Cuộc phỏng vấn thú vị về tuổi tác và trí tuệ
Tiến sĩ Robert Betles, người Mỹ, từng là Giám đốc Viện quốc gia về những vấn đề lão hóa đã trả lời phỏng vấn của tờ Newsweek tại cuộc hội thảo quy mô quốc tế mới đây về vấn đề: "Lão hóa và người cao tuổi trong thế kỷ XXI". Chúng tôi xin trích dịch một phần nội dung trả lời của tiến sĩ để bạn đọc tham khảo...
-Thưa tiến sĩ, lúc về già con người muốn khỏe cả thể chất lẫn tâm hồn phải làm những gì?
- Sự sảng khoái về tinh thần cũng quan trọng như sự khỏe mạnh về thể chất. Người nào trong chúng ta cũng cần có mối quan hệ với bạn bè và người quen xung quanh. Những ai đã tạo dựng mối tương quan khăng khít đó, dễ chịu được những “cú sốc” lớn, tỉ như cái chết của người bạn đời khi về già. Sự lành mạnh về thể chất cũng vậy, cần phải có chế độ ăn uống và luyện tập thường xuyên, nhằm giữ vững bộ xương cũng như hệ tuần hoàn từ tim.
-Sự phát triển tri thức có tiếp tục với độ tuổi 80 hay 90 tuổi không?
- Trước đây chúng ta thường cho rằng những người sống quá lâu thường hay đãng trí. Đó là một quan niệm sai lầm! Các cuộc nghiên cứu công phu của Viện quốc gia về những vấn đề lão hóa tại Mỹ cũng như ở các nơi khác đã chỉ ra rằng, sự kém minh mẫn trong người già hiện nay ít hơn nhiều so với quá khứ; phải coi sự “đãng trí” ấy là biểu hiện của một căn bệnh nào đó, chứ không phải hoàn toàn do quá trình lão hóa gây nên. Quan trọng là cách sống. Với tuổi nào cũng vậy, nếu bạn không trau dồi liên tục, đương nhiên kiến thức sẽ mai một đi... Nhiều già làng thời cổ xưa chính là những người minh mẫn nhất, ngay trong nhiều bộ tộc bây giờ cũng vậy.
- Tại sao có những tài năng sáng tạo chỉ xuất hiện sau tuổi 70 hoặc cao hơn nữa?
- Trong một vài lĩnh vực đòi hỏi sự từng trải, cân nhắc, tổng hợp “vốn sống” và kinh nghiệm đúc kết trong những khoảng thời gian dài. Đó là những ngành như nghiên cứu triết học, viết sử, vẽ, soạn nhạc... Danh họa thiên tài người Tây Ban Nha Pablo Picasso chẳng hạn, tài năng của ông phát triển rực rỡ ở độ tuổi 82 - 92. Hoặc họa sĩ kỳ tài Tisian thời Phục hưng ở Italia vẫn vẽ rất sung sức khi đã 99 tuổi. Còn trong giới chính khách, khoa học và nghệ thuật quốc tế có thể kể ra hàng loạt vĩ nhân cao niên khác.
- Có nghề nào giúp kéo dài tuổi thọ lâu nhất không?
- Một trong những nghề đó là nghề chỉ huy dàn nhạc. Là nghề có hoạt động thể chất cao, bởi người nhạc trưởng luôn phải đứng liên tục để chỉ huy dàn nhạc, đồng thời cũng luôn phải hoàn thiện những công việc kết hợp giữa tai, mắt và tay.
- “Hay quên” có phải là hiện tượng bình thường của quá trình lão hóa không?
- Tôi nghĩ rằng con người đặt quá nặng vào trí nhớ của mình: Một người 40 tuổi quên một số điện thoại nào đó là anh ta bắt đầu lo; một cụ 65 tuổi quên tên riêng của ai đấy đã cảm thấy hoảng sợ... Việc gì phải “sốt vó” thái quá như vậy? Nếu như sự mất trí nhớ không kéo dài (số điện thoại và tên người sau đó được nhớ lại) thì đó không phải là một căn bệnh làm con người hay quên.
-Lý do nào dẫn tới việc mất trí nhớ?
- Trong 100 người bị chứng mất trí nhớ, có đến 85 người do các nguyên nhân về chất: dị ứng thuốc, suy dinh dưỡng hay các căn bệnh về não; 15% còn lại là do có sự “khủng hoảng” nào đó. Tất cả mọi công cụ y tế tác động lên hệ trung ương thần kinh như thuốc chống rối loạn, thuốc hạ huyết áp hay các chất an thần... đều có thể là những nguyên nhân gây ra các chứng bệnh về não. Liều lượng dùng thuốc cũng rất quan trọng: một liều như nhau có thể tác động lên người 65 tuổi mạnh hơn gấp hai lần đối với người trẻ. Sự mất trí nhớ có thể được ngăn chặn từng phần, nếu tránh dùng những thứ dễ gây phản ứng hoặc rối loạn. Vì vậy đòi hỏi phải có những lời chuẩn bệnh kịp thời và chính xác.
- Tại sao có người đã 85 tuổi mà trông như 55; hoặc ngược lại - có những người “già trước tuổi”?
- Trong quá trình lão hóa có nhiều nhân tố đóng vai trò quan trọng như các căn bệnh khác nhau của não, các bệnh về tim hay ung thư. Ngoài ra, sự khác biệt giữa tâm hồn và thể chất tuổi tác cũng đóng vai trò thiết yếu, tạo khả năng với các yếu tố tâm lý khỏe mạnh ngay cả khi tuổi đã cao. Những người sôi nổi và đa cảm thường trông trẻ hơn những ai vốn trầm lặng và ít vận động.
- Người già dễ bị “khủng hoảng” - cả về thể chất lẫn tâm lý phải không?
- Với một số người, nhất là nam giới, khi bước vào tuổi già đồng nghĩa với việc vị trí xã hội của họ vốn có trước đây “bị hạ bệ”, dễ gây ra những khủng hoảng, rối loạn lớn. Ngoài ra, cái chết của người thân cũng dễ sinh ra khủng hoảng trong người già, đi liền với sự lẩn thẩn hay mất dần trí nhớ... Với sự chẩn bệnh đúng, sự khủng hoảng, rối loạn tâm lý trong thời kỳ đầu có thể chữa trị được. Nhưng chúng thường không được phát hiện và chữa chạy kịp thời, nên rất dễ dẫn đến hiểm họa. Bằng chứng là 25% những người tự tử thuộc lớp người trên 65 tuổi.
- Nền y học hiện đại có thể làm tăng tuổi thọ con người không?
- Giới hạn sinh vật của tuổi người là trong khoảng 110 - 120 tuổi. Câu hỏi của ngày hôm nay là: chúng ta có thể tác động làm thay đổi các cấu trúc về sự lão hóa của gien không? Đề tài này thoạt nghe như trong chuyện khoa học viễn tưởng, nhưng chắc chắn là nền y học thế giới trong tương lai gần sẽ làm được. Với vấn đề này khoa học cần phải nghiên cứu chuyên sâu các bộ gien - ADN - nền tảng của di truyền khiến các thế hệ tồn tại, đặc biệt là các gien giúp kéo dài cuộc sống.
- Xin cảm ơn tiến sĩ về cuộc trao đổi cuốn hút này.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900