Giá trị sống

08:53 SA @ Thứ Bảy - 09 Tháng Bảy, 2005

Nó khác nhiều với cách giáo dục xưa bằng lời nói suông, mà bằng hành động cụ thể để trẻ có khả năng hành động tích cực thật sự.

Ta đã nghe nhiều về KNS. Đó là giúp cho trẻ có khả năng về mặt tâm lý xã hội để phán đoán và ra quyết định tích cực, nghĩa là để “nói không với cái xấu”. Nhưng nếu trẻ xem cái xấu ấy là “tốt” thì sao? Vì thế giáo dục GTS là cái nên cho giáo dục KNS.

Thế nào là giá trị? Từ góc độ xã hội học, nôm na là những điều mà ta cho là rất tốt, rất quan trọng phải có cho bằng được và vì thế giá trị chi phối hành vi của chúng ta. Những giá trị xã hội thường được nêu lên là hòa bình, công bằng xã hội, sự tôn trọng, đoàn kết, sự trung thực, tình bạn, tính vị tha... - chung qui là tất cả những gì mà con người cho là tốt đẹp nhất. Nhưng sự thật có những giá trị khách quan là không tốt đẹp nhưng từng cá nhân, gia đình cho đó là quan trọng nhất, hay ho nhất cho mình.

Đó là tiền tài, vật chất, hưởng thụ... những cái gì mà họ cho rằng có lợi cho bản thân nhất. Vì thế muốn biết một xã hội, ta không nên chỉ nghe những giá trị được tuyên bố qua khẩu hiệu, lời giảng dạy đầu môi chót lưỡi mà hãy nhìn xem họ sống như thế nào. Nếu nhìn vào xã hội VN thì ta thấy những giá trị công bố thật vô cùng tốt đẹp, nhưng những giá trị không công bố đang khống chế cuộc sống hiện tại là tiền tài, vật chất, hưởng thụ, tham lam, ích kỷ, dối trá…

Mà trẻ (như chúng ta) thì làm theo người lớn làm chứ không làm theo họ nói. Đó là qui luật. Trò chơi dân gian “Hãy làm theo tôi nói, đừng làm theo tôi làm” rất tiêu biểu. Khi người quản trò chỉ cái miệng mà hô to “lô tai”, nếu không cảnh giác thì ta bắt chước anh ta chỉ vào cái miệng. Cho đến nay chúng ta than thở rất nhiều về sự bất lực trong giáo dục trẻ nhưng chưa tìm lối ra.

Tôi xin đơn cử dưới đây vài ví dụ về cách phương Tây giáo dục cho công dân và tuổi trẻ của họ.

Là một nước nghèo ta nhận nhiều nguồn giúp đỡ của các nước giàu. Về viện trợ cho của chính phủ thì ta thường nghe chuyện “cho tay này rút tay kia”, nhưng trong viện trợ nhân dân có nhiều cử chỉ rất đẹp. Tiền ta nhận được là tiền mồ hôi nước mắt của người dân. Xin đơn cử tổ chức “Bánh mì thê giới” (Bread for the World ) của giáo hội Cơ Đôc giáo Đức, một tổ chức viện trợ phát triển rất đúng hướng và hiệu quả.

Hằng năm đến Mùa chay họ tổ chức một chiến dịch gọi là “Chia sẻ Mùa chay” (Partage de Careme), để quyên góp tiền gửi qua các nước đang phát triển, trong đó có VN. Một chiến dịch thông tin rất khoa học vê tình hình và nhu cầu các nước đang phát triển được quảng bá rộng rãi cho tất cả các xứ đạo trên toàn lãnh thổ Đức.

Như thế chưa đủ, họ còn mời những người bản xứ qua để làm những nhân chứng bằng xương bằng thịt. Năm 1974 tôi được mời qua Đức để tham gia chiến dịch này. Sau bài giảng của vị mục sư, giáo dân có thể hỏi tôi về mọi vấn đề của VN từ nghèo đói, chiến tranh đến những khó khăn của trẻ em. Nhưng chỗ tôi đến là những họ đạo nghèo nhất so với số đông. Sau đó có cuộc quyên góp mà người nghèo tỏ ra hết sức rộng rãi. Họ được giải thích đây không phải là của bố thí mà là để đem lại công bằng và tạo sự liên kêt giữa các dân tộc. Chia sẻ với các nước nghèo trở thành một thói quen của họ. Cứ hằng năm thì chiến dịch lặp lại.

Dịp này tôi cũng dự một hội nghị của các tổ chức “Chia sẻ Mùa chay” của một số nước Bắc Âu. Một cặp vợ chồng người Hà Lan nói với tôi: “Chúng tôi thường dạy con mình nên nghĩ đến trẻ em VN nhưng chúng nó chưa bao giờ thấy một người VN tận mắt. Mời cô về gia đình chúng tôi một ngày để gặp bọn trẻ”. Tôi nhận lời đi Hà Lan với họ. Gặp tôi bọn trẻ hỏi đủ thứ chuyện: trẻ em VN ăn như thế nào, học và chơi như thế nào...?

Sáng hôm sau bữa điểm tâm làm tôi hơi thất vọng: chỉ có bánh mì bơ, cà phê. Đi Tây mà không được ăn dăm bông, xúc xích Tây thật là rất uổng. Tôi quên đây là Mùa chay, mùa mà người Ky Tô giáo sống kham khổ trong 40 ngày trước lễ Phục sinh. Họ kham khổ không chỉ để hãm mình mà còn để chia sẻ. Rồi bà chủ nhà giải thích: “Bọn trẻ và chúng tôi cam kết trong 40 ngày ăn bánh mì không để dành trọn số tiền mua thịt nguội, mứt, phô mai gửi cho trẻ em nghèo ở các nước đang phát triển”.

Chuyện làm này đã trở thành bình thường nhưng vô cùng ý nghĩa đối với hai chú nhóc 9-10 tuổi này. Nhưng tôi biết chắc chắn là lớn lên chúng sẽ trở thành những tình nguyện viên đi giúp các nước nghèo, là những hạt nhân trong các phong trào chống bất công, những diễn đàn xã hội phản đối các khía cạnh tiêu cực của toàn cầu hóa bên cạnh những hội nghị kinh tế lớn của các quốc gia giàu mạnh.

Những giá trị sống được gia công giáo dục như thế đấy. Ở châu Âu cũng có nhiều phong trào giúp gia đình sống theo lý tưởng được đề ra để đối phó với cơn bão táp thị trường. Có những chương trình dành riêng phù hợp với các tâng lớp gia đình khác nhau. Họ làm rất bài bản và chặt chẽ. Đầu thập kỷ 1960 trong một khóa bồi dưỡng ở Bỉ tôi đi thực tập với một tổ chức về gia đình gọi là “Foyers Notre Dame”. Tôi được chỉ định đến

một nhóm gia đình trung lưu trong một khu phố khá giả. Cứ mỗi tháng một lần vào tối thứ sáu, 6 cặp gia đình gặp nhau để chia sẻ (về mặt tinh thần). Trong nhóm có giám đốc một ngân hàng địa phương, bác sĩ, giáo sư, công chúa... Ho luôn phải đi theo cặp và mỗi cặp luân phiên làm chủ nhà. Chủ nhà chỉ nấu một nồi xúp các cặp kia đem theo bánh mì kẹp thịt. Sau buổi ăn thân mật thật nhanh, từng cặp trình bày vấn đề mình bận tâm trong tháng qua. Ví dụ như khó khăn trong công việc, đối phó với những vấn đề ngoài xã hội, sự căng thẳng giữa vợ chồng, giáo dục con cái nhất là ở tuổi vì thanh niên.

Nhóm đóng góp ý kiến và mọi người cam kết sẽ thực hiện quyết định chung để tháng sau lượng giá lại. Có khi tới 12 giờ khuya buổi họp mới kết thúc. Cứ như thế mà họ sống thật liên đới và giúp nhau sống tốt theo lý tưởng chung và để chống chọi với lối sống đầy cạm bẩy của nền kinh tế thị trường. Nếu không có những cố gắng như vậy gia đình và xã hội phương tây khó mà đứng vững. Và phải nói con cái họ tất cả đều đã nên người và trở thành những thành viên tích cực của xã hội.

Từ đó, sự bất lực của ta hiện nay là dễ hiểu. Không thể đối phó với cuộc sống mới mà không gia công miệt mài. KNS được các tổ chức của Liên Hiệp Quốc (UNICEF-WHO…) đưa vào VN vào đầu thập kỷ 1990 đến nay và còn ở đang thí điểm ở một số trường cấp II và chưa rút kinh nghiệm. Được biết giáo dục KNS là một tiêu điểm để đánh giá chất lượng giáo dục trên thế giới ngày nay. Còn giáo dục GTS thì còn mới lạ hơn nữa. Nó chỉ mới được giới thiệu đó một vài tổ chức quốc tế phi chính phủ với tầm hoạt động còn hạn hẹp.

Ước gì chúng ta ngưng thẩn thờ mà bắt đầu hành động và gia công miệt mài như bạn bè năm châu...

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung khác