Cuộc chơi chỉ dành cho kẻ mạnh

03:51 CH @ Chủ Nhật - 14 Tháng Chín, 2003

Bởi trong cuộc chơi càng về chót, càng đòi hỏi sự tinh nhạy; và hơn thế, những kẻ yếu tim ít vốn chỉ nên đứng ở vòng ngoài! Một trong những người làm sách tuyên bố: "Đây là thời điểm thu hồi vốn khó nhất từ trước đến nay!". Tâm lý chiếm dụng vốn làm nảy sinh sự bất hợp tác trong giới làm ăn; thành ra kẻ yếu thì nợ chồng chất không trả, kẻ mạnh thì dần cắt đứt bớt quan hệ với các đại lý, quan hệ trao đổi sách trở nên hạn chế. Một loạt đại gia bỏ nghề sách như ông chủ Ca (nhà sách Thanh Thuý), Nhàn (nhà sách Minh Trung), Hoà Đakao (phá sản, bán nhà trả nợ), Xuyến (một trong những người làm sách đầu tiên, phải chuyển sang làm lịch), Hùng (nhà sách Cadasa, chuyển sang mở trường tin học), Thanh "Từ Dũ" (chuyển sang bán báo, làm lịch)... Tỉ lệ những người làm sách vì thế mà giảm dần. Trong tương lai gần, họ cũng sẽ từ bỏ cuộc chơi, bởi đã vào cuộc thì buộc phải làm lại từ đầu, ít nhất có đủ dăm ba trăm đầu sách thì mới đi đổi hàng được; còn chỉ làm dăm ba cuốn thì cũng chỉ là những mảng bèo trôi nổi trên dòng nước xiết. Những kẻ ăn lẻ, những kẻ "đánh du kích" nay đã hết thời.

Mặc dù làng sách lao đao, "tứ trụ" Sài Gòn vẫn khá vững. Đại gia Cứ làm sách đời sống (nấu ăn, làm đẹp...), triết học, nghiên cứu; Đại làm sách công cụ, khảo cứu; Hoà "Phụ nữ" chuyên về sách khảo cứu và biên dịch; Sơn "Minh Khai" làm sách tham khảo trong nhà trường. Nhìn chung, họ là những người làm sách nhạy bén, nắm bắt được nhu cầu thị trường tuy cũng có một số nhược điểm là do phải cạnh tranh nên nhiều khi in ấn vội vàng, có khi cho ra sản phẩm không đạt yêu cầu về chất lượng. Một số công ty mới nổi như Công ty văn hoá sáng tạo Trí Việt chuyên làm sách ngoại ngữ, biên dịch, tuyển tập bài hát quốc tế và nhà sách Thành Nghĩa làm sách tham khảo. Song nội lực của hai nhà này còn chưa thâm hậu, nhất là trong vấn đề bản quyền. Một số sách của Trí Việt còn lấy từ trên mạng hoặc lấy từ nước ngoài về, vấn đề bản quyền còn chưa rạch ròi. Hoặc như Thành Nghĩa lúc đầu quy tụ được một đội ngũ viết sách giỏi, nhưng sau đó do không trả nhuận bút sòng phẳng hoặc "lờ" đi chuyện nhuận bút mà nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu đã làm đơn kiện doanh nghiệp này như tác giả Huỳnh Công Thái, Trần Đức Huyên, Nguyễn Cam...

Một trong những quy tắc vàng của những người trong nghề là mạnh về phát hành thì mới mong tồn tại. Một thời gian trước đây, nhiều nhà mở rộng hệ thống phát hành rộng khắp đã gặp "đại hoạ" là không thu vốn về được. Trong bốn đại gia, hai ông Hoà và Cứ khá mạnh về phát hành, Sơn "Minh Khai" có hệ thống đại lý chân rết ở khắp các tỉnh. Bài toán phát hành đòi hỏi những kẻ mạnh có đồng vốn lớn mới mong giải được. Chẳng hạn, muốn mở một đại lý ít ra phải bỏ ra 100 triệu (tính theo giá trị sách), mở 5 đại lý chi phí đã lên 2,5 tỉ! Không ai dại đầu tư vào sách với một chi phí quá lớn như thế mà nhiều khi do rủi ro khó có thể thu hồi lại được. Cũng có thể, cuộc chơi buộc những người chính thức tham dự phải "cưỡi trên lưng cọp", nghĩa là đã vào thì không rút vốn ra được; chỉ có thể giảm dần số bản in để phòng trừ rủi ro mà thôi.

Chính vì khâu phát hành là khó nhất nên lâu nay, một số mắt xích trong hệ thống phát hành sách quốc doanh gần như phá sản hoàn toàn vì lối giao dịch thanh toán trực tiếp đã không còn phù hợp trong cơ chế làm sách hiện nay (chủ yếu hàng đổi hàng). Kết cục là Tổng Công ty Phát hành sách VN sống nhờ nguồn lịch block (độc quyền). Theo xu thế mới, mô hình cổ phần hoá đang "lên". Như Công ty văn hoá Phương Nam, một "đối thủ" đang lên trong làng sách. Vươn ra thị trường ở các tỉnh, từ miền Bắc đến miền Trung và miền Tây, mở những siêu thị, nhà sách lớn, đầu tư vào đất đai, cơ sở hạ tầng... Nhà nước cũng nên áp dụng mô hình này cho các doanh nghiệp.

Tại TPHCM, quyền lực cũng tập trung dần vào tay các nhà xuất bản mạnh, nhà nhỏ tê liệt hoàn toàn. Điển hình là NXB Văn nghệ gần như lắt lay không trụ nổi. Hiện đang có hai đề án xin thành lập NXB Fahasa và NXB Sư phạm TPHCM còn chưa được duyệt.

Theo Minh Thi, báo Lao động

LinkedInPinterestCập nhật lúc: