Dịp may

[email protected]
09:04 SA @ Thứ Hai - 30 Tháng Tám, 2010
Trong cái không khí nhẹ nhàng vương chút hào sảng của mùa thu lịch sử, một sự kiện mang không ít cảm xúc đã diễn ra vào ngày 19/8/2010: sự kiện GS Ngô Bảo Châu được nhận Huy chương Fields tại Đại hội Toán học Thế giới 2010 tổ chức tại Hyderabad, Ấn Độ. Một cây bút non nớt song lại không chịu ngừng suy tưởng thực mong muốn được bộc bạch đôi lời quê kệch xung quanh những cảm xúc thật về sự kiện này đã nở rộ trong những ngày qua. Những mong những điều nói ra ở đây sẽ không khiến quá nhiều cảm xúc khác bị ảnh hưởng sau khi đọc chúng, khi mà mùa của hi vọng, không hiểu sao, cứ đi đi về về.

Trong nhiều cảm xúc sau sự kiện có lẽ trước tiên phải nhắc tới niềm vui. Niềm vui vì vị GS trẻ mang Quốc tịch Việt Nam nhận được giải thưởng cao quý nhất của Toán học Thế giới hẳn không nhỏ - to cỡ nào thì nhiều người đã nói rồi và cách để thể hiện một thứ là “to” thì chưa bao giờ khó đối với người Việt Nam. Tuy nhiên, với cá nhân tôi còn một niềm vui cũng “to” không kém đó là việc sự kiện đã được truyền tải một cách kịp thời, sâu rộng và đầy nhiệt thành - như lời ví von của một vị GS đáng kính khác của Toán học Nước nhà thì điều này đã giúp “trận mưa rào” làm được nhiều việc hơn trên mảnh đất đã nhiều năm khô nẻ. Trước tiên phải nói rằng, việc xã hội đã ý thức được phần nhiều tầm quan trọng và tầm ảnh hưởng của sự kiện để báo chí, truyền hình cũng như các phương tiện khác cùng vào cuộc đưa sự kiện đi trên một con đường đúng, đến được những nơi cần đến và mang những thông điệp cần có thật đáng trân trọng. Nhưng bên cạnh đó, việc xem xét một sự việc trong một trạng huống dễ nhìn, dễ nghe, dễ cảm, thì theo thông lệ “mới có” ở “ta”, có vẻ còn chưa đủ. Trong cái cách mà phần những người hay chữ trong xã hội tiếp cận vấn đề có đôi điều phải xem xét lại. Không cần phải quá tinh tế hay đầy hiểu biết để thấy rằng hầu hết những từ ngữ hoặc tổ hợp từ ngữ có độ trừu tượng cao, có sự thể hiện của một tầm vóc hay một sự ảnh hưởng lớn đã được mang ra sử dụng cho sự kiện này; đến mức, những tiêu chuẩn mới của “sự đáng chú ý trên các mặt báo” , theo tôi, có lẽ vẫn chưa kịp hình thành. Tôi trộm nghĩ, họ đã tiếp cận sự việc với hơi nhiều phần “tấm lòng” – cứ như một dịp hiếm có để cởi lòng hoặc có thể là do thói quen cầm bút, khiến mật độ các “thi từ” được sử dụng đã che mất ít nhiều những khía cạnh nội hàm của vấn đề mà đáng lẽ ra những người hay chữ phải biết, phải hiểu – hoặc chưa biết, chưa hiểu thì phải học, để còn bảo cho người chưa hay chữ. Đón nhận những nguồn phản hồi sau sự kiện lớn này cảm tưởng nó mới mẻ đến mức những con chữ cũng cảm thấy đầy hồ hởi, phấn khích muốn lao ngay vào một mặt trận mới một cách đầy sát sao và trách nhiệm, như thể ngay ngày mai sẽ có những thực thể xã hội đột nhiên thay đổi hoàn toàn cấu trúc.

Giữa cái không khí mà niềm vui xen lẫn một “rổ” cảm xúc ở khắp mọi nơi– nào là tự hào, tự tôn, xúc động, ngưỡng mộ, thán phục… cá nhân tôi cũng chẳng biết phải làm gì bây giờ, và nhận thấy rằng mình cần có những câu hỏi đơn nghĩa. Những câu hỏi này thiết nghĩ nên xuất phát từ chính những phát ngôn của cá nhân GS Ngô Bảo Châu trước và sau sự kiện, chứ không phải từ những tấm lòng không thực sự kiểm soát được sự cởi mở. Ví dụ sau sự kiện, GS có nói, từ năm 2011 GS sẽ có thêm Quốc tịch Pháp bên cạnh Quốc tịch Việt Nam. Có lẽ chỉ cần một câu nói này thôi, tôi nghĩ, những nhà báo có ham muốn đi từ hiện thực nhằm cải tạo xã hội đã có thể viết ra một series bài có chất lượng - tất nhiên là tôi vẫn đang rất mong chờ những bài báo như vậy. Thế nhưng thực tế có vẻ chỉ có một số ít những phát ngôn, trong số rất nhiều bài viết từ phía Việt Nam, khiến cho người ta cảm thấy đúng mực. Đa số những phát ngôn trong thời gian vừa qua như thể muốn phản ánh một kết quả đáng phải là như vậy, đã được đặt trong một hệ thống hữu cơ duy ý chí, được xây dựng một cách bài bản và mạch lạc. Vẫn biết việc điều tiết cảm xúc trong hoạt động thực tế chưa bao giờ là một việc dễ, nhưng trong cái thứ ngôn ngữ khiến người ta dễ bị ảnh hưởng nhất về mức độ tin cậy như ngôn ngữ báo chí mà lại có cảm giác cảm xúc đang chiếm thế thượng phong thì quả là đáng ái ngại. Những quan ngại này từ phía tôi, đến bây giờ có thể khẳng định một cách tương đối chắc chắn chỉ mang tính cục bộ - thậm chí tôi có cảm giác người ta không có cả thời gian để nghĩ xem có thực sự cần phải suy nghĩ nhiều đến thế không. Xin được nhắc lại rằng mục tiêu của bài viết là đôi lời cảm nghĩ cá nhân về những dòng cảm xúc đã được thể hiện trong thời gian qua xung quanh sự kiện lớn nêu ở trên. Nên nếu ai đó cảm thấy lại phải nghe thêm một phát ngôn sáo rỗng có phần mộng mị thì có lẽ cũng dễ hiểu vì mục tiêu của bài viết này không phải để nói một cách mới mẻ hoặc hoành tráng hơn những gì người khác đã nói, cũng không đủ khả năng đưa ra những kiến giải khả dĩ thực là nội hàm của vấn đề vì cá nhân tôi cảm thấy mình thuộc phần chưa hay chữ của xã hội khi thuộc thế hệ 9x.

Có vẻ cũng chẳng hay ho gì khi cứ chĩa mũi vào chuyện của người khác, cũng không phải đến mức có thể nói đến cách tiếp cận vấn đề hệ thống như một môn phương pháp luận, mà bài viết chỉ mong chọn được một góc khuất rất nhỏ thiết nghĩ rằng có ở khắp mọi nơi, ở một cái xã hội đang trong giai đoạn thai nghén, mà góp thêm một tiếng nói chung những mong rằng ngày mai nó sẽ có sức nặng hơn. Câu chuyện về vị GS kia thực lòng rất cuốn hút và ấn tượng - mà cá nhân tôi cũng đã phải rất khó khăn để chống lại ham muốn viết thêm một bản anh hùng ca nữa, nhưng lại nghĩ rằng mình nên “dựa cột mà nghe” những người hay chữ xướng thì tốt hơn khi mà nguồn tri thức còn quá thô lậu. Cách để con người ở một đất nước “lùn” về mọi mặt nghe, cảm, nói thì có lẽ sẽ còn phải bàn nhiều và hi vọng nhiều lần nữa, nhưng thông qua một sự kiện ý nghĩa đến như vậy để nói về một vấn đề chưa vui có phần không phải văn hóa của người Á – Đông. Vì vậy bài viết sẽ dừng lại với những lời nhận xét mạnh dạn của cá nhân tôi về sự kiện đầy ý nghĩa này.

Dẫu biết rằng con gà trống có cất tiếng gáy hay không thì bình minh vẫn sẽ lên thôi, nhưng có một tiếng gáy vang xa vẫn sẽ làm con người thấy vững dạ hơn. Chẳng biết khi đã có một tiếng gáy đáng kể rồi thì buổi bình minh của Toán học nói riêng và nền Giáo dục Việt Nam nói chung sẽ chuyển động thế nào. Câu trả lời chắc chắn sẽ chẳng liên quan gì đến tôi mà nó liên quan đến mật độ những tình tiết của vấn đề có nằm trên bàn của các bộ não tinh anh của Đất nước hay không, hay chỉ mai mốt người ta lại không tìm thấy những văn bản đó đã rơi ở đâu trên nền nhà vì những cơn gió khẽ lay động. Tầm nhìn của những bậc hiền nhân đi trước về vai trò quan trọng của các môn khoa học cơ bản đối với sự phát triển bền vững của Quốc gia nay cũng phần nào có kết quả, vấn đề tiếp theo lúc này là làm sao để bài học muôn thủa về nhân quả thấm đượm trong mỗi chúng ta. Lại thấy những con người yêu Toán trên quê hương mình hăm hở làm Toán, hăm hở dạy Toán và có ý định kết duyên suốt đời với Toán làm lòng ta ấm lại. Dẫu sao, dù rất ngắn ngủi, mình cũng từng có một thời yêu Toán vì biết rằng không phải ngẫu nhiên mà Toán học lại không có giải thưởng Nobel.


LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cái ta đang cố gắng luôn có giá trị

    27/08/2019Gần gũi, sâu sắc, thân thiện, cách giáo sư Ngô Bảo Châu chuyện trò cho ta cảm giác như giáo sư đang nói chuyện với một người thân, một người bạn, một đồng nghiệp...
  • GS Ngô Bảo Châu: “Nỗi lo lớn đã trở thành niềm vui lớn”

    22/08/2010Trên blog của mình, giáo sư Ngô Bảo Châu đã chia sẻ quan điểm của mình về trách nhiệm của người nhận giải, về giáo dục. SGTT đăng nguyên văn bài viết từ blog của "hoà thượng" Thích Học Toán...
  • Nức lòng sự kiện GS Châu, tĩnh tâm ngẫm về vận nước

    21/08/2010Nguyễn TrungTin GS Ngô Bảo Châu được tặng Huy chương Fields cho thành quả khoa học của mình là tin vui lớn của "làng toán học thế giới" nói chung và là vinh dự lớn của GS Ngô Bảo Châu nói riêng. Tin vui lớn này mang lại cho trí tuệ Việt Nam niềm tự hào xứng đáng. Càng tự hào bao nhiêu tôi càng cảm thấy đau lòng bấy nhiêu về thực trạng hiện nay của nền giáo dục nước nhà
  • Niềm tự hào mang tên Ngô Bảo Châu

    20/08/2010Trần Đình LýNhững ngày này, ở đâu cũng xốn xang với cảm xúc tự hào, niềm vui khôn xiết về một con người đã, đang và sẽ tiếp tục làm rạng danh dân tộc Việt Nam: Người đặc biệt Ngô Bảo Châu!
  • Ngô Bảo Châu là người hùng mới của Việt Nam

    19/08/2010Ngay thời khắc thế giới xướng tên Ngô Bảo Châu tại Ấn Độ, giới trí thức trong nước cũng vỡ òa theo niềm vui của người đồng nghiệp trẻ. Sau một khoảng thời gian dài chờ đợi, bản lề mới của toán học Việt Nam đã được vinh danh trên trường quốc tế...