Đổi mới cả nội dung lẫn cách thi vào đại học

03:51 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Hai, 2003

Thi vào đại học được cả xã hội quan tâm và được xem là vấn đề nổi cộm từ lâu. Nhiều người đã nêu ra những điều bất cập và lên tiếng đề nghị ngành giáo dục tìm biện pháp khắc phục. Thế nhưng, trong buổi thảo luận về "Các giải pháp đổi mới tuyển sinh đại học" với sự có mặt của đại diện khá nhiều trường đại học đầu đàn trên địa bàn Hà Nội, thì hầu hết đại diện của các trường đều "bình chân như vại", cho rằng dư luận xã hội đã quá cường điệu khi đề cập vấn đề này và (theo họ) cung cách thi cử hiện nay là thích hợp hơn cả.
Có thực như vậy không?

Xin hãy xem lại hai trong số rất nhiều vấn đề cần phải bàn về lĩnh vực này: việc xác định nội dung thi và phương pháp thi (bao gồm cả phương pháp ra đề, biện pháp tổ chức và cách chấm thi).

Nội dung thi cử có ảnh hưởng quyết định đối với nội dung, phương pháp dạy và học. Hãy lấy thí dụ môn toán, một trong ba môn được xem là trọng điểm hiện nay. Việc xác định nội dung thi toán trong các kỳ tuyển sinh là giải một số bài tập toán đã khiến cả thầy trò (và phụ huynh) đổ xô đi luyện làm các bài tập, một công việc vốn chỉ đóng vai trò thứ yếu trong việc dạy và học toán (giúp củng cố kiến thức lý thuyết cho chắc hơn). Ai cũng đã rõ việc giải các bài tập toán chẳng giúp gì mấy trong công việc của mình sau này (kể cả những người làm toán). Việc giải quyết các bài toán thực tiễn không thể thực hiện được bằng các mẹo giải bài tập học sinh, mà phải dùng các chương trình tính toán chuyên môn. Muốn sử dụng những chương trình này, ta cần nắm được bản chất các khái niệm toán học, tức là phải học lý thuyết một cách nghiêm túc. Những người sống vì luyện thi theo kiểu như hiện nay thường "thổi phồng" vai trò rèn luyện tư duy của việc làm bài tập, còn những người làm toán đích thực thì biết rằng các phương pháp tư duy cơ bản có ích cho người ta về lâu dài (không chỉ trong việc làm toán) là học được từ cách chứng minh các định lý kinh điển (trong phần lý thuyết), chứ đâu phải từ mấy "mẹo" làm bài tập. Điều tệ hại là, do quỹ thời gian có hạn và lấy việc giải bài tập làm mục đích cuối cùng, người ta cho học lý thuyết một cách "chiếu lệ" (chỉ học vẹt một số công thức máy móc phục vụ cho giải bài tập). Kết quả của cách dạy và học theo kiểu lò luyện làm bài tập là đã tạo ra cả một thế hệ học sinh sợ toán, hoặc mệt mỏi vì toán,... Rõ ràng, cách dạy và học toán rất sai lệch này là con đẻ của cung cách thi cử hiện nay. Nếu ta định hướng nội dung thi là các kiến thức lý thuyết cơ bản thì chẳng những giúp cho thầy trò dạy và học đúng những thứ cần thiết cho mình trong tương lai (nghĩa là nền tảng kiến thức có hệ thống để học lên nữa, để sáng tạo), mà còn ngăn ngừa được nạn dạy và học thêm tràn lan. Lý thuyết có thể gói gọn trong vòng một quyển sách giáo khoa mỏng, còn các bài tập "ăn theo" thì có thể trải khắp cả hàng trăm cuốn sách dày (mà vẫn không hết!). Gần đây, không ít các ý kiến cho rằng cần phải rút ngắn chương trình, để học sinh không bị quá tải. Theo tôi, cần phải xác định rõ nguyên nhân của sự quá tải này. Với cung cách thi cử theo kiểu "chạy đua với bài tập" như hiện nay thì dù có rút hết cả chương trình phổ thông mà chỉ để lại một chương (như lượng giác chẳng hạn) thì vẫn có thể làm cho mọi việc "đâu đóng đấy". Nếu xác định trọng tâm thi là những kiến thức lý thuyết cơ bản thì chương trình toán hiện nay cũng chỉ vừa đủ những kiến thức cần thiết (so với hệ phổ thông 12 năm). Có chăng là chỉnh lại cách diễn đạt, diễn giải dễ hiểu hơn, cùng tính hệ thống chuyển tiếp từ thấp lên cao giữa các lớp, các cấp học, loại bỏ những phần "chồng lấn", lặp lại; loại bỏ nhiều bài tập không cần thiết. Xin đừng cho rằng các kiến thức toán học lý thuyết là dễ và không đủ để phân loại học sinh trong các kỳ thi. Bất cứ nhà toán học nào cũng có chung một nhận định rằng: có thể đánh giá năng lực của học sinh ở mọi mức độ thông qua việc kiểm tra các kiến thức toán học cơ bản, mà không cần dùng đến các bài tập mang tính mẹo, tiểu xảo.

Phương pháp trắc nghiệm khách quan rất phù hợp đối với nội dung thi là các kiến thức lý thuyết cơ bản. Đây là mô hình đang được triển khai ở hầu khắp các nước phát triển và đang phát triển trên thế giới: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thailand,... Đặc điểm nổi bật của phương pháp này là có khả năng bao quát toàn bộ chương trình (vì trong một đề thi có thể ra tới hàng trăm câu hỏi), cho nên kết quả thi có độ chính xác cao. Thêm vào đó, do việc chấm bài thi thực hiện bằng máy, nó có tính khách quan vô tư, giảm thiểu các sai sót gây oan trái, ngăn ngừa các khả năng tiêu cực và tiết kiệm được rất nhiều thời gian, sức lực trong khâu chấm bài.

Khi đề thi bao quát toàn bộ chương trình thì học sinh không thể "học tủ" theo kiểu ăn may, chất lượng đào tạo sẽ được nâng cao. Việc chấm bài thi bằng máy cho phép sử dụng nhiều bộ đề khác nhau (nhưng tương đương nhau về trình độ) trong cùng một kỳ thi (một điều không thể thực hiện đối với việc chấm bài bằng thủ công trong một cuộc thi diện rộng.). Khi các thí sinh dùng các đề khác nhau thì sẽ hạn chế được rất nhiều tệ nạn gian lận trong thi cử, kể cả từ phía thí sinh lẫn những người tổ chức, quản lý. Người ta cũng không cần phải quá lo với chuyện "lộ đề", vì nếu đề đã bao quát cả chương trình học thì lộ đề cũng chỉ như là "lộ chương trình". Hơn nữa, thi trắc nghiệm sử dụng nhiều đề khác nhau, việc lộ một đề chẳng có nghĩa lý gì (vì chẳng ai biết trước mình bắt phải đề nào), còn nếu như để "lộ" hết và học sinh chuẩn bị được hết trước khi thi thì ngành giáo dục còn mong muốn gì hơn? Như vậy, với kiểu thi trắc nghiệm khách quan, việc tạo môi trường lành mạnh cho mỗi kỳ thi là không khó khăn, và khi ấy hà tất phải thi tập trung tại một địa điểm (thậm chí cũng không nhất thiết phải thi trong cùng một ngày). Điều này không chỉ góp phần giảm bớt gánh nặng cho các thí sinh vùng xa, mà còn giải tỏa được cảnh ách tắc giao thông triền miên ở các thành phố trung tâm mỗi khi mùa thi đến.
Tuy nhiên, việc tổ chức thi trắc nghiệm đòi hỏi sự chuẩn bị rất công phu: cả về mặt thiết lập chương trình trắc nghiệm lẫn soạn thảo nội dung câu hỏi. Khâu thứ nhất tưởng là khó nhưng thực ra lại dễ (đối với kinh phí của một cơ quan cỡ trường đại học); khâu thứ hai tưởng là dễ nhưng rất khó làm được hoàn hảo. Cho đến nay, phần lớn các trường không thành công trong việc áp dụng kiểu thi này là do không đầu tư thỏa đáng (có thể là do không đủ sức đầu tư) cho khâu thứ hai này. Những người không ảo tưởng thì luôn ý thức được rằng "cái khó không tự nhiên mất đi mà nó chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác", do đó kiểu thi trắc nghiệm khách quan đem lại cho ta bao nhiêu thuận lợi trong khâu tổ chức và chấm bài thì nó cũng đòi hỏi ta phải đương đầu với bấy nhiêu thách thức trong khâu soạn thảo nội dung câu hỏi. Việc này không phải là quá khó, nhưng đòi hỏi sự đầu tư công sức rất lớn (không kém việc chấm bài sau một kỳ thi). Như vậy không có nghĩa là hình thức thi trắc nghiệm không mang lại lợi ích gì hơn về mặt kinh tế, mà ngược lại: việc đầu tư nghiêm túc cho một năm đầu sẽ tiết kiệm được rất nhiều khoản chi phí cho các năm sau, và vì vậy từ năm thứ hai nó sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Tuy nhiên, cái được lớn nhất là nó đem lại môi trường trong sạch cho các kỳ thi, làm cho cả người đỗ lẫn người trượt đều thấy thoải mái về sự đánh giá khách quan vô tư, và không làm cho ai nghĩ tới chuyện "chạy chọt", vì nó còn khó hơn là đi thi. Ai đã từng trải qua các kỳ thi ngoại ngữ như kiểu TOEFL hẳn đã tự mình kiểm nghiệm điều này.

Rất đáng tiếc rằng một phương pháp đánh giá chất lượng học tập hợp lý như vậy lại không được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm nghiên cứu và phát triển, mà chỉ ủng hộ bằng một khuyến cáo rằng trường nào muốn triển khai thi bằng trắc nghiệm cũng được nhưng phải duy trì hình thức thi tự luận (như hiện nay) để dân không kêu ca. Nghe thì tưởng như là "mở", là dân chủ,... nhưng thực ra đây là một kiểu "đánh đố". Đã biết rằng việc tổ chức thi trắc nghiệm khách quan là rất khó, đòi hỏi sự đầu tư mang tính tổng lực, mà lại chỉ xem nó như việc "làm thêm" của một trường thì làm sao bảo đảm thành công. Tôi được biết có một số trường (dù không có thuận lợi ở gần các trung tâm lớn) vẫn cố gắng vượt qua sự thách thức này, và đã bước đầu thành công. Thật là đáng khâm phục.

Việc kết hợp một phần thi theo kiểu tự luận là cần thiết, khi chưa có cách đánh giá hoàn toàn dựa vào trắc nghiệm, nhất là đối với một số chuyên ngành đòi hỏi khả năng thể hiện đặc biệt: văn học, mỹ thuật,...

Việc liên kết các trường trong công tác tuyển sinh là rất cần thiết và sẽ mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Thí dụ về môn toán, tôi cho rằng nên phân ra một vài khối như: khối cho sinh viên các ngành nghiên cứu và giảng dạy toán (khoa Toán các trường Tổng hợp và Sư phạm); khối cho sinh viên các trường kỹ thuật và quản lý kinh tế (Bách khoa, Xây dựng, Kiến trúc, Giao thông, Kinh tế quốc dân, Mỏ và Địa chất,...); khối cho sinh viên các ngành Nông - Sinh - Y - Môi trường, và khối cho sinh viên các ngành Khoa học xã hội, v.v. Chỉ cần đưa ra các bộ đề chung cho mỗi khối và tổ chức thi chung, rồi các trường sẽ tùy theo nhu cầu mà định ra điểm chuẩn cho trường mình. Như vậy, các trường sẽ giảm được rất nhiều kinh phí trong việc tổ chức thi, còn học sinh có nguyện vọng thi vào nhiều trường (trong cùng một khối) sẽ không phải thi nhiều lần. Tóm lại, toàn xã hội sẽ giảm được rất nhiều chi phí không cần thiết.

Trong tương lai, nếu ngành giáo dục có được các trung tâm khảo thí khách quan vô tư, tổ chức việc thi cử và cấp chứng chỉ một cách thống nhất, thì sẽ khắc phục được rất nhiều điều bất cập trong lĩnh vực này. Khi ấy, việc dạy thêm - học thêm (theo mục đích riêng của giáo viên) cũng sẽ tự biến đi, vì chất lượng học tập cuối cùng của học sinh sẽ được đánh giá không phải bằng các bài kiểm tra theo ý chủ quan thầy, mà bằng các bài thi của trung tâm khảo thí (khách quan vô tư). Các kỳ thi như vậy cũng sẽ cho chúng ta một thước đo chính xác về chất lượng đào tạo của từng trường, từng thầy.

Phan Huy Điển, Tiến sĩ khoa học Toán Lý

LinkedInPinterestCập nhật lúc: