Đổ xô kiếm “mác” tiến sĩ để thăng tiến

09:53 SA @ Thứ Tư - 14 Tháng Giêng, 2004

Tiến sĩ là học vị cao nhất trong khoa học. Tuy nhiên, tại Việt Nam, bằng tiến sĩ “hấp dẫn” chủ yếu đang chỉ bởi tư cách là “giấy thông hành” bắt buộc cho sự thăng tiến. Số người dự định theo học sau đại học với toan tính có bằng cấp cao để dễ bề tiến thân mà không phải vì thực sự đam mê nghiên cứu khoa học ngày càng nhiều.

Mục tiêu của Việt Nam từ nay đến năm 2010 đào tạo 19.000 tiến sĩ và hiện nay, cả nước đã có khoảng 4.500 tiến sĩ. Tuy nhiên, có vẻ đây sẽ là một kế hoạch rất “lãng mạn”!

Một ví dụ, ở Thái Lan hàng năm, số lượng tiến sĩ đào tạo chỉ có khoảng 120-130 người. Trong khi đó, ViệtNamđứng sau Thái Lan về số lượng công trình được đăng trên các tạp chí quốc tế và trường ĐH tốt nhất của ViệtNamcòn kém Thái Lan nhiều bậc mà chúng ta lại dự kiến đào tạo hàng nghìn tiến sĩ mỗi năm!

Tiến sĩ là học vị cao nhất trong khoa học. Đòi hỏi chính của luận án tiến sĩ là sự đóng góp về mặt lý luận và luận án là bằng chứng cho thấy ứng viên tiến sĩ có trình độ nghiên cứu độc lập chứ không đòi hỏi phải giải quyết một vấn đề thực tiễn, sau khi lấy bằng tiến sĩ, tuỳ theo yêu cầu công tác lúc đó mới cần nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Bằng tiến sĩ - giấy thông hành cho quan chức

Người có học vị tiến sĩ trở lên ở nước ngoài được coi là bác học mà nghề nghiệp chính là nghiên cứu và sáng tạo, việc đào tạo tiến sĩ chủ yếu phục vụ nghiên cứu khoa học tại các phòng thí nghiệm, giảng dạy ở bậc đại học và cho sản xuất chế tạo.

Trừ một số bộ ngành có liên quan nhiều đến học thuật như các Bộ Khoa học, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, còn các bộ ngành khác không nhất thiết đòi hỏi phải có văn bằng tiến sĩ làm tiêu chuẩn quan trọng để bổ nhiệm cán bộ quản lý.

Lãnh đạo, quản lý có yêu cầu riêng, đòi hỏi nhiều về khả năng tập hợp, tổ chức và hoạt động thực tiễn. Các nước tiên tiến không đặt vấn đề đào tạo tiến sĩ cho mục tiêu quan chức.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, bằng tiến sĩ “hấp dẫn” chủ yếu đang chỉ bởi tư cách là “giấy thông hành” bắt buộc cho sự thăng tiến. Số người dự định theo học sau đại học với toan tính có bằng cấp cao để dễ bề tiến thân mà không phải vì thực sự đam mê nghiên cứu khoa học ngày càng nhiều.

Một số vị quan chức ở các cơ quan Đảng và Nhà nước chẳng liên quan gì đến nghiên cứu khoa học hay giảng dạy cũng loay hoay kiếm cho được tấm bằng tiến sĩ để đạt “chuẩn hoá”!

Còn bản thân người “chèo lái” cho “con thuyền” tiến sĩ này là Bộ GD-ĐT thì luôn luôn báo cáo thành tích qua các con số về những người được đào tạo sau đại học ở trong nước cũng như ngoài nước đã và đang giữ những vị trí quan trọng trong công tác quản lý, chỉ đạo và hoạch định chính sách ở các cơ quan, đơn vị Nhà nước, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, trong hoạt động sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp.

Như vậy, sự nhận thức về ý nghĩa của văn bằng này có thể nói bị lệch lạc ngay từ đó. Sự bùng phát của văn bằng tiến sĩ từ năm 1990 đến nay đã trở thành một xu thế tất yếu.

Khoảng cách so với chuẩn quốc tế

Bằng tiến sĩ của chúng ta có một khoảng cách khá xa so với chuẩn mực quốc tế! Đó là một thực tế không thể phủ nhận. Theo GS.Phạm Sỹ Tiến, Vụ trưởng Vụ sau đại học (cũ) Bộ GD-ĐT, chất lượng khoa học nhiều luận án tiến sĩ chưa cao, chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo chưa tương đồng với các nước, đề cương các môn học thường viết sơ sài, có tính hình thức, tài liệu tham khảo liệt kê vừa ít, vừa lạc hậu, thậm chí có tài liệu hầu như không tồn tại.

Ở ViệtNam, việc học bậc tiến sĩ quá đơn giản. Người học tại chức cũng có thể bảo vệ thành công luận án trong 3-4 năm. Tại nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu sinh chỉ phải học 3 chuyên đề thầy giáo gói... trong một ngày sau đó tự làm các tiểu luận, quan hệ với giáo sư hướng dẫn khá lỏng lẻo, tiêu chuẩn của giáo sư hướng dẫn chưa được quy định nghiêm túc.

Nếu như ở trường đại học lớn của các nước trên thế giới, chỉ có khoảng 50% số giáo sư tại mỗi khoa có tư cách dạy ở bậc tiến sĩ thì ở Việt Nam, thầy là tiến sĩ hướng dẫn cho trò làm tiến sĩ là chuyện không có gì đáng ngạc nhiên!

Một điều rất lạ nữa là nhiều người có học hàm, học vị nhưng đã chuyển sang làm các công việc khác không liên quan đến nghiên cứu và giảng dạy lại vẫn được mời làm thành viên hội đồng chấm luận án, thậm chí được mời làm giáo sư hướng dẫn cho nghiên cứu sinh!

Nhưng, dễ thì rất dễ mà khó thì cũng rất khó! Dễ dãi trong đào tạo và nhiêu khê trong thủ tục cấp bằng.

Quy trình đào tạo tiến sĩ của Bộ GD-ĐT vừa rắc rối kiểu hành chính mất nhiều thời gian, vừa tốn kém mà thiếu cơ sở khoa học đòi hỏi nghiên cứu sinh nhiều công sức, thời gian và tốn kém, có người phải bỏ ra tới 50-60 triệu đồng sau khi hoàn thành một đống thủ tục rườm rà.

Đơn cử như thủ tục trước khi bảo vệ chính thức, nghiên cứu sinh phải đi xin khoảng 20 lần nhận xét luận án tiến sĩ của các thành viên trong và ngoài hội đồng chấm luận án, riêng việc đi lại chầu chực đã mất 40 lần rồi!

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung khẳng định: “phải thắt chặt công tác đào tạo sau đại học!”. Tuy nhiên, thắt chặt bằng cách nào thì hình như Bộ GD-ĐT chưa có kế hoạch. Chỉ biết, chỉ tiêu đào tạo sau đại học vẫn tăng đều hàng năm mà mặc kệ chất lượng đào tạo cùng nhiều điều kiện cả khách quan và chủ quan đều còn hết sức ngặt nghèo.

Ngành giáo dục vẫn đang tiếp tục sản xuất bằng tiến sĩ theo tiêu chuẩn của riêng mình và văn bằng này được xem như "hàng nội địa" tự cấp tự tiêu! Còn những người được đào tạo, họ ép plastic tấm bằng này và thở phào như vừa lo xong thủ tục "chạy" được giấy thông hành bắt buộc cho sự thăng tiến.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: