Giai thoại về cú lừa kinh điển điếng người của vợ một nhà văn

08:45 CH @ Thứ Hai - 03 Tháng Hai, 2020

Trước Cách mạng tháng Tám, tuy 'cá tháng Tư' chưa phổ biến ở nước ta, nhưng chuyện nhà văn Lan Khai bị ăn quả lừa đã trở thành giai thoại...


Nhà văn Lan Khai

Lan Khai (1906 - 1946)tên thật là Nguyễn Đình Khải, sinh trưởng ở Tuyên Quang, được mệnh danh là "nhà văn đường rừng" do ông chuyên viết các câu chuyện hấp dẫn về vùng rừng núi phía Bắc như Truyện đường rừng, Ai lên phố Cát, Gái thời loạn...

Trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến của nhà văn Nguyễn Vỹ (NXB Văn hóa Văn nghệ tái bản 2018) đã kể lại giai thoại nhà văn tuy có tới 2 bà vợ vẫn bị phụ nữ lừa rất thú vị.

Theo Nguyễn Vỹ, Lan Khai lúc làm báo, luôn thích ăn diện, lúc nào cũng đẹp đẽ bảnh bao, ai mới trông thấy ông cũng tưởng đâu là một chàng nho sĩ phong lưu, một kiểu Kim Trọng tân thời nhưng không có Thúy Kiều, và trong túi thường không có một xu nhỏ.

Tuy vậy, ông không sống cùng vợ, bà vợ cả của ông bị tật ở chân, chuyên buôn bán trên Tuyên Quang. Còn bà vợ hai, mà Nguyễn Vỹ tả là "hiền lành lắm, và đẹp, rất yêu mến Lan Khai và cũng bằng lòng để anh ở riêng tùy ý theo ý thích", thì cũng chỉ thỉnh thoảng mới từ Tuyên Quang xuống ở với ông một vài tháng rồi lại về quê.

Cuốn Văn thi sĩ tiền chiến của Nguyễn Vỹ viết về chân dung các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trước cách mạng tháng Tám.

.

Câu chuyện xảy ra khi Lan Khai vừa xuất bản tiểu thuyết Hột mận (hoặc Cái hột mận), được độc giả nhiệt tình đón nhận, ông tự hào khoe với bà hai là có nhiều nữ độc giả ái mộ lắm, khiến bà phản bác “Anh Vỹ thì chắc có nhiều người yêu, chứ cậu thì có ma nó yêu cậu!”.

Nguyễn Vỹ kể lại trong sách:

Ba hôm sau, Lan Khai gặp tôi. Anh không bắt tay tôi như mọi lần. Anh cười, thò tay vào túi áo, lấy ra một bao thư, đưa tôi:

- Toa (anh, tiếng Pháp) đọc đi!

- Thư của anh mà…

- Toa cứ đọc đi. Moa (tôi) chỉ xin toa một điều là giữ kín hộ moa nhé. Đừng bảo cho ma femme (vợ tôi) biết.

Tôi xem qua nét chữ ngoài phong bì: nét chữ của một cô gái. Bao thư xanh, đóng dấu dây thép Hà Nội.

Thưa ông Lan Khai.

Tác giả quyển “Hột mận”

Em xin gửi lời thành thật hoan nghênh tất cả các quyển truyện đường rừng của ông. Riêng quyển Hột mận, ông vừa xuất bản, thật là một kiệt tác. Em ao ước được hân hạnh gặp ông để tỏ lòng ái mộ của em. Vậy, nếu ông không bận gì, thì 8h tối thứ bảy tuần này, xin ông vui lòng quá bộ đến hồ Trúc Bạch, khỏi chùa Trấn Quốc một tí. Em sẽ chờ ông tại đấy.

Thưa ông, ông sẽ trông thấy một thiếu nữ 18 tuổi, đang chờ ông bên gốc cây, mặc áo màu bordeaux, tay cầm quyển Hột mận. Em đấy ông ạ. Em sẽ đến đấy đúng 8h, là lúc vắng người. Nếu quá 8h30 ông không lại, thì chắc là ông bận việc, em sẽ đi về.

Trời! Em ước mong sao được gặp nhà văn tài hoa mà em thường mơ tưởng!

Em xin dừng bút nơi đây với tất cả hi vọng tốt đẹp ngập tràn trề lòng em.

Bella Nhung.

Tôi trao thư lại Lan Khai. Anh ta cười khoái trá:

- Nàng có chữ kí đẹp quá nhỉ. Toa xem chữ kí giỏi lắm và xem tướng số được, toa hãy xem hộ moa chữ kí ấy đi. Rồi hôm nào moa giới thiệu nàng cho toa để nhờ toa xem tướng hộ nhé.

- Chữ kí cô này… lãng mạn.

- Thế thôi à?

- Cô này 18 tuổi.

- Trong thư nàng có nói.

- Thế thôi, hết.

- Người tính tình thế nào chứ?

- Vui vẻ, trẻ trung. Người mập chứ không gầy, (nét chữ cũng mập), đẹp chứ không xấu, nét chữ bay bướm.

- Cậu thật là…!

- Thật đấy mà. Nếu tối thứ bảy anh gặp cô mà xấu chứ không đẹp, thì chắc là không phải cô Bella Nhung. Hoặc cô nào gầy chứ không mập, cũng không phải… Gặp gỡ như thế nào, rồi nói chuyện lại cho tôi nghe với nhé.

- Toa đừng cho ma femme biết, nghe chưa?

- Khỏi dặn.

Tối hôm đó, Lan Khai chải tóc láng mướt. Chàng đã thắt cra-vát màu đỏ, mới tinh, vừa mua lúc chiều. Quen lệ, chải tóc xong là chàng đánh phấn. Chàng có tật đánh phấn như đàn bà, vì da mặt hơi ngăm ngăm đen, và đã có vết nhăn. Tôi nhớ năm ấy chàng đã lớn tuổi hơn tôi nhiều lắm, vả lại chàng bị bịnh ghiền thuốc phiện, cho nên mau già. Người gầy còm, lại dong dỏng cao, môi thâm. Nói thật, người không đẹp. Chàng đánh phấn phớt qua một lớp mỏng thôi mà chỉ đánh ban đêm. Chàng rưới nước hoa, diện quần áo tây mới may, đi giày tây đen, bóng lộn. Xong, ngó đồng hồ 8h kém 5, chàng ra gọi xe kéo.

Chàng khấp khởi mừng vì chị Lan Khai đi vắng, chàng khỏi phải nói dối vợ.

Đến trước cổng chùa Trấn Quốc, Lan Khai trả tiền xe, rồi đi bộ một quãng đường trên đê hồ Trúc Bạch. Chàng hồi hộp mừng thầm, xa xa, dưới bóng cây chàng đã thấy bóng “nàng”.

Chàng nghĩ thầm: “Ta sẽ nắm tay nàng, và nhoẻn một nụ cười duyên…”. Nàng chưa thấy chàng, vì nàng quay lưng ra đường đê, đang đứng mơ màng ngó mặt nước hồ phẳng lặng, phản chiếu một vòm trời lóng lánh muôn sao. Gió mát lạ!

Chàng cố ý đi mạnh, cho nàng nghe tiếng giày để nàng quay mặt ra. Chàng đã biết đích là nàng, vì dưới ánh điện lờ mờ, chàng đi nhè nhẹ đến gần chàng đã phân biệt màu áo bordeaux và tay nàng đang cầm quyển Hột mận, như đã dặn kỹ trong thư.

Chàng đi nhè nhẹ đến gần… Tuy chàng chưa thấy mặt, nhưng dưới ánh đèn điện lờ mờ, bóng nàng uyển chuyển thướt tha tuyệt đẹp.

Chàng đến sát bên cạnh, nghĩ rằng nàng mắc cỡ, nên chàng đánh bạo đặt bàn tay dịu dàng trên vai nàng, và giọng nói run run cảm động:

- Em Bella Nhung?

Nàng quay lại.

Lan Khai hoảng hốt, biến sắc mặt ngay, bỗng giận dữ hét lên:

- Mợ đứng chờ ai đây?

Nàng, chính là… vợ Lan Khai, mỉm cười ngạo nghễ:

- Thưa ông, em chờ ông Lan Khai, tác giả Hột mận ạ.

- Mợ đánh lừa tôi hả?

Lan Khai giận run cả người lên, nghẹn miệng nói không được nữa. Chàng bỏ vợ đấy, đi thật nhanh ra đường Quán Thánh gọi xe về nhà. Chị Lan Khai mỉm cười đắc chí, đủng đỉnh theo sau.

Khi về nhà, “nhà văn đường rừng” bực tức hỏi vợ:

- Ai viết hộ thư cho mợ? Chứ nét chữ đâu phải của mợ?

- Nét chữ của con Mão đấy.

- Con Mão nào?

- Cháu của cậu, con gái của chị Phán, cậu không biết à? Tôi đọc cho nó viết đấy. Tôi phải năn nỉ mãi nó mới chịu viết đấy.

- Mợ mặc áo màu bordeaux của ai?

- Áo cũng của con Mão chớ còn của ai nữa.

- Mợ chơi xỏ tôi làm gì thế?

- Để cho cậu một bài học về Hột mận đấy, cậu à! Quả mận chua lắm phải không cậu?

Theo Nguyễn Vỹ, “Lan Khai làm thinh, mãi ba tháng không nói với vợ một tiếng”.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Công minh lịch sử và công bằng xã hội đối với tự lực văn đoàn

    12/03/2019Văn TạoTự lực văn đoàn là một tổ chức văn học ra đời tại thị trấn Cẩm Giàng, Hải Dương trong thời gian 1932-1939. Về tổ chức và công lao của Tự lực văn đoàn, đã từng có nhiều đánh giá khác nhau cả về các mặt tích cực lẫn về mặt tiêu cực.
  • Lan Khai - nghệ sĩ tài năng bị lãng quên?

    30/04/2018Hà Phương ThiệnNhà văn Lan Khai tên thật là Nguyễn Đình Khải, sinh năm Bính Ngọ 1906 ở Tuyên Quang, song lại có gốc gác dòng họ Nguyễn ở Huế. Ông nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam từ những năm 1930 - 1945, được mệnh danh là “nhà văn đường rừng”, để lại hàng trăm tác phẩm văn học, trong đó có gần 50 cuốn tiểu thuyết...
  • Về Tự Lực Văn Đoàn

    28/11/2016Hỏi: Xin cho biết các thành viên Tự Lực Văn Đoàn...
  • Từ làm báo Phong Hóa, đến văn phái Tự lực văn đoàn

    22/10/2015Khúc Hà LinhXã hội Việt Nam những năm 1930-1945 trải qua một thời kỳ biến động sâu sắc về chính trị, kinh tế và văn hoá. Chỉ nói riêng về văn hoá, thời kỳ này các loại sách báo hải ngoại du nhập vào Việt Nam khá phong phú. Hàng loạt học sinh từ Pháp trở về nước mang tư tưởng tân tiến, mới lạ đã có ảnh hưởng tới đời sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp học sinh tiểu tư sản trí thức.
  • Câu chuyện Tự Lực Văn Đoàn, và những điều chưa nói

    28/07/2015Phạm Thảo NguyênMục đích bài biên khảo này là tìm hiểu việc xây dựng báo Phong Hoá Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn trong suốt thập niên 1930, đưa đến việc hiện đại hoá nghề báo và thúc đẩy nguyên một cuộc cách mạng văn chương, văn hoá Việt Nam. Đồng thời khám phá sự thực về đời sống của thành viên Tự Lực Văn Đoàn, cái phần lâu nay vẫn bị hiểu lầm...
  • Tự lực văn đoàn, ngôi sao rực rỡ trên bầu trời văn học

    09/07/2010Khúc Hà LinhTự lực Văn đoàn là tổ chức văn chương tự lực. Họ tự lực về tài chính, không chịu ảnh hưởng của nhà cầm quyền. Họ tự lực về chuyên môn và khuynh hướng nghệ thuật. Họ tự tôn người chủ soái, cùng nhau tuân theo quy chế hoạt động mà họ cùng nhau đặt ra. Lãi ăn lỗ chịu, cùng nhau gánh vác.
  • xem toàn bộ