Cuộc cải cách giáo dục phải xuất phát từ cái đầu của nhà giáo dục

03:51 CH @ Thứ Hai - 27 Tháng Mười, 2014

Nhà giáo dục ở đây không chỉ là thầy cô đứng lớp, ban giám hiệu, giám thị mà cả những người làm chính sách giáo dục, phụ huynh, nhà quản lý và những ai có nhiệm vụ dẫn dắt quần chúng. Hơn là cải cách mà đây là một cuộc cách mạng tư tưởng. Bởi lẽ với hàng thế kỷ sống dưới chế độ phong kiến thực dân, rồi bao cấp có những thói quen tư duy đã trở thành bản chất. Cứ trên là ra lệnh, dưới là phục tùng, trên là đúng dưới là chưa đúng. Giáo dục, quản lý đơn thuần là truyền đạt từ trên xuống còn dưới là tiếp nhận mà không đặt vấn đề gì. Cơ chế này đã làm tê liệt tư duy sáng tạo hay cả khả năng tư duy của cấp dưới lẫn cấp trên.

Một vấn đề được bàn bạc rất nhiều là trang thiết bị, học cụ. Chúng hết sức cần thiết nhưng không đem lại kết quả mong muốn nếu không bắt đầu từ sự thay đổi sâu sắc của người thầy. Vì công cụ giúp cho việc học dễ hơn chứ không tạo thói quen suy nghĩ độc lập, sáng tạo. Việc này là thuộc trách nhiệm của người thầy. Mà nó cũng vô cùng khó hơn ta nghĩ rất nhiều. Dân chủ cơ sở, học sinh là trung tâm được nhắc nhiều nhưng việc áp dụng còn xa so với mong muốn. Từ nhiều năm nay các tổ chức phi chính phủ quốc tế đã đầu tư khá nhiều để phổ biến cái gọi là giáo dục “có sự tham gia” không chỉ ở cơ sở mà cả ở các trường đại học. Kết quả có thể có chút khả quan trong đại chúng nhưng sự việc chưa nhúc nhích ở môi trường giáo dục chính quy. Vì sao? Vì một cuộc cách mạng không thể du nhập từ bên ngoài, nó phải do ý muốn và quyết tâm của người trong cuộc. Và vì sao sự mong muốn này chưa đủ mạnh để biến thành hành động.

Một nguyên tắc không thể coi thường là: muốn không đương nhiên là có. Nói không đương nhiên dẫn tới làm. Mà thay đổi theo cách nhà khoa học luônmang yếu tố “đe doạ”, nói cách khác là đau đớn. Cũng khó tưởng tượng rằng một giáo viên là sản phẩm của giáo dục từ chương đột nhiên thay đổi bản chất sâu sắc nhất của mình để khơi dậy sự suy nghĩ của người học, nghe và hỏi nhiều hơn nói và trên hết chấp nhận những câu hỏi mà thông thường có thể bị coi là chất vấn, phạm thượng. Khó nhất là khả năng nghiên cứu, chấp nhận nhiều giải đáp khác nhau khi mình chỉ có những giải đáp “tủ”. Nếu chỉ học tủ học vẹt làm sao chấp nhận thực tế muôn mặt mà mỗi người học từ góc độ của mình có cách nhìn khác nhau? Làm sao giúp người khác tư duy độc lập khi chính bản thân chưa có kỹ năng và thói quen đó hay chưa dám chịu trách nhiệm về ý tưởng riêng của mình. Những người phụ nữ Trung Hoa xưa kia rất khổ sở khi bị bó chân. Khi được tháo gỡ họ lại đi không được, vì quá đau. Cũng như người không biết làm gì với sự tự do của mình. Không khác nào đối với những người liệt nằm một chỗ, đột nhiên ta hô biến: hãy dậy mà đi! Họ cần thời gian và những động tác vật lý trị liệu rất khoa học. Họ cần tập đi lại từng bước. Có thể khi nghe về phương pháp giáo dục chủ động, lấy học sinh làm trung tâm ai cũng thấy rất hay nhưng làm không được. Ở các nước tiên tiến, khi mà xã hội thay đổi rất nhanh người ta luôn tổ chức những khoá học lại mà bước đầu tiên là xoá tư duy và thói quen cũ (delearn). Muốn vậy người học phải THỨC TỈNH VỀ MÌNH. Thì ra mình rất hay áp đặt mà không hay biết. Họ phải học trong những lớp mà chính họ là trung tâm để thấy mình được phát huy và thay đổi như thế nào mới tin ở phương pháp này. Như người bệnh nhận thức rằng mình bênh mới chịu chữa bệnh. Hiểu rõ những triệu chứng để kể cho bác sĩ bệnh mới mau lành. Cha mẹ cũng vậy, luôn cho rằng mình thương con nhưng không hiểu tâm lý và nhu cầu của lứa tuổi nên luôn có mâu thuẫn trong gia đình. Đọc sách báo hay nghe giảng suông không đủ để cha mẹ nhận thức về bản thân. Họ cần tham gia các nhóm thảo luận nhỏ, có tranh cãi, đối thoại với “đồng đẳng” mới nhận thức về bản thân.

Vào thập kỷ 50, ở Mỹ khi bắt đầu phong trào dân chủ ở cơ sở, các nhà quản lý, các ông giám đốc cũng phải đi học để với sự hỗ trợ của các nhà tâm lý xã hội họ nhận ra thói quen độc đoán và mệnh lệnh của mình để sửa chữa.

Từ nay “mọi việc phải từ dưới nhoi lên”, là một quá trình tự nó sẽ diễn ra với sự tiến triển của cuộc sống. Nhưng nếu để mặc cho nó xảy ra một cách tự phát thì sẽ có tổn thương, đau đớn; ngược lại nếu giúp nó bằng khoa học thì quá trình sẽ trôi chảy và rút ngắn được thời gian. Cái khó nhất không phải là từng cái đầu cá nhân mà cái đầu tập thể nghĩa là cái cơ chế còn đè nặng. Một giáo viên văn là đảng viên rất phấn khởi khi trong một buổi dạy ngoại khoá bằng phương pháp mới khám phá tính sáng tạo của học sinh. Được hỏi anh có thể làm gì để đưa phương pháp mới vào chính khoá. Anh lắc đầu chịu thua: “Không được đâu, có lần tôi chấm một bài thi văn tuyệt vời. Thí sinh có cách suy nghĩa vô cùng độc đáo mà không thiếu tính hợp lý. Tôi có thể cho điểm cao nhất. Nhưng nếu chấm theo đáp án của ban tổ chức, cứ đếm các ý trùng với các ý nêu ra trong đáp án thì thí sinh không được điểm nào”. Được hỏi tiếp anh có đưa vấn đề này ra bàn với đồng nghiệp hay cấp trên không? “. Trả lời :”Không, vì vô ích, chẳng ai làm gì được!” Thật ra phương pháp mới đã được thực hiện một cách thành thạo do chính người VN ở vài nơi. Nhưng vấn đề là cái “từ trên dội xuống” thì còn quá mạnh, còn cái “từ dưới nhoi lên” lại quá yếu cho nên những bất cập trong giáo dục một chiều chưa được phân tích tường tận và những giáo viên tâm huyết như anh bạn vừa kể hay những thể nghiệm thành công của những phương pháp mới chưa được phát hiện. Nếu muốn hiện đại hoá với không chỉ một thiểu số thành công trong các cuộc thi quốc tế mà giúp cho đã số tuổi trẻ VN năng động sáng tạo bản lĩnh và dân chủ hoá để đưa đất nước đi lên thì không thể không đẩy mạnh tiến trình từ dưới lên.

Điều đáng ngạc nhiên là Hồ Chủ tịch đã nhìn xã trông rộng từ lâu mà con cháu Ngài đã bỏ qua một bài học vô cùng quý giá!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: