Giải thích

11:00 SA @ Thứ Sáu - 24 Tháng Mười, 2008

Nghĩa là hành động vô cùng đơn giản: Làm cho hiểu rõ sự việc, có thể trả lời câu hỏi về vấn đề nào đấy chưa rõ ràng, chưa dễ hiểu hoặc 1 vài người nào đó hiểu còn đa số không hiểu, thế là chúng ta cần đến hỏi và giải đáp. Nhưng giải thích cũng cần phương pháp và nghệ thuật hẳn hoi, nếu không sự việc lại càng rối hơn.

Tỷ như ngôn ngữ bất đồng chẳng hạn, khối người nói tiếng Anh cho người Pháp hiểu, dịch tiếng Bồ Đào Nha cho người Lào nghe và hỏi tiếng Nga cho người Cuba trả lời. Tóm lại, phải quay về giải thích bằng ngôn ngữ cử chỉ: Nói xong mỏi hết cả tay, mắt, mồm nói chung là toàn thân, nhưng kết quả lại rất tốt: Người muốn hiểu được hiểu và người muốn giải thích thành công. Sự việc có vậy sẽ không có gì để suy ngẫm, nói chung là vô số chuyện càng giải thích càng không hiểu được.

Ngày xưa, chuyện tiếu lâm kể có ông quan đi đêm vấp phải người khác tức lắm bèn ra yết thị: Ai đi đêm phải cầm đèn! Vậy rồi sau vẫn vấp phải người đi đường bởi họ giải thích yết thị không nói rõ: Đi đường phải cầm đèn có nến, nến phải thắp, hết nến phải thay nến khác và rồi lại thắp tiếp…quan không chịu đựng nổi bèn xé bỏ yết thị. Thậm chí đến các hoàng đế cũng có lời giải thích nghe được, thành quả để đời nhưng có ối việc thành bia miệng cho thế gian đàm tiếu. Hốt Tất Liệt giải thích thất bại nước Nam là do không hợp thung thổ bị bệnh tật. Napoleon thua trận Watelo thì đổ lỗi cho sương mù, pháo binh bắn không trúng đích. Vua Lý vì mơ thấy Phật Quan Âm nên xây chùa Diên Hựu có liên hoa đài nổi tiếng, trong khi vua Nguyễn cắt đất lục tỉnh dâng Pháp cầu hòa, sau dù thanh minh các kiểu, lịch sử vẫn chê trách. Ngày nay chẳng còn vua lẫn hoàng đế, chỉ có người chủ đích thực là nhân dân, nhưng có những điều cần đặt câu hỏi để nghe giải thích thì lại khó giải thích vô cùng, thậm chí thích thế nào là giải thế, thành ra càng giải lại càng khó giải thích vô cùng, thậm chí thích thế nào là giải thế, thành ra càng giải lại càng phức tạp hết cả hiểu.

Bắt đầu từ chuyện giáo dục mà xem. Cớ sao sách giáo khoa lại là tiêu chuẩn của một nền giáo dục, là cái gốc cơ bản của trình độ học vấn lại cứ xoay đổi xoành xoạch, những lần in sau nhiều lỗi hơn lần trước rồi phải phát cả hàng chục vạn bản đính chính kèm theo. Thay vì phải dựa vào quy chuẩn mới làm sách thì ngược lại: In sách, sửa mãi vẫn chưa thành quy chuẩn. Câu hỏi về giáo dục rất quan trọng, nó liên quan đến tương lai con em chúng ta và cũng là tương lai của nước nhà, nhưng không một lời giải thích nào thật thỏa đáng, lạ lùng quá.

Chuyện y tế, lĩnh vực sức khỏe và sinh mạng cũng khiến bệnh nhân giật mình thon thót vì giá cao, giá thuốc ngoại không thể kiểm soát được và đặc biệt các bệnh viện đang đại loại về các yêu cầu xét nghiệm, dù nặng nhẹ gì bệnh nhân cũng phải trải qua dăm ba bẩy phiếu xét nghiệm để cho chính xác vì các bệnh viện không tin vào xét nghiệm. Thích giải kiểu này chắc chắn là tác động cơ chế thị trường .

Về một vấn đề văn hóa, điều luật đang có hiệu lực thì phải thi hành, cớ sao một ban tổ chức lại giải thích rằng: Tốt nghiệp phổ thông trung học cũng như học phổ thông trung học! Khác gì so sánh một người đã ăn xong bữa, đang xỉa răng, với một người đang dùng bữa, chỉ có một hoạt động na ná nhau là đang tiêu hóa thức ăn thôi chứ. Có thể hiểu đây là giải theo kiểu mình thích.

Chuyển sang lĩnh vực thể thao, để chuẩn bị cho thế vận hội Olympic 2008, chúng ta đã tiêu tốn hàng trăm ngàn đô la và tổ chức, tham gia các giải thi đấu cọ xát trong và ngoài nước, kể cả tập huấn dài ngày cốt để làm quen với tâm lý nước ngoài và tích lũy kinh nghiệm. Nhưng sau khi bỏ tiền của, công sức, thời gian ra đầu tư lại thu được sự không thành công với giải thích là do tuyển thủ thiếu kinh nghiệm và tâm lý thi đấu không tốt. Giải quanh có thế khác gì tu hú là chú chim ri, chim ri là dì sáo sậu.

Chuyện xây dựng giao thông cũng vậy, cầu vượt xây xong vắng hoe, ít người dùng mà cứ lao ngang đường, ta giải thích rằng ý thức giao thông kém, nhưng hầm Thủ Thiêm đang đúc đã đứt ngang dọc thì các nhà thầu đổ lỗi cho khí hậu và xi măng không hợp mới kỳ lạ, vì đây đâu phải là công trình đầu tiên thi công tại nước ta. Hay mỗi đoạn đường 1300m Cát Linh – La Thành kéo dài đến 7 năm ròng vẫn chưa xong vì không giải phóng được mặt bằng? Nhà ga sân bay quốc tế Nội Bài dột tứ tung được giải thích là do vật liệu và kiểu dáng không phù hợp, thế mà sao cứ làm. Muốn giải lắm nhưng làm sao thích được. Vừa có quy định của thành phố là cấm bán hàng rong từ ngày 1- 7, nhưng người đi bán dạo vẫn đông vui nhộn nhịp và họ vẫn lách luật, chọn giờ lành đi bán rong…như thường, thế là phố xá nguyễn y vân. Việc này xem ra cũng sắp giống như cái 36/CT mất thôi. Vấn đề trách nhiệm do đâu, vì sao nên nỗi đợi giải thích còn khó dài dài.

Trong lĩnh vực ngoại hối, rõ ràng giá vàng thế giới lên cao, ta hội nhập rồi cũng phải lên theo, khi giá vàng thế giới giảm thì ta lại ngậm ngừng đứng ở ngưỡng cao hơn quốc tế cả triệu bác ấy, rồi 100 ngàn đồng/ chỉ. Tại sao người tiêu dùng biết thiệt đó mà không dừng mua để người kinh doanh hiên ngang giữ giá cao. Việc này không ai muốn giải thích, có thể vì tế nhị. Đến chuyện thực phẩm thì quá sốc. Giá sữa ở Việt Nam cao nhất thế giới vẫn có thể chấp nhận cách hiểu: Trích một phần tiền ấy cấp sữa cho trẻ em nghèo, vậy nước ta có cả ngàn bờ biển km sao lại phải nhập khẩu muối ăn? Còn định mức 30% bột đá chưa qua kiểm định trộn vào kẹo đưa ra thị trường thì chắc hẳn dư luận không muốn chấp nhận lời giải thích nào. Tiếp tục dăm ba câu hỏi chẳng hạn giá nhà đất cao thứ nhì thế giới, giá ô tô của ta cao nhất thế giới, ấy vậy mà tiền lương của ta nằm ở trong nhóm thấp nhất thế giới. Tại sao lại có sự mâu thuẫn lạ lùng như vậy? Đắt thế tiền đâu mà mua? Đừng lo bò trắng răng vì người ta còn tranh nhau trả thêm tền đẻ mua trước ô tô chạy tết và nhà đất bị bán hết sạch trên giấy từ khi dự án chưa ráo mực. Giải thích hiện tượng này gian nan lắm, đến các nhà kinh tế lỗi lạc Âu, Á còn lắc đầu ngán ngẩm thì làm sao ta cất lời? Nên chăng xem lại một trò chơi giải trí trên TV đơn giản hơn, Ai là triệu phú có nhóm tư vấn tại chỗ, thường không phải đáp an đa số đúng, thiểu số sai và có khi tư vấn sai hết cả! Câu hỏi đặt ra đơn giản: Tại sao nhiều người biết rõ mình không biết hoặc không chắc chắn nhưng cứ muốn làm để sai? Rõ rằng bản thân chúng ta cũng không giải thích được chính mình!

Từ những thực tế kể trên, xem chừng những nhu cầu cần giải thích gia chuyên nghiệp vô cùng nóng bỏng, nhưng cái khó là trình độ các vị này đòi hỏi phải phù hợp với nguyên tắc vàng cung – cầu của cơ chế thị trường cơ: Thích thì giải, không thích thì không giải – giải không thích thì thôi, nếu thích thì giải mãi!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tham nhũng: Cái giá của sự thiếu công khai và minh bạch

    29/07/2006Hữu VinhCuộc chiến chống tham nhũng đã khởi động được một thời gian không còn ngắn. Nhưng dường như, càng phát động "chống” nạn tham nhũng ngày càng tinh vi hơn và những vụ tham nhũng càng lớn hơn. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu đã phải nhìn nhận: "Tham nhũng diễn ra với tính chất và quy mô ngày càng lớn, phạm vi xảy ra với diện rộng và mang tính tổ chức giữa nhiều cá nhân và đơn vị"...
  • Minh bạch và công khai

    14/01/2006Đậu Anh Tuấn - Ban Pháp chế, VCCIMinh bạch là một khái niệm khá trừu tượng. Để đo lường tính minh bạch là một công việc hết sức khó khăn. Nhiều người vẫn thường hiểu minh bạch đồng nghĩa với công khai. Thực ra, khái niệm minh bạch là khái niệm rộng hơn, nó bao gồm cả cơ hội, tính bình đẳng trong tiếp cận thông tin, tính tin cậy, nhất quán của thông tin, tính dự đoán trước được và sự cởi mở của cơ quan cung cấp thông tin...