Quan trọng cửa trước, coi thường cửa sau

09:13 SA @ Thứ Tư - 04 Tháng Tám, 2010
Trong cuốn Destination Saigon (bút ký viết về Việt Nam được xuất bản tại Australia và đang bán rất chạy), tác giả Walter Mason, người Australia, nhận xét rằng anh vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra tính “ăn ngay nói thẳng” (bluntness) của người Việt.

Người phương Tây thường không bình phẩm gì về một người đối diện khi trò chuyện trong một nhóm người. Walter Mason thổ lộ rằng: “Trực tính này thật kỳ diệu vì không có việc gì bị che đậy. Ngay cả khi người ta nghe tôi nói tiếng Việt với họ, tức là họ biết tôi hiểu được tiếng Việt của họ, họ vẫn thản nhiên bình phẩm về tôi trước mặt tôi và trước mặt người khác. Thoạt đầu, tôi cảm thấy bị chạm tự ái, nhưng sau đó tôi cảm thấy phóng khoáng vì việc gì cũng có thể thảo luận một cách thành thật”.

Thực ra, tính “ăn ngay nói thẳng” hay tính “thẳng thừng” là một cách dịch nhẹ nhàng của từ “bluntness” vì từ này còn có nghĩa là “tính lỗ mãng”. Thoạt đầu, tôi ngạc nhiên khi có người nói rằng người Việt có tính “ăn ngay nói thẳng”, vì tôi thấy người phương Tây mới thường không che giấu ý nghĩ của mình. Nhưng sau khi ngẫm nghĩ, tôi cho rằng Walter Mason vẫn chưa nhìn ra rằng: Người Việt rất dễ dàng bình phẩm về hành vi của người khác nhưng lại không dễ dàng bày tỏ nguồn cơn hành vi của chính mình, thậm chí còn che giấu những ý nghĩ xuất phát từ thực tế. Chúng ta còn có hẳn một câu thành ngữ “Cái tốt phô ra, xấu xa đậy lại”, hàm ý rằng việc che giấu cái xấu là lẽ đương nhiên, và việc đó chẳng có gì là xấu. Chúng ta vẫn đang che giấu cái xấu hàng ngày đấy thôi. Điều này anh Paul De Meulenaer, giảng viên tiếng Anh ở trường Raffle, có lần nói với tôi rằng “Người Việt Nam chỉ quan trọng frontdoor (cửa trước) mà coi thường backdoor (cửa sau)” khi bình luận về dịch vụ nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam. Nhưng thậm chí ngay cả những điều không phải là xấu chúng ta cũng thường cố gắng che đậy.

Nhiều lần, tôi hay hỏi người khác về “tính tham vọng”. Tất cả đều trả lời một câu giống nhau rằng họ không có tham vọng gì. Thảng hoặc có người cho rằng thỉnh thoảng họ mới có tham vọng. Điều này thực kỳ lạ. Tham vọng ngoài là bản tính tất yếu bẩm sinh của một số người, còn nảy sinh lúc trưởng thành như một thứ ý chí vươn lên thuần khiết trong công việc và cuộc sống. Tham vọng khiến chúng ta đạt được mục tiêu và thành công trong mọi kế hoạch đề ra. Trong số những đối tượng được hỏi câu này có nhiều người là nghệ sĩ rất thành công trong sự nghiệp. Vì vậy tôi buộc lòng phải nghĩ đến hai trường hợp, hoặc họ là kẻ vô trách nhiệm với công việc của mình (Vì một người sáng tạo không hề có tham vọng thì liệu công chúng có thể trông đợi được gì từ những sản phẩm sáng tạo nghệ thuật của họ) hoặc họ che đậy động cơ hành vi vì nghĩ “tham vọng” là một từ không tốt.

Rất nhiều chủ doanh nghiệp khẳng định rằng họ sẽ từ chối bất kỳ ứng cử viên nào trả lời “không” với câu hỏi phỏng vấn: “Anh/chị có phải là người tham vọng không?” và: “Tiền bạc giữ vị trí thế nào trong cuộc sống của anh/chị?” cho dù hồ sơ của họ có hoàn hảo đến cỡ nào. Vì: “Chúng tôi sẽ lấy gì để thúc đẩy những người như thế làm việc khi mà họ không có tham vọng thăng tiến và tiền bạc đối với họ không quan trọng”.

“Tôi chẳng có tham vọng gì nhiều” và “Tiền bạc đối với tôi không quan trọng” là một câu nói phổ biến của người Việt. Chúng ta nói thế trong khi chúng ta không nghĩ thế có lẽ là một thứ văn hóa, cho dù điều mà chúng ta đang cố gắng che đậy chẳng có gì là xấu. Tôi rất thích một câu của Nguyễn Trần Bạt, tác giả cuốn Đối thoại với tương lai: Động cơ cá nhân trước mỗi một hành động là một trong những năng lượng quan trọng nhất để tạo ra sự chính đáng của hành vi. Ông cũng nói thêm rằng: “Chúng ta ai cũng phải tìm ra động cơ cá nhân của mình. Đừng che giấu động cơ cá nhân của mình”. Còn nhớ đầu thập niên 1980, tôi được xem một bộ phim của Thụy Điển với nội dung xoay quanh các cán bộ và công nhân trong một nhà máy. Trong đó có cảnh miêu tả một cuộc họp với mục đích bầu trưởng phòng mới. Trong lúc họp căng thẳng, nhân vật chính đứng bật dậy nói: “Xin mọi người hãy bầu cho tôi”. Tôi hãy còn nhớ rõ cảm giác kinh ngạc khi ấy, khi còn là một đứa trẻ 8 tuổi, kinh ngạc không kém gì các công nhân nhà máy đang tề tựu trong phòng họp trên màn hình. Chỉ có điều các công nhân nhà máy kinh ngạc vì cái người đứng bật dậy ấy luôn có tư tưởng đối lập với họ, nay lại còn đòi được phiếu bầu, còn tôi thì kinh ngạc vì có người dám nói “Xin hãy bầu cho tôi” mà không biết ngượng miệng! Ngay từ nhỏ, tôi đã quen với một điều, rằng khi người khác trao cho mình một đặc ân như một bữa ăn, một món tiền, một chức vụ… thì mình nên lịch sự từ chối rằng thì là mình không cần đâu, mình đủ rồi, những thứ ấy không quan trọng, nên trao cho người khác thì hơn, họ xứng đáng hơn mình, vân vân và vân vân, cho dù trong lòng mình không nghĩ như thế, cho dù trong lòng mình đang muốn những thứ ấy khủng khiếp. Đó là lẽ tất nhiên, là hành xử lịch lãm và có giáo dục tất nhiên mà một đứa trẻ cũng nên biết như thế. Đằng này cái nhân vật trên ti vi lại đề nghị mọi người bỏ phiếu cho mình!

Năm tôi học lớp 2, lớp chúng tôi cũng tiến hành “bầu cử” vào quãng đầu năm học. Cô giáo chủ nhiệm đặt câu hỏi rằng “Các em nghĩ bạn nào trong lớp chúng ta xứng đáng làm lớp trưởng?”. Phần lớn đề cử D.H. D.H là một cô bé trắng trẻo, học giỏi và nề nếp tốt. Tôi cũng nghĩ như vậy. Cô giáo chủ nhiệm tôi cũng nghĩ như vậy. Và chẳng cần chúng tôi đề cử thì tất nhiên cô giáo chủ nhiệm của tôi cũng sẽ chọn D.H. Cô đưa ra quyết định trước những tiếng hoan hô vang dậy của năm chục đứa học trò. Tuy nhiên D.H thì mang vẻ mặt buồn rười rượi. Cô ấy buồn đến nỗi gục mặt xuống bàn học một hồi lâu. Chúng tôi chia vui với tân lớp trưởng bằng cách từng người một ra an ủi cô ấy rằng hãy cố gắng lên, bọn mình biết bạn không muốn làm lớp trưởng nhưng rồi bạn sẽ là một lớp trưởng tốt. Cô ấy ứng xử rất khiêm tốn và tuyệt vời khi nghĩ rằng mình không xứng đáng với chức vụ ấy, chức vụ ấy nên được trao cho một người khác xứng đáng hơn và cực chẳng đã cô ấy mới phải đảm nhận chỉ vì cô giáo và các bạn đã chỉ định. Nếu là tôi thì tôi cũng sẽ làm như D.H. Tất cả lũ học trò lớp 2 chúng tôi sẽ ứng xử như D.H, dù kỳ thực chúng tôi đang reo vang trong bụng vì được làm lớp trưởng.

Cho đến giờ, tôi vẫn cứ lấy vẻ mặt buồn rười rượi của D.H ra để làm chuẩn mực và luôn nhìn thấy vẻ mặt của cô ấy xuất hiện trên nhiều dung mạo khác. Người Mỹ, người phương Tây thường tự ra tranh cử với câu nói “Hãy bầu cho tôi” và lời hứa họ sẽ làm gì sau khi được bầu. Nếu những người bầu thấy lời hứa của họ là hợp lý thì họ sẽ bỏ phiếu. Đấy là sự không che giấu động cơ cá nhân và sòng phẳng. Nhưng tôi rất hiếm thấy người Việt nào công khai bày tỏ động cơ cá nhân của mình trong khi rõ ràng một công nhân đi làm là mong muốn được lương cao, một người đang đảm nhận chức vụ tổ phó rõ ràng có mong muốn được trở thành tổ trưởng, một cô gái đăng kí dự thi sắc đẹp phải mong muốn dành được ngôi vị hoa hậu và một nghệ sĩ trên sàn diễn sẽ mong muốn được nổi tiếng. Tuy nhiên chúng ta luôn “không quan trọng” những gì lẽ ra là rất quan trọng. Chúng ta xấu hổ khi phải nhắc đến những “tham vọng”, trong khi tham vọng chính đáng của mỗi cá nhân sẽ tạo nên sự phát triển chung của toàn xã hội. Những khái niệm như “tiền bạc, địa vị, danh tiếng” dường như đã từ lâu biến thành cụm từ tế nhị và nhạy cảm mà ai cũng muốn tránh nhắc đến khi chia sẻ quan điểm cá nhân. Chúng ta che giấu động cơ cá nhân bằng cách bày tỏ một động cơ khác có vẻ như quan trọng hơn nhiều là “mong muốn được chia sẻ, đóng góp và học hỏi”.

Trong một thế kỷ hội nhập và toàn cầu hóa, ranh giới cách biệt giữa các quốc gia đã bị xóa nhòa, chúng ta cũng thẳng thắn hơn, không còn như những thập niên trước, khi mà một đứa trẻ như tôi cũng phải kinh ngạc vì có một người tự ứng cử trên… ti vi. Tuy nhiên, những ranh giới giữa các động cơ hành vi vẫn còn tồn tại. Có lẽ nào, tôi cần phải trao đổi thêm với tác giả Walter Mason rằng, người Việt chỉ thẳng thắn bình phẩm về động cơ hành vi của người khác chứ không đời nào muốn thẳng thắn về động cơ hành vi của chính mình.
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Về tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21

    09/05/2008Phong DoanhĐây là lần thứ hai trong cuốn sách nhỏ này tôi lại viết về tre, cây tre Việt Nam. Nói như ai đó, đã ngàn đời nay tre và người là đôi tri kỷ. Tre mọc thành bụi, thành bờ, thành lũy trong mọi làng quê. Nhà thơ Nguyễn Duy trong bài "tre xanh" có câu " thân gầy guộc lá mong manh, mà sao nên lũy, nên thành tre ơi"...
  • Xin nói thẳng, không có bản sắc dân tộc Việt Nam “hiện đại”

    09/07/2018Lê Mỹ phỏng vấn TS. Nguyễn Vân NamCái mà chúng ta gọi là bản sắc dân tộc VN hiện đại hôm nay, theo tôi khác với bản sắc dân tộc truyền thống. Hay nói thẳng thắn là không có bản sắc dân tộc VN hiện đại...
  • Người Việt và văn hóa tranh luận

    15/05/2018Sưu tầmCó những cuộc tranh luận rất gay go nhưng luôn trong hòa khí, với kết thúc bằng những đồng thuận không có bởi áp đặt, cũng như không xảy ra sứt mẻ quan hệ giữa những người tham gia. Người ta học được gì đó mới trong mỗi nội dung mà mình tranh luận. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi các bên tham gia tranh luận có văn hóa tranh luận...
  • Cử chỉ thông thường của người Việt

    26/09/2017Phan Cẩm ThượngCùng chiều với tính cách nịnh hót là tính cách ưa nịnh nọt, thích quà biếu, thích khen thưởng, thích tâng bốc cũng đồng thời thích được nghe nói dối và o bế những kẻ tâng bốc mình và không bao giờ chấp nhận phê bình. Dân tộc đã có nhiều cơ hội phát triển, nhưng rồi lại chậm lại, thậm chí thụt lùi chỉ vì những tính cách này. Đó là bài học chưa bao giờ được tiếp nhận.
  • Bốn thói xấu của người Việt đương đại

    19/07/2017Nói “của rất nhiều người Việt ” là để dễ lọt tai, thật sự cầu thị thì phải nói là Một số thói xấu của người Việt thời nay bởi vì những thói xấu này đang rất thịnh hành và phổ biến. Nói “người Việt hiện nay” là để giới hạn thời gian trong một số những thập kỷ gần đây, có thể người Việt xa xưa và người Việt trong tương lai không mắc những thói xấu này.
  • Người Việt hiện đại và tư duy logic, tư duy triết học

    12/02/2017Nguyễn Thu Phương thực hiệnRất nhiều bài học về tư duy logic, PGS Hồ Sĩ Qúy đã học từ bà nội mình, một bà cụ nông dân không được học tập bài bản qua các trường lớp. Theo ông, bây giờ có không ít người thiếu một nhãn quan tư duy triết học tối thiểu, trong khi đó trước kia thì bất kỳ cụ già nào cũng như một nhà thông thái...
  • Tính ồn ào lắm chuyện của người Việt

    09/11/2015Phạm Hy SơnVì tính lắm chuyện của người mình, một số người Việt sợ ở gần hay giao tiếp với người Việt. Những người này một phần có lý nhưng một phần mắc cái tính thông thường sẵn có của chúng ta, đó là tính tự cao tự đại coi mình thuộc thành phần ưu tú, cao quý nên xa lánh nhóm người mà họ cho là ô hợp, thấp kém. Thế nhưng đôi khi giao tiếp với người quen họ lại đem nhà, đem xe, đem con cái, bằng cấp... ra khoe và không quên chê bai, đàm tiếu người khác hết lời. Tưởng sao, như vậy mèo vẫn hoàn mèo.
  • Về tính hiếu học của người Việt xưa và nay

    18/10/2015Cao Xuân HạoNgười Việt Nam ta thường rất tự hào về tính hiếu học hình như đã thành một truyền thống lâu đời của dân tộc. Vậy cái đức tính hiếu học ấy vì đâu mà có? Và nếu có, cái truyền thống lâu đời ấy nảy sinh như thế nào, và ngày nay có còn được bảo tồn và tiếp nối không?
  • Người Việt "ta" hay thật!

    27/09/2014Trích nhật ký mạng bằng tiếng Việt của Joseph Ruelle, người CanadaCó một thời gian mình sống ở Hàn Quốc, và bây giờ ngoại ô Hà Nội bắt đầu nhìn rất giống thành phố Seoul. Nhà nào cũng giống nhà nào, khu nào cũng giống khu nào, chỉ khác ở chỗ có chữ A3, A4, A5...
  • Giáo dục: Xin cho tôi nói thẳng

    07/10/2009GS Hoàng TụyNếu xem giáo dục là quốc sách hàng đầu thì phải hết sức coi trọng nhiệm vụ lãnh đạo giáo dục. Người được giao phó nhiệm vụ này chẳng những phải hiểu biết sâu sắc giáo dục hiện đại mà còn phải có điều kiện tập trung toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ ấy. Không thể giao nhiệm vụ quan trọng trong quản lý giáo dục cho những người chưa biết việc, chưa thạo việc.
  • Nhận diện lại tính cách người Việt

    07/07/2009Giáo sư Hoàng Tụy cho biết từ lâu, qua kinh nghiệm giảng dạy, ông đã nhận thấy một số đặc điểm có tính hạn chế chung của nhiều thế hệ học trò: thiếu một khả năng đào sâu trong tư duy, thiếu đầu óc tưởng tượng, thiếu khả năng kiên trì, đi đến cùng trong những tham vọng đạt đến bằng được những thành tựu đỉnh cao. Kinh nghiệm đó buộc ông phải suy nghĩ đến những hạn chế trong tính cách của người Việt nói chung.
  • Người Việt không xấu xí

    05/02/2009Nhà văn Nguyễn Quang ThânXem ra trong cuốn "Người Trung Hoa xấu xí" của Bá Dương, cái đức xấu nhất, nổi tiếng nhất, mà từ nhà văn Lỗ Tấn đến ông Bá Dương đều nhấn mạnh là phép thắng lợi tinh thần vô địch của người Trung Hoa.
  • Người Việt và căn bệnh ”Đáng là bao”

    14/10/2008Nguyễn ĐứcThử hỏi có bao nhiêu vị lãnh đạo đủ thanh liêm kỷ luật nhân viên chỉ vì lỗi hành vi biếu quà?
    Nếu làm một bản liệt kê chi tiết N "kể tội" sự lãng phí của người Việt có lẽ cái danh sách ấy sẽ dài bất tận…
  • Hiểu tư duy người Việt mới hiểu bản sắc Việt

    27/02/2007GS-TS Nguyễn Thuyết PhongLà một trong những gương mặt “Vinh danh nước Việt”, GS-TS Nguyễn Thuyết Phong đang dạy tại trường Đại học KentState thuộc tiểu bang Ohio, Mỹ. Ông là người Việt duy nhất được Chính phủ Mỹ mời đến Nhà Trắng để trao tặng giải thường Di sản quốc gia (National Heritage Fellowship) năm 1997. GS hiện là Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật quốc gia Hoa Kỳ.

  • Phản đề của “người Việt xấu xí”

    12/01/2007Thiên LươngNgười Việt không ít tính xấu, nhưng cũng cần xét về nguyên nhân, về cội rễ của những thói tật ấy thay vì ngồi nhìn và chỉ trích nó như một khoái cảm. Nhìn vào cái xấu phải có cái tốt làm đối trọng.
  • “Để người Việt Nam tự nhận thức...”

    12/09/2006Nguyên An thực hiệnTự nhận là đang làm công việc “chưa ai khai phá”, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, “người hay nói về nhược điểm của đồng nghiệp”, đang góp nhặt những lời người xưa cảnh tỉnh về thói hư tật xấu của người Việt từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau và dự định sẽ in thành sách. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông về công trình này...
  • Hạn chế của tư duy, nhận thức người Việt

    09/09/2006GS, TS Tô Xuân Dân và TS. Nguyễn Thành CôngXét về mặt bản chất, tư duy, nhận thức của người Việt Nam có một số hạn chế cần khắc phục sau đây: Bệnh "cá nhân chủ nghĩa". Trong một thời gian khá dài, tại các đợt học tập chính trị, chỉnh huấn từ những năm 1952 - 1960 đều lấy việc chống chủ nghĩa cá nhân làm chủ đề chính cho các sinh hoạt và rèn luyện đạo đức, tư tưởng...
  • xem toàn bộ