Và chỉ đến hôm nay em mới hiểu đủ đầy về tình yêu, nổi xót thương, lòng vị tha và buồn đau ly biệt. Phan Bạch Châu dịch - 2006 |
Sơ lược tiểu sử tác giả :
Olga Berggholz (1910-1975)
Nữ thi sĩ Nga – Xô Viết, được giải thưởng quốc gia Liên Xô năm 1951; tác giả các trường ca Trường ca Leningrad, Cuốn nhật ký tháng hai (1942), Pervoroxxixc (1950), và tự truyện Những ngôi sao ban ngày (1959).
(Bài thơ của Olga Berggholz và những dòng tiểu sử tác giả ở trên được chép từ cuốn “Tuyết rơi, tuyết trắng rơi. Tuyển thơ Nga thế kỷ 20 ” , nhiều tác giả, Thuý Toàn tuyển chọn, Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội, 2005. Có một thay đổi nhỏ: Cái nóng ở câu thơ thứ hai được thay bằng Cái nắng - như trong một bản dịch của Bằng Việt được lưu truyền đã lâu.)
Bình thơ:
Bài thơ của Olga Berggholz theo bản dịch của Bằng Việt (có thể gọi là bài “Mùa hè rớt” của Olga Berggholz - Bằng Việt) có 5 khổ, mỗi khổ có 4 câu. Như vậy, bài thơ có tất cả 20 câu thơ. Riêng câu thơ đầu có 7 chữ, các câu sau đều có 8 chữ. Tại sao lại như vậy? Có thể cho rằng câu thơ ngắn “Có một mùa trong sáng diệu kỳ” làm cho người đọc nhập vào bài thơ nhanh hơn, tạo ra sự chú ý lớn hơn. Với những câu 8 chữ tiếp sau, thi nhân dễ đạt được sự cân đối trong câu thơ, giữ được nhịp thơ chậm, tiện lợi cho việc giãi bày tâm sự.
Hai khổ thơ đầu tả cảnh sắc ban ngày – cảnh sắc của Mùa hè rớt – cho những người yếu đuối. Có ánh sáng, nhưng không phải là ánh sáng gắt gao chói chang, đặc trưng của những ngày hè. Có nắng, nhưng là Cái nắng êm ru . Dấu hiệu của mùa hè – mùa tình yêu hạnh phúc tột đỉnh – chỉ còn ở mức yếu ớt. Tuy vậy, với niềm lạc quan, thi nhân – người tự xếp mình vào số những người yếu đuối – lại có cảm giác như đang ở những ngày đầu xuân, những ngày nắng mới:
Có một mùa trong sáng diệu kỳ
Cái nắng êm ru, màu trời không chói
Mùa hè rớt – cho những người yếu đuối
Cứ ngỡ ngàng như nắng mới vào xuân.
Khác với khổ thơ đầu, khổ thơ thứ hai ít tả thực hơn. Bằng cách vẽ ra vài hình ảnh mơ hồ, nó tạo ra một không gian phiếm định (chữ của Lê Quốc Hán trong một bài viết về thơ Trần Thị Huyền Trang), một tâm trạng tiếc nuối, lo âu không rõ nguyên nhân. Tơ nhện bay giăng mơ hồ đến mức như có, như không. Dẫu thế, với tấm lòng tràn ngập yêu thương, thi nhân vẫn thấy đó là thứ tơ nhện dịu dàng, phơ phất , đẹp và không gây ra bất cứ một sự khó chịu nào cả. Tiếng Lanh lảnh bầy chim cũng không ở gần ta, mà từ xa xa vọng dội lại, báo cho ta về sự tồn tại của một bầy chim vẫn đang say mê sống cuộc đời của chúng.
Trong ánh sáng yếu ớt của cái mùa hè rớt này, một chút sặc sỡ của màu hoa cuối mùa cũng đã làm ta cảm thấy lo âu. Có được chánh niệm về không thời gian, về tâm trạng của mình, ta thấy yêu thương cuộc sống này hơn:
Trong ánh sáng yếu ớt của cái mùa hè rớt này, một chút sặc sỡ của màu hoa cuối mùa cũng đã làm ta cảm thấy lo âu. Có được chánh niệm về không thời gian, về tâm trạng của mình, ta thấy yêu thương cuộc sống này hơn:
Trên má mơ hồ tơ nhện bay giăng
Khe khẽ như không, dịu dàng, phơ phất
Lanh lảnh bầy chim bay đi muộn nhất
Hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu.
Sang đến khổ thơ thứ ba, ta cùng thi nhân rời bỏ luôn cả không gian phiếm định, mơ hồ nói trên để đi vào không gian của các kỷ niệm, không gian tâm thức. Những trận mưa rào đã từng có thực, nhưng đã tắt từ lâu . Nước của chúng vẫn còn đấy, nhưng đã thấm trong cánh đồng lặng sẫm . Ta hãy chú ý hai từ cuối: lặng (không còn sự chuyển động, hoặc chỉ có sự chuyển động nội tại yếu ớt) và sẫm (màu tối; có sự chuyển hoá đáng kể của ánh sáng ban ngày đã gặp trong hai đoạn thơ trên). Những trận mưa rào và cánh đồng đó là gì vậy, nếu không phải là những sự kiện tình cảm lớn mà ta đã trải qua và tâm hồn ta? Chìm đắm trong không gian của các kỷ niệm, ta cùng thi nhân bình tĩnh điểm lại những niềm hạnh phúc và những nỗi bất hạnh của đời mình:
Những trận mưa rào đã tắt từ lâu
Tất cả thấm trong cánh đồng lặng sẫm
Hạnh phúc – ít hơn, khóc nhìn say đắm
Ghen tuông – dù chua chát cũng thưa hơn.
Khung cảnh trời đêm với Rừng lặng bóng sao mờ và sao sắp rụng vào đêm là rất thích hợp để thi nhân nói trực tiếp với cái mùa đại lượng (= rất độ lượng, rất từ bi) rất thân thương và với trời sao. Ta cùng thi nhân quán chiếu tính vô thường và tính tàn hoại của vạn pháp, cùng chia sẻ một tâm trạng tiếc nuối sâu sắc:
Ôi cái mùa đại lượng rất thân thương
Ta cảm nhận vì người sâu sắc quá!
Nhưng ta nhớ, trời ơi, ta cứ nhớ
Tình yêu đâu?… Rừng lặng bóng sao mờ
Sao ơi sao, sao sắp rụng vào đêm
Ta biết lắm, thời gian đang vĩnh biệt
Nhưng chỉ mãi bây giờ ta mới biết
Yêu đương, giận hờn, tha thứ, chia tay…
Tôi được đọc bài thơ này lần đầu trong năm nay, và thấy rất thích. Tôi đem chia sẻ cảm nghĩ của mình với một người bạn gái. Nàng nói rằng đã được ai đó chép tặng bài thơ này từ thời còn là sinh viên đại học. Vì nàng thấy thích nhạc điệu và lời thơ, nên vẫn giữ mãi ấn tượng tốt đẹp về bài “Mùa hè rớt” này. Như vậy, chắc hẳn rằng bài thơ của Olga Berggolx – Bằng Việt đã ra đời trên 25 năm trước.
Chúng ta đã cùng chia sẻ với nhau một cách giải mã bài thơ “Mùa hè rớt” theo bản dịch tiếng Việt. Sẽ thật hay, nếu một ngày nào đó bạn hoặc tôi có điều kiện đối chiếu bản dịch của Bằng Việt với nguyên tác để thấy được cái chung/cái riêng của hai thi phẩm, và nhờ vậy mà biết thêm được cái hay của một bài thơ Nga – giả định rằng có những cái hay chưa được chuyển sang bản dịch.
GS. TSKH Nguyễn Đông Yên (tóc bạc) tham gia biểu tình sáng 12.6.2011
Nguồn:Xuân Diện blog
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý