Đâu là dịch vụ, đâu là không?

02:59 CH @ Thứ Bảy - 09 Tháng Bảy, 2005

Câu chuyện thứ nhất. Không biết chữ vẫn giáo dục được người khác

Hồi nhỏ, tôi là một đứa trẻ yếu ớt và nghịch ngợm, ăn cắp ăn trộm như ranh. Không một vườn cây ăn quả của nhà ai quanh xóm thoát được bàn tay hái trộm của tôi. Do hoàn cảnh gia đình không bình thường, tôi sống với bà nội tôi từ nhỏ xíu. Người ta bảo “con hư tại mẹ, cháu hư tai bà” nênbà tôi buồn lắm. Bà tôi làm nghề nông, lại không biết chữ nên việc dạy thằng cháu nội hư đốn và nghịch ngợm như tôi quả là vất vả. Thế rồi thời gian trôi đi, tôi vẫn lớn lên, tự tin, học giỏi, tính ăn cắp vặt mất biến, rồi vào được đại học, rồi thành đạt trong nghề nghiệp…lắm lúc nghĩ lại, tôi thấy một trong những tác động giáo dục sâu sắc đối với tôi thời thơ ấu lại chính là những câu ca dao tục ngữ mà bà tôi thuộc làu từ bao giờ. Tôi vẫn nhớ như in những câu như: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đườngcon hư”, rồi “hòn vàng thì vất, hòn đất thì mang”.

Có những câu khiến tôi tự tin hơn rất nhiều trong cuộc sống như “ở sao cho vừa lòng người; ở rộng người cười, ở hẹp ngườichê; Cao chê ngỏng, thấp chê lùn; Béo chê béo trục béo tròn; Gầy chê xương sống xương sườn bày ra”. Rồi mỗi khi hàng xóm sang mách tội của tôi… Như vậy, giáo dục con người không chỉ qua con đường dạy chữ.

Câu chuyện thứ hai. 8 tuổi giáo dục người hơn 40 tuổi

Chuyệncách đây đã hơn chục năm. Chiều hôm ấy, tôi và mấy người bạn ngồi bia hơi ở bãi bia phố Huyền Trân Công Chúa (thành phố Hồ Chí Minh). Bãi rộng, bàn thấp, ghế thấp, gió chiều mát rượi. Trên bàn là vài đồ nhắm sơ sài. Đang vui chuyện chợt có một cháu bé gái chừng 8 tuổi, tay xách vai đeo lỉnh kỉnh những túi đồ nhậu nhỏ xíu được bọc trong những túini lông trong suốt, nào đậu phộng luộc, rang, nào thịt bò khô, rồi chứng chim cút luộc sẵn…, đến bên cạnh tôi nói tiếng cũng nhỏ xíu:

Chú ơi, chúmua mấy thứ cho con đi.

Tôinhìn cháu nhỏ từ đầu đến chân và thâm trách bố mẹ cháu sao lại bắt cháu đi kiếm tiền quá sớm thế này, rồi nhìn trên bàn thấy đồ nhậu cũng xêm xêm nên nói với cháu: “tụi chú đủ rồi, không mua đâu, cháu à”. Cô bé vẫn không chịu đi, đứng im một lúc sau lại mời lí nhí:

Chú ơi, chú mua mấy thứ cho con đi.

Tôi nghe thấy những mải vui chuyện với bạn nên không trả lời. Cô bé vẫn đứng đó rồi mời lần thứ ba. Tôi lặng lẽ móc túi ngực lấy ra tờ 500 đồng đưa cho cô bé:

Chú cho cháu này, cháu đi chỗ khác bán đi.

Mắt cô bé sáng kỳ lạ. Cô bé lùi lại hai bước và lắc đầu:

Con không đi xin đâu chú.

Tôi thật sự xấu hổ về hành động của mình, đã có thái độ hạ thấp nhân cách của một cô bé 8 tuổi, liền nói chữa:

Thế thì cháu bán cho chú 500 đồng một thứ nào đấy.

Cô bé nhoẻn miệng cười, vui vẻ nhận từ tay tôi tờ 500 đồng,giật cho tôi hai túi thịt bò khô rồi nói lí nhí: “con cảm ơn chú” và quay đi.

Cô gái bé bỏng ấy đã cho tôi một bài học. Thì ra trên đời này, bất cứ ai có những giá trị về nhân cách, văn hóa, kiến thức, kỹ năng… nhất định thì đều có thể giáo dục được người khác khi họ thiếu.

Câu chuyện thứ ba. Con tôi bỏ dở đại học

Đứa con trai đầu của tôi là học sinh giỏi của thị Trường Hà Nội Amsterdam, 2 năm liền đoạt giải nhất vật lý của thành phố Hà Nội. Tốt nghiệp phổ thông, cháu thi đỗvào khoa Công nghệ thông tin của một trường đại học. Cả nhà, nói chính xác là cả họ nhà tôi, ai cũng vui và hy vọng về tương lai của cháu. Hết năm thứ nhất, cháu học tốt và có đi dạy thêm để đỡ gia đình.Một hôm, khi cháu đang học giữa năm thứ hai, vợ tôi nói trong giọng thẳng thốt:

-Này bố nó, cô giáo chủ nhiệm bảo con nó bỏ học từ nửa năm nay rồi. Bố nó có biết không?

Tôi thực sự choáng váng. Tôi không thể tin rằng con tôi, một đứa hiếu học như thế lại bỏ học. Tôi cũng không bao giờ muốn tin rằng con tôi bỏ học để đi theo những đứa thanh niên lêu lổng, chơi bời, nghiện hút, đua xe… Nhưng thời buổi mà bao nhiêu bài học của những gia đình gia giáo nhất cũng phải trả giá cho những tệ nạn xã hội thì trong đầu tôi lúc ấy thực sự diễn ra một sự đổ vỡ.

Tối hôm ấy, tôi đợi rất khuya chờ cháu về. Biết là có chuyện, nó nem nép ngồi xuống ghế. Câu chuyện của hai bố con diễn ra nặng nề và thẳng thắn. Cháu kể về việc học và việc dạy của nhà trường, về việc các bạn nó đang đi du học ở nước ngoài. Rồi cháu kể về dự kiến phấn đấu của chúng nó. Cuối cùng, cháu nhận xét:

-Học ở trong nước không ăn thua đâu bố ạ. Nhiều kiến thức lạc hậu, công nghệ lại cũ kỹ. Phải dành nhiềuthời gian cho các môn học không cần thiết. Nói ngoại ngữ thì lưỡi cứ như bị dính vào răng, không bật ra được. Con phải đi du học thôi.

-Nhà này làm gì có tiền cho anh đi du học? Tôi nghiêm giọng.

-Con sẽ đi tìm học bổng. Nửa năm nay con đang học thêm tiếng Anh. Thi tốp -phơ được 450 điểm rồi. Con sẽ cố gắng chút nữa.

-Tôi thở dài vì đứa con ương bướng của mình. Nhưng biết làm sao bây giờ, việc đã rồi, mình phải hỗ trợ nó thôi.

Thật may mắn, 3 tháng sau, cháu thi được một suốt học bổng đại học công nghệ thông tin tại Hà Lan.

Rõ ràng dịch vụ dạy con tôi thành nghề ở trong nước không đáp ứng được nhu cầu của con tôi nói riêng và gia đình tôi nói chung. Việc này đã khiến cho gia đình tôi tốn tiền của và công sức hơn rất nhiều cho nhu cầu này.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: