Đừng để người nghèo bị gạt ra bên lề
Kinh tế mấy năm qua vẫn tăng trưởng khá, nhưng sau những bão lụt - thiên tai, cuộc sống của người dân lại đang phải trải qua những đợt giá cả thiết yếu bất ổn liên tục. Người nghèo - những hộ thu nhập thấp, những người phải chạy ăn từng bữa - trên thực tế chỉ được thụ hưởng rất ít các kết quả tăng trưởng, trong khi chính họ phải gần như lãnh trọn những hậu quả do lạm phát đang diễn ra. Muốn đất nước có được sự phát triển bền vững, tôi cho rằng chúng ta không thể thiếu những chính sách cốt lõi để giải quyết căn cơ vấn đề dân nghèo.
Cam kết lịch sử
Người nông dân chịu thiệt một cách trực tiếp trong quá trình công nghiệp hóa. Mỗi khi có những nhà máy, những khu công nghiệp, đô thị mọc lên, những phúc lợi xã hội mà sự phát triển mang lại cho nông dân chỉ chiếm một giá trị rất nhỏ so với lợi nhuận mà đất đai của nông dân đem lại cho những tầng lớp khác. "Công nghiệp hóa" theo kiểu tiếp nhận những đầu tư, chủ yếu khai thác lao động giá rẻ, tuy có giải quyết được công ăn việc làm có tính nhất thời cho một số lao động thiếu việc làm, về lâu dài không thể nào thay đổi địa vị nghèo khó của nông dân. Trong khi đó, sự trả giá về mặt tinh thần là rất lớn vì đa số những nông dân này đang phải ly hương, ly gia để có việc làm. Công nghiệp hóa, đô thị hóa của chế độ ta mà không nhất quán quan điểm, không xuất phát từ người nghèo (số đông người nghèo) thì chúng ta không tránh khỏi càng làm sâu sắc thêm khoảng cách giữa hai tầng lớp giàu, nghèo. |
Trong suốt hai thập niên đổi mới, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực để xóa đói giảm nghèo. Tỉ lệ người nghèo, tính theo chuẩn mực quốc tế (có mức sống dưới 1 USD/ngày), đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 14,7% năm 2007. Một số viên chức quốc tế đã đánh giá cao những nỗ lực của VN. Nhưng những đánh giá ấy chủ yếu dựa trên các báo cáo trong nước và chúng ta hiểu khoảng cách giữa thực tế và báo cáo là còn đáng kể.
Tôi nhớ cách đây không lâu, báo chí phát hiện thêm rất nhiều nhà tranh vách đất ở một số địa phương mà theo báo cáo trước đó đã "100% ngói hóa". Mặt khác, dù phần lớn dân chúng đã "thoát nghèo" nhưng chỉ cần sau một mùa bão lụt, sau một đợt rét hại, những thành quả kinh tế mà những người dân này tần tảo để có lại gần như bị xóa sạch. Tôi vừa đến một số vùng như vậy và không khó lắm để thấy người nghèo đang chiếm một tỉ lệ lớn thế nào, đang phải sống vất vả ra sao.
Chăm lo cho người nghèo hiện nay không đơn giản chỉ là thực hiện một cam kết có tính lịch sử, mà còn là bảo vệ tôn chỉ mục đích của một đảng cách mạng luôn nhận mình đứng về phía nhân dân. Thực hiện cam kết đó không chỉ căn cứ vào những chính sách trực tiếp, mà trước khi ban hành những chính sách lớn cần phải phân tích, đánh giá sâu sắc những tác động của chúng lên các tầng lớp dân nghèo.
Chúng ta chưa có những đánh giá đầy đủ về tiến trình công nghiệp hóa xảy ra ở các vùng nông thôn và đặc biệt là nông thôn miền núi. Tiến trình này đúng là đã góp phần làm tăng trưởng kinh tế, đưa được một số nông dân vào lao động trong các công xưởng sử dụng lao động đơn giản. Nhưng mức tiền công quá thấp mà những nông dân này được trả không đủ tạo lập vị trí kinh tế cho họ, nói chi đến địa vị chính trị vinh dự mà chúng ta thường đề cập của giai cấp công nhân.
Công nghiệp hóa, đô thị hóa là một hướng đi cần thiết nhưng phải cân nhắc lợi ích lâu dài. Khi trở lại một số địa phương, thăm một số công trình, trong đó có những công trình được bắt đầu từ khi tôi còn công tác ở Chính phủ, tôi rút ra bài học rằng: nếu đô thị hóa hay công nghiệp hóa mà không cân nhắc đầy đủ sẽ dễ dẫn đến tình trạng các ngôi nhà, làng bản, thị trấn đặc trưng của các vùng cao dần được thay thế bằng những ngôi nhà, phố xá chen chúc, hình ảnh vẫn thường thấy ở vùng xuôi. Khi đó chúng ta không chỉ gây ra những tổn thất về văn hóa mà còn đánh mất cả lợi ích kinh tế lâu dài.
Đầu tư phát triển, một mặt không thể thiếu những giải pháp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, gìn giữ bản sắc văn hóa; mặt khác phải có chính sách để người nghèo, đặc biệt là nông dân, bà con các vùng nông thôn, vùng dân tộc... không bị gạt ra bên lề tiến trình phát triển, nhất là tiến trình xây dựng các khu đô thị, nhà máy trên làng bản, ruộng đất lâu đời của họ.
Từ thiện không thể thay chính sách
Chúng ta nghiên cứu và giảng dạy khá đầy đủ về sự dã man của tư bản trong giai đoạn "tích lũy tư bản hoang dã”. Nhưng chúng ta đã chưa cập nhật để thấy khả năng tự điều chỉnh ở các quốc gia này. Phúc lợi cho người lao động, người nghèo ở nhiều nước tư bản hiện cao đến mức mà tôi nghĩ các nhà lý luận rất cần tham khảo. Kinh nghiệm sau hơn hai thập niên đổi mới cho thấy không thể có "công bằng" đúng nghĩa trong một xã hội mà tất cả đều nghèo (như chúng ta thời bao cấp).
Cũng không thể cào bằng bằng cách điều tiết hết lợi ích của người giàu để chia cho người nghèo. Xã hội sẽ không phát triển nếu không có chính sách kích thích một bộ phận dân chúng vươn lên làm giàu chính đáng. Nhưng, nếu không có chính sách hợp lý và không chống được tham nhũng để quá trình "tích lũy tư bản" diễn ra như thời "hoang dã” (nhờ hối mại quyền lực và có được đặc quyền khai thác tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất đai), thì không bao giờ tạo ra được công bằng và sự phát triển bền vững.
Có lẽ chưa có một quốc gia nào bày tỏ sự quan tâm đến người nghèo một cách thường xuyên như ta. Thậm chí với nhiều người, nó đã dần trở thành một thứ khẩu hiệu. Sự quan tâm đến người nghèo bằng các phương tiện truyền thông, qua các bài phát biểu, cuộc nói chuyện hay bài viết, tôi nghĩ là đã quá đủ. Nhưng chúng ta hãy nhìn vào các số liệu điều tra sau đây của UNDP để thấy chúng ta đã thật sự làm được những gì: nhóm 20% những người giàu nhất ở VN hiện đang hưởng tới 40% lợi ích từ các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước; trong khi nhóm 20% những người nghèo nhất chỉ nhận được 7% lợi ích từ nguồn này.
Gần như thường xuyên chúng ta chứng kiến những hoạt động quyên góp, đấu giá... được tổ chức rầm rộ trên truyền hình, phần lớn những hoạt động ấy do Ủy ban T.Ư MTTQ VN tổ chức. Tôi không phản đối cách làm đó, nhưng tôi nghĩ công việc ấy để các nhà hoạt động từ thiện chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp, các nhà hảo tâm làm thay thì tốt hơn rất nhiều.
Theo kinh nghiệm của tôi, những người có nguyện vọng từ thiện đúng nghĩa thường chọn cách làm từ thiện trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức từ thiện chuyên nghiệp, vì họ tin đồng tiền đi qua các tổ chức như thế sẽ không bị xà xẻo trên đường đến với người nghèo. Những người muốn giúp đỡ người nghèo thay vì dùng tiền bạc để mua danh và khoa trương, thường không chọn cách làm từ thiện theo kiểu "đấu giá” ồn ào trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có tạo được những nền tảng pháp lý cho xã hội dân sự phát triển, để những tổ chức từ thiện đúng nghĩa có thể xuất hiện thì tình cảm cộng đồng mới thức dậy một cách chân thành, người nghèo từ đó mới được phần nào chia sẻ.
Tuy nhiên, các hoạt động từ thiện chỉ có thể khơi gợi một nguồn lực khác của xã hội chứ không thể thay thế các chính sách của Nhà nước. Sứ mệnh chính trị của những tổ chức như Mặt trận, vì vậy lớn hơn là việc quyên góp, xin - cho rất nhiều. Mặt trận có thể tham gia xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả hơn, thông qua việc đề xuất và phân tích chính sách, sao cho: lợi ích từ các nguồn tài nguyên quốc gia được phân phối hợp lý cho các chủ nhân của nó; người nghèo được hỗ trợ để có thể tiếp cận được với những quyền lợi căn bản nhất.
Đầu tư của Nhà nước vào các công trình phúc lợi y tế, giáo dục, văn hóa... không nên tập trung ở các đô thị, nơi mà các nguồn lực khác của xã hội có thể tham gia. Nhà nước cũng cần sớm hoàn thiện các thiết chế như: bảo hiểm y tế, quĩ trợ cấp, tín dụng giáo dục... cho người nghèo ở cả đô thị và nông thôn.
Tạo điều kiện cho người có năng lực, có khát vọng có thể làm giàu tối đa nhưng cũng không bỏ mặc những người không có khả năng tự bươn chải. Chấp nhận một khoảng cách không thể tránh khỏi giữa tầng lớp những người giàu và nghèo, nhưng phải nâng được mặt bằng mức sống của người nghèo lên để họ có thể tiếp cận được những phúc lợi tối thiểu về nhà ở, y tế, giáo dục; để không có người dân nào không được chữa bệnh, không được đi học chỉ bởi họ nghèo.
VN: chênh lệch giàu nghèo 34,4 lần 10% dân số nghèo nhất chỉ chiếm 4,2% thu nhập và chi tiêu quốc gia. 10% giàu nhất chiếm 28,8% thu nhập và chi tiêu quốc gia. 20% dân số nghèo nhất chiếm 9% tổng thu nhập và chi tiêu quốc gia. 20% dân số giàu nhất chiếm 44,3% tổng thu nhập và chi tiêu quốc gia. Chênh lệch giữa 10% dân số giàu nhất với 10% dân số nghèo nhất là 6,9 lần, còn theo chỉ số Gini (chỉ số chênh lệch giàu nghèo) ở VN là 34,4 lần. (Nguồn: Báo cáo phát triển con người 2007-2008 của UNDP) |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng